Bước tới nội dung

Dòng dư lệ

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dòng dư lệ  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Lỡ bước sang ngang do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành. Nguyễn Bính chép lại hai câu trong "Bài thơ thứ nhất" của T.T.Kh, cũng là để gửi tặng tác giả bài thơ này của ông.

Cho tôi ép nốt dòng dư lệ.
Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.
(T.T.Kh)


Gió đưa xác lá về đường,
Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời.
Sầu thương quyện lấy hồn tôi,
Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm.
Một ngàn năm, một vạn năm,
Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ.
Tặng người gọi một dòng thơ,
Hay là dòng nước mắt thừa đêm qua.
Đường về Thanh Hoá bao xa?
Bao giờ ra nhớ rủ ta với! chàng!
Bảo rằng quan chẳng cho sang,
Ai đời quan cấm đò ngang bao giờ?

Vườn Thanh qua đấy năm xưa,
Trọ nhờ đêm ấy trời mưa tối trời.
Quanh lò sưởi ấm bên tôi,
Bên người lão bộc, nàng ngồi quay tơ.
Tuổi nàng năm ấy còn thơ,
Còn bao hứa hẹn đợi chờ một mai.
(Rồi đây bao gió bụi đời,
Tôi quên sao được con người vườn Thanh!)
Lạnh lùng canh lại sang canh,
Lòng tôi thao thức với tình bâng quơ.
Bởi sinh lạc kiếp giang hồ,
Dám đâu toan tính se tơ giữa đường.

Thu sang rồi thu lại sang,
Cúc bao lần nở, lá vàng bao rơi?
Bao nhiêu vật đổi sao dời,
Đường bao nhiêu dặm, hỡi người bốn phương!
Trọ bao nhiêu quán bên đường,
Nhưng không lần nữa qua vườn Thanh xưa.
Cô nàng năm ấy quay tơ,
(Tôi quên sao được!) hẳn chưa lấy chồng.
Một hôm lòng lại nhủ lòng:
Nơi đây giáp với cánh đồng vườn Thanh...
Rồi tôi len lén một mình,
Ra đi với những tâm tình hay hay.
Đường mòn tràn ngập bông may,
Gió heo báo trước một ngày thu sang.
Dừng chân trước cửa nhà nàng,
Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau.
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu,
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa...
Chợt người lão bộc năm xưa,
Từ đâu mang mảnh guồng tơ lại nhà.

Một hai xin phép ông già,
Trọ nhờ đêm ấy nữa là hai đêm.
Ông già nể khách người quen,
Ngậm ngùi kể lại một thiên hận tình!
Rồi ông kết: (giọng bất bình),
"Trời cay nghiệt thế cho đành? Thưa ông,
Cô tôi nhạt cả môi hồng,
Cô tôi chết cả tấm lòng ngây thơ.
Đâu còn sống lại trong mơ,
Đâu còn sống lại bên bờ sông yêu?
Buồng the sầu sớm thương chiều,
Khóc thầm biết có bao nhiêu lệ rồi.
Tơ duyên đến thế thì thôi!
Thế là uổng cả một đời tài hoa.
Đêm đêm bên cạnh chồng già,
Và bên cạnh bóng người xa hiện về..."
Rùng mình, tôi vội gạt đi:
"Già ơi! thảm lắm! kể chi dài dòng.
Cháu từ mắc số long đong,
Yêu thương chìm tận đáy lòng đã lâu.
Đau thương qua mấy nhịp cầu,
Cạn dòng nước mắt, còn đâu khóc người..."

"Dối già một chút mà thôi,
Nghe lời già kể, cháu mười đêm luôn,
Chợt thương, chợt nhớ, chợt buồn,
Cháu như một kẻ mất hồn, già ơi!"

Chuyện xưa hồ lãng quên rồi,
Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh.
Bao nhiêu oan khổ vì tình,
Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa?
Phải chăng? Mình có nên ngờ,
Rằng người năm cũ bây giờ là đây?

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)