Bước tới nội dung

Biên dịch:Di chúc văn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
(Đổi hướng từ Di chúc văn)
Di chúc văn - 遺囑文
của Nguyễn Khuyến, do Wikisource dịch từ Văn ngôn
Bài này Nguyễn Khuyến làm trước khi mất, ông Trần Tán Bình dịch ra chữ Nôm với nhan đề Di chúc.[1]. Theo tạp chí Hán Nôm số 2 -2009 thì bài này có tên là "Trị mệnh[2]".
Nguyên văn chữ Hán Phiên âm Hán Việt Dịch nghĩa Bản dịch của Wikisource

我年值八八
我數逢九九
嗟哉我德涼
壽紀邁先考
嗟哉我學淺
魁然占龍首
豈非先考齡
留以錫爾父
豈非先考名
不做以留後
平日無寸功
俯仰已慚負
足矣亦何求
死葬勿淹久
死幸得全歸
葬幸得親附
棺衾不可美
只以斂足手
具饌不可豊
只以答奔走
不可寫祝文
不可為對句
不可設銘旌
不可題神主
不可達門生
不可訃僚友
賓客不可招
賵吊不可受
此皆纍於生
死者亦奚有
惟以重吾過
囂然眾多口
惟於葬之日
旗扁導前柩
竽工八九人
吹送列左右
草草死葬完
酹我以杯酒
所得新敕憑
封還納使府
爰題某石碑
皇阮故休叟

Ngã niên trị bát bát[3]
Ngã số phùng cửu cửu[4]
Ta tai ngã đức lương
Thọ kỷ mại tiên khảo
Ta tai ngã học thiển
Khôi nhiên chiêm long thủ[5]
Khởi phi tiên khảo linh
Lưu dĩ tích nhĩ phụ
Khởi phi tiên khảo danh
Bất tố dĩ lưu hậu
Bình nhật vô thốn công
Phủ ngưỡng dĩ tàm phụ
Túc hĩ diệc hà cầu
Tử táng vật yêm cửu
Tử hạnh đắc toàn quy[6]
Táng hạnh đắc thân phụ
Quan khâm bất khả mỹ
Chỉ dĩ liễm túc thủ
Cụ soạn bất khả phong
Chỉ dĩ đáp bôn tẩu
Bất khả tả chúc văn
Bất khả vi đối cú
Bất khả thiết minh tinh
Bất khả đề thần chủ[7]
Bất khả đạt môn sinh
Bất khả phó liêu hữu
Tân khách bất khả chiêu
Phúng điếu bất khả thụ
Thử giai lụy ư sinh
Tử giả diệc hề hữu[8]
Duy dĩ trọng ngô quá
Hiêu nhiên chúng đa khẩu
Duy ư táng chi nhật
Kỳ biển đạo tiền cữu
Vu công bát cửu nhân
Xuy tống liệt tả hữu
Thảo thảo tử táng hoàn
Lỗi ngã dĩ bôi tửu
Sở đắc tân sắc bằng
Phong hoàn nạp sứ phủ[9]
Viên đề mỗ thạch bi
Hoàng Nguyễn cố hưu tẩu

Tuổi thầy gặp quẻ bát thuần (vừa hết).
Số thầy gặp quẻ dương cùng (đã hết).
Thương thay đức thầy mỏng,
Tuổi thọ lại hơn ông.
Thương thay thầy học nông cạn,
Bảng được ghi đầu rồng.
Chẳng phải ông để tuổi
Cho thầy được hưởng (hay sao)?
Há chẳng phải cái danh của ông,
Chẳng dùng mà để cho thầy (hay sao)?
Ngày thường thầy không có công trạng gì,
Ngửa lên, cúi xuống mà thẹn với trời đất.
Lúc chết được trở về toàn thân.
Được chôn trên đất gò quê hương.
Thế là đủ còn cần gì nữa.
Đồ khâm liệm không được dùng đồ tốt,
Chỉ để kín chân tay
Cỗ bàn không được sửa bày linh đình,
Chỉ đủ để mời đáp lễ người giúp đám.
Không được viết văn tế.
Không được làm câu đối.
Không được viết minh tinh.
Không được đề thần chủ.
Không được gọi môn sinh.
Không được báo bạn quan của thầy.
Không được mời quan khách.
Không được thu đồ phúng điếu.
Những thứ đó đều làm lụy người sống,
Mà không có ích gì với người chết,
Lại làm cho thầy thêm nặng lỗi
Sau này lại làm nhiều người cười chê.
Còn trong ngày đưa ma thầy,
Cờ biển của vua ban dàn đi trước linh cữu.
Thợ kèn tám chín người,
Đi hai bên thổi tiễn đưa.
Chôn thầy qua loa xong,
Rưới cho thầy một chén rượu lên mộ.
Những sắc bằng mới được cấp,
Gói cả lại, đem nộp trả phủ sứ.
Đề vào bia trên mộ:
"Ông già về hưu triều Nguyễn".

Tuổi thầy quẻ bát thuần (đã hết)
Số thầy cũng quẻ hết (dương cùng)
Đức thầy cũng mỏng như không,
Mà thầy được thọ hơn ông những là...
Học vấn thầy chẳng qua nông cạn
Đỗ được ghi lên bảng đầu rồng.
Tuổi thầy là tuổi của ông,
Để cho thầy hưởng, về cùng tổ tiên.
Danh tiếng ông cũng liền để lại,
Thầy làm nên cũng bởi ông cho.
Báo đền thầy chửa thể lo,
Trông lên, cúi xuống thẹn cho thân này.
Trở về, chết được toàn thây,
Lại còn được táng ở ngay quê nhà.
Thế là đủ kêu ca gì nữa,
Chết là chôn, chớ có để lâu.
Đồ khâm liệm chớ kỳ cầu,
Cốt là bọc kín gót đầu thì thôi.
Cỗ bàn không vẽ vời bày sắm,
Đủ mời người giúp đám thì thôi.
Không viết văn tế con ơi.
Không làm câu đối lôi thôi làm gì.
Minh tinh cũng phải bỏ đi.
Không đề thần chủ nọ kia thêm phiền.
Môn sinh thầy không nên cho gọi.
Bạn quan thầy báo với cũng không.
Không mời quan khách tây đông,
Những đồ lễ phúng trả không nhận vào.
Những thứ ấy vướng bao người sống,
Người chết rồi trông ngóng nỗi gì?
Thầy thêm tội nặng, tội gi?
Mai sau lắm kẻ cười chê luận bàn.
Cờ biển của vua ban ngày trước,
Lúc đưa thầy đem rước đầu tiên.
Lại thuê tám chín thợ kèn,
Thổi khúc đưa tiễn mỗi bên dăm người.
Chôn thầy việc đã xong xuôi,
Cho thầy một chén rượu thôi, rưới mồ.
Sắc bằng Phủ sứ mới cho,
Gói đem nộp trả, chẳng lo giữ gìn.
Bia trên mộ chỉ ghi lên:
"Ông già triều Nguyễn hưu" trên quê nhà.

   




Chú thích

  1. Thơ Nguyễn Khuyến, NXB Đồng Nai, 1994, trang 112
  2. Trị mệnh: Lời trăng trối khi còn tỉnh táo (Di chúc)
  3. Bát bát: Có ba cách giải thích, ở đây theo cách thứ ba: Bát bát là một quẻ trong kinh Dịch, là quẻ "bát thuần", một quẻ xấu không biến đổi được. Tức tuổi đời của tác giả đến đây là hết. Tạp chí "Sông Châu" (Hà Nam) đã dùng cách tính Dịch số đơn giản của dân gian tính rằng: cặp quái (quẻ) âm dương "bát bát" "cửu cửu" vế trên hai hào, vế dưới ba hào nên (8x8) = 64 và (9x9)+3=84. Cộng cả hai vế, chia đôi bằng 75. 75 chính là tuổi thọ thật của tác giả tính theo âm lịch.
  4. Cửu cửu: Quẻ dương cùng (quẻ hết). (Số dương, cửu là số cuối cùng).
  5. Long thủ: Đầu rồng, người thi đỗ tiến sĩ ngày xưa được ghi tên trên giấy vàng có vẽ đầu rồng dán trên bảng. Người đỗ đầu được ghi tên vào đầu rồng.
  6. Toàn quy: Người xưa đi xa quê, lúc chết ước sao được hai điều: một là được toàn vẹn thân xác, hai là được chôn trên đất quê hương để tránh mang tiếng là đã bị hình phạt vì tội lỗi hay vì bất hạnh nào đó.
  7. Đề thần chủ: mảnh giấy ghi tên tuổi, chức vụ, công trạng của người đã mất, bên cạnh ghi tên người thờ cúng. Mảnh ván được đặt lên bàn thờ để thờ. Phải mời người có học thức, có uy tín viết thân chủ.
  8. Ô hữu: không có gì, không được gì.
  9. Phủ sứ: Tức phủ Thống sứ của thực dân Pháp, bộ máy cai trị của chúng thiết lập sau khi chúng được triều đình nhà Nguyễn dâng đất Bắc Kỳ. Mọi việc thưởng, phạt đều do chúng quyết định, nhưng lại lấy danh nghĩa triều đình nhà Nguyễn. Nguyễn Khuyến quá hiểu âm mưu xảo quyệt này của chúng nên đã dặn con cháu sau khi mình chết sẽ đem trả những thứ chúng ban tặng để tỏ rõ thái độ bất hợp tác với chúng.


 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:

Tác phẩm này, được phát hành trước ngày 1 tháng 1 năm 1929, đã thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới vì tác giả đã mất hơn 100 năm trước.

 
Bản dịch:

Tác phẩm này được phát hành theo Giấy phép Creative Commons Ghi công-Chia sẻ tương tự 3.0 Chưa chuyển đổi, cho phép sử dụng, phân phối, và tạo tác phẩm phái sinh một cách tự do, miễn là không được thay đổi giấy phép và ghi chú rõ ràng, cùng với việc ghi công tác giả gốc.

 

Tác phẩm này được phát hành theo các điều khoản của Giấy phép Tài liệu Tự do GNU.


Điều khoản sử dụng của Wikimedia Foundation yêu cầu văn bản được cấp phép theo GFDL được nhập sau tháng 11 năm 2008 cũng phải cấp phép kép với một giấy phép tương thích khác. "Nội dung chỉ khả dụng trong GFDL không được phép" (§7.4). Điều này không áp dụng cho phương tiện phi văn bản.