Duyên số

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Duyên số
của Thạch Lam

Ăn cơm xong, chúng tôi bắc ghế ngồi trong vườn. Anh Vân, chủ nhà, đang loay hoay pha mấy chén cà phê, mùi thơm phảng phất bốc trong không khí yên lặng.

Đã hai năm nay anh Bình và tôi mới lại gặp Vân.

Ba chúng tôi là bạn bè rất thân mật. Nhân nói tới việc anh Vân mới cưới vợ, câu chuyện cứ quanh quẩn về việc vợ con và lập gia đình.

Bình nói:

- Tôi chỉ ước sao được một người vợ tuyệt đẹp thế là đủ.

Tôi tiếp:

- Tôi cũng ước như vậy.

Vân đáp:

- Người đẹp thì vẫn hay lắm. Nhưng tôi thì tôi cho việc vợ chồng chẳng qua là duyên số.

Chúng tôi phì cười:

- Anh này bây giờ thành ông thầy tướng chắc! Duyên số là cái quái gì mới được chứ?

- Là một sự bí mật không ai hiểu, mà chính tôi cũng không hiểu. Các anh hãy lặng yên để tôi kể câu chuyện của tôi cho mà nghe.

Nói xong, Vân điềm nhiên, thong thả châm điếu thuốc hút, rồi thong thả kể như một ông cụ:

- Chắc các anh cũng rõ, trước kia, tôi cũng lãng mạn như những người trẻ tuổi khác. Nghĩa là bình sinh chỉ ao ước được một người tuyệt thế giai nhân, như Tây Thi chẳng hạn để sánh vai, kề gối thì mới mãn nguyện. Mà việc ấy riêng đối với tôi thì lại có thể dễ dàng lắm, vì nhà tôi giàu, mẹ tôi lại chiều chuộng. Chỉ còn việc đi tìm người đẹp nữa là xong. Tôi bèn đi khắp thành phố Hà Nội, trong lòng tâm tâm niệm niệm sẽ tìm được con người trong lý tưởng.

Một hôm trong hội chợ tôi vào xem một gian hàng thêu. Lúc quay ra gặp ngay một bà cụ già tóc bạc phơ, với lại, đứng đằng sau... một cô gái.

Thoạt mới nhìn đôi mắt cô ta, tôi choáng váng như người nhắp cốc rượu mạnh. Thế rồi tôi yêu cô ta ngay, yêu tha thiết, yêu say đắm, không biết thế nào mà tả được. Tôi không biết rõ mặt mũi cô ta ra sao nữa, vì mỗi lần nhìn thì lại bị đôi mắt đen huyền ảo của cô ta làm choáng váng. Nhưng điều tôi chắc chắn, là cô ta rất đẹp. Ở hội chợ ra, tôi cứ theo riết cô ta và bà cụ về đến tận nhà, và sau khi đi đi lại lại trước nhà cô ta cho mãi đến 9 giờ tối, tôi mới chịu bỏ ra về.

Từ đấy, không ngày nào là tôi không đến đứng ở đầu phố hay qua nhà cô ta để mong được gặp mặt. Có khi đứng yên lặng hàng nửa giờ dưới mưa gió, tôi vẫn kiên gan không hề phàn nàn, chỉ mong nhìn mặt cô ta một lần cho đỡ nhớ. Bây giờ nghĩ lại độ ấy thật gian nan khó nhoc hơn một người đi lính.

Tuy vậy mà ba tháng đã trôi qua, tôi vẫn chưa tìm được cách nào để tỏ cho cô ta biết rằng tôi yêu cô ta, mà tôi cũng chưa rõ cô ta có để ý đến tôi không.

Trong lúc tôi đang mê mải về cô thiếu nữ ấy, một hôm mẹ tôi gọi đến bảo:

- Anh đã muốn lấy vợ chưa?

- Con ấy à? Rất sẳn lòng.

- Thế thì hay lắm. Tôi đã tìm được cho anh một chỗ rất môn đăng hộ đối, mà nhà lại giàu. Bà cụ là bạn cũ của tôi, còn cô ta...

Tôi không để cho mẹ tôi nói hết:

- Mẹ cứ để con chọn lấy, không cần gì giàu nghèo hay sang trọng, miễn là người ý hợp tâm đầu với con là được rồi.

- Nhưng anh có biết mặt cô này đâu. Cô ta ngoan ngoãn, có vốn liếng, mà cũng xinh đẹp.

Tôi nghĩ đến cái nhan sắc lộng lẫy của người vẫn mơ tưởng, nên không thiết gì bàn luận nữa. Mẹ tôi cũng chiều tôi không ép, nhưng còn tiếc:

- Không đám nào hơn đám này đâu, anh ạ. Nếu anh bằng lòng thì được ngay.

Tôi đâm gắt:

- Thì con đã xin mẹ cứ để mặc con mà lại! Con sẽ chọn lựa lấy được người hợp ý.

Trong bụng tôi định, hễ làm quen được với thiếu nữ kia, là sẽ nhờ mẹ tôi đem trầu cau sang hỏi. Cái địa vị và sự giàu có của tôi chắc sẽ cho tôi được mãn nguyện.

Mẹ tôi không nói gì nữa. Nhưng một tuần sau, bà cụ lại giở đến câu chuyện cũ:

- Thế nào anh nghĩ kỹ chưa? Cứ nghe tôi bằng lòng đám này đi, không còn thì muộn mất. Vì người ta cũng đang có nhiều người hỏi lắm.

- Hỏi thì hỏi, càng hay. Mẹ cứ để mặc con.

Mẹ tôi phát dỗi:

- Ừ đấy thì để mặc anh. Tôi không nhọc xác!

Từ đấy, mẹ tôi không đả động đến câu chuyện ấy nữa. Tôi mừng rỡ đem hết trí nghĩ để tìm cách thu phục con người đẹp đẽ kia, nhưng vẫn chưa có dịp tốt nào. Chỉ biết thêm được tên cô ta là Bảo.

Một buổi chiều về nhà, mẹ tôi chỉ mấy cái bánh chưng, bánh dầy bọc lạt đỏ, mà nói:

- Đây là cái đám hôm nọ tôi nói chuyện người ta biếu. Đấy, bảo anh, anh cứ lần khân không lấy, bây giờ người ta đi lấy chồng rồi. Thật đáng tiếc.

- Mẹ cứ nói vậy chứ tiếc quái gì. Thiếu gì nơi còn hơn thế nữa.

- Đành vậy. Nhưng cô Bảo này thật là được cả người lẫn nết.

Tôi sửng sốt hỏi:

- Mẹ nói cái gì? Cô Bảo à? Có phải cô Bảo nhà ở ngõ Gia Hưng không?

- Có còn cô Bảo nào nữa. Anh cũng không biết ư?

Tôi choáng váng không nghe thấy gì nữa, trống ngực đổ dồn như người bị cảm. Để mẹ tôi ngạc nhiên đứng đấy, tôi vùng chạy một mạch đến ngõ Gia Hưng, quả nhiên thấy trước nhà người vẫn mơ ước, xác pháo giải đỏ cả thềm. Qua bức mành, tôi thấy trong nhà đèn nến thắp sáng và có tiếng người ăn uống.

Thì ra cô Bảo của tôi đã đi lấy chồng thật!

Từ đó, tôi thất vọng, buồn rầu, không thiết gì nữa. Mẹ tôi lo sợ, vội hỏi cưới ngay cho tôi một người ở thôn quê. Lần này, khi mẹ tôi ngỏ ý, tôi nhận lời ngay, cũng không buồn đi xem mặt người con gái nữa. Thế rồi mấy tháng sau thì cưới.

Anh Vân ngừng lại. Ở trong nhà một người đàn bà mặc áo dài trắng bước ra, tay cầm cái ấm chè. Khi đến gần, sẽ cuối đầu chào chúng tôi rồi pha nước vào chén. Tôi nhìn thật kỹ, thấy người đã đứng tuổi, vẻ mặt xấu xí như những đàn bà nhà quê thường thấy. Anh Vân khẽ giới thiệu:

- Đấy, nhà tôi đấy.

Khi người đàn bà đã bước vào nhà, anh ta thở dài nói:

- Thế mới biết vợ chồng là việc duyên số không biết thế nào mà định trước được. Tuy vậy mà tôi với nhà tôi hợp ý nhau lắm, trong gia đình rất thuận hòa. Biết đâu, nếu tôi lấy cô Bảo kia, rồi sau lại không được như thế?

Phải, biết đâu? Chúng tôi còn đồng thanh tỏ cho anh Vân biết rằng cũng đồng ý với anh về chỗ ấy, và hết sức an ủi cho anh hiểu rằng chỉ có sự hò thuận trong gia đình là đáng quý giá hơn hết.

   




Chú thích

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)