Bước tới nội dung

Duy tân (Bích Khê)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Duy tân.
Duy tân  (1939) 
của Bích Khê

Đường kiến trúc nhịp nhàng theo điệu mới
Của lời thơ lóng đẹp. Hạt châu trong
Hạt châu trong ngời nhỏ giọt vô lòng[1]
Tràn âm hưởng như chiều thu sóng nắng.
Trong vòm xanh. Màu cưới màu, bình lặng,
Gây phương phi: chiếu sáng ngả sang mờ
Vì hình dung những sắc mát, non, tơ,
Như mặt trời mọc qua khóm liễu, một
Hoàng hôn. Ôi đàn môi, chim báu tới:
Chữ biến hình ảnh mới, lúc trong ngâm
Chữ điêu khắc, tỉa nghệ thuật sầu câm,
Đầy thẩm mỹ như một pho thần tượng.
Lúc trong ngâm, giữa kho vàng mộng tưởng,
Múa song song khiêu vũ dưới đêm hồng
(Những con cừu tim trẻ mướt như lông
Nên da thịt lên làn sa lụa mỏng,
Mỗi con cừu bốc lên men hy vọng...)
Thơ nhịp nhàng ý nhị nhịp theo Thơ.
Tôi cắn vào trái bổ vỏ xanh mơ
Tìm chất quý thơm tinh mùi khoái lạc
Bằng hơi mộng, trong hàm răng, tản mác
Mộng?
            Thiên tài?
                         Trên hỗn độn khoả thân
Đẹp tỉ mỉ, hỡi Rung động truyền thần
Ròng âm nhạc của lòng trai ấp mái
Người hoạ điệu với thiên nhiên, ân ái
Buồn, và xanh trờị (Tôi trôi với bờ
Êm biếc - khóc với thu: lời úa ngô
Vàng... khi cách biệt - giữa hồn xây mộ -
Tình hôm qua - dài hôm nay thương nhớ,
Im lặng nhìn bông ý, lặng lờ lên
Những dáng hình thanh khí...) Giữa mông mênh,
Đường nhiếp ảnh, sắc khua màu - Tiếng thở
Hỡi hội hoạ, đến muôn đời nức nở.

Ta nhịp nhàng ý nhị nhịp theo ta
Lời nối lời bố thí lộc Tinh hoa
Của Âm điệu, mơ màng run lẩy bẩy
Một hỗn hợp đẹp xô bồ say dậy
Bằng cảm tình, bằng hình ảnh yêu thương
Và mới mẻ - trên viễn cổ Đông phương!
(Ai có nghe sức tiềm tàng bí mật?)
Thơ loã thể! - Giai nhân tuần trăng mật,
Nữ thần ơi! Ta nô lệ bên người!

   




Chú thích

  1. Hai câu thơ này sau được sửa lại thành:
     
    Của lời thơ lóng đẹp. Tiếng ươm hương
    Tiếng ươm hương hoà nhạc vận du dương

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)