Gái trả thù cha/Cuốn thứ nhứt/Lời tựa
Phàm làm thi là một việc rất khó, mà làm thi không chữ lại càng khó hơn; dịch sách cũng là một việc thiệt khó, mà dịch sách không chữ lại càng khó hơn nhiều nữa.
Thi không chữ là tranh họa, còn sách không chữ là hát bóng.
Vả hát bóng là chỗ để làm cho ta mở mang tri thức, lại cũng là chỗ để cho ta giải muộn, tiêu sầu; vì trong ấy người ta dùng máy chớp ảnh mà phô bày ra nhiều phương thiệt-nghiệp như là: Nghề làm sắt, nghề làm giấy, nghề làm đường, nghề làm rượu nho, nghề làm bánh sữa, nghề làm dầu lữa, cùng là nghề làm ruộng trồng cây v... v... Nói tóm một lời là toàn những nghề cần ích trong buổi cạnh-tranh nầy.
Có nhiều lúc lại còn tả rỏ ra những san xuyên phong cảnh bên Âu-châu, Mỷ-giới và khắp hết trong ngũ đại-châu, ta bà thế-giới; tưỡng khi trọn một đời ta cũng khó mà trông mong lịch thiệp cho cùng cho khắp được.
Nhưng hể ta thường vào mấy nơi rạp hát bóng rồi thì ắt sẻ được thấy những san-xuyên phong cảnh, thảo mộc nhơn vật khắp cả toàn cầu, thì có khác chi như thân lịch kỳ cảnh; nó làm cho ta hoan tâm duyệt mục là dường nào!
Bởi thế cho nên, chẳng có chi thích chí tôi hơn cho bằng xem hát bóng. Có xem hát bóng mới được thấy nhiều sự ly-kỳ huyễn-biến của quân đạo-tặc, nhiều việc cơ-trí nhiệm mầu và khí đỡm hào hùn của nhà trinh-thám bên Âu bên Mỷ, đáng ghê đáng sợ, đáng kính đáng khen là dường nào!
Nhưng xem rồi mà hiểu lấy biết lấy một mình, thì chẳng có ích cho ai, nên tôi cũng liều chút công dư mà kí-thuật sự tích của một cô thiếu-nữ kia, vừa có vẽ xinh-đẹp, vừa có đỡm lược hào hùn và một viên Lục-quân Thiếu-tướng nọ, tuổi trẽ mày xanh, dung nghi tú nhã, trí dỏng lưỡng toàn, cã hai đều đồng tâm hiệp lực với nhau mà trừ được một đảng cường-đạo rất bí mật, rất gớm ghê; để hiến trình cho hải-nội chư quân-tữ nhàn quan hỉ duợt.
Mậu-thân-niên, Trọng-Thu. Vọng-nhựt, (1920).
NGUYỄN-CHÁNH-SẮT, tự.