Gương sử Nam/Thiên thứ ba
THIÊN THỨ BA
Nói về nước ta lấy nước Siêm-thành cùng nước Chân-lạp.
Nước ta từ thủa vua Triệu-Đà dựng nước, thì đất Nam-hải, đất Quế-lâm, đất Tượng-quận đã là hợp làm một nước, bờ cõi thực là rộng rãi.
Từ khi phải nhà Tây-Hán kiêm tính, chia làm chín quận; nhà Ngô lại chia làm Quảng-châu với Giao-châu.
Đến đời vua Đinh Tiên-hoàng dựng nước, thì đất nước ta chỉ còn đất Giao-châu, đất Cửu-chân, tức là đất Bắc-kỳ cùng là đất Thanh-hóa, đất Nghệ-an, đất Hà-tĩnh vậy.
Bờ cõi hẹp nhỏ như thế, nếu mà không mở mang ra, thì không nên ra được một nước nhớn.
Mà xem lại nước ta, phía bắc thì giáp với nước Tầu là một nước to nhớn, dẫu rằng ở trong có tự-chủ được nữa, ở ngoài cũng phải giữ sự phục tùng. Thế thì đại-thế nước ta chỉ được mở mang về phía nam mà thôi. Mà giáp phía nam nước ta là nước Siêm-thành: giáp nước Siêm-thành là nước Chân-lạp.
Xét ra nước Siêm-thành riêng ra một nước là đời vua Hòa-đế nhà Hán, theo lịch tây là năm 103. Mà nước Chân-lạp lại triều-cống nhà Đường, là đời vua Tuyên-tôn, theo lịch tây là năm 858.
Còn nước ta tự-chủ được, mới từ đời vua Đinh Tiên-hoàng, lịch tây là năm 973.
Thế thì hai nước ấy vuỗn đã trước nước ta mà tự-chủ vậy.
Tuy thế hai nước ấy dẫu có tự-chủ được trước, mà không có học hành, vuỗn còn mọi rợ. Nước ta dẫu có tự-chủ về sau, mà học hành càng ngày càng tấn, cũng đã theo dõi sự văn-minh nước Tầu. Lấy loài văn-minh mà hóa loài mọi rợ, tưởng cũng là nhẽ giời phải nên làm như thế.
Bây giờ ta kể từ khi bắt đầu đánh nước Siêm-thành, cho đến khi lấy hết đất Siêm-thành cùng đất Chân-lạp, chia làm ba kì, kể ra như sau này: