Bước tới nội dung

Giọt máu chung tình/Hồi thứ mười bốn

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

Đến hoa-viên gia chũ gặp thơ-đồng

Từng nam quang Đông-Sơ dâng thánh chĩ

Khi Đông-Sơ qua tới Tây-viên đứng trước tường thành ngó vào tư thất của Tiễu-thơ, thì tư bề vắng vẻ, chẳng thấy một ai, rồi ngó ra Lương-đình là chỗ hội ngộ cùng Tiễu-thơ ngày xưa, bây giờ chỉ thấy cữa đóng then gài, hoa rơi lá rụng, duy có một vài con chim sẽ-sẻ đậu trên nhành cây, thỏ thẻ giọng buồn, tiếng kêu chóc-chóc. Rồi ngó lại Quan-âm-các thì thấy vài cụm dương chi tịch-mịt, ít mãnh liễu-yếu lơ-thơ, và nhắm trước xem sau, thì cái mãnh yễu-điệu hồng-nhan ngày xưa, chẳng biết cớ gì mà biệt tin biệt dạng. Chỉ còn thấy một vài đóa hoa đào giả-dượi, bị mấy phen gió táp mưa sa, làm cho phấn lợt hương tàng, dường như buồn nổi vườn-xuân vắng chũ. Ấy là:

Nhơn diện bất tri hà xứ khứ,
Đào ba y cựu tiểu đông phong[1]

Thật là tình cãnh rất buồn bực ưu sầu, làm cho Đông-Sơ bưng-khuân cám cãnh đau lòng, đứng trước tường thành mà sững sờ ngơ ngẩn.

Bỗng thấy phía kia một người xâm xâm chạy tới kêu Đông-Sơ và nói rằng: « Chào quan-nhơn, bấy lâu tôi có lòng trông đợi quan-nhơn, may thay! Ngày nay mới đặng tớ thầy hội ngộ.

Đông-Sơ nhìn lại thì thầy Thơ-đồng là đứa ở với mình khi trước, liền mừng và hỏi: Bấy lâu mi ở đâu? Và có đều chi lạ chăng? Nói cho ta rỏ với.

Thơ-đồng nói: Từ quan-nhơn phụng-mạng đi dẹp quân hải-khấu nơi biễn Đông-dương, thì tôi qua ở với Bạch-công-tử coi sóc cái hoa-viên nầy, mà thê thân độ nhựt đặng đợi quan-nhơn trở về. Chẳng dè ngày nay đặng gặp quan-nhơn tại đây, thầy tớ trùng phùng, thì lòng tôi biết bao mừng rở.

Đông-Sơ nói: Mi ở đây với Bạch-công-tử mà mi có rỏ việc Tiểu-thơ ra thế nào chăng?

Thơ-đồng bèn thuật chuyện Công-tử gả ép Tiễu-thơ cho Vương-Bích. Tiểu-thơ chẳng chịu, nữa đêm trốn đi. Tiễu-thơ biết tôi là người ở với Quan-nhơn khi trước, và đem lòng tin cậy, nên trước bữa đi, có trao cho tôi một cái mật thơ, và dặn tôi chờ quan-nhơn trở về, thì giao cho quan-nhơn khai khán. Nói rồi thò tay vào túi lấy phong thơ trao cho Vỏ-đông-Sơ. Đông-Sơ lật đật giở thơ ra xem thì thấy nói như vầy:

« Từ khi lang-quân quang hà tách dặm, gánh vát một trách nhậm cực nhọc nơi chốn hải-giác biên thùy. Thiếp ở nhà chỉ gìn một lòng trực tiếc cô phòng, xem tháng dường năm; đã mỏi mắt phương trời, trông cho Lang-quân trở bước khải hoàn, hầu tính cuộc lương-duyên giai-ngẫu. Chẳng dè gặp cơn gia biến. Nghiêm đường rũi lâm trọng bịnh sớm biệt cỏi trần. Trong khi thủ hiếu cư tang, phận sự làm con như thiếp, giọt nước mắt sầu bi, chứa chang chưa ngớt. Anh thiếp đã chẳng dò trong lóng đục, lại ưa theo việc phi nghĩa tiền tài, rồi đem thiếp mà gả cho kẻ lãng hạnh phong tình, xem dường một hàng buôn hương bán phấn.

« Thiếp nghĩ vì thiếp đã đem thân liễu-bồ nhược chất, mà ký thác duyên phận cho Lang-quân, dầu gặp cuộc bất trắc thế nào, thiếp cũng gìn một đá vàng, chẳng hề dời lòng đổi dạ.

« Vì vậy thiếp đã từ hôn tỵ thú, nữa đêm tạm kế thoát thân. Nay thiếp vì ơn tri ngộ của Lang-quân ngày xưa rất nặng nề, nên chẳng nài cực khỗ trong khi gối tuyết nằm sương. Thiếp chĩ vái cùng Cao-xanh cho cái vóc liễu yếu đào thơ nầy thể tráng thân cường, thì thiếp cũng liều nhắm mắt đưa chơn, chẩm hẩm bước lên đường lưu lạc phong trần, mà chờ lang-quân cho trọn lời thệ ước, dẩu thiên-sơn vạn-hải thiếp cũng cam lòng, chĩ quyết quảy một gánh biệt hận ly sầu nơi vai, và chìm nổi linh đinh nơi biển khỗ tình nầy, đặng xem cơ tạo-hóa điên đảo thế nào cho biết.

« Như Lang-quân chẳng phụ lời xưa thệ ước, trong khi dưới nguyệt bên hoa, thì xin đến tĩnh thành Hải-ninh hỏi nhà di-mẩu của thiếp là Mả-thị phu-nhơn, là nơi thiếp ký túc thê thân, đặng mà chờ ngày cùng lang-quân trùng phùng hội diện. »

Ký tên BẠCH-THU-HÀ đốn bái.

Thơ tuy vắn tắc, mà từ lý rất thâm trầm. Đông-Sơ đọc rồi thì khiến cho khúc ruột chung tình, chẳng dần mà đau, chẳng vò mà rối. Làm cho: Bưng khuân nhớ cảnh nhớ người, nhớ nơi kỳ ngộ nhớ lời ước giao.

Nghỉ chừng nào thì càng cãm thương Tiểu-thơ là một phận đài các hồng nhan, lầu son má phấn, ngày nay vì một chung tình mà phải ra thân lưu lạc giang-hồ, linh đinh thuyền bá, trôi nổi theo lượng sóng nghiệt hải phong đào, chưa biết bao giờ mới đặng vào bến trùng phùng mà vầy duyên cá nước.

Đó rồi Đông-Sơ day lại nói với Thơ-đồng rằng: Nay ta nhứt định đi tìm kiếm Tiễu-thơ, chưa chắc trú ngụ nơi nào, vậy mi hảy tạm ở lại đây ít lâu, ngày sau sẻ toan bề tái hội. Thầy tớ bịnh rịnh một hồi, rồi Đông-Sơ vội vả trở về ngụ sở, và tính xin phép nghĩ đặng tìm kiếm Tiễu-thơ.

Khi về tới dinh thì có Thánh-chỉ Hoàng-thượng ban phong cho Đông-Sơ làm chức Khinh-xa-đô-húy, và sai đi tuần thủ mé Nam-quang, đặng phòng binh của Thanh-triều xâm-loạn.

Đông-Sơ đặng Thánh-chĩ ân thăng chức Đô-húy, và sai đi tuần thú Nam-quang, thì lòng mừng phới phở, mừng là mừng nay đặng Triều-đình trọng dụng, chức phận vinh vang, và lấy theo lời trong thơ, thì chắc Tiễu-thơ đến Hải-ninh mà trú ngụ nơi nhà dì là Mả-thị Phu-nhơn. Vậy thì cũng một diệp rất may mắng cho mình, đặng đi ngang qua tĩnh ấy mà tìm kiếm Tiễu-thơ luôn thể, đó rồi sắm sữa hành-lý, và vào dinh từ tạ Lê-Công, rồi đi với hai tên quân-nhơn theo đường Hải-Ninh thẳng tới.



  1. Người tình chẳng biết đi đâu không thấy mặt, chỉ thấy hoa đào cười gió đó mà thôi.