Giai nhân di mặc/VIII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

ĐOẠN THỨ VIII

Bực chồng chung xỉ phận tôi đòi,
Khóc quan Phủ trọn niềm trinh tiết.

Đến hôm cưới, Xuân-Hương cũng không làm gì. chỉ mời năm ba người chị em thân đến ăn cơm, Một chốc thấy bà hậu đưa đồ dẫn cưới đến đón Xuân-Hương về.

Quan hậu vừa cưới được Xuân-Hương về rồi, liền có chỉ được bổ Tri-huyện, quan ông đi phó lỵ, quan bà cũng đem cả Xuân-Hương đi, khi têm giầu, khi quấn thuốc, chè thang bánh trái, trong nhà cơm nước khách khứa, bà lớn cả không phải nhìn chi đến, chỉ mặc cô hai mà cũng đâu ra đấy cả.

Cô hai cậm cụi cả ngày, hết hầu quan ông, lại đến quan bà, tối đến lại thui thủi nằm riêng buồng ngoài.

Quan huyện từ khi cưới Xuân-Hương về rồi, càng thấy Xuân-Hương nết na lại càng yêu giấu; nhưng ban ngày thì bận về việc quan khách khứa; tối đến vào tư-thất nằm nghỉ, thì quan bà lại nằm kề giường bên, hễ hơi nghe tiếng sột sạt giầy, thì bà lớn lại dặng hắng lên hai ba tiếng. Quan ông lại nằm xuống nín thin-thít.

Xuân-Hương ở buồng nhà ngoài, lắm khi suốt đêm không ngủ, chỉ thương mình duyên phận hẩm hiu, đã lắm phen chịu cay chịu đắng, chẳng hay đầu xanh có tội tình gì, má hồng đền quá nửa thì chửa thôi? Nay đã chịu đem thân ăn cạnh nằm kề, mà lại thấy lắm điều khe khắt. Nhưng nghề đời, ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng? Vậy thì ta cứ khéo chiều quan bà, rồi quan bà cũng có ngày biết mình, mà đổi lòng ghen ghét. Xuân-Hương nghĩ vậy cũng nguôi nguôi lòng. Nhưng chỉ hối rằng thân mình đã tu mà tu không trót. Vậy có thơ rằng:

Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Năm thì mười họa, nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần, có cũng không.
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhẻ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong!

Xuân-Hương vịnh xong lại nghĩ thấm thía thân mình nhỏ mọn, thở dài thổn thức, nước mắt chứa chan, trông ra giời đã rạng đông, phải thức dậy trước, để trông coi quét dọn cửa nhà, từ bấy giờ cứ việc thức khuya dậy sớm, giúp đỡ việc trong, thôi cũng chẳng ngõi gì đến sự quan lớn phè phỡn với mình nữa.

Bà lớn khi ấy cũng đã có tuổi về cõi già rồi, thấy Xuân-Hương nết na ngoan ngoãn, mà việc nữ-công cũng khéo, bánh trong bánh lọc, may vá thêu thùa, đều là giỏi cả. Vậy bà lớn càng yêu lại càng nể, không có ý ghen tuông như trước nữa.

Khi ấy quan ông làm Tri-huyện đã lâu, mà chính sự cũng giỏi, đã có kỷ-lục khen hai ba lần, sực có chỉ được thăng bổ Tri-phủ Vĩnh-tường. Bà cả bấy giờ mới thu sếp về nhà quê, trông nom ruộng nương, giao phó cho cô hai theo quan lên phủ-lỵ. Còn bà ấy thì thỉnh thoảng năm ba bữa nửa tháng mới lên phủ một lần.

Xuân-Hương từ khi được theo lên phủ Vĩnh-tường, tha hồ muốn sao được vậy, khi thong thả lại giở túi thơ ngâm vịnh với quan ông, cũng đường phết ra dáng cô phủ!

Một ngày kia, đang mùa quí-thu, giời lún phún năm ba hạt mưa, hơi ngăm ngăm rét; quan phủ nhân vô sự, mới sai bầy cuộc rượu, cho gọi cô hai ra cùng ngồi uống rượu, để vịnh thơ. Xuân-Hương vâng nhời ra ngồi hầu chuốc rượu. Đương khi chén quỳnh đầy vơi, chiều thu hiu hắt, quan phủ liền bảo Xuân-Hương vịnh bài tức cảnh.

Thơ rằng:

Thánh thót tầu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu xơ!
Xanh om cổ-thụ tròn xoe tán,
Trắng xóa tràng-giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt nặng vì thơ.
Ồ hay cảnh cũng ưa người nhỉ?
Ai thấy ai mà chẳng ngẩn ngơ!

Xuân-Hương vịnh xong, nâng chén chuốc rượu đọc lên quan phủ nghe. Quan phủ vỗ đùi vỗ vế khen bay, ngâm đi ngâm lại mãi câu kết: Ai thấy ai... mà....!

— Ngâm rồi lại vỗ vào đùi non cô ta đánh bộp một cái!

Xuân-Hương thấy quan đã say, mới mời ngài vào nhà trong, quạt màn đi nghỉ.....

Khi thong thả, Xuân-Hương lại đi chơi các chùa gần đấy để vãn cảnh. Một hôm vừa gặp ngày rằm tháng giêng, người đi lễ bái các chùa đông như kiến, nhất là các điện chư-vị, điện nào cũng chập cheng lên đồng phán bảo sự nọ sự kia. Xuân-Hương thường gặp người chị em bạn đến cầu cúng lễ bái điện kia.

Nguyên người ấy là bạn thiết với Xuân-Hương thủa bé, lấy chồng nhà cự-phú, đã đôi ba năm rồi mà chưa thấy sinh đẻ lần nào, tính hay mê về sự đồng bóng, vậy ngày rằm nào cũng đến điện kiều cúng để cầu tự. Bóng cô phán rằng: « Hễ thấy kiến hiệu thì phải lễ tạ ngay. » Ít lâu chị ta thấy tắt kinh, tưởng là cầu tự đã có thai, nhân ngày rằm mới sửa lễ tạ tam-phủ. Chị ta gặp Xuân-Hương bảo rằng:

— Tôi với chị cùng muộn mằn, nên thành tâm cùng làm tôi của thánh là hơn

Liền dắt Xuân-Hương đến điện lễ bái, đàn hát chầu văn, kiều bóng; một lát, bóng cô phe phẩy ngất ngưởng ngự đồng lên, hiến giầu, hiến hương xong rồi, ỏn ẻn nói:

— Chế.., chế.., tiễu đã biếc cô nặng bé coong cho tiễu chữa..?

— Tấu lạy cô, tiểu đã biết công cô rồi, nhưng tiểu không biết rằng sinh giai, hay là gái?

— Cô.., cô.., bão cho mà biếc, cô mới nặng cho coong gái, giá tiễu ở hếc lòng mấy cô, Chì... chì... cô.. cô.. nại... nại... thêm... thêm... tí hõi bộc mà nặng cho.....

Chị ta mừng lắm, chấp tay: « Na mô a di đà phật...! »

Bóng cô vuôn vai hú lên một tiếng rồi thăng.

Chị ta cùng Xuân-Hương cùng về. Xuân-Hương rủ cùng đi chơi chùa Hương-tích. Chị ta nghe nói chùa Hương, ai đến cầu tự cũng linh, liền hứng tình đi ngay. Khi vào đến chùa trong, Xuân-Hương đi dạo xem phong cảnh chỗ nọ chỗ kia, vậy có đề thơ tả cảnh rằng:

Bày đặt vì ai khéo khéo phồm?
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom.
Người quen cõi phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Giọt nước hữu-tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô-trạo cúi lom khom.
Lâm-tuyền quyến cả phồn hoa lại,
Rõ khéo giời già đến dở dom!

Còn chị kia thì chỉ chăm chăm về sự lễ bái nam mô tụng niệm theo đủ lễ ngũ-bách-danh; rồi ra chỗ đá cô, đá cậu, hết xoa đầu cậu nọ lại đến cậu kia, rủ rê rằng: « Cậu về mấy tôi rồi tôi mua quà cho cậu ăn nhé..! » Lễ bái xong rồi giở ra về, khi qua đò suối, lại giả thêm tiền cho nhà đò một suất cậu nữa; ra đến bến Đục, vừa bước chân xuống đò mệt quá, lại thấy kinh ục ra. Chị ta về tới nhà, liền đến điện kiều bóng cô lên hỏi.

Bóng cô lên phán: « Thôi, cô biếc rồi, tiễu lại đi nịnh cã hai chào, có, có có phãi không? chì, chì cô, cô phạc đấy. »

Chị ta về phàn nàn với Xuân-Hương mãi, Xuân-Hương nói:

— Việc sinh đẻ thai nghén là tại khí huyết mình, chứ bảo là cầu được ước thấy, thì ai chả đi cầu. Chị chẳng qua là tích-huyết đó mà thôi.

Sau chị ta đi bỏi ông thầy thuốc mới biết rõ là thế, từ bấy giờ không đi cầu cúng nữa, rồi sau cũng sinh được hai ba đứa con giai.

— Xuân-Hương ở với quan phủ ít lâu, cũng sinh được chút con giai, bấy giờ Xuân-Hương nghĩ mới thỏa lòng, tuy rằng mấy phen chìm nổi, nghĩ cũng chua cay cho phận má hồng, nhưng may đâu gặp được bậc tài hoa, làm lên danh giá, thì cũng phu công bấy lâu chọn đá thử vàng.

Quan phủ khi ấy đã ngoại năm mươi tuổi, làm việc quan giản dị, khi nhàn nhã, Xuân-Hương ngồi hầu đấm bóp. Quan ông tỉ tê bảo Xuân-Hương rằng:

— Ta tuổi thọ đã già rồi, không chắc còn sống được bao lâu nữa. Nhưng chỉ ái ngại cho ái-khanh đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, thì sau này biết nghĩ sao đây?

Xuân-Hương thưa:

— Thiếp có phải là người bạc tình phụ nghĩa như ai đâu? Bấy lâu thiếp nâng khăn sửa túi hầu người, dẫu người khuất núi đi nữa, thiếp cũng xin cam giữ tiết, chớ thân tằm này lại còn vương tơ mấy lần nữa hay sao?

— Ái-khanh ơi! Ta chỉ nghĩ thương thay cho ái-khanh là bậc tài-tình, giá ta mà thất lộc đi, thì ái-khanh biết nướng tựa vào đâu?

— Ngài nghĩ chi những sự xa xôi làm vậy? Thiếp nhờ giời cho còn được chút máu đào, nhẽ nào lại cải-tiết mà theo người khác hay sao? Thiếp tuy đeo tiếng lẳng lơ, nhưng cùng người ân ái đã bấy nhiêu lâu, thì cũng thề giữ cho trọn nhời sơn-minh hải-thệ.

Quan phủ nghe Xuân-Hương nói bấy nhiêu nhời, biết là nàng ấy quyết chí giữ niềm trinh tiết; tuy rằng thơ từ cũng có nhời giăng gió, mà thực là tính-tình tự nhiên, chớ không phải là người sớm đào tối mận như ai. Không ngờ quan phủ nói được mấy hôm rồi ngài mất.

Xuân-Hương than khóc không biết ngần nào, vậy có thơ khóc rằng:

Trăm năm ông phủ Vĩnh-tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã giả rồi.
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ-thỉ bốn phương giời.
Hạ sương dưới chiếu trau mày khóc,[1]
Giọt máu trên tay mỉn miệng cười.[1]
Hăm bảy tháng giời nào mấy chốc?
Trăm năm ông phủ Vĩnh-tường ôi!

Từ khi quan phủ Vĩnh mất rồi, Xuân-Hương lại về ở nhà, cư tang thủ tiết, thờ chồng nuôi con, nhà ở đề hai chữ Cổ (古) Nguyệt (月), khi nhàn lại ngâm vịnh thơ từ để di-tình dưỡng-tính. Một hôm, Xuân-Hương qua chơi ô chợ Dừa, trông lên gò đống Đa, (bây giờ là đền thờ Trung-liệt, thuộc ấp Thái-hà huyện Hoàn-long) thấy có một tòa cổ-miếu, ngoài cửa hoành-biển đề bốn chữ « Sầm Thái-thú miếu. » Hỏi ra biết là từ năm Mậu-thân (1788) cuối đời Lê Chiêu-thống, Sầm-nghi-Đống là quan Thái-thú Điền-châu bên Tàu, đem quân sang đóng đồn ở đống Đa để cự nhau với Tây-sơn Nguyễn-Huệ; không ngờ ông Nguyễn-Huệ tự Quảng-nam đem quân ra, giữa ngày mồng năm tháng giêng đánh một trận, quân Tàu chết hại rất nhiều, xương chất thành đống, Sầm Thái-thú cũng bị tử trận. Sau người Tàu lập miếu ở đó để thờ, hễ trẻ con đem trâu bò đến chăn quanh ở gò đống Đa, thì thường bị nóng sốt mê man, người ta cho là Sầm Thái-thú linh thiêng trêu quở, hễ tạ thì khỏi. Xuân-Hương biết truyện như vậy, mới bước lên đề một bài thơ rằng:

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái-thú đứng treo leo.
Ví đây đổi phận làm giai được,
Thì sự anh hùng há mấy nhiêu.

Từ khi Xuân-Hương đề bài thơ ấy, thì Sầm Thái-thú mất thiêng. Còn như các nơi danh-sơn thắng-cảnh, không mấy nơi là không có thơ Xuân-Hương lưu đề; xa gần ai cũng nức tiếng khen. Sau đến cõi già rồi mất. Văn thơ lưu truyền, đọc lên ai cũng lấy làm khoái chí; thế thì nàng ấy, sau nàng Thị-Điểm mà nổi tiếng tài-tình, trước bà Thanh-quan mà lừng danh thi-bá, chả phải là một bậc tài-nữ ở về quốc-triều ta hay sao?

Sau có người nhớ Xuân-Hương mà làm bài ca để than tiếc cho người tài tình, bài ca ấy truyền lại đã lâu, chép như sau này:

Người Cổ-Nguyệt, truyện Xuân-Hương còn đó;
Phận hồng nhan nghĩ lại rõ buồn tênh!
Thương cho tài, mà ngán cho tình!
Nông nỗi ấy kể sao cho xiết.
Người cổ lại còn đeo thói nguyệt,
Buồng xuân chi để lạnh mùi hương?
Thương mấy ôi! Phận bạc vẫn là thường,
Dầu có bạc, cũng đành liều mấy phận.
Vì ai để xuân tình ngơ ngẩn?
Tuổi còn xanh, những thơ thẩn về xuân.
Mười mấy-thu đầy đọa kiếp phong-trần,
Dây tơ-mảnh, uẩy kìa! ai giở giáo?
Muốn giật túi ông tơ nguyệt-lão.
Tung lên cho đến tuỵt mù xanh,
Biết chăng, chẳng biết cũng đành.

CHUNG

  1. a ă Hai câu này có quyển chép là: cán cân tạo-hóa rơi đâu mất, miệng túi kiền-khôn thắt lại rồi.