Bước tới nội dung

Hai Thà cưới vợ/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bà Hương-bảo Trì tuổi đã gần sáu mươi, bà già yếu. nên thường hay có bịnh. Còn con bà là Hai Thà, thì tuổi mới 35 sức đương sung-túc, cần-mẫn việc ruộng rẫy, không ưa bài bạc, tửu sắc. Con nhà làm ruộng mà giữ tánh-tình như vậy, ví dầu không giàu thì cũng không đến nỗi nghèo khổ.

Thiệt như vậy, Hai Thà mồ-côi cha đã 10 năm rồi, một mình lo tảo lo tần, lo nuôi mẹ già, lo dựng sự-nghiệp, đã mướn lại của Thôn Sáu mà làm hai dây ruộng đồng trên Bình-Lạc, lại còn mướn thêm ba thiên đất rẫy công-điền Bình-Thành mà làm nữa, làm mấy năm trong nhà có dư lúa ngàn, đã cất được một cái nhà ngói nhỏ ba căn xông vách ván, coi vẻ-vang mà lại còn có ba con trâu, một cặp trâu lớn với một con trâu tơ mới "giựt dàm[1]" mùa nầy.

Thấy Hai Thà tánh-tình chơn-chất, lại gia-tư phú-phong, năm rồi làng có muốn cử làm Thôn-Trưởng, Hai Thà từ-chối, viện lẽ mắc nuôi mẹ già và mắc lo ruộng rẫy. Người trong làng ai thấy hai Thà làm ăn xân-xẩn cũng đoán anh ta sẽ giàu to.

Nào dè mưa gió không chừng, vận-thời khó liệu người đương xung-xăng bước tới. bỗng Trời xui gãy gánh giữa đường. Cấy vừa rồi thì vợ Hai Thà có bịnh. Tưởng đau sơ-sài rồi mạnh, té ra bịnh càng ngày càng nặng thêm, đau hơn một tháng rồi chết để lại cho chồng một bầu ngao-ngán với một đứa con gái 6 tuổi và một dứa con trai mới được 8 tháng.

Hai Thà vào ra hôm sớm thấy hai trẻ thơ côi cút càng thương tình vợ, càng thương nỗi con, bởi vậy cả ngày sắc mặc buồn-hiu, không muốn nói, không muốn cuời, thậm chí ba con trâu cưng mà cũng không thèm ngó-ngàng, phú cho thằng Thảo là đứa nhỏ ở chăn trâu, muốn cởi đi ăn ở đâu tùy ý.

Con Chỉ đã biết đi biết nói, lúc mẹ còn nó xẩn-bẩn một bên mẹ mà chơi, nay mẹ mất rồi tự nhiên nó theo cha mà đỏ-đẻ tối ngày, bởi vậy Hai Thà chỉ coi tắm rửa cho nó. Tối thì đem vô mùng mà dỗ nó ngủ. Chẳng có chi cực-nhọc. Ngặt thằng Ðồ còn nhỏ quá chưa dứt sữa mà không có mẹ, nên nó cẳn nhẳn tối ngày sáng đêm. May lúc nầy ruộng đã cấy rồi, Hai Thà rảnh-rang nên ở nhà với con. Mà đàn-ông không biết bồng con, không quen dỗ con, bởi vậy bà Hương-bảo phải lãnh nuôi thằng Ðồ, coi bộ bà mệt-nhọc hết sức. Vì không còn răng mà nhai được, bà phải tán cơm mà đút cho thằng nhỏ ăn. May vợ Hai Hồ ở gần có sữa nhiều. Ban ngày bà bồng thằng Ðồ qua xin bú thép vài ba lần được.

Ngặt ban đêm thằng nhỏ khát sữa, bà không biết làm sao, cứ nấu cháo lỏng mà ép nó ăn, rồi ôm nó mà nằm trên võng hát ra-rít sáng đêm đặng êm tai cho nó ngủ.

Một đêm Hai Thà than với mẹ: “Không được. Phải tính thể nào chớ má cực với thằng Ðồ như vậy con sợ má đau. Già cả mà phải thức sáng đêm, không ngủ được thì chịu sao nổi.

- Má phải ráng, chớ bỏ nó cho ai bây giờ?

- Chớ chi chị Hai Hồ chịu lãnh nuôi giùm thì con mang ơn chỉ lắm. Chỉ đòi tiền bao nhiêu con cũng chịu hết.

- Nó nuôi thằng Ðồ rồi nó bỏ con nó cho ai. Lại nó có phải nghèo khổ hay sao nên ở vú cho mình.

- Khó quá. Con thấy má cực, con chịu không được.

Bà Hương-bảo suy nghĩ một hồi rồi bà thủng-thẳng nói: “Gia-đạo của con bề-bộn lắm. Con nhỏ liu-chiu, lại ruộng-nương bê-bối[2]. Hồi trước má còn mạnh-khỏe, má giúp đỡ cho con được. Bây giờ má già yếu rồi. khi mạnh còn ráng được, rủi đau ốm rồi làm sao. Hổm nay má tính con phải kiếm một nơi hiền-đức mà chấp nối, đặng có người coi trong coi ngoài mới xong.

Hai Thà châu mày, ngồi ngó sững ngọn dèn, rồi thở dài mà đáp:

- Không được đâu má. Con thương vợ con lắm. Con không nỡ cưới vợ khác.

- Má con Chỉ thiệt là vợ hiền dâu nghĩa. Vì mạng số nó vắn-vỏi, nó bỏ chồng bỏ con mà theo ông theo bà, má cũng thương cũng tiếc nó lắm chớ. Nhưng thương tiếc không đủ làm cho nó sống lại mà giúp con được. Nếu con thương nó, con muốn nó được vui lòng nơi chín suối, thì con kiếm người thế mà nuôi giùm con nó là phải hơn đó con.

- Con sợ cưới người khác đem về họ không thương hai đứa nhỏ, thì thêm khổ nữa chớ.

- Sao lại không thương? Hễ thương chồng thì tự nhiên cũng thương con chồng chớ. Con nít có làm giống gí mà ghét nó được.

- Ít có mẹ ghẻ mà biết thương con chồng. Vợ con nó bạc-bẽo, nó bỏ con mà theo ông theo bà, thôi một mình con ráng nuôi hai đứa nhỏ cho xong.

Thằng Ðồ óe khóc, bà Thương bảo phải hát mà ru nó, làm cho câu chuyện dứt nửa chừng.

Một đêm khác gặp tiết lập đông. Bà Hương-bảo chể mình, ớn lạnh. Hai Thà không muốn cho mẹ nằm võng nên anh ôm lấy thằng Ðồ mà dỗ ngủ. Thằng nhỏ nhề-nhệ cứ khóc hoài. Hai Thà dỗ hết sức mà nó không nín. Anh ứa nước mắt và nói lầm-bầm: “Thiệt a, ai chịu lãnh nuôi con tôi, dầu đòi một trăm đồng bạc tôi cũng dám mướn”.

Bà Hượng-bảo nói: “Lúa đã trổ rồi. Ðến mùa gặt con mắc ở ngoài đồng; như rủi má đau mới thiệt là khổ.

Hai-Thà nhìn con, nước mắt chảy ròng-ròng.

*

* *

Tháng 11 trời trong, gió mát, ngoài đồng lúa đương đơm bông, có đám đã gần chín. Sớm mới, bà Tư Phải ở dưới xóm Cái-Nhồi có việc lên xóm Mới, nên ghé thăm bà Hương-bảo Trì là chị em quen thuở nay. Bà thấy bà Hương-bảo đương ngồi đút cơm tán cho cháu nội ăn thì bà nói: “Con hai mất, bỏ con nó lại cho chị nuôi, thiệt cực cho chị lung quá”.

Bà Hương-bảo đáp:

- Cực phải chịu, chớ bỏ cho ai bây giờ chị?

- Thằng Hai phải cưới vợ khác đặng có người nuôi con nó, chớ để cho chị nuôi thì cực chị lắm chớ.

- Ối! Ðừng có nói chuyện cưới vợ khác. Nó không chịu đâu. Nó sợ mẹ ghẻ không thương con nó.

- Thôi thì nó mướn người ta nuôi. Nó có tiền mà sợ gì. Mướn mắc nuột chút, có lẽ người ta chịu lãnh về nuôi cho.

- Không được, nó thương con nó lắm. Nó không chịu giao con nó cho họ đem về nhà họ nuôi đâu.

- Kiếm người ở trong xóm mà cậy họ nuôi, đặng mỗi bứa mình tới lui coi chừng cho dễ.

- Trong, xóm người khá thì họ không chịu nuôi, còn người nghèo như họ chịu thì mình sợ họ bỏ tháng nhỏ bò lăn bò lóc tội nghiệp.

- Hai Thà chen vô nói: „Bà có biết ai chịu ở nuôi con cho cháu, xin bà làm ơn chỉ giùm. Ở coi cơm nước trong nhà săn-sóc hai dứa nhỏ vậy thôi, chớ không làm việc chi nặng-nề.

Bà Tư Phải ngồi suy-nghĩ.

Bà Hương-bảo tiếp nói: „Chị có biết ai, xin chỉ giùm. Thằng nầy nó không tiếc tiền, xưa rày nó nói hoài, miễn thương con nó, săn-sóc cho tử-tế dầu ăn tiền mắc một chút nó cũng chịu.

Bà Tư Phải nói:

- Tôi có con cháu ngoại, nó mới về ở với tôi chừng một tháng nay. Ðể tôi về tôi hỏi coi nó chịu ở với chị hay không.

- Con của đứa nào đó?

- Con của con Trong. Năm trước mẹ nó chết thì nó ở với cha nó ngoài Rạch Băng. Cách vài tháng nay cha nó chết nữa, nó bơ-vơ nên trở về ở với tôi.

- Bên nội nó không còn ai hay sao?

- Có ai dâu.

- Năm nay nó bao lớn?

- Nó được 24 tuổi.

- Dữ hôn, có chồng con gì chưa?

- Chưa.

- Thuở nay tôi không biết nó. Từ nhỏ tới giờ nó ở ngoài Rạch Băng.

- Trộng tuổi[3] như vậy có lẽ nó săn-sóc sắp nhỏ được. Ngặt nó chưa có con, nên không biết nó có thương con nít hay không?

- Tôi ngại là ngại chỗ đó. Tôi sợ nó không chịu

- Chị làm ơn hỏi thử nó coi. Như nó chịu ở, mà nó đòi một năm 30 hoặc 36 đồng cũng được. Không hại gì miễn nó biết thương hai đứa nhỏ, nó ân-cần săn-sóc cho tử-tế thì thôi. Nó rán ở giùm tôi một năm, tôi mang ơn lắm. Nó muốn lãnh tiền trước cũng được.

- Ðể tôi về tôi hỏi nó. Nếu nó chịu thì tôi biểu nó lên, còn như nó không chịu thì thôi. Nó là cháu ngoại, nó mới về ở với tôi, không lẽ tôi ép mà đợ nó.

- Phải chớ! Ép làm chi. Như nó không chịu, mà chị ép nó rồi nó tháo-trút, thì càng khó cho mình. Chị về hỏi nó, nếu nó chịu thì biểu nó lên liền.

Bà Tư Phải về.

   




Chú thích

  1. Dàm: dây điều khiển trâu, tương tự như dây cương ngựa, giựt dàm: thời kỳ chuẩn bị để dưa trâu tơ quen với sự điều khiển
  2. Bề bộn, không trật tự
  3. Lớn tuổi