Bước tới nội dung

Hai khối tình/Chương IX

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Một buổi sớm mai ông trạng sư Xương xăng xớm bước vô cửa khám lớn. Ông trình giấy phép cho quan giám đốc khám trường, rồi một người lính đưa ông đi lại phòng giam cô Cúc.

Cô Cúc đương ngồi khoanh tay ôm hai đầu gối, vừa thấy ông Xương bước vô, thì cô lật đật đứng dậy, miệng chúm chím cười và nói: “Em chào anh. Em đã phụ tình anh, mà anh không phiền, anh lãnh bào chữa cho em, thiệt em cảm ơn anh lắm”.

Ông Xương cảm xúc quá, ông nói không được, nên cứ đứng nhìn cô Cúc mà ứa nước mắt.

Cô Cúc cúi mặt, lặng thinh một chút rồi thủng thẳng nói tiếp: “Anh lo lắng giùm cho em thì em cám ơn; nhưng mà em xét phận em không đáng làm cực lòng anh. Vậy em xin anh bỏ phú cho pháp luật liệu định, anh chẳng cần phải thất công bào chữa cho em làm chi.”

Nghe những lời liều mạng như vậy, ông Xương bực tức chịu không được, ông mới trợn mắt mà đáp:

- Anh làm trạng sư, anh thờ thần Công lý, anh có cái thiên chức cao thượng, là trên anh soi sáng ý tứ cho người đại diện của xã hội cầm quyền trừng trị, dưới anh binh vực những kẻ yếu hèn, hoặc vì oan ức hoặc vì vận hồi xui khiến, nên phải sa ngã vào lưới pháp luật. Chẳng những là vì anh nặng tình với em, nên anh phải lo cứu em; mà anh biết em vô tội, anh có đủ bằng cớ mà biết chắc em vô tội, thế thì làm sao mà anh không ráng sức kéo em ra khỏi ngoài vòng lao lý cho được... Em muốn tự vận? Vì em thất tình, nên em chán đời, rồi em quyết tự vận? Không được, anh không thể để cho em vì bị một đứa tiểu nhơn gạt gẫm rồi liều mình thí thân một cách đau đớn như vậy được...

- Ai nói với anh rằng em thất tình nên quyết thí thân?

- Anh biết, anh biết rõ hết tâm sự của em chẳng sót một chút nào.

- Chắc chị Kim thèo lẻo chớ gì.

- Phải, cô Kim đã thuật hết tâm sự của em cho anh với thím phán nghe rồi.

- Chị đó ngu dại quá!

- Không. Cô Kim thương em, nên hiệp với anh mà lo cứu em, chớ có phải ngu dại đâu.

Cô Cúc thấy trạng sư Xương thấu hiểu niềm riêng mà cô đã quyết giấu kín, thì cô bối rối nên đứng xuôi xị.

Ông Xương có học thức rộng hơn, mà về việc đời, hoặc tình người, ông cũng lịch lãm hơn cô Cúc, bởi vậy thấy cô lửng đửng tâm hồn, ông liền thừa dịp ấy mà nói tiếp: “Anh là người đa tình, đã có nếm mùi ngon ngọt, có hưởng thú vui vẻ của ái tình, mà anh cũng đã bị thống khổ, chịu phiền não trong lúc thất tình. Vì vậy nên anh kính trọng cái tình của em, anh không dám công kích, mà anh cũng để yên ổn sự thất tình của em, anh không tính khuyên giải. Anh vô đây thăm em, chẳng phải anh có ý muốn phá cho vỡ tan ái tình của em. Không, anh không có cái óc đê tiện như vậy. Anh quyết thờ ái tình của anh cho đến lúc thở hơi cuối cùng, có lẽ nào anh đành xúi em đánh đổ ái tình của em. Anh chỉ khuyên em từ nay cho tới bữa tòa đòi em mà tra vấn, em hãy suy nghĩ lại, em phải xét cho kỹ, em phải cân, em phải đo coi ái tình mà em vương vấn đó nó có xứng đáng với sự em hy sinh tánh mạng, hy sinh thân tộc như vậy hay không. Phải, anh vẫn biết đóa hoa đã tàn rồi thì không thể nào tươi lại được. Ái tình cũng vậy, tình đã vỡ tan đi rồi, thì khó mà gom lại được. Anh cũng đi một đường với em, anh cũng bị một chứng bịnh như em, bởi vậy anh hiểu sự thống khổ của em lắm. Anh không khuyên em đừng buồn; anh chỉ khuyên em phải suy nghĩ mà thôi.

Cô Cúc ngước mặt ngó ông Dương, bây giờ cô mới rưng rưng nước mắt mà đáp:

- Em rất cảm tình với anh. Những lời anh nói với em đó thì chánh đáng lắm. Anh khuyên em phải suy nghĩ. Em xin tỏ thiệt với anh rằng em đã suy nghĩ kỹ rồi. Anh là người đa tình tự nhiên anh biết câu sách xưa này: “Trái tim có nhiều cái lý mình không thể lấy lý mà giải được”. Em xin nói thêm một câu của em như vầy: “Trái tim của em bây giờ đang tràn những sự phiền não, không còn một chỗ nào trống để chen một chút vui vẻ vô được”. Con người mà biết hết vui thì còn sống nữa làm gì?

- Lời em nói đó không được đúng đắn. Xin em để cho anh cắt nghĩa sự buồn vui cho em nghe. Sự buồn với sự vui chẳng phải tại trong trái tim mà phát ra; trái lại, nó phát ở ngoài, tại mình đem nó vào trái tim. Em nói trái tim của em đã đầy sự buồn rồi, nếu đầy là tại em đem vào nên mới đầy chớ. Em muốn đem hết sự buồn ra rồi cho sự vui vào thay cũng được vậy. Tại trí ý của em chớ có phải tai trái tim đâu. Đã vậy mà sự buồn cũng như sự vui, nó không có tánh chất vĩnh viễn. Thuở nay chẳng có ai buồn mãn đời bao giờ. Người có việc buồn, nếu biết chịu lây lất, thì trong một ít năm ngui ngoai rồi cũng vui được. Còn người được hưởng những thú vui nhiều khi rồi cũng phải buồn. Ấy vậy tuy ngày nay em buồn, song có ngày khác em sẽ vui.

- Em hết muốn vui thì sự vui làm sao mà đến cho em được.

- Anh vô đây, anh không có tính vô đặng khuyên giải sự buồn của em. Tại em nói chuyện, em làm cho anh phải cãi lẽ, rồi thành ra anh khuyên giải em. Tại sao mà em hết muốn vui? Tại em thất tình, rồi em chán đời, nên em hết ham muốn sự gì nữa; Ví như em nói: “Ôi! Ái tình là cuộc mơ mộng, đặng hay là mất không đủ làm vui hay làm buồn cho mình được. Vậy mình chẳng cần chú ý đến làm gì”. Nếu em nói như vậy thì tự nhiên em sẽ biết vui mà ở đời.

- Hồi nãy anh nói anh cũng thất tình. Có lẽ nhờ anh nghĩ như mấy câu đó nên anh khỏi chán đời, khỏi phiền não phải hôn?

Ông Xương biết vì mình muốn khuyên giải cô Cúc nên nói không chánh đáng, bởi vậy ông thẹn thùa đứng trơ trơ.

Cô Cúc nói tiếp:

- Người có tình lợt lạt thì mới nói mấy câu ấy mà giải khuây được. Tình của em nặng nề, sâu sia, nó có thể đè em, nhận em chết được, làm sao mà em học được mấy câu kệ của anh đó. Em xin anh để cho em yên trí mà bước tới con đường em đã chọn lựa, anh chẳng nên kiếm thế mà ngăn đón. Tình em đã tan rã, đời em đã hư hỏng, em chẳng còn tiếc thân em làm chi.

- Dầu em không biết tiếc thân em đi nữa, xin em phải nghĩ đến nhiều người khác, họ tiếc thân em lung lắm, em biết hay không?

- Người khác là ai?

- Anh đây với thím phán, một người thì thương em luôn luôn, dầu đến thế nào cũng không bỏ em được, còn một người thì có công sanh em rồi nuôi em, hổm nay khóc đêm khóc ngày ăn ngủ không được, nếu em hủy mình thì có lẽ rầu buồn rồi cũng chết theo em.

- Em xin anh làm ơn thưa lại giùm cho má em biết rằng nếu em chết ấy là tại đời giả dối bội bạc giết em, chớ không phải tự ý em muốn chết mà bỏ mẹ. Còn phần anh thì em xin cảm ơn anh, để kiếp khác rồi em sẽ đền đáp tình nghĩa cho anh. Kiếp nầy người ta lấy cái thói giả dối bội bạc mà làm cho thân em bầm dập, làm cho trí em rối rấm. Vậy phải để cho em thong thả mà báo thù. Người giả dối mà đã chết rồi thì em quyết sẽ làm cho vong hồn của họ phải nhơ nhuốt, còn người bội bạc mà còn sống thì em sẽ làm cho họ phải ăn năn hối hận trọn đời.

- Em tính như vậy sơ thấp lắm.

- Thấp hay là cao lại có hại gì.

- Để anh nói cho em nghe: Em quyết thí thân em, lại thí luôn sự buồn rầu của mẹ nữa, mà đổi lấy sự gì đâu? Ra giữa tòa em khai cái thói hèn hạ của một thằng cha già dê kia đặng làm nhục vong hồn nó. Em làm cho em bị tù tội đặng người tình bạc bẽo nọ buồn rầu ăn năn. Hứ! Đổi như vậy thì rẻ quá! Thằng cha già dê kia dầu ở nhà cao, dầu có ruộng nhiều, song nó có phẩm giá bao nhiêu đâu, khi sống nó còn không biết cái nhục mà chừa, nay chết rồi ai kể gì đến vong hồn của nó mà em phải toan tô bùn bôi lọ. Còn người tình bạc bẽo nọ, nếu nó có chút lương tâm, nếu nó hiểu nghĩa chữ danh dự, thì bao giờ nó bội ước. Nếu nó bội ước được thì nó có biết ăn năn đâu, mà em phải thí thân với nó. Em phải suy nghĩ lại.

Lời luận hữu lý ấy làm cho cô Cúc nghe rồi cô dụ dự. Ông Xương muốn thừa hư mà công phá luôn nên nói tiếp:

- Sự sống của con người có nhiều mục đích tốt đẹp lắm, em chẳng nên bỏ qua. Nếu em thất vọng về tình, thì em lo trao dồi chữ hiếu hoặc em lo tô điểm nền văn, đó là thấy mục đích cao thượng, nên em đeo đuổi, cần gì mà phải hủy mình.

- Em chẳng còn một chút nghị lực nào mà lo tính việc khác được.

- Thủng thẳng ngui ngoai rồi nghị lực sẽ trở lại. Em phải nghe lời anh, em phải nghĩ tình nghĩa mẹ con, mà để cho anh lập thế cứu em.

- Em đã khai với quan thẩm án rằng ông Dương làm nhục thân danh em. Phận em là gái em phải chữa mình. Thấy có con dao nhỏ để trên bàn, em lấy hâm dọa ông mà thoát thân. Ông ấy chết là sự rủi, chớ em không cố ý đâm ông chết. Em sẽ khai như vậy hoài. Tòa định tội em thế nào em cũng chịu hết.

- Em khai như vậy thì làm sao anh cứu em khỏi tội được.

- Xin anh đừng lo cứu em. Để em mở đường cho đoàn tân phụ nữ bước tới đặng trừ cái nạn hiếp dâm, dầu em phải bị tù tội, em cũng vui lòng lắm vậy.

- Cũng còn viện một cớ khác để thí thân nữa!... Để anh cắt nghĩa theo lý, theo luật cho em hiểu. Ông Dương bị đâm chết, trong nhà mất hết mười một ngàn đồng bạc, lại có mấy hộc tủ bị cạy phá. Thế ông Dương bị kẻ cướp giết mà lấy bạc. Tại có cái bóp của em và em lại là người lại nhà ông Dương sau chót hết, rồi kế ông chết, nên tòa nghi mà giam em, chớ không có bằng cớ gì mà định chắc em đâm ông Dương chết. Em là gái không có sức giết ông Dương mà cướp của được, lại xét nhà em thì không có tiền bạc, thế thì có bằng cớ gì đâu mà buộc tội em. Bữa hổm em khai lỡ rằng em đâm ông Dương. Em phải sửa lời khai ấy lại, em nói tại em giận ông Dương làm nhục thân danh em, nên em rối trí em khai bậy, chớ sự thật là em lấy cái bóp đập ông Dương rồi em chạy ra đường, sau ai đâm ông nọ em không biết.

- Không được. Em đã nhứt định rồi. Em cứ khai ông Dương gạt em đến nhà rồi ôm em, nên em phải đâm ông mà bảo thủ thân danh của em.

- Nếu em khai như vậy thì em sẽ bị án tù.

- Em muốn cho tòa xử tử em kia chớ.

Ông Xương lắc đầu, kiếm không còn một lý gì khác mà khuyên cô Cúc phải đổi ý được. Ông đứng ngẩn ngơ một chút rồi nói giọng quả quyết: “Em muốn tìm đường chết. Anh quyết cản đường em. Phần thua của anh tuy nhiều, song anh không mòn chí đâu. Thôi, anh từ giã em. Anh còn nói một lời chót với em nữa là khuyên em phải suy nghĩ lại, đừng có giận cùn làm bướng rồi sau em ăn năn”.

Ông Xương cúi đầu rồi xây lưng đi ra. Cô Cúc ngó theo, chừng ấy ông ra tới cửa phòng, cô bèn kêu và nói với: “Anh trạng sư, xin anh làm ơn khuyên giải giùm cho má em bớt buồn”.

Ông Xương day lại mà đáp: “Có một mình em làm cho thím phán bớt buồn được mà thôi, chớ anh khuyên làm sao cho được mà dám lãnh lời em cậy”.

Người lính đóng cửa lại, chia rẽ hai đàng.