Bước tới nội dung

Hai vợ/Chương 4

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nhân dân ở trong nguồn Khổng Tước, trước kia nhờ Kiến Hòa tiên sanh ở Sơn Qui tiếp nhau mấy đời mà gieo rắc đạo thuần túy trong các xóm làng, rồi lại còn nhờ Hoài Quốc công Võ Tánh treo gương anh dũng sáng ngời ở giồng Tre nữa, bởi vậy đàn ông cũng như đàn bà, người già cũng như người trẻ, cả thảy đều mến đất nước, yêu giống nòi, biết ham nghĩa nhân, dám liều sanh mạng để cứu dân giữ nước. Trước gặp nội loạn Tây Sơn, người đem nghề văn, kẻ đem nghiệp võ giúp cho triều đình bình loạn phục hưng. Nay nghe có giặc ngoại xâm, lại càng thêm hăng hái đoàn kết làm một khối mạnh mẽ để chống với giặc.

Nhân dân sẵn có ý chí như vậy, nên công cuộc sắp đặt để phòng thủ xóm Tre được tiến hành rất dễ dàng.

Ông Thuận sai Tư Cầu đi mời nhóm tại sân ông Bá hộ Cầm thì mỗi nhà đều có chủ nhà hoặc đàn ông hoặc đàn bà đến dự mà nghe nói chuyện. Ông Bá hộ, Ông Thuận với Phó Tha làm đầu cuộc hội hiệp này, nhưng biểu Lê Hữu Hào thay mặt báo tin cho bà con trong xóm hay binh đội pháp đã chiếm thành Gia Định. Cử tọa nghe tin thì xao xuyến, Hào nhơn người ta xúc động mới bày tỏ các cách của người trưởng thượng trong xóm tính sắp đặt bảo thủ sanh mạng và tài sản chung với nhau. Ai nấy đều bằng lòng góp sức vào cuộc công ích đó, không có một người nào thối thác.

Hào đã có dự bị giấy, viết, mực sẵn sàng, liền hỏi từng nhà mà biên tên tuổi đàn ông. Biên đủ rồi đếm lại thì được:

58 người cường tráng từ 18 tuổi đến 40 tuổi.

47 người từ 41 tới 60 tuổi,

12 người già từ 61 tuổi sắp lên.

Hơn 20 người đàn ông rảnh rang nên tình nguyện đi đốn cây để làm nọc. Còn tập luyện võ nghệ và đặt rèn binh khí thì ai cũng chịu hết.

Cuộc nhóm xong rồi người trong xóm rả ra mà về. Ông Bá hộ mời riêng Phó Tha với hai cha con Ông Thuận ở lại dùng cơm với ông đặng sắp đặt việc công.

Hai Chỉ lên vàm sông Tra thương thuyết với thợ rèn Phi thì chú thợ chịu dọn đồ xuống ở đặng rèn binh khí. Ông Bá hộ kiếm một chỗ đất trống, biểu bạn trong nhà đốn cây lá mà cất cái trại để làm lò rèn. Trong ít bữa trại cất xong, ông cho người chèo ghe lên rước thợ Phi và chở đồ đạc xuống, rồi khởi công rèn binh khí liền.

Trần Khoan là thầy nghề võ ở giồng Tháp đã có hứa hẹn với chú Phó Tha nên đúng ngày hẹn thầy cũng lên tới. Phó Tha dắt lại giới thiệu với ông Bá hộ thì ông tiếp rước mà nuôi trong nhà. Ông dắt đi lựa một cái sân lớn ở giữa xóm để làm võ trường. Mấy người trai trẻ trong xóm ráp lại dẩy cỏ, ban đất cho bằng thẳng, rồi bắt đầu tập dượt.

Cây đốn trong rừng chở về thì hạng người 41 tuổi sắp lên lãnh lo cưa khúc mà đóng nọc hoặc cắm rào, để chặn các nẻo vô xóm.

Ai cũng phải tập võ nghệ hết thảy, nhưng ngoài việc đó mỗi người còn phải có phận sự riêng hễ có rảnh việc nhà thì phải giúp công vào ra phòng thủ.

Lê Hữu Hào làm như thơ ký trong xóm, tuy vậy cũng phải tập võ như người ta, song khỏi làm công việc nặng nề cực nhọc. Nhưng mà mỗi ngày chàng phải đi một vòng để xem xét mọi việc, xem tập võ, xem rèn đồ, xem đóng nọc rồi đi luôn ra nhà ông Bá hộ đặng cho ông hay coi có việc chi trắc trở hay không.

Ông Bá hộ thấy tất cả anh em lớn nhỏ trong xóm đều xuôi thuận theo ý ông, ai cũng tận tâm giúp công sức vào cuộc phòng thủ thì ông lấy điều hài lòng. Ông muốn làm cho trong xóm hiểu đương lúc gặp nạn dân ách nước phải coi nhau như con một nhà, phải giúp đỡ nhau, đừng nghi kỵ nhau, bởi vậy ông định xuất tiền mà trả tiền công cho thợ rèn binh khí, ông không cho ai trả tiền hết. Ông lại rao cho trong xóm biết, ai thiếu lúa ăn thì đến nói với ông mà mượn mà qua mùa gặt sẽ trả lại cho ông chẳng cần phải đi mua tốn tiền.

Người trong xóm hay ông Bá hộ có lòng từ thiện như vậy lại càng cảm mến ông hơn nữa, càng lo giữ gìn tiền lúa của ông đặng mà nhờ, không còn nói của họ của mình gì hết.

Thấy công việc phòng thủ tiến hành mạnh mẽ, ông Bá hộ mới nhắc ông Thuận về cuộc hôn nhơn của hai trẻ. Ông Thuận nói rằng Hào được ông Bá hộ chiếu cố thì Hào mang ơn vô cùng. Ngặt trong lúc nước đương có giặc, không biết tình hình biến đổi ra thế nào. Hào nghi ngại sợ đi lính. Bởi vậy Hào xin ông Bá hộ huỡn cưới hỏi trong ít tháng, chờ xem coi giặc có đứt thì sẽ trình bày lễ cưới.

Ông Bá hộ nói:

- Cháu sợ cưới gấp, rủi có nó bị đòi đi lính nó bỏ vợ ở nhà, vợ nó buồn. Tôi hiểu ý nó rồi, nó sợ như vậy cũng phải. Thà chưa thành vợ chồng thì thôi, chớ thành vợ chồng rồi mà phải phân rẻ tự nhiên hai đứa buồn rầu, thương nhớ nhau. Hễ tôi nói thì không bao giờ tôi nuốt lời. Tôi nói tôi gả con Quyên cho cháu Hào, thì bao giờ Quyên cũng là vợ của cháu Hào, chớ không được làm vợ ai khác.

“Nhưng muốn cho hai bên đừng nghi ngờ điều chi hết, lại làm cho người ngoài hay biết đặng đừng có dòm ngó con Quyên nữa, mình chọn bữa nào nhằm ngày tốt, tôi mời ít người khách đến nhà tôi, anh cũng mời vài người khách đi cùng anh và Hào đến nhà tôi là lễ "bỏ trầu cau". Tôi nấu ít mâm cơm mà cúng cho Hào lại ra mắt ông bà đặng cho chòm xóm họ hay từ ngày đó hai đứa nó được gọi anh em mình là cha, rồi ít tháng hết giặc, hoặc ra giêng gặt lúa rồi, trời khô ráo mình sẽ làm lễ cưới.”

Ông Thuận chịu.

Cách mươi bữa sau cha con Ông Thuận vận khăn đen, mặc áo dài đi với vợ chồng Phó Tha và vợ chồng ông Bảy Hiệp đến nhà ông Bá hộ làm lễ "bỏ trầu cau".

Ông Bá hộ đã có mời Trần Khoan, là thầy nghề võ, mời khách vài cặp nữa, đã ngồi sẵn trong nhà. Trên bàn thờ ông bà thì đồ cúng đã xong, nhang đèn đã đốt đỏ.

Họ đàng trai bưng trầu cau đến. Chàng rễ làm lễ ông bà cha mẹ, rồi người trong nhà dọn cỗ đãi khách ăn uống.

Kể từ ngày đó Lê Hữu Hào là rể của ông Bá hộ Hà Văn Cầm. Hà Thị Quyên là dâu của ông Lê Hữu Thuận. Trong xóm trẻ già đều hay hết thảy.

Ngày lụn tháng qua, lúa trổ rồi đến lúa chín, nhân dân xóm Tre luyện tập võ nghệ rất hăng hái nhưng không thấy giặc giã gì hết, mà cũng không gặp được người ở miệt Gia Định xuống đặng hỏi thăm.

Gần tới Tết, người trong xóm ban ngày đều phải ra ruộng gặt lúa chỉ tập võ ban đêm mà thôi nên cũng không thao luyện được.

Rào giậu chung quanh xóm đã hoàn thành chắc chắn rồi.

Thợ rèn Phi rèn binh khí đủ dùng, nên xin cho ghe chú về sông Tra ăn Tết.

Ra giêng lúa chỉ còn một vài đám trổ muộn, chớ đồng đã gặt sạch hết rồi. Ông Bá hộ mướn một người lên Gia Đinh dọ thám tình hình chiến sự thế nào đặng cho Hào làm lễ cưới với cô Quyên cho rồi.

Người trẻ tuổi nhút nhát không dám đi.

Ông Thuận quyết lãnh sứ mạng đi dọ thám tin tức. Ông Bá hộ biểu dọn một chiếc ghe nhẹ 2 chèo cho 10 quan tiền với gạo muối đủ ba người ăn trong 10 ngày và lựa hai ông già còn sức khỏe chèo cho Ông Thuận đi.

Ông Thuận đi đã 6 ngày mà chưa thấy về. Ông Bá hộ với Phó Tha bắt đầu ngóng trông, lại có ý lo.

Qua ngày thứ 7 ghe Ông Thuận về tới. Ông nói ghe ông lên tới Cần Giuộc bị binh lính huyện Trường Bình tra xét không cho đi. Ông phải ở đó hết một ngày một đêm. Chừng người ta cho đi ông mới vô vàm Rạch Cát. Bị cản nữa. Ông phải trở lại hỏi thăm đường sá. Nhờ có mấy nhà ở rạch chỉ chừng, ông mới dò theo xẻo nhỏ lọt được vào Rạch Ong. Nhưng tới ngả ba Rạch Đĩa thì có đồn của mình đóng đó, họ cản lại không cho đi tới nữa. Ông Thuận lại day ghe trở lại, thấy có nhà ở dựa mé ông mới đậu lại cho hai người chèo nghỉ, còn ông lên bờ kiếm thế hỏi thăm tin tức. May gặp được một ông già thạo việc, ông mới cho hay rằng quân đội Pháp vẫn còn chiếm thành Gia Định nhưng không biết số bao nhiêu. Mà cách hai ngày trước có một đoàn tàu kéo neo chạy trở ra phía Nhà Bè, không biết đi đâu. Hỏi binh lính của quân ta đã có giáp trận với địch lần nào chưa, thì ông già nói binh ta từ các tỉnh lần lượt kéo về mấy tháng nay thì đóng bao chung quanh thành, ở ngọn Rạch Cát, chùa Cây Mai, Phú Thọ, Chí Hòa, chỗ nào cũng có. Binh Pháp đi thám dọ tình hình, hễ ló ra khỏi thành thì bị quân ta vây đánh, nên rút trong thành không dám ra nữa. Không biết tướng giặc biết quan dân ta rút binh các tỉnh đem về đây thì các tỉnh đều bỏ trống nên 2 bữa trước họ cho tàu đi đó là chở binh đi đánh chiếm thêm mấy tỉnh khác hay không.

Ông Bá hộ cùng mấy người lớn trong xóm và cậu Hào, nhứt là cậu Hào nghe tin sau chót đó thì ai cũng lo ngại, nghĩ đoàn tàu lui ra Nhà Bè đó sẽ chia nhau một tốp xuống Vàm Tuần rồi do sông Bao Ngược vào đánh huyện Tân Hòa với phủ Tân An, còn một tốp ra Vàm Sáng rồi do ngả Cửa Tiểu vào đánh Định Tường, Long Hổ.

Bây giờ ai nấy đều lo gắt cuộc phòng thủ lại, dặn mấy nhà trở cửa ra sông Bao Ngược phải coi chừng tàu, hễ ngó thấy tàu thì phải nổi mõ đặng cho trong xóm hay biết. Còn ban đêm thì cắt người thay phiên mà canh chừng đặng báo động.

Ông Bá hộ mắc lo việc nầy nên ông phải tạm dẹp đám cưới của cô Quyên lại, ông không nhắc tới nữa.

Còn Ông Thuận từ bữa đi dọ tin tức về nói lại, thì ông thấy con ông có sắc buồn lo, ông nghĩ có lẽ nó học giỏi, nó nhận thấy tình hình chiến cuộc có chỗ nào nguy biến hay sao nên nó mới lo như vậy. Ông thấy rồi ông cũng không muốn tính cưới vợ gấp cho con.

Cách 2 bữa sau, lối mặt trời đứng đầu thì có Lý Quang Minh, một bạn học của Lê Hữu Hào nhà ở giồng Sơn Qui, ra hỏi thăm nhà ông Thuận đặng kiếm Hào nói chuyện.

Cha con ông Thuận có ở nhà. Hào thấy bạn lật đật bước ra cửa tiếp mừng, dắt vô giới thiệu cho cha biết. Ông Thuận biết Minh cũng là học trò của ông Nhiêu Hiền như con mình, ông niềm nở mời ngồi, kêu Tư Cầu biểu nhúm lửa nấu giùm một nồi cơm cho khách ăn vì khách ở xa phải đi sớm, nên ra tới đây chắc khách đã đói rồi.

Hào hỏi thăm sức khỏe của thầy, tiếc rằng nhà có một cha một con, lại gặp lúc ly loạn trong xóm người ta giao cho sắp đặt việc phòng thủ, nên về hơn nửa năm rồi, nhưng không vô Sơn Qui được mà thăm thầy thăm bạn.

Ông Thuận nghi Minh ra kiếm Hào phải có việc chi cần kíp, chớ không lẽ đi chơi, bởi vậy ông hỏi:

- Cháu ở trỏng gần huyện lỵ, cháu có nghe tin giặc giã hay sao không cháu?

- Thưa bác, việc chắc phải dây dưa lâu lắm. Anh em chúng tôi học, mong thi khóa năm nay. Mà thời cuộc biến động như vầy thì chắc không có thi rồi. Trong huyện mình đây thì êm. Nhưng ở miệt trên sắp có đại sự rồi.

- Ừ, anh em trong xóm cậy tôi đi lên Gia Định nghe tin tức. Tôi về 2 bữa rày. Tôi lên tới Rạch Ong rồi bị đồn cản, nên không thể đi sâu vô nữa được. Nhưng tôi đã nghe chắc binh đội Pháp còn chiếm thành Gia Định, bị binh mình bao vây 4 mặt nên không dám ra. Thế mà cách mấy bữa trước đây có một đoàn tàu giặc kéo đi ra hướng Nhà Bè. Tôi nghi chúng bị mình vây ở trển, chúng biết ở các tỉnh hết lính, rồi chúng lén chở binh xuống đánh chiếm miệt dưới.

- Thưa bác. Bác chưa nghe huyện mình có điều chi lo sợ. Lại quan huyện lại có sắp đặt cuộc phòng thủ hẳn hoi. Tại Vàm Sơn Qui, Vàn Gò Gừa đều có xây đồn lũy chắc chắn. Ngày đêm có quân lính canh giữ. Tàu giặc không thể vô được.

- Nếu có vậy thì bớt lo. Ở xóm nầy dân sự hiệp nhau tổ chức cuộc phòng thủ đàng hoàng lắm. Bà con trong Sơn Qui cố lo phòng thủ hay không?

- Thưa, cũng có lo. Chỗ nào cũng phải vậy.

- Nghe cháu nói chuyện nãy giờ tôi vừa lòng lắm. Làm con dân trong nước, hễ có giặc thì già trẻ chung lo giúp nước cứu dân chớ sao. Ở xóm nầy hạng trai trẻ mấy tháng nay tập luyện võ nghệ dữ lắm. Ai cũng hăng hái giết giặc tới đây sẽ sanh tử một trận cho chúng biết mặt.

- Thưa, cháu mới nghe hiện giờ đằng mình đương sắp đặt mà đánh trên Gia Định đặng đuổi giặc và khắc phục thành trì lại.

- Vậy hả? Chừng nào mới đánh ? Hôm lên trển tôi có nghe gom binh các tỉnh về nhiều lắm, nhưng có đông mà cứ vây ngoài xa. Còn chờ gì nữa mà không chịu hãm thành không biết.

- Thưa bác có chuyện như vầy, để cháu nói rõ bác với anh Hào hay. Số là cách mấy bữa trước quan Huyện có gởi tờ mời thầy của mấy cháu vô nói chuyện. Thầy cháu về nói rằng có quan trên tỉnh xuống huyện cho hay rằng triều đình sắp phái vài vị đại thần vào Nam để cầm binh đánh đuổi giặc. Có lịnh dạy cụ Tôn Thất Hiệp phải góp về cho đủ số muôn binh đợi quan triều vào rồi sẽ khai chiến. Binh của mình thì không sợ thiếu, hiện giờ gom được hơn tám ngàn rồi. Trong một tháng sẽ đủ số.

- Có nghe nói có kêu hàng trai trẻ của mình đi lính hay không?

- Thưa, không. Có lẽ miệt dưới còn sẵn lính nhiều. Nhưng gom binh lính về đông quá thì phải lo cơm gạo đặng nuôi lính, lo cất trại cho lính ở. Đã vậy mà còn cần dùng người biết chữ đặng lập bộ sổ tướng sĩ mỗi đội, viết phiếu để truyền lịnh của cấp chỉ huy, viết tờ thôi thúc các huyện các phủ nạp lương thực. Lính thì ít biết chữ lại mắc lo tâpj luyện. Quan thì mắc lo điều khiển, không rảnh mà lo đến sổ sách giấy tờ.

- Chắc bây giờ quan trên đòi mấy người có học như cháu, như thằng Hào, nhập ngũ đầu quân phải hôn?

- Thưa phải. Chính vì vậy, nên quan trên phái người xuống huyện mời mấy ông Nhiêu dạy học mà cậy gom học trò lại rồi quan hụyên cho ghe đưa lên Gia Định mà giúp công trong cuộc kháng chiến.

Ông Thuận ngẩn ngơ.

Hào cười và nói:

- Xưa rày con thường nói với cha thế nào con cũng phải bị kêu đi lính. Thiệt quả như vậy thấy hôn cha?

Ông Thuận lặng thinh.

Minh nói với Hào:

- Mình đi lính mà làm việc giấy, chớ không phải ra trận.

- Dầu ra trận cũng không sợ gì. Thầy biểu anh em trong trường phải đi hết hay là thầy lựa người mà thôi?

- Quan trên cậy đi hết. Trường nào cũng vậy.

- Người ta đi thì mình phải đi với người ta. Giúp nước mà mình trốn tránh ai coi mình ra gì. Ai đi cho mấy anh em khác hay?

- Trưa hôm qua thầy về mượn người trong xóm đi kêu, dặn chiều mai phải tới đặng sáng mốt thầy dắt vô huyện. Anh em khác ở gần, ở giòng cát, giòng Nàu với Sơn Qui nên họ đã hay rồi. Có một mình anh ở xa nên thầy cậy tôi ra cho anh hay đặng sửa soạn rồ chiều mai vô cho tới.

Tư Cầu bưng mâm cơm lên để giữa ván. Cha con ông Thuần ân cần mời Minh ngồi ăn. Ông Thuần hỏi Minh:

- Cháu có vợ con hay chưa?

- Thưa cháu có vợ mới sanh một đứa con được 4 tháng.

- Cha mẹ còn sống toàn hay không?

- Thưa, cháu còn có bà mẹ già, may cháu có người chị không chịu lấy chồng, nên cháu đi thì chị cháu với vợ cháu ở nhà với bà già cháu.

- Có vậy cũng đỡ khổ. Phận thằng Hào tôi có hai cha con. Hễ nó đi thì tôi ở nhà trơ trọi một mình. Tôi nói vợ cho nó rồi, nhưng mà sợ đi lính rồi bỏ người ta, nên nó dục dặc chưa chịu cưới. Tuy vậy mà không hại gì lắm. Thằng Hào đi thì tôi ở nhà có chòm xóm. Dầu có bề nào người ta không bỏ tôi.

- Thưa, bác tuy già nhưng sức khỏe cũng còn đủ.

- Phải tôi còn mạnh.

Ông Thuận khuyên khách ăn cơm cho no rồi ở nhà nói chuyện chơi với Hào, để ông đi xóm một lát. Ông biểu Hào sửa soạn rồi sáng mai dậy sớm đi với nhau. Đi liền bây giờ Minh mệt. Mà vô Sơn Qui ban đêm không ích gì.

Minh ăn uống rồi, Hào trải chiếu, anh em nằm đàm luận về chiến cuộc với nhau. Cả hai đều hiểu nghĩa vụ của hạng trai trẻ là cứu dân giữ nước, bởi vậy người sắp lìa cha già, người sắp từ mẹ yếu với vợ nhỏ con thơ mà đi trả nợ non sông, nhưng cả hai đều lo ngại về việc gia đình chớ phận mình dầu rủi hay may cũng không buồn không sợ gì hết.

Đến xế một lát ông Thuận trở về thấy hai trẻ nằm nói chuyện thì ông hỏi con có sửa soạn hành lý đặng khuya đi hay chưa. Hào nói để gói vài cái quần với vài cái áo mà ôm theo vậy thôi, chớ có hành lý gì đâu mà sửa soạn.

Ông Thuận nói:

- Hồi nảy cha có đi thẳng ra ngoài ông Bá hộ cha cho ổng hay có lịnh đòi nên khuya nay con phải vô Sơn Qui đặng hiệp với anh em bạn học mà lên Gia Định.

- Ông già vợ con hay con đi ổng có tỏ ý buồn hay không cha?

- Buồn thì ổng không buồn, vì ổng hiểu quan trên cần dùng hạng hay chữ, con có học thì con phải đi, lại đi với chúng bạn chớ phải đi một mình con hay sao mà buồn. Nhưng ông tiếc con đi rồi trong xóm không có người làm sổ sách tờ, bất tiện có chỗ đó mà thôi. Mà trước khi đi con ra từ biệt cha mẹ vợ con một chút cho đủ lễ chớ.

- Con phải từ giã rồi mới đi được. Vì khuya phải đi sớm cho mát, thôi để con ra nói liền bây giờ đặng khuya con khỏi ghé. Anh Minh nằm đây mà nghỉ nghe hôn. Tôi đi một chút rồi tôi về.

Hào vô trong thay áo rồi đi liền.

Vợ chồng ông Bá hộ Cầm đương ngồi trong nhà bàn luận về sự lịnh đòi rể đi lính, bỗng thấy Hào xăng xớm đi vô sân. Hà Văn Ký, là con trai lớn của ông Bá hộ, đương coi cho bạn xúc lúa ngoài sân bưng vô đổ vô lẫm, cậu cũng ngó thầy Hào vô nên cũng đón mà hỏi:

- Hồi nãy nghe bác nói có lịnh đòi dượng đi lính phải hôn?

- Phải.

- Chừng nào dượng đi?

- Khuya nay vô Sơn Qui hiệp với anh em bạn đặng quan huyện cho cho ghe đi một lượt.

- Tôi lớn hơn dượng có một tuổi. Không biết họ đòi tới tôi hay không?

- Chắc không có đâu anh Hai. Nghe nói lính có sẵn rồi chớ không phải thiếu số nên đòi thêm nữa. Quan trên đòi anh em tôi, đây là đòi tụi biết chữ đặng làm việc giấy.

- Nếu như vậy thì tôi bớt lo.

Anh vợ với em rể cùng nhau đi vô nhà.

Hào bước lại xá cha mẹ vợ và chúc cha mẹ vợ ở nhà mạnh giỏi đặng khuya chàng đi giúp nước.

Ông Bá hộ nói:

- Hồi trưa anh ra cho hay có lịnh đòi con nhập ngũ. Con đi thì trong xóm thiếu người biết chữ, nên có chỗ bất tiện. Nhưng có giặc, nhà nước cần dùng con về việc gì, phận con làm trai con phải vâng lịnh không nên từ chối. Vậy con hãy yên lòng mà ra giúp nước. Anh ở nhà với bà con trong xóm, nên con khỏi lo.

“Còn việc vợ, cha với mẹ đã định gả cho con rồi, đã có ăn trầu uống rượu của con, thì dầu nước nhà có hữu sự con chưa cưới kịp, bao giờ cha với mẹ cũng coi con Quyên là vợ của con; chừng nào con trở về thì làm lễ cưới, không mất đâu. Con ra từ giã cha mẹ đặng khuya con đi đến chiến trường mà giúp nước. Con có muốn giáp mặt vợ con đặng con nói ít tiếng mà từ biệt nó hay không?”

Hào nói:

- Thưa, nếu cha với mẹ cho phép con nói với vợ con ít lời đặng con đi, thì con đội ơn cha mẹ lắm.

Bà Bá hộ biểu Hai Kỳ vô trong kêu Quyên.

Quyên theo Hai Kỳ ra, bộ cô bợ ngợ

Bà Bá hộ nói:

- Quyên bước lại gần đây con. Chồng con ra từ giã đặng khuya nay nó đi lính. Cha con biểu kêu con ra cho nó nói chuyện một chút, rồi về sửa soạn đặng khuya nó đi.

Hào ngó ngay Quyên mà nói:

- Phận anh còn có một chút cha già. Hôm nay vì phận sự nên anh phải bỏ cha già mà đi. Tuy anh với em chưa chánh thức phối hiệp vợ chồng song đã gá lời, dầu không tình cũng là nghĩa. Vậy anh trân trọng gởi cha già lại cho em. Nếu em sẵn lòng chăm nom giùm anh, thì ơn ấy không bao giờ anh dám quên. Anh muốn nói với em bao nhiêu đó mà thôi. Anh cầu chúc cho em ở nhà an vui và mạnh khỏe.

Quyên cũng ngó ngay Hào mà đáp rằng:

- Em xin anh an lòng mà giúp nước, đừng lo việc nhà. Em chúc anh lo phận sự vuông tròn, tan giặc cho mau đặng trở về kẻo cha già trong đợi.

Bà Bá hộ cười. Bà nói với Hai Kỳ:

- Nghe nói có người khác ở Sơn Qui ra kêu nó, khách ở chờ trong nhà đặng khuya đi với nhau. Kỳ biểu bầy trẻ bắt một cặp vịt xách vô trỏng, rồi con ở ăn chơi với em một đêm rồi khuya nó đi.

Ông Bá hộ nói:

- Mẹ nó tính như vậy phải lắm. Nãy giờ tôi tính biểu nó về mời anh sui với khách đi hết ra nhà mình ăn cơm chơi. Nhưng tôi nghĩ khách lạ ra đây người ta không vui, còn phận nó thì nó phải nói chuyện với anh sui một đêm đặng cha con dặn dò nhau, bởi vậy tôi không mời. Vậy Kỳ đem vịt vô trỏng làm thịt đặng cho anh em ăn với nhau một bữa là phải.

Kỳ với Quyên đi ra sau biểu người nhà bắt vịt.

Ông Bá hộ mở rươn xe lấy hai nén bạc đưa cho Hào mà nói:

- Con đi xa đến xứ lạ quê người mà nếu có việc cần dùng tiền thì không biết ai mà mượn. Vậy con lấy vài nén bạc đây mà đem theo phòng khi bất trắc mà đỡ gạc.

Hào không muốn thọ lãnh. Nhưng vợ chồng ông Bá hộ nài ép quá nên chàng hết dám từ.

Hai Kỳ trở ra nói với cha mẹ rằng chàng có sai một người xách vịt đem trước vô trỏng rồi ở luôn đặng phụ với Tư Cầu mà làm vịt.

Ông Bá hộ biểu Hào thôi đi về đặng chơi với khách kẻo khách buồn.

Hào mới chúc thọ cầu an chon cha mẹ vợ một lần nữa rồi đi về, có anh vợ đi theo chơi.

Ông Thuận thấy nhà sui sai đem vô một cặp vịt mập để làm tiệc tiển hành Hào, ông bèn lại xóm kiếm một bầu rượu và ghé mời Phó Tha lại ăn uống cho vui.

Buổi cơm chiều đó tuy là buổi cơm ly biệt, song nhờ có khách Sơn Qui, lại có Hai Kỳ bới Phó Tha nữa, bởi vậy cha con ông Thuận vui vẻ quên buồn. Ăn gần rồi bữa có thêm ông Bá hộ vô chơi nữa làm cho ông Thuận rất vui lòng, con đi lính giúp nước cũng không bịn rịn chút nào hết.

Chơi đến qua đầu canh hai, cha con ông Bá hộ với Phó Tha tỏ lời chúc may mắn cho Hòa với Minh rồi về, nói để cho hai cậu nghỉ ngơi đặng khuya dậy sớm mà đi.

Đến đầu canh năm, ông Thuận kêu Tư Cầu dậy nấu một nồi cơm cho Hào với Minh ăn, rồi hừng sáng ông theo đưa hai cậu ra khỏi xóm. Đi ngang nhà ông Bá hộ, Hào dòm thấy cha mẹ vợ với Hai Kỳ và cô Quyên đương đứng tại cửa ngõ mà chờ. Chàng phải đứng bước mà từ biệt một lần nữa rồi ông Thuận ở lại đó, để cho Hòa mang gói với Minh ra đường cái.

Mấy người đứng tại cửa ông Bá hộ mà ngó theo, trời lờ mờ chưa sáng, lòng cảm xúc ngậm ngùi.