Bước tới nội dung

Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Loại Số Ngày ban hành Ngày hiệu lực Thay thế/Sửa đổi cho Sửa đổi bởi Bản mới hơn Hiệu lực
Hiến pháp - 31/12/1959 1/1/1960 HP 1946
HPVNCH 1967
HP 1980 Hết


Bản Hiến pháp này có số hiệu 1-SL đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 31-12-1959, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-1960 và hết hiệu lực ngày 19-12-1980.

Lời nói đầu

[sửa]

Nước Việt Nam ta là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Dân tộc Việt Nam trải qua mấy nghìn năm lịch sử là một dân tộc lao động cần cù luôn luôn anh dũng đấu tranh xây dựng đất nước và giữ gìn độc lập của Tổ quốc.

Trong hơn 80 năm nước ta bị thực dân Pháp đô hộ và 5 năm bị phát xít Nhật chiếm đóng, nhân dân Việt Nam đã không ngừng đoàn kết đấu tranh chống ách thống trị của bọn xâm lược nước ngoài để giải phóng đất nước.

Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày nay là Đảng Lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai đoạn mới. Cuộc đấu tranh bền bỉ đầy gian khổ và hy sinh dũng cảm của nhân dân ta chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến đã giành được thắng lợi vĩ đại: Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập trước quốc dân và toàn thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã xây dựng một nước Việt Nam độc lập và dân chủ.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, toàn dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã nhiệt liệt tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội. Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta, nêu cao ý chí của toàn thể dân tộc kiên quyết giữ gìn nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc, bảo vệ tự do và quyền lợi dân chủ của nhân dân.

Nhưng đế quốc Pháp được đế quốc Mỹ giúp sức lại gây chiến tranh xâm lược hòng cướp nước ta và bắt nhân dân ta làm nô lệ một lần nữa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn thể nhân dân ta đoàn kết một lòng đứng lên đánh giặc cứu nước. Đồng thời nhân dân ta đã tiến hành giảm tô và cải cách ruộng đất nhằm đánh đổ giai cấp địa chủ, đem lại ruộng đất cho dân cày. Cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và vô cùng anh dũng của nhân dân Việt Nam, được các nước xã hội chủ nghĩa, các dân tộc bị áp bức và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình và ủng hộ, đã thắng lợi vẻ vang. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ. Hiệp nghị Giơnevơ năm 1954 được ký kết, hòa bình được lập lại ở Đông Dương trên cơ sở công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta.

Thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam cũng là thắng lợi chung của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, của mặt trận hòa bình thế giới và của phe xã hội chủ nghĩa.

Từ khi hòa bình lập lại, ở miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nhưng miền Nam còn bị đế quốc và phong kiến thống trị, nước nhà tạm thời còn bị chia làm hai miền.

Cách mạng Việt Nam chuyển sang một hình thể mới. Nhân dân ta cần ra sức củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh để hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.

Mấy năm qua, nhân dân ta ở miền Bắc đã thu được nhiều thành tích to lớn trong việc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa. Hiện nay, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đang tiến hành thắng lợi. Trong khi ấy, ở miền Nam , đế quốc Mỹ và bọn tay sai đàn áp dã man phong trào yêu nước của nhân dân ta. Chúng tăng cường binh bị, thực hiện âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa và căn cứ quân sự chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ. Chúng ra sức phá hoại hiệp nghị Giơnevơ, phá hoại hòa bình, phá hoại sự nghiệp thống nhất của nước Việt Nam. Nhưng đồng bào miền Nam luôn luôn anh dũng đấu tranh, không chịu khuất phục. Nhân dân cả nước đoàn kết một lòng, giương cao ngọn cờ hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, kiên quyết tiến lên giành lấy thắng lợi cuối cùng. Sự nghiệp hòa bình thống nhất Tổ quốc nhất định sẽ thành công.

*

* *

Trong giai đoạn mới của cách mạng, Quốc hội ta cần sửa đổi bản Hiến pháp năm 1946 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Hiến pháp mới đã ghi rõ những thắng lợi cách mạng to lớn đã giành được trong thời gian qua và nêu rõ mục tiêu phấn đấu của nhân dân ta trong giai đoạn mới.

Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Hiến pháp mới quy định chế độ chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta, quan hệ bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc trong nước, bảo đảm đưa miền Bắc nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh làm cơ sở cho toàn quốc đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

Hiến pháp mới quy định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan Nhà nước, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, nhằm phát huy sức sáng tạo to lớn của nhân dân ta trong công cuộc xây dựng nước nhà, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp mới là một Hiến pháp thực sự dân chủ. Hiến pháp mới là sức mạnh động viên nhân dân cả nước ta phấn khởi tiến lên giành những thắng lợi mới. Nhân dân ta quyết phát huy hơn nữa tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, chí khí đấu tranh và nhiệt tình lao động. Nhân dân ta quyết tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí với các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại, tăng cường đoàn kết với nhân dân các nước á Phi và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện thống nhất nước nhà. Nhân dân ta nhất định xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hòa bình ở Đông Nam châu á và thế giới.

CHƯƠNG I: NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

[sửa]

Điều 1

[sửa]

Đất nước Việt Nam là một khối Bắc Nam thống nhất không thể chia cắt.

Điều 2

[sửa]

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thành lập và củng cố do thắng lợi mà nhân dân Việt Nam đã giành được trong Cách mạng tháng Tám vẻ vang và kháng chiến anh dũng, là một nước dân chủ nhân dân.

Điều 3

[sửa]

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc.

Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nhà nước có nhiệm vụ gìn giữ và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc. Mọi hành vi khinh miệt, áp bức, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm.

Các dân tộc có quyền duy trì hoặc sửa đổi phong tục, tập quán, dùng tiếng nói, chữ viết, phát triển văn hóa dân tộc của mình.

Những địa phương có dân tộc thiểu số sống tập trung thì có thể thành lập khu vực tự trị. Khu vực tự trị là bộ phận không thể tách rời được của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhà nước ra sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số mau tiến kịp trình độ kinh tế và văn hóa chung.

Điều 4

[sửa]

Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ.

Điều 5

[sửa]

Việc tuyển cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đều tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp có thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ nếu tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Điều 6

[sửa]

Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

Điều 7

[sửa]

Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành động phản quốc, chống lại chế độ dân chủ nhân dân, chống lại sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Điều 8

[sửa]

Lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là của nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ toàn vẹn và an ninh của Tổ quốc, bảo vệ tự do, hạnh phúc và sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân.

CHƯƠNG II: CHẾ ĐỘ KINH TẾ VÀ XÃ HỘI

[sửa]

Điều 9

[sửa]

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến.

Mục đích cơ bản của chính sách kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không ngừng phát triển sức sản xuất nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Điều 10

[sửa]

Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất.

Nhà nước dựa vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế.

Điều 11

[sửa]

Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thời kỳ quá độ, các hình thức sở hữu chủ yếu về tư liệu sản xuất hiện nay là: hình thức sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân, hình thức sở hữu của hợp tác xã tức là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ và hình thức sở hữu của nhà tư sản dân tộc.

Điều 12

[sửa]

Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên.

Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc quyền sở hữu của toàn dân.

Điều 13

[sửa]

Kinh tế hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động.

Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sự phát triển của kinh tế hợp tác xã.

Điều 14

[sửa]

Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân.

Nhà nước ra sức hướng dẫn, giúp đỡ nông dân cải tiến kỹ thuật canh tác, phát triển sản xuất, và khuyến khích nông dân tổ chức hợp tác xã sản xuất, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã vay mượn theo nguyên tắc tự nguyện.

Điều 15

[sửa]

Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác.

Nhà nước ra sức hướng dẫn, giúp đỡ những người làm nghề thủ công và những người lao động riêng lẻ khác cải tiến cách làm ăn và khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất và hợp tác xã mua bán theo nguyên tắc tự nguyện.

Điều 16

[sửa]

Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà nước tư sản dân tộc.

Nhà nước ra sức hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc hoạt động có lợi cho quốc kế dân sinh, góp phần phát triển kinh tế quốc dân phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Nhà nước khuyến khích và hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc đi theo con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác.

Điều 17

[sửa]

Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng tài sản tư hữu để làm rối loạn sinh hoạt kinh tế của xã hội, phá hoại kế hoạch kinh tế Nhà nước.

Điều 18

[sửa]

Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở các thứ vật dụng riêng khác.

Điều 19

[sửa]

Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân.

Điều 20

[sửa]

Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích chung, Nhà nước mới có trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định.

Điều 21

[sửa]

Lao động là cơ sở để phát triển kinh tế quốc dân và nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Lao động là nghĩa vụ và vinh dự của người công dân. Nhà nước khuyến khích tính sáng tạo và tinh thần tích cực trong lao động của những người lao động chân tay và lao động trí óc.

CHƯƠNG III: QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN

[sửa]

Điều 22

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều bình đẳng trước pháp luật

Điều 23

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị tòa án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử. Công dân đang ở trong quân đội có quyền bầu cử và ứng cử.

Điều 24

[sửa]

Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương.

Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ.

Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình.

Điều 25

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó.

Điều 26

[sửa]

Công dân nớc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Điều 27

[sửa]

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được bảo đảm. Không ai có thể bị bắt nếu không có sự quyết định của Tòa án Nhân dân hoặc sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát Nhân dân.

Điều 28

[sửa]

Pháp luật bảo đảm nhà ở của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không bị xâm phạm, thư tín được giữ bí mật.

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do cư trú và đi lại.

Điều 29

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền khiếu nại và tố cáo với bất cứ cơ quan Nhà nước nào về những hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước. Những việc khiếu nại và tố cáo phải được xét và giải quyết nhanh chóng. Người bị thiệt hại vì hành vi phạm pháp của nhân viên cơ quan Nhà nước có quyền được bồi thường.

Điều 30

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền làm việc. Nhà nước dựa vào sự phát triển có kế hoạch của nền kinh tế quốc dân, dần dần mở rộng công việc làm, cải thiện điều kiện lao động và lương bổng, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó.

Điều 31

[sửa]

Người lao động có quyền nghỉ ngơi. Nhà nước quy định thời giờ làm việc và chế độ nghỉ ngơi của công nhân và viên chức, mở rộng dần những điều kiện vật chất về nghỉ ngơi và an dưỡng, để bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền đó.

Điều 32

[sửa]

Người lao động có quyền được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật, hoặc mất sức lao động. Nhà nước mở rộng dần các tổ chức bảo hiểm xã hội, cứu tế và y tế để bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền đó.

Điều 33

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hóa, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó.

Điều 34

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật, và tiến hành các hoạt động văn hóa khác. Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ tính sáng tạo của những công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học, văn học, nghệ thuật và các sự nghiệp văn hóa khác.

Điều 35

[sửa]

Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo dục thanh niên về đức dục, trí dục, thể dục.

Điều 36

[sửa]

Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của Việt kiều.

Điều 37

[sửa]

Những người nước ngoài vì đấu tranh cho tự do, cho chính nghĩa, cho hòa bình và sự nghiệp khoa học mà bị bức hại đều được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phép trú ngụ.

Điều 38

[sửa]

Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân.

Điều 39

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng, và những quy tắc sinh hoạt xã hội.

Điều 40

[sửa]

Tài sản công cộng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thiêng liêng không thể xâm phạm. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản công cộng.

Điều 41

[sửa]

Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có nghĩa vụ đóng thuế theo pháp luật.

Điều 42

[sửa]

Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc.

CHƯƠNG IV: QUỐC HỘI

[sửa]

Điều 43

[sửa]

Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Điều 44

[sửa]

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Điều 45

[sửa]

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là bốn năm.

Hai tháng trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ thì phải bầu xong Quốc hội mới.

Thể lệ tuyển cử và số đại biểu Quốc hội do luật định.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc các trường hợp bất thường khác, Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của mình và những biên pháp cần thiết để bảo đảm sự hoạt động của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội.

Điều 46

[sửa]

Quốc hội mỗi năm họp hai lần, do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể triệu tập Quốc hội họp bất thường theo quyết định của mình hoặc theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ hay của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải triệu tập Quốc hội mới chậm nhất là hai tháng sau khi tuyển cử.

Điều 47

[sửa]

Khi Quốc hội họp thì bầu Chủ tịch đoàn để điều khiển cuộc họp.

Điều 48

[sửa]

Các đạo luật và các nghị quyết của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, trừ trường hợp quy định ở điều 112 của Hiến pháp.

Điều 49

[sửa]

Các đạo luật phải được công bố chậm nhất là mười lăm ngày sau khi Quốc hội đã thông qua.

Điều 50

[sửa]

Quốc hội có những quyền hạn sau đây:

1. Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp.

2. Làm pháp luật.

3. Giám sát việc thi hành Hiến pháp.

4. Bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

5. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ.

6. Theo đề nghị của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định cử Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng.

7. Bầu Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

8. Bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

9. Bãi miễn Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thủ tướng, Phó thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ, Phó Chủ tịch và những thành viên khác của Hội đồng quốc phòng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

10. Quyết định kế hoạch kinh tế Nhà nước.

11. Xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước.

12. Ấn định các thứ thuế.

13. Phê chuẩn việc thành lập và bãi bỏ các Bộ và các cơ quan ngang Bộ.

14. Phê chuẩn việc phân vạch địa giới các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương.

15. Quyết định đại xá.

16. Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình.

17. Những quyền hạn cần thiết khác do Quốc hội định.

Điều 51

[sửa]

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội do Quốc hội bầu ra.

Uỷ ban thường vụ gồm có:

- Chủ tịch,

- Các Phó Chủ tịch,

- Tổng thư ký,

- Các ủy viên.

Điều 52

[sửa]

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội. Quốc hội có quyền bãi miễn các thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 53

[sửa]

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có những quyền hạn sau đây:

1. Tuyên bố và chủ trì việc tuyển cử đại biểu Quốc hội.

2. Triệu tập Quốc hội.

3. Giải thích pháp luật.

4. Ra pháp lệnh.

5. Quyết định việc trưng cầu ý kiến nhân dân.

6. Giám sát công tác của Hội đồng Chính phủ, của Tòa án Nhân dân tối cao và của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

7. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ trái với Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh; sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương, và giải tán các Hội đồng Nhân dân nói trên trong trường hợp các Hội đồng Nhân dân đó làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng.

8. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ.

9. Bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

10. Bổ nhiệm hoặc bãi miễn Phó Viện trưởng, kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

11. Quyết định việc bổ nhiệm hoặc bãi miễn các đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước Việt Nam .

12. Quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ những hiệp ước ký với nước ngoài, trừ trường hợp mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét cần phải trình Quốc hội quyết định.

13. Quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm và cấp khác.

14. Quyết định đặc xá.

15. Quy định và quyết định việc tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước. 16. Trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định việc tuyên bố tình trạng chiến tranh trong trường hợp nước nhà bị xâm lược.

17. Quyết định việc tổng động viện hoặc động viên cục bộ.

18. Quyết định việc giới nghiêm trong toàn quốc hoặc từng địa phương.

Ngoài những quyền hạn trên, Quốc hội có thể trao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết.

Điều 54

[sửa]

Những nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải được quá nửa tổng số ủy viên biểu quyết tán thành.

Điều 55

[sửa]

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội mới bầu xong Uỷ ban thường vụ mới.

Điều 56

[sửa]

Quốc hội bầu ra Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội. Quốc hội căn cứ vào báo cáo của Uỷ ban thẩm tra mà quyết định xác nhận tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội.

Điều 57

[sửa]

Quốc hội thành lập Uỷ ban dự án pháp luật, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách, và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 58

[sửa]

Nếu Quốc hội nhận thấy cần thiết, và trong thời gian Quốc hội không họp, nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần thiết, thì có thể tổ chức các Uỷ ban điều tra về những vấn đề nhất định. Trong khi Uỷ ban điều tra làm việc, các cơ quan Nhà nước, đoàn thể nhân dân và công dân có nhiệm vụ cung cấp tài liệu cần thiết cho Uỷ ban điều tra.

Điều 59

[sửa]

Các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ.

Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trong thời hạn năm ngày; trường hợp cần phải điều tra thì thời hạn trả lời là một tháng.

Điều 60

[sửa]

Nếu không có sự đồng ý của Quốc hội, và trong thời hạn Quốc hội không họp, nếu không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thì không được bắt giam và truy tố đại biểu Quốc hội.

CHƯƠNG V: CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

[sửa]

Điều 61

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại.

Điều 62

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu ra. Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ba mươi lăm tuổi trở lên có quyền ứng cử Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Điều 63

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà công bố pháp luật, pháp lệnh; bổ nhiệm, bãi miễn Thủ tướng, Phó Thủ tướng, và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bổ nhiệm, bãi miễn Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng; công bố lệnh đại xá và lệnh đặc xá; tặng thưởng huân chương và danh hiệu vinh dự của Nhà nước; tuyên bố tình trạng chiến tranh; công bố lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố lệnh giới nghiêm.

Điều 64

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận đại diện toàn quyền ngoại giao của nước ngoài cử đến; căn cứ vào quyết định của Quốc hội hoặc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà phê chuẩn hiệp ước ký với nước ngoài, cử và triệu hồi đại diện toàn quyền ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài.

Điều 65

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống lĩnh các lực lượng vũ trang toàn quốc, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng.

Điều 66

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa xét thấy cần thiết, có quyền tham dự và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Điều 67

[sửa]

Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khi xét thấy cần thiết thì triệu tập và chủ tọa Hội nghị chính trị đặc biệt.

Hội nghị chính trị đặc biệt gồm có Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những người hữu quan khác.

Hội nghị chính trị đặc biệt xét những vẫn đề lớn của nước nhà. Những ý kiến của Hội nghị chính trị đặc biệt do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuyển đến Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Chính phủ hoặc các cơ quan hữu quan khác để thảo luận và ra quyết định.

Điều 68

[sửa]

Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giúp Chủ tịch làm nhiệm vụ, có thể được Chủ tịch uỷ nhiệm thay thế Chủ tịch trong từng bộ phận chức quyền. Việc tuyển cử và nhiệm kỳ của Phó Chủ tịch quy định như việc tuyển cử và nhiệm kỳ của Chủ tịch.

Điều 69

[sửa]

Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm nhiệm vụ cho đến khi Chủ tịch mới và Phó Chủ tịch mới nhận chức.

Điều 70

[sửa]

Khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì tình hình sức khỏe mà không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch.

Khi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khuyết thì Phó Chủ tịch quyền Chủ tịch cho đến khi bầu xong Chủ tịch mới.

CHƯƠNG VI: HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

[sửa]

Điều 71

[sửa]

Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, và là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hội đồng Chính phủ trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 72

[sửa]

Hội đồng Chính phủ gồm có:

- Thủ tướng,

- Các Phó thủ tướng,

- Các Bộ trưởng,

- Các Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước,

- Tổng giám đốc ngân hàng Nhà nước

Tổ chức của Hội đồng Chính phủ do luật định.

Điều 73

[sửa]

Hội đồng Chính phủ căn cứ vào Hiến pháp, pháp luật và pháp lệnh mà quy định những biện pháp hành chính, ban bố những nghị đinh, nghị quyết, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những nghị định, nghị quyết và chỉ thị ấy.

Điều 74

[sửa]

Hội đồng chính phủ có những quyền hạn sau đây:

1. Trình dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác ra trước Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

2. Thống nhất lãnh đạo công tác của các Bộ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ.

3. Thống nhất lãnh đạo công tác của Uỷ ban Hành chính các cấp.

4. Sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các Bộ, các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ; sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban Hành chính các cấp.

5. Đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương và đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết ấy.

6. Chấp hành kế hoạch kinh tế và ngân sách Nhà nước.

7. Quản lý nội thương và ngoại thương.

8. Quản lý công tác văn hóa, xã hội.

9. Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, duy trì trật tự công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân.

10. Lãnh đạo việc xây dựng lực lượng vũ trang của Nhà nước.

11. Quản lý công tác đối ngoại.

12. Quản lý công tác dân tộc.

13. Phê chuẩn sự phân vạch địa giới của các đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.

14. Thi hành lệnh động viên, lệnh giới nghiêm và mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước.

15. Bổ nhiệm và bãi miễn các nhân viên cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quyền hạn trên, Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể trao cho Hội đồng Chính phủ những quyền hạn khác khi xét thấy cần thiết.

Điều 75

[sửa]

Thủ tướng Chính phủ chủ tọa Hội đồng Chính phủ và lãnh đạo công tác của Hội đồng Chính phủ. Các Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng, có thể được ủy nhiệm thay Thủ tướng khi Thủ tướng vắng mặt.

Điều 76

[sửa]

Các Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ lãnh đạo công tác của ngành mình dưới sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.

Trong phạm vi quyền hạn của mình, trên cơ sở và để thi hành pháp luật và các nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, các Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ ra những thông tư, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành các thông tư chỉ thị ấy.

Điều 77

[sửa]

Trong khi thi hành chức vụ, các thành viên của Hội đồng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi trái với Hiến pháp và pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước hay là cho nhân dân.

CHƯƠNG VII: HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG CÁC CẤP

[sửa]

Điều 78

[sửa]

Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phân định như sau:

Nước chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương;

Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã;

Huyện chia thành xã, thị trấn.

Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định.

Điều 79

[sửa]

Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính.

Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ.

Điều 80

[sửa]

Hội đồng Nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Hội đồng Nhân dân các cấp do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.

Điều 81

[sửa]

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng Nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương là ba năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố, thị xã, xã, thị trấn, khu phố là hai năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng Nhân dân các cấp trong khu vực tự trị do luật định.

Thể lệ tuyển cử và số đại biểu của Hội đồng Nhân dân các cấp do luật định.

Điều 82

[sửa]

Hội đồng Nhân dân bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương; đặt kế hoạch xây dựng kinh tế, văn hóa và những sự nghiệp lợi ích công cộng ở địa phương; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của địa phương; duy trì trật tự và an ninh ở địa phương, bảo vệ tài sản công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân, bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc.

Điều 83

[sửa]

Căn cứ vào pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên, Hội đồng Nhân dân ra những nghị quyết thi hành ở địa phương.

Điều 84

[sửa]

Hội đồng Nhân dân bầu ra Uỷ ban Hành chính và có quyền bãi miễn các thành viên của Uỷ ban Hành chính.

Hội đồng Nhân dân bầu và bãi miễn Chánh án Tòa án Nhân dân cấp mình.

Điều 85

[sửa]

Hội đồng Nhân dân có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban Hành chính cấp mình; có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân cấp dưới trực tiếp và những quyết định không thích đáng của Uỷ ban Hành chính cấp dưới trực tiếp.

Điều 86

[sửa]

Hội đồng Nhân dân các cấp có quyền giải tán Hội đồng Nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng Nhân dân này làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng. Nghị quyết giải tán phải được Hội đồng Nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn trước khi thi hành. Nghị quyết giải tán của Hội đồng Nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành.

Điều 87

[sửa]

Uỷ ban Hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.

Điều 88

[sửa]

Uỷ ban Hành chính gồm có Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, ủy viên Thư ký và các ủy viên.

Nhiệm kỳ của Uỷ ban Hành chính theo nhiệm kỳ của Hội đồng Nhân dân đã bầu ra mình.

Khi Hội đồng Nhân dân hết nhiệm kỳ hoặc bị giải tán, Uỷ ban Hành chính tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng Nhân dân mới bầu ra Uỷ ban Hành chính mới.

Tổ chức của Uỷ ban Hành chính các cấp do luật định.

Điều 89

[sửa]

Uỷ ban Hành chính các cấp quản lý công tác hành chính của địa phương, chấp hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp mình và nghị quyết, mệnh lệnh của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên.

Uỷ ban Hành chính các cấp chiếu theo quyền hạn do luật định mà ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những quyết định, chỉ thị ấy.

Điều 90

[sửa]

Uỷ ban Hành chính các cấp lãnh đạo công tác của các ngành thuộc quyền mình và của các Uỷ ban Hành chính cấp dưới.

Uỷ ban Hành chính các cấp có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các ngành công tác thuộc quyền mình và của Uỷ ban Hành chính cấp dưới.

Uỷ ban Hành chính các cấp có quyền đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng Nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng Nhân dân cấp mình sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết ấy.

Điều 91

[sửa]

Uỷ ban Hành chính các cấp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng Nhân dân cấp mình và trước cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp.

Uỷ ban Hành chính các cấp chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban Hành chính cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.


HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH Ở CÁC KHU VỰC TỰ TRỊ

Điều 92

[sửa]

Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính ở các khu vực tự trị phải căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản về tổ chức Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính các cấp quy định ở trên.

Điều 93

[sửa]

Trong những khu vực tự trị có nhiều dân tộc sống xen lẫn, Hội đồng Nhân dân sẽ có số đại biểu thích đáng của các dân tộc.

Điều 94

[sửa]

Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính các khu vực tự trị chiếu theo phạm vi quyền hạn tự trị do pháp luật quy định mà đặt kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa thích hợp với tình hình địa phương, quản lý tài chính, tổ chức các lực lượng dân quân tự vệ và công an của địa phương.

Điều 95

[sửa]

Trong phạm vi quyền hạn tự trị, Hội đồng Nhân dân các khu vực tự trị có thể chiếu theo những đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc ở địa phương mà đặt ra điều lệ tự trị và những điều lệ về những vấn đề riêng biệt để thi hành ở địa phương sau khi đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 96

[sửa]

Cơ quan Nhà nước cấp trên phải bảo đảm cho Hội đồng Nhân dân và Uỷ ban Hành chính các khu vực tự trị sử dụng quyền tự trị và giúp đỡ các dân tộc thiểu số tiến hành thuận lợi việc xây dựng chính trị, kinh tế và văn hóa của mình.

CHƯƠNG VIII: TOÀ ÁN NHÂN DÂN VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

[sửa]
TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Điều 97

[sửa]

Tòa án Nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các Tòa án Nhân dân địa phương, các Tòa án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt.

Điều 98

[sửa]

Các Tòa án Nhân dân thực hành chế độ Thẩm phán bầu theo quy định của pháp luật.

Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao là năm năm.

Tổ chức của các Tòa án Nhân dân do luật định.

Điều 99

[sửa]

Việc xét xử ở các Tòa án Nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, Hội thẩm Nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.

Điều 100

[sửa]

Khi xét xử, Tòa án Nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 101

[sửa]

Việc xét xử tại các Tòa án Nhân dân đều công khai, trừ những trường hợp đặc biệt do luật định.

Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm.

Điều 102

[sửa]

Tòa án Nhân dân bảo đảm cho công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thuộc các dân tộc thiểu số có thể dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước tòa án.

Điều 103

[sửa]

Tòa án Nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tòa án Nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án Nhân dân địa phương, Tòa án quân sự và Tòa án đặc biệt.

Điều 104

[sửa]

Tòa án Nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Các Tòa án Nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng Nhân dân địa phương.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 105

[sửa]

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.

Các Viện Kiểm sát Nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định.

Điều 106

[sửa]

Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao là năm năm.

Tổ chức của các Viện Kiểm sát Nhân dân do luật định.

Điều 107

[sửa]

Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Điều 108

[sửa]

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

CHƯƠNG IX: QUỐC KỲ - QUỐC HUY - THỦ ĐÔ

[sửa]

Điều 109

[sửa]

Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Điều 110

[sửa]

Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Điều 111

[sửa]

Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hà Nội.

CHƯƠNG X: SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

[sửa]

Điều 112

[sửa]

Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.


Bản Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá thứ nhất, kỳ họp thứ 11, nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 31 tháng 12 năm 1959, hồi 15 giờ 50.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".