Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam/Phụ bản
Hội nghị Genève về vấn đề Đông-Dương
PHỤ BẢN KÈM THEO HIỆP ĐỊNH ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT-NAM
I– Vạch giới tuyến quân sự tạm thời và khu phi quân sự
(Nói trong điều 1 của hiệp định – xem bản đồ Đông-Dương: 1/100.000).
a) Giới tuyến quân sự tạm thời định từ Đông sang Tây như sau: Cửa sông Bến Hát (sông Cửa Tùng) và giòng sông đó (trong vùng núi, sông này tên là Rào Thành) cho đến làng Bô Hô Su, rồi vĩ tuyến Bô Hô Su cho đến biên giới Lào Việt.
b) Vùng phi quân sự sẽ do Ban Quân sự Trung-giá định, căn cứ theo những điều khoản ở điều 1 trong hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
II– Vạch các khu đóng quân tạm thời (Xem điều 15 của hiệp định – Xem bản đồ Đông-Dương: 1/400.000).
A. BẮC VIỆT NAM:
Vạch giới hạn khu đóng quân tạm thời của lực lượng Liên hiệp Pháp:
1) Chu vi Hà-nội, giới hạn trong một đường vòng cung bán kính mười lăm (15) cây số, trung tâm là chân cầu Long-biên bên hữu ngạn, chạy từ sông Hồng về phía Tây, và giáp với sông Đuống phía Đông Bắc.
Trong trường hợp đặc biệt này, không một bộ đội nào của Liên hiệp Pháp được đóng trong phạm vi một vành đai rộng hai cây số chạy theo bên trong đường chu vi Hà-nội.
2) Chu vi Hải-phòng, giới hạn theo sông Vạn-úc lên đến ngang Kim-thành, một đường đi từ sông Vạn-úc, cách Kim-thành ba cây số về phía Tây Bắc, đến gặp đường số 18 cách phía Đông Mạo-khê hai cây số. Rồi đến một đường từ phía Bắc đường số 18 ba cây số đến Cho-Troi và một đường thẳng từ Cho-Troi đến bến phà Nông-dương.
3) Một hành lang, giới hạn như sau:
– Phía Nam sông Hồng-hà từ Thanh-trì đến Bang-nho, rồi một đường nối Bang-nho với Dô-my (Tây Nam Kẻ-sặt), Gia-lộc, Tiên-kiêu.
– Phía Bắc một đường men theo sông Đuống cách 1.500 thước về phía Bắc, cách Phả-lại và Sept Pagodes ba cây số về phía Bắc, và song song với đường số 18 cho đến khi gặp chu vi Hải-phòng.
Ghi chú: Trong suốt thời gian rút khỏi chu vi Hà-nội, thủy quân trên sông của Liên hiệp Pháp được tự do đi lại trên sông Vạn-úc. Và Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ rút ra cách bờ sông Vạn-úc ba cây số về phía Nam.
Giới hạn giữa chu vi Hà-nội và chu vi Hải-dương: Một đường thẳng bắt đầu từ sông Đuống, cách Chi-nê 3 cây số về phía Tây và chạy thẳng tới Dô-my (8 cây số phía Tây Nam Kẻ-sặt).
B. TRUNG VIỆT-NAM:
Vạch giới hạn khu đóng quân tạm thời: Chu vi của khu Trung Việt-nam là địa giới hành chính của các tỉnh Quảng-ngãi và Bình-định theo như quy định trước khi có chiến sự.
C. NAM VIỆT-NAM:
Quy định ba khu đóng quân tạm thời cho các lực lượng của Quân đội Nhân dân Việt-nam.
Các khu ấy giới hạn như sau:
1) Khu Xuyên-mộc – Hàm-tân:
Giới hạn phía Tây: Giòng sông Ray, kéo dài về phía Bắc cho tới đường số 1, đến một điểm trên con đường đó, cách ngã ba đường số 1 và số 3 tám cây số về phía Đông.
Giới hạn phía Bắc: Đường số 1, kéo dài theo đường thẳng về phía Đông cho đến Kim-thành trên bờ biển.
2) Khu Đồng-tháp-mười:
Giới hạn phía Bắc: Biên giới giữa Việt-nam và Cao-miên.
Giới hạn phía Tây: Một đường thẳng từ Tông-binh đến Bình-thành.
Giới hạn phía Nam: Giòng sông Tiền-giang (Cửu-long) cho đến mười cây số về Đông Nam Cao-lãnh. Từ đấy một đường thẳng chạy đến Ấp My-diên, rồi từ Ấp My-diên một đường song hành cách kênh đào Tong-dôc-lôc ba cây số về phía Đông và ba cây số về phía Nam, đường này gặp My Hành Dông, rồi Hung Thanh My.
Giới hạn phía Đông: Một đường thẳng từ Hung Thanh My và đi về phía Bắc đến biên giới Cao-miên về phía Nam Doi Bao-voi.
3) Khu Mũi Cà-mâu:
Giới hạn phía Bắc: Sông Cai-lon, từ cửa sông đến chỗ hợp lưu với Rạch-Nước-Trong, rồi từ Rạch-nước-Trong đến khuỷu sông cách Ấp Xeo-la năm cây số phía Đông Bắc. Một đường từ những điểm trên đến kênh đào Ngan Dua và dọc theo kênh đào này đến Vinh-hung. Sau cùng một đường Bắc Nam từ Vinh-hung ra đến biển.