Định ước của Hội nghị Paris 1973

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Định ước này được ký giữa 12 nước vào ngày 2 tháng 3 năm 1973.

[Vietnamese text — Texte vietnamien]


ĐỊNH ƯỚC
CỦA HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ VIỆT NAM


Chính phủ Hoa Kỳ;

Chính phủ Cộng hòa Pháp;

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam;

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Hung-ga-ri;

Chính phủ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a;

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan;

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa;

Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan;

Chính phủ Việt Nam cộng hòa;

Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết;

Chính phủ Ca-na-đa; và

Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;

Với sự có mặt của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc;

Nhằm mục đích ghi nhận các Hiệp định đã ký kết; bảo đảm chấm dứt chiến tranh, giữ vững hòa bình ở Việt Nam, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; góp phần vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương;

Đã thỏa thuận, cam kết tôn trọng và thi hành những điều khoản sau đây:

Điều 1

Các bên ký kết Định ước này trịnh trọng ghi nhận, tuyên bố tán thành và ủng hộ Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký tại Pa-ri ngày 27 tháng giêng năm 1973 và bốn Nghị định thư của Hiệp định ký kết cũng vào ngày đó (sau đây gọi là Hiệp định và các Nghị định thư).

Điều 2

Hiệp định đáp ứng các nguyện vọng và các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, và đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hòa bình của tất cả các nước trên thế giới. Hiệp định là một cống hiến to lớn đối với hòa bình, quyền tự quyết, độc lập dân tộc và việc cải thiện quan hệ giữa các nước. Hiệp định và các Nghị định thư phải được tôn trọng triệt để và phải được thi hành nghiêm chỉnh.

Điều 3

Các bên ký kết Định ước này trịnh trọng ghi nhận những cam kết của các bên ký kết Hiệp định và các Nghị định thư tôn trọng triệt để và thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định và các Nghị định thư.

Điều 4

Các bên ký kết Định ước này trịnh trọng công nhận và triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam cũng như quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Các bên ký kết định ước này triệt để tôn trọng Hiệp định và các Nghị định thư bằng cách không có bất cứ hành động nào trái với các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư.

Điều 5

Vì sự nghiệp hòa bình lâu dài ở Việt Nam, các bên ký kết Định ước này kêu gọi tất cả các nước triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, triệt để tôn trọng Hiệp định và các Nghị định thư bằng cách không có bất cứ hành động nào trái với các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư.

Điều 6

a) Bốn bên ký kết Hiệp định hoặc hai bên miền Nam Việt Nam mỗi bên có thể tự mình, hoặc bằng hành động thống nhất, thông báo cho các bên khác ký kết Định ước này về tình hình thi hành Hiệp định và các Nghị định thư. Vì các báo cáo và ý kiến của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát về việc kiểm soát và giám sát việc thực hiện các điều khoản của Hiệp định và các Nghị định thư thuộc nhiệm vụ của Ủy ban sẽ gửi đến bốn bên ký kết Hiệp định hoặc hai bên miền Nam Việt Nam, nên các bên đó có trách nhiệm mỗi bên tự mình, hoặc bằng hành động thống nhất, nhanh chóng chuyển các báo cáo và ý kiến đó đến các bên khác ký kết Định ước này.

b) Bốn bên ký kết Hiệp định hoặc hai bên miền Nam Việt Nam cũng sẽ, mỗi bên tự mình, hoặc bằng hành động thống nhất, chuyển những thông báo, báo cáo và ý kiến nói trên cho bên khác tham gia Hội nghị quốc tế về Việt Nam để biết.

Điều 7

a) Trong trường hợp xẩy ra một sự vi phạm Hiệp định và các Nghị định thư, đe dọa hòa bình, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam hoặc quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, các bên ký kết Hiệp định và các Nghị định thư mỗi bên sẽ tự mình, hoặc bằng hành động thống nhất, trao đổi ý kiến với các bên khác ký kết Định ước này để xác định những biện pháp cần thiết để giải quyết.

b) Hội nghị quốc tế về Việt Nam sẽ được họp lại khi Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, thay mặt các bên ký kết Hiệp định, cùng yêu cầu, hoặc khi có sáu hoặc hơn sáu bên ký kết Định ước này yêu cầu.

Điều 8

Để góp phần vào hòa bình và bảo đảm hòa bình ở Đông Dương, các bên ký kết Định ước này ghi nhận lời cam kết của các bên ký kết Hiệp định tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, và nền trung lập của Cam-pu-chia và của Lào như Hiệp định đã quy định. Các bên ký kết Định ước cũng thỏa thuận tôn trọng các điều trên và sẽ không có bất cứ hành động nào trái với các điều trên, và kêu gọi các nước khác cũng làm như thế.

Điều 9

Định ước này sẽ có hiệu lực từ khi Đại diện toàn quyền của tất cả mười hai bên ký và sẽ được tất cả các bên thi hành triệt để. Việc ký kết vào Định ước này không phải là sự công nhận bất cứ một bên nào trong trường hợp mà trước đây chưa có sự công nhận đó.

Làm thành mười hai bản tại Pa-ri, ngày hai tháng ba năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba bằng tiếng Việt Nam, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp và tiếng Nga. Tất cả các bản đều có giá trị như nhau.


Thay mặt
Chính phủ Hoa Kỳ:

[Signed – Signé]
WILLIAM P. ROGERS
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Cộng hòa Pháp:

[Signed – Signé]
MAURICE SCHUMANN
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam:

[Signed – Signé]
NGUYỄN THỊ BÌNH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Hung-ga-ri:

[Signed – Signé]
JANOS PETER
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a:

[Signed – Signé]
ADAM MALIK
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Ba Lan:

[Signed – Signé]
STEFAN OLSZOWSKI
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa:

[Signed – Signé]
NGUYỄN DUY TRINH
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Vương quốc Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan:

[Signed – Signé]
ALEC DOUGLAS-HOME
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Việt Nam cộng hòa:

[Signed – Signé]
TRẦN VĂN LẮM
Tổng trưởng Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết:

[Signed – Signé]
A.A. GROMYKO
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Ca-na-đa:

[Signed – Signé]
MITCHELL SHARP
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao


Thay mặt
Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa:

[Signed – Signé]
CƠ BẰNG PHI
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".

Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:

  1. Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
  2. Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
  3. Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).