Hiệp ước của WIPO về Quyền tác giả
với
Các tuyên bố đã được thông qua của Hội nghị ngoại giao thông qua Hiệp ước
và
Các quy định của Công ước Berne (1971)
dẫn chiếu trong Hiệp ước
Hiệp ước Quyền tác giả WIPO (WCT) (1996)
Phần mở đầu
[sửa]Các Bên Ký kết,
Mong muốn duy trì và phát triển sự bảo hộ các quyền tác giả đối với tác phẩm văn học và nghệ thuật một cách có hiệu quả và đồng bộ nhất,
Thừa nhận sự cần thiết đưa ra những quy định quốc tế mới và xác định rõ nội dung của các quy định hiện có nhằm đặt ra các giải pháp thoả đáng cho các vấn đề nảy sinh do sự phát triển mới về nền kinh tế, xã hội, văn hoá và công nghệ,
Thừa nhận ảnh hưởng sâu rộng của sự phát triển và thành tựu của công nghệ tin học và truyền thông đối với việc sáng tạo và sử dụng các tác phẩm văn học và nghệ thuật,
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả như là sự khích lệ công việc sáng tạo ra tác phẩm văn học và nghệ thuật,
Thừa nhận sự cần thiết duy trì cân bằng giữa quyền của tác giả và lợi ích của công chúng, đặc biệt trong giáo dục, nghiên cứu và tiếp cận thông tin, như được nêu trong Công ước Berne,
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1 Liên quan đến Công ước Berne
[sửa](1) Hiệp ước này là một thoả thuận đặc biệt theo nghĩa của Điều 20 của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đối với các Bên ký kết là những Bên ký kết Liên hiệp do Công ước thành lập. Hiệp ước này không có bất kỳ sự dẫn chiếu nào tới các hiệp ước khác ngoài Công ước Berne, cũng như không làm phương hại tới các quyền và nghĩa vụ được quy định tại bất kỳ hiệp ước nào khác.
(2) Không có quy định nào trong Hiệp ước làm tổn hại đến những nghĩa vụ hiện tại mà các Bên ký kết đã có với nhau theo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
(3) Sau đây, "Công ước Berne" được hiểu là nói đến Nghị định thư Paris ngày 24/6/1971 của Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật
(4) Các Bên ký kết phải tuân thủ các Điều 1 tới Điều 21 và Bản Phụ lục của Công ước Berne.[1]
Điều 2 Phạm vi bảo hộ quyền tác giả
[sửa]Sự bảo hộ quyền tác giả được dành cho tác phẩm đã được thể hiện chứ không dành cho bản thân ý tưởng, thủ tục, phương thức hoạt động hoặc các khái niệm toán học.
Điều 3 Áp dụng các điều từ Điều 2 đến Điều 6 của Công ước Berne
[sửa]Các Bên ký kết phải áp dụng các điều khoản sửa đổi thích hợp các quy định của các điều từ Điều 2 đến Điều 6 của Công ước Berne được quy định trong Hiệp ước này.[2]
Điều 4 Chương trình máy tính
[sửa]Chương trình máy tính được bảo hộ như là tác phẩm văn học theo nghĩa của Điều 2 Công ước Berne. Sự bảo hộ này áp dụng cho các chương trình máy tính, bất kể chúng được thể hiện dưới hình thức hoặc phương thức nào.[3]
Điều 5 Sưu tập dữ liệu (Cơ sở dữ liệu)
[sửa]Các dữ liệu hoặc tư liệu khác được sưu tập dưới bất kỳ hình thức nào, mà tạo nên những sáng tạo trí tuệ, thì được bảo hộ. Sự bảo hộ này không dành cho chính bản thân dữ liệu hoặc tư liệu đó và không làm phương hại đến bất kỳ quyền tác giả nào đang tồn tại đối với dữ liệu hoặc tư liệu trong sưu tập đó.[4]
Điều 6 Quyền phân phối
[sửa](1) Tác giả của tác phẩm văn học và nghệ thuật được hưởng quyền độc quyền cho phép cung cấp tới công chúng bản gốc và bản sao tác phẩm đó thông qua việc bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu.
(2) Không một quy định nào trong Hiệp ước này ảnh hưởng đến quyền tự do của các Bên ký kết xác định các điều kiện có thể làm triệt tiêu, quyền được quy định tại Khoản (1) áp dụng sau khi bán hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu lần thứ nhất bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm với sự cho phép của tác giả.[5]
Điều 7 Quyền cho thuê
[sửa](1) Các tác giả của
- (i) chương trình máy tính;
- (ii) tác phẩm điện ảnh; và
- (iii) tác phẩm được thể hiện trong bản ghi âm, như được xác định theo luật pháp quốc gia của Bên ký kết,
sẽ được hưởng quyền độc quyền cho công chúng thuê nhằm mục đích thương mại đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm của họ.
(2) Khoản (1) không áp dụng
- (i) đối với các chương trình máy tính, khi bản thân chương trình đó không phải đối tượng chính của việc cho thuê; và
- (ii) đối với các tác phẩm điện ảnh, trừ khi việc cho thuê thương mại như vậy dẫn tới việc sao chép tràn lan các tác phẩm này, làm suy giảm thực tế quyền độc quyền sao chép.
(3) Không trái với các quy định của Khoản (1), Bên ký kết, vào ngày 15/4/1994 đã và đang áp dụng một hệ thống trả tiền thù lao thoả đáng cho tác giả đối với việc cho thuê bản sao bản ghi âm các tác phẩm của họ có thể duy trì hệ thống đó với điều kiện là việc cho thuê thương mại bản ghi âm có tác phẩm như vậy không làm suy giảm thực tế quyền độc quyền sao chép của tác giả.[6][7]
Điều 8 Quyền truyền đạt tới công chúng
[sửa]Không trái với các quy định của Điều 11(1)(ii), 11bis(1)(i) và (ii), 11ter(1)(ii) 14(1)(ii) và 11bis(1), của Công ước Berne các tác giả của các tác phẩm văn học và nghệ thuật được hưởng quyền độc quyền cho phép truyền đạt tới công chúng tác phẩm của họ, bằng vô tuyến hay hữu tuyến, kể cả việc đưa tác phẩm của họ tới công chúng theo cách thức mà những thành viên trong xã hội có thể tiếp cận các tác phẩm đó tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.[8]
Điều 9 Thời hạn bảo hộ tác phẩm nhiếp ảnh
[sửa]Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, Bên ký kết không phải áp dụng các quy định của Điều 7(4) của Công ước Berne.
Điều 10 Hạn chế và ngoại lệ
[sửa](1) Các Bên ký kết có thể quy định trong pháp luật nước mình những hạn chế và ngoại lệ đối với các quyền dành cho tác giả tác phẩm văn học và nghệ thuật theo Hiệp ước này trong những trường hợp đặc biệt cụ thể, không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.
(2) Khi áp dụng Công ước Berne, các Bên ký kết phải xác định rõ các hạn chế hoặc ngoại lệ đối với các quyền được quy định trong những trường hợp đặc biệt cụ thể mà không mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không làm phương hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả.[9]
Điều 11 Các nghĩa vụ về biện pháp công nghệ
[sửa]Các Bên ký kết phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hoá các biện pháp công nghệ được tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình theo Hiệp ước này hoặc Công ước Berne và ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc không được phép theo luật đối với tác phẩm.
Điều 12 Các nghĩa vụ về thông tin quản lý quyền
[sửa](1) Các Bên ký kết phải áp dụng các biện pháp thực thi pháp lý tương xứng và hiệu quả đối với bất kỳ người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, hoặc theo các biện pháp thực thi dân sự dựa có cơ sở hợp lý biết rằng hành vi đó gây ra, tạo khả năng, điều kiện hoặc che giấu sự vi phạm bất kỳ quyền nào được quy định trong Hiệp ước này hoặc Công ước Berne:
- (i) dỡ bỏ hoặc thay đổi bất kỳ thông tin quản lý quyền điện tử nào mà không được sự cho phép;
- (ii) phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng hoặc truyền đạt tới công chúng một cách trái phép, các tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm biết rằng thông tin quản lý quyền điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi một cách trái phép.
(2) Như được sử dụng ở Điều này, "thông tin quản lý quyền" nghĩa là thông tin xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu các quyền đối với tác phẩm, hoặc thông tin về thời hạn và điều kiện sử dụng tác phẩm, và mọi con số hoặc mã ký hiệu thể hiện thông tin đó, khi các mục thông tin này được gắn với bản sao tác phẩm hoặc xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng.[10]
Điều 13 Áp dụng vào thời điểm bắt đầu có hiệu lực
[sửa]Các Bên ký kết phải áp dụng các quy định của Điều 18 Công ước Berne đối với mọi tác phẩm được bảo hộ quy định trong Hiệp ước này.
Điều 14 Các quy định về thực thi quyền
[sửa](1) Các Bên ký kết phù hợp với hệ thống pháp luật của nước mình cam kết ban hành các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo áp dụng Hiệp ước này.
(2) Các Bên ký kết phải đảm bảo rằng các thủ tục thực thi đã có trong luật pháp nước mình cũng cho phép thực hiện hành động có hiệu quả chống lại bất kỳ hành vi xâm phạm các quyền được quy định trong Hiệp ước này, bao gồm những biện pháp để ngăn chặn sự xâm phạm và các biện pháp đủ mạnh để kịp thời ngăn ngừa xâm phạm.
Điều 15 Hội đồng
[sửa](1)
- (a) Các Bên ký kết sẽ thành lập một Hội đồng.
- (b) Mỗi Bên ký kết có một đại biểu đại diện có thể nhận sự trợ giúp của các đại biểu dự khuyết, cố vấn và chuyên gia.
- (c) Các chi phí cho đoàn đại diện do Bên ký kết chỉ định đoàn chịu. Hội đồng có thể yêu cầu Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (sau đây gọi tắt là WIPO) dành cho sự trợ giúp về tài chính nhằm tạo sự thuận lợi cho việc tham gia của các đoàn của những Bên ký kết được Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc coi là những nước đang phát triển hoặc là những nước đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
(2)
- (a) Hội đồng phải giải quyết những vấn đề liên quan đến việc duy trì, phát triển Hiệp ước này, việc áp dụng và thực hiện Hiệp ước.
- (b) Hội đồng phải thực hiện các chức năng đã được xác định theo Điều 17(2) trong trường hợp tổ chức liên chính phủ trở thành Bên tham gia Hiệp ước.
- (c) Hội đồng quyết định việc triệu tập hội nghị ngoại giao để sửa đổi Hiệp ước và đưa ra các khuyến nghị cần thiết cho Tổng Giám đốc WIPO về việc chuẩn bị hội nghị ngoại giao này.
(3)
- (a) Mỗi Quốc gia là Bên ký kết có một phiếu bầu và chỉ được bỏ phiếu nhân danh quốc gia mình.
- (b) Bên ký kết là tổ chức liên chính phủ được tham gia bỏ phiếu thay cho các Bên ký kết của tổ chức mình với số phiếu bầu tương đương với số Bên ký kết của tổ chức mình là Bên tham gia Hiệp ước này. Không một tổ chức liên chính phủ nào được tham gia bỏ phiếu nếu bất kỳ một Bên ký kết nào của tổ chức này thực hiện quyền bỏ phiếu của mình và ngược lại.
(4) Hội đồng nhóm họp thường kỳ hai năm một lần theo sự triệu tập của Tổng Giám đốc WIPO.
(5) Hội đồng phải lập ra quy chế hoạt động của mình, kể cả việc triệu tập khoá họp bất thường, yêu cầu về số đại biểu tối thiểu hợp lệ, và đa số phiếu bầu cần thiết cho việc thông qua những quyết định khác nhau tuỳ thuộc vào những quy định của Hiệp ước.
Điều 16 Văn phòng Quốc tế
[sửa]Văn phòng Quốc tế của WIPO sẽ thực hiện những công việc quản lý liên quan đến Hiệp ước.
Điều 17 Điều kiện để trở thành Bên tham gia Hiệp ước
[sửa](1) Bất kỳ Nước thành viên nào của WIPO đều có thể trở thành Bên tham gia Hiệp ước này.
(2) Hội đồng có quyền quyết định chấp nhận bất kỳ tổ chức liên chính phủ nào mà tuyên bố rằng mình có đủ thẩm quyền, và có điều lệ riêng ràng buộc tất cả các Bên ký kết của tổ chức và rằng tổ chức đã được uỷ quyền, theo quy chế hoạt động của tổ chức mình, đối với các vấn đề được quy định trong Hiệp ước này, trở thành Bên tham gia Hiệp ước này.
(3) Cộng đồng châu Âu, có đưa ra tuyên bố nói tại Khoản trên tại Hội nghị Ngoại giao thông qua Hiệp ước này, có thể trở thành Bên tham gia Hiệp ước.
Điều 18 Các quyền và nghĩa vụ theo Hiệp ước
[sửa]Các Bên ký kết được hưởng tất cả các quyền và thực hiện tất cả các nghĩa vụ theo Hiệp ước, trừ trường hợp các quy định riêng của Hiệp ước này có quy định khác.
Điều 19 Ký kết Hiệp ước
[sửa]Đến ngày 31/12/1997 Hiệp ước này được mở để mọi nước Thành viên của WIPO và Cộng đồng châu Âu ký.
Điều 20 Đưa Hiệp ước vào hiệu lực
[sửa]Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực 3 tháng sau khi có 30 văn kiện phê chuẩn hay gia nhập của các Nước được nộp tới Tổng Giám đốc WIPO.
Điều 21 Ngày có hiệu lực để trở thành Bên tham gia Hiệp ước
[sửa]Hiệp ước sẽ ràng buộc:
- (i) 30 Nước nói tại Điều 20 từ ngày Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực;
- (ii) Các Nước khác, từ ngày hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày Nước đó nộp văn kiện của mình tới Tổng Giám đốc WIPO;
- (iii) Cộng đồng châu Âu, từ ngày hết thời hạn 3 tháng sau khi nộp văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của mình nếu văn kiện này được nộp sau khi Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực theo Điều 20, hoặc 3 tháng sau khi Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực nếu như văn kiện này được nộp trước khi Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực;
- (iv) mọi tổ chức liên chính phủ khác được chấp nhận trở thành Bên tham gia Hiệp ước này từ ngày hết thời hạn 3 tháng sau khi nộp văn kiện gia nhập của mình.
Điều 22 Không có bảo lưu đối với Hiệp ước
[sửa]Không một bảo nào đối với Hiệp ước này được chấp nhận.
Điều 23 Rút khỏi Hiệp ước
[sửa]Các Bên ký kết có thể rút khỏi Hiệp ước này thông qua thông báo gửi tới Tổng Giám đốc WIPO. Việc rút khỏi này có hiệu lực một năm sau ngày Tổng Giám đốc WIPO nhận được thông báo.
Điều 24 Ngôn ngữ của Hiệp ước
[sửa](1) Hiệp ước được ký từng đơn bản bằng tiếng Anh, Ả Rập, Trung Quốc, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, các bản này có giá trị ngang nhau.
(2) Văn bản chính thức bằng những thứ tiếng khác với thứ tiếng nêu tại Khoản (1) sẽ do Tổng Giám đốc WIPO lập ra theo yêu cầu của thành viên có liên quan phải lấy ý kiến của tất cả các Bên ký kết có liên quan. Trong Khoản này, thì "Bên ký kết có liên quan" có nghĩa là bất kỳ Bên ký kết nào của WIPO có ngôn ngữ chính thức, hoặc có một trong các ngôn ngữ chính thức đang hoặc yêu cầu lập; Cộng đồng châu Âu và các tổ chức liên chính phủ có thể trở thành Bên ký kết Hiệp ước, nếu một trong các ngôn ngữ chính thức của những tổ chức đó được yêu cầu lập.
Điều 25 Lưu giữ
[sửa]Tổng Giám đốc WIPO là người lưu giữ Hiệp ước.
Hiệp ước được Hội nghị Ngoại giao của WIPO về một số vấn đề về quyền tác giả và quyền kề cận thông qua tại Geneva, ngày 20/12/1996.
Các trích dẫn liên quan đến Hiệp ước
[sửa]- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 1(4): như quy định ở Điều 9 của Công ước Berne và các ngoại lệ được cho phép theo đó, quyền sao chép hoàn toàn áp dụng trong môi trường kỹ thuật số, đặc biệt đối với việc sử dụng các tác phẩm ở dạng kỹ thuật số. Điểm này được hiểu là việc lưu giữ một tác phẩm được bảo hộ dưới dạng kỹ thuật số trong môi trường điện tử tạo thành việc sao chép theo nghĩa của Điều 9 Công ước Berne.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 3: khi áp dụng Điều 3 của Hiệp ước, được hiểu rằng thuật ngữ "nước thuộc Liên hiệp" ở các điều từ Điều 2 đến Điều 6 của Công ước Berne phải được xem như là nói đến các Bên ký kết Hiệp ước này trong việc áp dụng các Điều Khoản của Công ước Berne nói trên đối với việc bảo hộ được quy định trong Hiệp ước này. Hiểu tương tự đối với thuật ngữ "nước ngoài Liên hiệp" ở các Điều Khoản trên của Công ước Berne, trong các trường hợp tương tự cũng được xem như là nói tới nước không phải là Bên ký kết Hiệp ước này và thuật ngữ "Công ước này" ở các Điều 2(8), 2bis(2), 3, 4 và 5 của Công ước Berne phải được xem là nói đến Công ước Berne và Hiệp ước này. Cuối cùng, được hiểu rằng liên quan đến các Điều 3 tới 6 của Công ước Berne về "công dân của một trong các nước thuộc Liên hiệp", khi các Điều này được áp dụng đối với Hiệp ước này, có nghĩa là công dân của một trong các nước thành viên của của tổ chức liên chính phủ là thành viên của Hiệp ước này.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 4: phạm vi bảo hộ đối với chương trình máy tính theo Điều 4 của Hiệp ước này cùng với Điều 2 là phù hợp với Điều 2 của Công ước Berne và các quy định tương ứng của Hiệp định TRIPS.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 5: phạm vi bảo hộ đối với sưu tập dữ liệu theo Điều 5 của Hiệp ước này, cùng với Điều 2 là phù hợp với Điều 2 của Công ước Berne và tương đương với các Điều Khoản tương ứng của Hiệp định TRIPS.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên qụan đến Điều 6 và 7: như được sử dụng ở các Điều này, thuật ngữ "bản sao" và "bản gốc và bản sao", tuỳ thuộc vào quyền phân phối và quyền cho thuê theo các Điều này, chỉ đề cập tới các bản đã được định hình và có thể đưa vào lưu thông như các vật hữu hình.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên qụan đến Điều 6 và 7: như được sử dụng ở các Điều này, thuật ngữ "bản sao" và "bản gốc và bản sao", tuỳ thuộc vào quyền phân phối và quyền cho thuê theo các Điều này, là chỉ đề cập tới các bản đã được định hình và có thể đưa vào lưu thông như các vật hữu hình.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 7: điểm này được hiểu rằng nghĩa vụ tuân theo Điều 7(1) không buộc nước thành viên quy định độc quyền cho thuê thương mại cho tác giả mà không được hưởng các quyền này theo luật pháp nước đó đối với bản ghi âm. Điểm này được hiểu rằng nghĩa vụ này cũng phù hợp với điều 14(4) của Hiệp định TRIPS.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 8: điểm này được hiểu là chỉ riêng việc cung cấp phương tiện vật chất để tạo điều kiện hoặc để thực hiện truyền đạt không tới mức truyền đạt theo nghĩa của Hiệp ước này hoặc Công ước Berne. Được hiểu là không có quy định nào ở Điều 8 ngăn cấm nước thành viên áp dụng Điều 11bis(2).
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 10: điểm này được hiểu rằng các quy định của Điều 10 cho phép nước thành viên đưa ra và mở rộng một cách hợp lý đến các hạn chế và ngoại lệ trong môi trường kỹ thuật số theo luật pháp nước mình. Tương tự như vậy, các quy định này phải được hiểu là cho phép nước thành viên đặt ra các hạn chế và ngoại lệ mới phù hợp trong môi trường mạng kỹ thuật số. Điểm này cũng được hiểu là Điều 10(2) không giảm đi cũng không mở rộng phạm vi khả năng áp dụng các hạn chế và ngoại lệ được phép theo Công ước Berne.
- ▲ Tuyên bố được thông qua liên quan đến Điều 12: Điểm này được hiểu rằng nói tới "sự vi phạm bất kể quyền nào được quy định trong Hiệp ước này hoặc Công ước Berne" bao gồm cả quyền độc quyền và quyền hưởng thù lao. Điểm này cũng được hiểu là nước thành viên sẽ không dựa vào Điều này để lập ra hoặc thi hành các hệ thống quản lý quyền có thể gây ra việc áp đặt các thủ tục hình thức không được phép theo Công ước Berne hoặc Hiệp ước này, ngăn cản việc tự do lưu thông hàng hoá hoặc cản trở việc hưởng các quyền theo Hiệp ước.
Tác phẩm này được lấy từ một tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc. Chính sách của tổ chức này quy định hầu hết các văn bản đều thuộc phạm vi công cộng nhằm mục đích phổ biến "ngày càng rộng rãi các ý tưởng (nếu có) trong các ấn phẩm của Liên Hiệp Quốc".
Căn cứ vào văn bản Administrative Instruction ST/AI/189/Add.9/Rev.2 của Liên Hiệp Quốc bằng tiếng Anh, các tác phẩm sau đây thuộc phạm vi công cộng trên toàn thế giới:
- Các biên bản chính thức (biên bản hội nghị, biên bản theo đúng nguyên văn và bản tóm tắt, ...)
- Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc có kèm theo biểu tượng Liên Hiệp Quốc
- Các tư liệu thông tin công cộng được thiết kế chủ yếu nhằm thông tin cho công chúng về hoạt động của Liên Hiệp Quốc (không bao gồm các tư liệu thông tin công cộng được dùng để bán).