Bước tới nội dung

Kẻ bại trận

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Kẻ bại trận  (1937) 
của Thạch Lam
Rút từ tập truyện ngắn Gió đầu mùa.

Tôi với Khanh người bạn duyên nợ trăm năm đang ngồi cùng bàn câu chuyện làm ăn, ấm nước chè giải khát pha đã hầu nhạt. Chuông đồng hồ điểm 11 giơ, ngọn đèn lụt dần dầu hỏa trong bầu do một tay rót có điều độ chỉ chạy được đến thế là hết. Cảnh tịch mịch một đêm khuya ở tỉnh nhỏ thật buồn bã, khiến tôi lại nhớ đến những đêm náo nhiệt, đầy ánh sáng ở Hà Nội.

Khanh sửa soạn sắp ẵm con đi nghỉ, thì bỗng có tiếng gõ cửa rồi vú già vào.

- Thưa cậu, có người đàn bà nào hỏi cậu.

Tôi thất ý bảo:

- Sao vú không nói tôi đi vắng, bảo người ta lúc khác hãy đến có được không?

- Thưa, người ấy nói có việc cần, con không dám tự ý.

Tôi ngạc nhiên ngửng lên nhìn vợ, thì Khanh cũng đang ngạc nhiên nhìn tôi, đôi lông mày lá liễu đã bắt đầu díu lại. Tôi bảo vú già.

- Vú ra hỏi ai đã.

Người vú vừa quay đi thì Khanh quay mặt lại, lườm tôi mà nói rằng:

- Đàn bà, con gái, nửa đêm mà hỏi với han gì? Sao cậu không sai vú già tống khứ đi cho rồi.

Ngay lúc ấy, người vú trở vào:

- Thưa, cô Lệ Minh đấy, cậu ạ.

Tôi ngẩn người ra. Lệ Minh, người bạn đồng chí gặp gỡ ở Hà thành ba năm về trước, sao nay cô lại về đây? Cô đến bí mật thực. Không biết cô đến tìm tôi có việc gì trong lúc đêm khuya khoắt này? Đến nhà tránh nạn chăng? Trong một buổi mà tâm lòng nhiệt huyết còn sôi nổi, tôi đã hứa lúc nào cũng sẵn lòng giúp cô trong bước khó khăn. Lời hứa đó, và cái kỷ niệm một thời thiếu niên hăng hái thoáng qua trí nhớ, khiến tôi băn khoăn: một mối lo ngại bỗng nhiên đến ám ảnh tâm trí, làm tan nát cái yên tĩnh tôi đã giữ gìn trong mấy năm nay.

Vú già vẫn đứng đợi. Tôi bảo Khanh:

-Mợ vào trông em ngủ trước. Tôi phải ra có việc.

Rồi vội bước để tránh câu bấc chì mà tôi có thể đoán được, tôi ra gian ngoài tiếp khách. Trông khách mà kinh ngạc, không biết có phải là Lệ Minh người cũ không. Áo sa trùm ngoài áo cánh trắng càng làm rõ cảnh nghèo khổ ẩn ở trong: hai túi nhét đầy những thứ lạ gì, há hốc miệng như kêu đói, một giải lưng lụa đã xám màu sơ xác thoáng qua sợi sa thưa. Tôi lại nhớ đến Lệ Minh ngày xưa, óng ả biết bao trong chiếc áo vải rồng, đi đâu cũng cổ động dùng nội hóa mà chính cô hiến cái gương diễm lệ.

Ngay đến dung nhan cô xét cũng khác xưa, đôi mắt tinh nhanh buổi trước bây giờ lờ đờ như bị ám sau cái màn lo nghĩ; đôi gò má hây hây mà tù tội cũng không làm núng, nay không biết vì tuổi hay vì phiền não ở đời, đôi má kia đã thành ra hóp lại, hai gò má nổi cao, phải chăng như để tiêu biểu cho kẻ số phận vất vả long đong. Tôi ngại ngùng, lâu chưa nói được câu hỏi han, cô cũng ra vẻ sượng sùng, e lệ: một lát, cô khẽ nói:

- Mạnh Quân chắc thấy em khác trước lắm.

Nào tôi có trách gì cô! Trong một phút nhìn sự thực, tôi hiểu chính tôi thay đổi nhiều lắm, mà tự thẹn với nữ đồng chí. Cái thân trưởng giả nửa mùa vì qua buổi thanh niên hăng hái thường cùng ai bàn những chuyện ái quần ai quốc tôi nay đã nghiễm nhiên thành một người tòng sự công sở, họa chăng có lo lắng cho vợ con đủ ấm no là mãn nguyện. Cái đời nghĩa hiệp lãng mạn đã thuộc về thời quá khứ, cô đến đây thật là tiếng sét trong quãng bình minh. Rồi không biết tự nhủ mình hay nhủ ai, tôi đáp:

- Vâng, người đời ta mỗi lúc một khác.

Lệ Minh như không để ý đến câu triết lý ngớ ngẩn ấy:

- Em đến đây muốn phiền ông anh một việc, chả biết ông anh có sẵn lòng không?

Tôi hơi chột dạ. Không hiểu nhà nữ đồng chí này lại muốn bày ra chuyện gì. Song cũng gượng đáp:

- Việc gì, cô cứ cho biết.

Lệ Minh bắt đầu thuật lai quãng đời vừa qua.

- Anh em bây giờ tan tác mỗi người một nơi, người nào lo phận người ấy. Còn em thế cô, một thân lang thang nay đây mai đó, chẳng làm được việc gì, rồi buồn chán nản, yếu hèn, em đã đem thân gửi một nhà lái buôn.

Nghe thấy cô có chồng, tôi như đỡ được một gánh nặng, dằn lòng nghe nốt câu chuyện. Chuyện cô cũng giống như chuyện trăm nghìn gia đình éo le khác. Gã lái buôn đã dối cô: gã đã có vợ cả. Cả lẽ ghen tuông, cô vốn người học thức, không chịu được phận tôi đòi, một hôm cô ẵm con lên đường tìm phương tự lập. Cô đến nhờ tôi tìm cho một chỗ dạy tư, nhất được nhà nào chịu nuôi thầy dạy con ở nhà thì càng hay, vì cô chỉ mong được một chỗ "yên thân" là quý.

Cô nói xong cúi nhìn chỗ khác, như tự lấy làm xấu hổ vì cái điều mình mỏi tầm thường ấy. Yên thân! Bây giờ chúng tôi chỉ cầu có thế thôi ư? Tự nhiên tôi thấy khó chịu trong bộ quần áo lụa, trong căn phòng của tôi bày biện nào đỉnh đồng, tủ chè, sập gụ, những thứ đồ đạc làm nảy vẻ thèm muốn trong con mắt những người đồng sự ở cái tỉnh nhỏ này. Tôi không giấu được cái mối thẹn thùng đưa lên làm nóng mặt. Tôi quay lại phía Lệ Minh vừa gặp lúc nàng cũng đưa mắt nhìn tôi. Hai chúng tôi nhìn nhau ngượng nghịu.

Cô khẩn khỏan thêm:

- Thế nào anh cũng cố giúp hộ tôi nhé.

Tôi nhận lời cho qua chuyện. Song tôi cũng thừa hiểu, trước cái hoạn nạn không xứng đáng kia, một lời hứa xoàng chẳng cũng quá ư nhạt nhẽo. Không tìm được phương cứu giúp cô một cách kiến hiệu hơn, tôi tự thấy mình hèn nhát. Nhưng biết làm thế nào? Mời cô ở lại đây ư? Tôi nghĩ đến cái giận dữ của Khanh mà sợ: nàng chẳng sẽ làm tan hoang nhà cửa ra mất?

- Hỏi thế này thì không phải, cô sao không đến chơi sớm hơn một chút?

Lệ Minh như mới hiểu mình đến giờ vô lý. Cô bối rối xin lỗi:

- Em chỉ còn nhớ chỗ ở ngõ huynh biên cho trước. Đến hỏi từ sáu giờ tối, họ chỉ quanh quẩn, và em không thuộc phố tỉnh này thành ra cứ đi vơ vẫn mãi. Và khi còn ở trên Hà Nội anh hay thức khuya lắm cơ mà. Anh vẫn thường nói đêm là ngày của bọn trí thức, em vẫn tưởng thế, nên mới dám đường đột đến đây.

Tìm công việc hộ cô, giới thiệu một thiếu nữ như cô vào một gia đình nề nếp cũ, tôi cho là khó khăn, mà nghĩ không có can đảm làm, giúp cô cái vốn nhỏ để cô tìm cách tự lập, tôi vẫn cho là phận sự của tôi. Song mợ cháu giữ chìa khóa, mà Khanh đâu có phải là người có thể lấy nghĩa khí mà chuyển được lòng. Muốn tìm câu khuyên giải cô, song tôi thấy chính cần phải khuyên giải cho tôi nhiều hơn, nên tắt cổ không nói được nên lời.

Đồng hồ đánh mười hai tiếng lanh lảnh trong đêm khuya. Tôi giật mình nhìn Lệ Minh lo sợ. Đã một giờ ở nhà ngoài rồi, chắc Khanh ngờ vực, mà từ nãy giờ tôi chắc đã lẩm bẩm chán.

Lệ Minh như biết ý, đứng dậy xin cáo từ.

Tôi mở cửa tiễn cô ra ngoài. Trông cô đi khuất vào bóng tối, tôi lại nhớ đến những ngày nào hồi còn trẻ vẫn cùng nhau hội họp khuya trong một căn phố tối tăm ở ngoại ô Hà Nội.

Tôi đóng cửa trở vào thấy Khanh vẫn còn giong đèn ẵm con ngồi đợi trên ghế. Tôi vào, nàng kể lể lôi thôi, trách móc nào là không biết thương vợ thương con, nào là đã ngần ấy tuổi - (tuổi mới có ba mươi!) - mà còn toan tính những ai. Giọng Khanh tấm tức như bị điều gì khổ sở lắm, rồi nàng cúi mặt tỉ tê khóc. Tôi phải liệu nhời khuyên giải mãi, nàng mới nín.

Khi nàng đã ẵm con vào màn đi nghỉ, khi cái yên lặng tịch mịch của đêm khuya đã trở lại trong phòng, ttoi cúi đầu suy nghĩ.

Từ cái dĩ vãng xa xôi, thăm thẳm, tôi thấy hiện lên một hình ảnh rõ ràng, hình ảnh tôi trong lúc còn niên thiếu, một thanh niên hăng hái, nhiệt thành, bồng bột những điều hay, sự đẹp, lúc nào cũng mơ màng những việc thành công to tát, một thanh niên chưa biết đến cái sự chua chát của cuộc đời.

Tôi lại nghĩ đến cái thân thế tôi bây giờ: một viên chức ở tỉnh nhỏ, sống cái đời yên lặng, trưởng giả, một đời ăn no mặc ấm, không phải lo lắng cái gì. Tôi hình như cảm thấy mmọt sự hợp hơn.

Rồi tôi băn khoăn tự hỏi xem trong hai cái hình ảnh ấy, hình ảnh người thiếu niên hăng hái và hình ảnh người trưởng giả an nhàn, cái hình ảnh nào thật là của tôi?

Tôi không dám trả lời.