Kẻ làm người chịu/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Kẻ làm người chịu của Hồ Biểu Chánh
Chương III
TỎ BÀY TÂM SỰ

Cách ba ngày sau, lối tám giờ rưởi sớm mai Tố Nga nằm trên ghế xít đu mà đọc nhựt báo, còn bà Tổng Hiền lục đục ở sau nhà bếp đương kiểm coi con Lại đi chợ về mà nó mua những vật gì.

Thình lình Tố Nga nghe có tiếng xe ngựa ngừng trước cửa, nàng liền ngồi dậy mà dòm. Nàng thấy Cẩm Vân trên xe kiếng bước xuống, mình mặc áo nhung màu hột xay lót bông hường, trên đầu đội khăn lục sạn trắng, chơn mang một đôi giày láng, tay cầm gói giấy mỏng, thì nàng mừng rỡ lật đật đứng dậy ra tiếp khách. Nàng bước xuống nấc thang thấy Cẩm Vân còn đứng bợ ngợ ngoài cửa ngõ, thì nàng đưa tay mà ngoắt và nói rằng: “Mời cô vô, cô hẹn ba bữa thiệt đúng ba bữa”.

Cẩm Vân và cười và bước vô sân. Nàng tưởng Tố Nga ở phố, hoặc ở một cái nhà trệt nho nhỏ, chẳng dè đến đây nàng thấy một cái nhà lầu đẹp đẽ, trước sân có bông có kiểng, hai bên có mận và xoài, bởi vậy trong ý nàng có ý hơi sụt sè ái ngại một chút. Tố Nga bước ra sân mà tiếp khách. Khi vô gần tới cửa, Tố Nga nói rằng: ”Bữa nay trời nắng khô ráo, tôi chắc sao cô cũng ra, nên từ hồi sáng đến bây giờ tôi nằm đọc nhựt trình mà tôi có ý trông cô”.

Cẩm Vân đáp rằng: ”Cô có lòng chiếu cố, cô đến nhà thăm em trước, mà em để ba bữa mới đi thăm lại, thiệt em có lỗi nhiều quá. Cũng vì cặp mặt giày nên em mới mang lỗi, bằng không em đã đi thăm cô lâu rồi. Em mới thêu rồi hồi hôm nầy, nên lật dật đem ra cho cô”. Cẩm Vân nói dứt lời thì đưa cái gói giấy cầm trong tay đó cho Tố Nga. Lúc ấy đã vô trong nhà rồi mà Tố Nga không mời khách ngồi, lại lật đật lấy cặp mặt giày ra, rồi cầm đâu lại trong tay mà nhắm. Nàng khen nức khen nở, khen bỏ màu khéo, khen thêu hai mặt giống nhau. Cẩm Vân được khen thì sắc vui, song nét mặt thì coi cũng có vẻ ái ngại.

Tố Nga coi mặt giày một hồi rồi mời Cẩm Vân ngồi trên ghế ca na pê để theo bộ sa lông ở giữa nhà. Cẩm Vân dòm trong nhà, thấy đồ đạc chưng dọn hực hỡ, thì nàng càng thêm ái ngại, muốn đi lại bộ ván để dựa cửa sổ mà ngồi. Tố Nga nắm tay nàng và nói rằng: “Cô ngồi đây mà. Ngồi đây được. Trong nhà tôi có một mình tôi và má tôi, chớ có ai đâu mà ngại”.

Cẩm Vân ngồi ghé trên ghế ca na pê, Tố Nga ngồi một bên rồi kêu con Nên rót nước uống. Con Nên bưng ra hai tách trà đem ra. Tố Nga hỏi Cẩm Vân rằng:

- Sớm mai có lót lòng rồi hay chưa? Để tôi sai bày trẻ đi mua bánh về ăn chơi nghé?

- Em có lót lòng rồi em mới đi. Ở với chị em thì em thiệt tình lắm. Hễ em đói thì em thưa thiệt với cô chớ, xin cô đừng có mua vật chi hết. Em uống tách nước trà nầy đủ rồi.

Cẩm Vân và nói và bưng tách nước trà và uống, tay bưng coi diệu nhiễu, miệng uống rất hữu duyên. Tố Nga ngó ra ngoài đường thấy cái xe kiếng còn đậu đó, thì nàng nói với Cẩm Vân rằng:

- Ủa xe nó còn đậu chi đó kìa?

- Em có biểu nó chờ em.

- Chờ làm chi? Ngoài nầy thiếu gì xe chừng nào về kêu xe khác mà về, hoặc về xe lửa cũng được.

- Thưa, thây kệ nó. Chớ bây giờ mình thả nó về xe không thì tội nghiệp nó.

- Tôi muốn cô ở đây ăn cơm với tôi chơi, rồi xế chiều sẽ về.

- Thưa cô, không được. Em có thưa với dì em rằng, em đi một chút rồi em về. Nếu em ở chơi lâu quá, sợ dì em trông.

- Tôi muốn cô ở chơi với tôi một ngày. Thôi, để tôi trả tiền xe rồi biểu nó trở về trỏng nó thưa cho dì hay.

- Thưa, không nên để khi khác. Chị em còn nhiều ngày, chớ phải một lần nầy rồi từ biệt nhau hay sao.

Hai nàng đương ép từ với nhau, bỗng đâu bà Tổng ở nhà sau đi ra trước, Cẩm Vân thấy bà, liền đứng dậy chấp tay cúi đầu. Tố Nga cũng đứng dậy và nói rằng: ”Thưa má có cô ở trong Chợ Lớn ra thăm con đây. Cô có thêu con cho con một cái cặp mặt giày thật là khéo; đây má coi thử coi”.

Tố Nga lấy cặp mặt giày đưa cho mẹ. Bà Tổng cầm đi lại bộ ván mà coi. Chẳng hiểu bà khen hay là chê, mà bà coi thoáng qua rồi để trên ghế nghi, day lại têm trầu mà ăn không nói chi hết. Tố Nga mời Cẩm Vân ngồi lại nói chuyện chơi. Cách một hồi, bà Tổng hỏi Cẩm Vân rằng:

- Em là con của ai vậy?

- Bẩm bà, con đây là con của Bang Siêu.

- Cha mẹ còn đủ hay không?

- Bẩm bà, cha mẹ của con khuất sớm.

- Có anh em gì hay không?

- Bẩm không.

Bà Tổng hỏi có mấy lời rồi bà bỏ đi ra đàng trước. Hai nàng ngồi nói chuyện dông dài với nhau một hồi rồi Tố Nga mời Cẩm Vân lên lầu chơi.

Cẩm Vân lên trên lầu, thấy nào là tủ kiếng một mặt, nào là tủ áo hai cửa, nào là bàn cẩm thạch hột xoài
Bàn có hình đường cong tương tự hột xoài, kiến trúc này thông dụng cho tới những năm 50 ở châu Âu và Mỹ</ref>, nào là ghế tô nê[1] thượng hạng, nào là bàn bu rô, nào là bàn rửa mặt, thứ nào coi cũng mắc tiền. Tố Nga mở cửa cái phòng bên tay mặt và nói với Cẩm Vân rằng: ”Mời cô vô phòng tôi chơi. Ban đêm má tôi ngủ từng dưới; tôi ở trên nầy có một mình, buồn quá”.

Cẩm Vân bước vô phòng, ngó thấy dựa vách tường một cái giường đồng lau chùi sáng ngời, mùng lưới nệm gòn trắng nõn. Trên đầu nằm có để một cái tủ kiếng đựng sách đầy mấy ngăn, phía dưới chân có một cái tủ áo bằng cây gõ. Dựa cửa sổ có để một cái bàn nhỏ mặt vuông với vài cái ghế tô nê.

Tố Nga kéo ghế tô nê mời Cẩm Vân ngồi dựa cửa sổ, rồi nàng cũng ngồi ngang đó. Cẩm Vân liếc mắt ngó Tố Nga thấy sắc nàng không được vui như hồi nãy. Tố Nga xây mặt ngó ra ngoài cửa sổ một lát rồi nàng thở dài mà nói rằng:

- Cô coi đó mà coi. Nhà cửa mênh mông như vầy mà có hai mẹ con ở thì vui sao được. Tôi có một thằng em trai, ngặt vì nó mắc đi học, chúa nhựt nó về chơi rồi tối nó vô trường. Tôi biểu nó xin ở ngoài nó không chịu, nó nói mỗi bữa đi mắc công, bởi vậy lúc bãi trường mới có nó, còn ngày thường thì có một mình má tôi ở với tôi mà thôi. Chớ chi tôi có thêm một đứa em gái như cô vậy đặng hủ hỉ với nhau thì nói gì….

- Nếu cô có một đứa em gái, thì chắc cô bắt nó ở nhà với bà, đặng cô theo thầy, chớ cô có ở đây đâu mà hủ hỉ.

- Theo thầy làm chi. Theo sao được...

Tố Nga nói tời đó, thì sắc mặt nàng buồn nghiến. Cẩm Vân không hiểu tâm sự của Tố Nga, song nàng thấy Tố Nga buồn nàng không dám hỏi; tuy vậy mà có lẽ nàng kiếm lời giải buồn giùm cho Tố Nga, nên nàng nói rằng: Cô còn một bà mẹ lại có được một đứa em trai nữa, mà cô buồn. Vậy chớ phận em cha mẹ đã khuất hết mà anh em cũng không ngơ đây sao”

Hai nàng ngó nhau rồi cúi mặt xuống Cẩm Vân thì rờ tay lên bàn, Tố Nga thì nhịp chưn dưới gạch, không ai nói tới ai hết. Cách một hồi lâu, Cẩm Vân đứng dậy vịn tay vào song cửa sổ mà ngó ra ngoài vườn. Tố Nga sợ nàng về nên nói rằng: ”Cô ngồi đó chơi mà. Cô ngồi rồi tôi nói chuyện cho cô nghe”.

Cẩm Vân ngồi lại, Tố Nga nói rằng: “Tôi mới quen với cô, mà không biết tại sao tôi thương cô quá. Tôi muốn hai đứa mình kết làm chị em với nhau chơi, không biết có đặng chăng?” Cẩm Vân cười và đáp rằng:

- Phận em hèn mọn quá, nếu cô sẵn lòng chiếu cố thì em rất đội ơn, chớ em đâu dám đèo bòng.

- Thôi, đừng có khiêm nhượng chi hết. Để tôi nói như vầy: Tôi hai mươi tuổi, lớn hơn cô ba tuổi. Vậy từ rày sắp lên kêu tôi bằng chị chớ đừng có kêu bằng cô nữa, nghe lợt lạt lắm.

- Xin vưng. Mà chi cũng phải kêu em bằng em chớ đừng có kêu bằng cô nữa nhé.

- Ừ, chớ sao.

Hai nàng cười với nhau, coi bộ tương đắc lắm.Tố Nga hỏi rằng:

- Em đã trộng rồi, vậy mà dì đã có định gả em nơi nào hay chưa?

- Chưa. Em chưa muốn lấy chồng.

- Tại sao vậy?

- Tại tôi chưa muốn chớ sao. Đời nầy đàn ông con trai họ yêu ma lắm, phần nhiều họ mê đồng tiền chớ không kể nhơn nghĩa chi hết. Phận em là gái, em phải gạn đục lóng trong; em còn nhỏ không gấp gì.

- Em tính như vậy phải lắm. Em phải thủng thẳng mà chọn lựa, nếu em vội lắm, rủi gặp chồng không biết điều thì em phải mang khổ trọn đời. Chị có đi cái đường đó rồi, chị ngó thấy chông gai rõ lắm nên chị khuyên em phải dè dặt. Hồi trước chị cũng tính như em vậy đó, tính để thủng thẳng mà chọn lựa. Té ra cái phần của chị là phần rủi, nên chị chọn lựa không được, bởi vậy mấy năm nay chị rầu rĩ không biết chừng nào.

- Chị rầu việc chi?

- Để chị nói cho em nghe. Chị gốc ở dưới Láng Thé, thuộc tỉnh Trà Vinh, ông già chị hồi lúc trước làm Cai Tổng. Hồi chị mười bảy tuổi, cũng bằng em bây giờ đó, ông già chị đi hầu kiện trên nầy gặp thầy, là chồng của chị bây giờ dưới Mỹ Tho đó, thẩy nói thế nào không biết mà ông già chị hứa gả chị cho thầy. Ông già chị về nhà rủi nhuốm bịnh, chừng một tháng rồi tỵ trần. Tuy lúc ông già chị mất thì chồng chi chưa có đi coi đi nói chi hết, song trước khi tắt hơi ông già chị có trối với má chị, biểu một hai phải gả chị chỗ đó[2]. Làm con mà cãi cha mẹ sao phải, nhứt là di chúc của cha mà mình không kể, thì ai gọi mình là con có hiếu, bởi vậy chị phải nhắm mắt đánh liều, mà vưng lời cha. Thiệt hồi đó chị tưởng thầy hai làm thầy thông thầy ký, dầu tánh tình không được cao thượng đi nữa, cũng không lẽ đến nỗi đê tiện. Té ra phần số của chị rủi lắm em ôi, chị gặp một người chồng không có liêm sĩ, không biết nhơn nghĩa chi hết, cứ thả đi bài bạc, rượu trà đĩ điếm hoài. Mới cưới về năm ba ngày thì nói gạt chị mà giựt một ngàn đồng bạc, rồi từ đó về sau cứ đánh chửi chị, biểu phải về xin tiền cho thẩy xài, chớ không thấy nói một tiếng nào có tình hoặc nghĩa bao giờ. Hễ có tiền đưa cho thẩy thì êm, còn không có tiền thì thầy tay đánh miệng chửi. Chị rán mà chịu mấy tháng rồi chị mới than phiền với má chị. Má chị nghe nói nổi giận bèn nhứt định bắt chị lại không cho ở với thẩy nữa. Má chị cứ biểu với chị vào đơn mà xin phá hôn thú hoài, song chị nghĩ phận đàn bà con gái, trong mười hai bến nước, gặp may thì nhờ, gặp rủi phải chịu; nay chị rủi gặp chồng vô tình bất nghĩa, chị xin phá hôn thú rồi lấy chồng khác hay sao. Huống chi thầy hai là chồng của ông già chị định, nếu chị bỏ thầy, thành thử chị mang lỗi với linh hồn của ông già chị lắm. Thà là thẩy xin để chị chớ dầu thẩy có quấy mấy đi nữa chị cũng không nỡ để thẩy.

Cẩm Vân ngồi chăm chỉ mà nghe. Tố Nga nói tới đây nàng châu mày thở ra. Cẩm Vân thấy vậy mới hhỏi rằng:

- Té ra mấy năm nay chị với thầy hai không ở chung với nhau nữa.

- Tuy không ở chung một nhà, song thẩy cũng chà lết lên xuống hoài. Hồi ban đầu chị mới về dưới nhà, thẩy xuống thẩy rầy rà, hăm kiện thưa tưng bừng, hăm làm hết nhà chị. Không hiểu thầy nghĩ thế nào mà hăm như vậy rồi không kiện, lại từ ngày chị về ở trên nầy, thẩy lên dã lã chớ không làm hung nữa. Má chị ghét thẩy lắm, nên thẩy lên thẩy ngỏn nghẻn chớ không dám ngang tàng. Má chị rầy om xòm, thẩy không dám nói nữa, song về dưới rồi gởi thơ nói rằng, thẩy mắc nợ họ đòi hung quá, nên xin chị hai trăm đồng bạc đặng trả nợ. Chị thấy vậy cũng tội nghiệp quá nên chị mới lén mua măng đa gởi cho thẩy ngày hôm kia.

- Té ra thẩy quấy mà chị cũng còn thương.

- Đó là chị làm theo phận sự người vợ, chớ nào có phải gởi tiền mà cho đó là thương đâu. Thẩy với chị khác nhau như một trắng với một đen, cư xử cũng khác, tánh tình cũng khác, ý tứ cũng khác, cái nào cũng khác hết. Vợ chồng như vậy thì ở chung với nhau sao được, có cái gì thích với nhau đâu mà thương. Trí thẩy thế nào chị biết rỏ hết, còn phần thẩy thì chị dám nói chắc, tới ngày thẩy chết cũng chưa hiểu bụng chị được.

Cẩm Vân cười, Tố Nga gượng cười theo, mà nàng ứa nước mắt, đồng hồ treo từng dưới gõ mười tiếng. Cẩm Vân đứng dậy xin từ giã mà về, Tố Nga cầm ở ăn cơm hết sức mà không được, nên phải ép lòng đưa nàng xuống từng dưới đặng cho nàng về. Hai nàng bước ra khỏi phòng, Tố Nga mắc lui cui đóng cửa phòng Cẩm Vân đi lại đứng dựa bàn bu rô mà chờ.

Cẩm Vân thấy trên bàn có để hai khuôn hình dựng đứng, còn một khuôn nữa thì nằm úp mặt xuống bàn, bụi bặm đóng đầy. Nàng cầm hai khuôn dựng đứng mà coi thì thấy một khuôn có lộng hình của Tố Nga, còn một khuôn nữa thì là của một người trai, đầu chảy tóc ma ninh[3], mình mặc đồ tây u học đứng tréo chưn, cánh tay trái thì dựa nính trên cái bàn có để một bình bông với ít cuốn sách, còn tay mặt thì thọc vào túi quần. Nàng đương cầm cái hình của người trai đó mà coi. Tố Nga khóa cửa rồi mon men lại, ngó thấy Cẩm Vân đương coi hình bèn nói rằng: “Hình đó là hình của thằng em tôi, thằng ba nó chụp hôm bãi trường.”

Cẩm Vân lật đật để hình người ấy xuống, chụp lấy hình của Tố Nga mà nói rằng: “Hình chị chụp khéo quá, chị còn dư cho em một tấm đặng lộng kiếng để làm kỷ niệm chơi”.

Tố Nga kéo học tủ lấy một cái bao thơ rồi mở ra lấy đưa cho Cẩm Vân một tấm hình. Cẩm Vân chúm chím cười và nói rằng: ”Cảm ơn chị để bữa nào em đem hình của em ra cho chị một tấm… còn hình của ai mà bỏ úp đây?” Cẩm Vân với lấy cái khuôn hình bỏ úp trên bàn đó, Tố Nga nói rằng: ”Hình của thầy hai”, Cẩm Vân cầm coi thì thấy người con trai, bộ tướng lỏng khỏng, cũng chải tóc ma ninh cũng mặc đồ âu phục, song trán thấp mặt thỏn răng hô, coi không được thanh nhã như cái hình của người trai hồi nãy.

Hai nàng dắt nhau xuống lầu. Tố Nga và thò thò tay vào túi và nói rằng:

- Để chị trả tiền cặp mặt giày cho em chớ. Bao nhiêu vậy em?

- Không, không. Em cho chị đặng đóng đi chơi, tiền gạo làm chi.

- Em cho chị thì chị cảm ơn; nhưng mà dầu em không ăn tiền công thì cũng để cho chị thối tiền cườm tiền chung lại cho em chớ.

- Ối! Chút đỉnh mà hại gì. Em cho chị để làm kỷ niệm chơi, lại không được hay sao.

Tố Nga không biết nói sao được, nên phải bỏ cái bóp vô túi lại. Cẩm Vân bước vô trong đặng thưa với bà Tổng mà về. Bà ừ rồi thôi mà bà không cầm ở ăn cơm, mà cũng không day lại ngó mặt Cẩm Vân.

Tố Nga đưa Cẩm Vân ra xe quyến luyến, người mời vô chơi, kẻ dặn có ra thì phải ghé.

Hai nàng mới quen nhau, mà vì tâm đầu ý hiệp nên thương yêu triều mến nhau cũng như quen hồi từ còn nhỏ. Cách năm sáu bữa Cẩm Vân không thấy Tố Nga ra chơi, nàng mới nói với mẹ đặng đi Chợ Lớn mà thăm. Bà Tổng nói rằng:

- Con nhỏ đó coi cũng không ngộ gì lắm, mà sao con ưa dữ vậy?

- Má coi làm sao! Cổ lịch sự lắm chớ. Tánh nết mềm mỏng, văn nói nhỏ nhoi, con chịu lắm.

- Con chệch khách mà biết giống gì.

- Con ai thì con chớ.

Tuy bà Tổng nói như vậy, song Tố Nga đi Chợ Lớn bà không cản, mà Cẩm Vân ra chơi bà cũng không buồn. Tố Nga vô nhà Cẩm Vân thì Cẩm Vân mua mì mua bánh mà đãi, rồi lại mời lên lầu chơi. Tố Nga thấy Cẩm Vân đã lộng kiếng cái hình của mình mà treo ngang cái hình của nàng. Cẩm Vân lại lấy một tấm hình mà trao cho Tố Nga đem về nhà làm kỷ niệm. Từ ấy về sau, hai nàng vô ra thăm nhau luôn luôn, tình càng mặn nồng, ý càng quyến luyến, khi thì dạy nhau thêu mặt gối mặt giày, khi thì cho mượn tuồng mượn sách, khi thì cãi nhau sự ăn mặc, khi thì thuật việc nhà với nhau, bởi vậy mới quen vài tháng mà đã biết tâm sự với nhau không còn sót một chỗ nào. Cẩm Vân thì biết Tố Nga tuy không nỡ bỏ chồng, song không có bụng thương chồng, còn Tố Nga thì biết Cẩm Vân tuy con chệch song nàng không chịu lấy chồng chệch dốc lòng kiếm một người chồng Việt Nam, chẳng cần giàu hay nghèo, miễn là có học và biết nhơn nghĩa thì thôi.

Một bữa nọ bà Tổng Hiền có việc nên bà đi về Trà Vinh, Tố Nga ở nhà một mình buồn, nên mới tảng sáng nàng viết thơ đưa con Nên vô Chợ Lớn mời Cẩm Vân ra ăn cơm và ở chơi một ngày. Con Nên đi rồi, Tố Nga đưa tiền cho con Lại đi chợ mua đồ ăn. Nàng thay áo đổi quần, trang điểm sẵn sàng, tính đợi Cẩm Vân ra, chị em dắt nhau đi chợ Bến Thành chơi, rồi sẽ về ăn cơm.

Lối bảy giờ rưỡi, Cẩm Vân ra tới, Tố Nga bước ra ngoài cửa ngõ mà tiếp mừng. Tố Nga nói rằng: “Bữa nay chúa nhựt, má qua đi Trà Vinh còn thằng ba nó nhắn về có bài vở nhiều nó không ra được. Qua ở nhà một mình buồn quá, nên mời em ra chơi“. Cẩm Vân cười rồi chị em dắt nhau vô nhà.

Khi bứơc vô cửa, Tố Nga ngó Cẩm Vân mà hỏi rằng:

- Em đội cái khăn gì mà coi lạ dữ vậy?

- Em rô đê[4]. Chị coi được hôn?

Cẩm Vân đột nhiên lột khăn mà đưa cho Tố Nga coi, Tố Nga cầm cái khăn vạc bìa mà coi rồi nói rằng:

- Em làm thiệt là khéo. Đội coi lạ mắt một chút, mà ngộ chớ.

- Thuở nay chưa ai làm. Em làm thử đội chơi.

- Em làm dùm cho qua một cái được không?

- Được chớ.

- Qua có ý đợi em ra rồi rủ đi chợ Bến Thành chơi.

- Được.

Hai nàng kêu xe kéo mà đi chợ. Gần mười giờ hai nàng mới về. Khi bước vô sân, Cẩm Vân thấy có một thầy, mặc đồ tây, đang đứng dựa cửa mà ngó ra. Cẩm Vân không biết là ai, nên liếc mắt ngó Tố Nga, trong ý muốn hỏi ai đó, nhưng vì nàng thấy Tố Nga châu mày ủ mặt, nên nàng không dám hỏi. Hai nàng bước lên thềm, thầy ấy ngó Tố Nga trân trân mà nói rằng: “Đi chợ sao mà lâu quá. Ta lên từ hồi sớm mơi tới bây giờ, ở nhà chờ hết sức“.

Tố Nga không trả lời, cứ thủng thẳng đi vô nhà: Cẩm Vân không biết là ai, nên cúi đầu lỏn lẻn vô. Thầy nọ cũng đi theo mà vô nhà, và đi và hỏi rằng: “Bà già đi Trà Vinh phải hôn? Lên thình lình mà may dữ. Bà già đi hồi nào, bữa nào mới về?“ Tố Nga dắt Cẩm Vân lại bộ ván dựa cửa sổ mà ngồi, rồi nói rằng: “Má đi hôm qua. Má nói vài ba bữa má về“.

Thầy nọ không ngồi, hai tay thọc trong túi quần, rồi đi qua đi lại mà hút gió. Cẩm Vân mở sấp hàng trắng mới mua về đó rồi trải trên ván rồi hỏi nhỏ Tố Nga rằng: “Thầy hai đó có phải hôn?“ Tố Nga gật đầu. Cẩm Vân cười và nói nhỏ nhỏ nữa rằng: “Thôi, để em về, bữa khác rồi sẽ ra chơi“.

Tố Nga lắc đầu đáp rằng:

- Ở chơi mà. Về làm chi?

- Có thầy hai lên, mà chơi giống gì.

- Thầy lên thì lên chớ! Mình chơi với nhau thì chơi, ai cấm cản gì mà sợ.

Cẩm Vân ái ngại trong lòng, nên nàng không vui. Còn Tố Nga thì mắc lo ra, nên nàng cũng không biết chuyện chi mà nói. Hai nàng cứ cầm khúc hàng, một người cầm một đầu mà coi hoài.

Thầy hai, là Lê Phùng Xuân, bước lại, hai tay chống trên cái ghế nghi[5] để dựa ván, mắt thì ngó chăm chỉ Cẩm Vân mà hỏi rằng: “Cô nầy ở đâu?” Tố Nga rước mà trả lời rằng: “Chị em bạn của tôi ở trong Chợ Lớn“.

Phùng Xuân cười rồi bỏ đi lại ghế xích đu nằm đưa lúc lắc. Hai nàng buồn chí, kiếm không ra chuyện mà nói, nên lấy kéo cắt khúc hàng cho vuông vứt thành cái khăn.

Cơm nấu dọn lên rồi, con Nên mời ra mời ăn. Phùng Xuân cởi áo u hoe ra mà máng trên ghế xích đu, rồi đi lại bàn ăn mà ngồi, vơ tay áo sơ mi lên tới cáng chỏ, coi bộ chẩm hẩm lắm. Tố Nga mời Cẩm Vân đi ăn. Cẩm Vân do dự. Tố Nga nắm tay mà biểu đi. Phùng Xuân tiếp nói rằng: ”Cô lại ăn cơm chơi mà mắc cở giống gì. Đi, lại ăn luôn thể“. Cực chẳng đã Cẩm Vân phải đi theo Tố Nga mà lại bàn ăn. Tố Nga ngồi ngang chồng, còn Cẩm Vân thì ngồi dựa một bên nàng.

Tố Nga theo ép mời Cẩm Vân ăn, mà Cẩm Vân rón rén ăn không ngon. Phùng Xuân nhai ngổm ngảm và hỏi Tố Nga rằng:

- Sao? Hổm nay có nói với bà già hay chưa? Sao không trả lời cho ta biết, để ta chờ hoài vậy?

- Nói giống gì?

- Ủa! Hỏi lạ hôn! Nói đặng mà về dưới mà ở, chớ nói giống gì.

- Má không chịu.

- Còn giận hay sao?

- Làm sao mà hết cho được.

- Sao ta lên bả không rầy?

Chẳng hiểu vì Tố Nga giận tiếng “bả” hay là ý vì khác, mà nàng lặng thinh, không thèm trả lời nữa. Phùng Xuân gầm xuống ăn một hồi nữa, rồi nói rằng:

- Xuống ở dưới người ta, để ở có một mình buồn gần chết.

- Không có tôi, thầy càng vui, chớ sao lại buồn ?

- Vui giống gì! Ở một mình hao tốn quá!

- Nếu vậy thầy muốn có tôi, đặng thầy khỏi tốn tiền, chớ có phải thầy vì tình nghĩa gì đâu.

- Nói bậy nà! Con nầy thiệt kỳ quá, nói chuyện gì với nó cũng không được hết thảy, hễ nói thì nó bắt quanh bắt quẹo hoài.

Tố Nga không thèm nói nữa, nàng day qua mà nói chuyện với Cẩm Vân. Ăn cơm rồi Cẩm Vân đòi về. Tố Nga không cho về, nàng theo cầm ở lại, rồi hai chị em nằm trên ván mà nói chuyện thì thầm với nhau hoài. Phùng Xuân nằm trên ghế xích đu, chàng lắc một hồi rồi ngủ khò.

Đến chiều Cẩm Vân từ mà về. Phùng Xuân còn ở lại đó. Tố Nga đưa Cẩm Vân ra xe mà mặt nàng buồn xo.

   




Chú thích

  1. Do chữ Michael Thonet, nhà sản xuất bàn ghế đầu thế kỷ 20
  2. Gia đình đó
  3. Lối hớt tóc ngắn nhưng mái tóc phía trước vẫn để dài
  4. (broder) một kiểu thêu
  5. Một loại bàn nhỏ, cao hơn bàn thường, dùng làm chỗ để khai trầu hay để món ăn trong lúc dọn tiệc