Khóc thầm/Chương III
Làm cha làm mẹ có con gái, hễ con lớn rồi thì lo sợ lắm, đã lo dạy cho con nó có nết na, mà lại còn sợ mười hai bến nước không biết con gặp bến trong hay là bến đục.
Ðã biết Thu Hà là gái có sẵn nết na, biết trọng danh tiết nên vợ chồng thầy Hội đồng Chánh ít lo về phía đó. Nhưng mà Thu Hà năm nay đã mười chín tuổi rồi, con nhà giàu đến tuổi đó, ai cũng đã có chồng có con rồi hết, duy có một mình cô cứ lo học hoài, học giỏi chừng nào lại càng phải kén chồng xứng đáng chừng nấy, thế thì cha mẹ không lo sao được.
Từ bữa nghe tin con thi đậu hai cái bằng cấp đến nay, thì vợ chồng Hội đồng Chánh thường bàn tính với nhau về sự gả con lấy chồng. Ông Huyền hàm Hạ là người giàu có hiền lành mà làm có chức phận, làm sui với ông thì xứng đáng, không chỗ nào mà chê được, ngặt vì con trai ông ít học quá. Thu Hà không bằng lòng, nếu ép mà gả lầm, chừng cưới rồi nó khinh bỉ chồng thì ăn ở với nhau sao được. Mà ở đời này ai nỡ ép duyên con, huống chi con có học, ép nó không phải dễ.
Vợ chồng bàn tính kén chọn hết sức, rồi mới hiệp ý nhau kiếm một chàng rể cho có tài học xứng với con gái mình, giàu nghèo không cần, miễn là biết lễ nghĩa, có chí khí, thạo việc đời thì thôi. Nhà mình giàu có, nếu gặp rể nghèo thì mình giúp cho nó làm ăn, có hại chi đâu mà sợ. Người khôn ngoan lễ nghĩa mới qúy, chớ bạc tiền ruộng đất xá gì, bởi vì vợ chồng thầy Hội đồng Chánh tính như vậy, nên thấy ông Hương chủ Lung xúi làm sui với ông Huyện hàm Hạ, thầy Hội đồng Chánh mới làm lơ, để cho vợ tỏ ý Thu Hà không chịu cho chú hiểu.
Sáng bữa sau, ông Hương chủ Lung về, thầy Hội đồng Chánh nói chuyện chơi với vợ con, thì thầy nhắc nhở khen ngợi Vĩnh Thái hoài, thầy cứ nói Vĩnh Thái đáng mặt con trai Nam Việt, kiến thức rộng, học hỏi cao, luận biện nay, khí phách cứng, mà lại có lòng nhiệt thành với nước với dân nữa.
Tuy trong lúc khách tới nhà, Thu Hà giữ lễ không dám chường mặt ra mà nghe nói chuyện, song cô lục đục ở trong cô nghe đủ hết, không sót một lời. Cô cũng khen cách điệu đàm luận, cô cũng phục tâm chí nhiệt thành của Vĩnh Thái lắm. Bởi vậy hôm nay cô nghe cha nói tới cậu, thì cô nói rằng:
- Cậu Tú luận việc đời thiệt là đúng đắn. Ba nói phải lắm, người như vậy mới đáng gọi là trai Nam Việt.
Cô Hội đồng nghe con khen Vĩnh Thái, thì liếc mắt ngó chồng mà cười rồi nói với con rằng:
- Cậu Tú có đúng đắn thì để đàn ông con trai người ta khen, chớ phận con gái con nói làm chi?
Thu Hà nghe mẹ quở, cô hồi tâm rồi cô hổ thẹn, nên cô ngồi cúi mặt không dám ngó ai nữa hết.
Công Cẩn vùng nói:
- Ba gả chị Hai cho cậu Tú đó đi ba. Gả đặng bãi trường con bắt cậu dạy con học.
Thu Hà bước lại xô vai em một cái nhẹ nhẹ và rầy rằng:
- Ðừng có nói bậy né.
Rồi cô bỏ đi vô trong buồng. Vợ chồng thầy Hội đồng ngó theo Thu Hà rồi ngó nhau mà cười chúm chím.
Thầy Hội đồng Chánh ái mộ tài năng, tâm chí của Vĩnh Thái lắm, tuy thầy chưa nói ra chớ trong bụng thầy đã có để ý muốn gả con gái cho Vĩnh Thái rồi. Hôm nay thình lình Công Cẩn nói bất tử, mà Thu Hà mắc cỡ, chớ không phải kháng cự, bởi vậy thầy lấy làm vui lòng. Ðêm ấy, thầy bàn tính với vợ để thầy hỏi dọ coi Vĩnh Thái là con của ai, gốc gác ở đâu, có vợ hay chưa. Nếu cậu chưa có vợ, mà cậu cũng đành Thu Hà, thì thầy sẽ biểu cậu cậy mai đến nói.
Cách vài ngày, thầy Hội đồng Chánh đi Cần Thơ. Thầy ghé hãng sửa xe hơi mà thăm cháu là Bá Hỉ. Bá Hỉ thấy dượng thì mừng rỡ hỏi thăm lăng xăng, thầy Hội đồng nói chuyện dông dài một hồi rồi hỏi:
- Cậu Tú tài cháu dắt lên chơi bữa hổm đó là con của ai, ở đâu vậy?
- Thưa, con của thầy thông Tiền, hồi trước làm việc tòa.
- Hôm trước cậu nói ông già cẩu khuất rồi, vậy chớ bây giờ bà già cậu làm giống gì ở đâu?
- Thưa, bà già cẩu về quê quán ở trong Cái Răng.
- Cẩu có vợ con rồi hay chưa?
- Thưa chưa. Từ nhỏ chí lớn cậu đi học, cậu ở bên Tây mới về chừng một tháng nay, vợ đâu mà cưới gấp như vậy được. Dượng hỏi thăm chi vậy?
- Chẳng giấu cháu làm chi, con Thu Hà học đã xong, mà nó cũng đã lớn rồi. Dì với dượng muốn kiếm chỗ có học thức khá khá mà gả nó. Hôm nọ dì với dượng thấy cậu Tú tài Vĩnh Thái thì dì với dượng ưng lắm. Dượng xuống đây là xuống hỏi thăm cháu coi cậu Tú đó ra thế nào, có đáng gả em của cháu hay không? Như nên gả, thì cháu biểu cậu cậy mai lên nói, dì với dượng sẽ gả cho.
Bá Hỉ ngồi châu mày suy nghĩ một hồi rồi mới đáp rằng:
- Thưa dượng, việc này quan hệ lắm, cháu không biết sao mà dám nói. Hồi nhỏ học tại trường tỉnh Cần Thơ, thì Mông Xừ Vĩnh Thái học một lớp với cháu. Ðến sau cháu lên trường Tabert, còn cậu lên trường Chasseloup, cậu học bao lâu đó không biết rồi cậu đi Tây. Cháu biết cậu là biết hồi nhỏ, cậu ở bên Tây về hổm nay, cháu gặp cậu có vài ba lần gì đó, nên cháu không hiểu tánh tình của cậu ra thế nào, mà dám nói chắc.
- Cậu nói chuyện nghe phải lắm mà.
- Thưa phải, cậu học khá, nói chuyện hay cậu có bằng cấp tú tài thiệt.
- Vậy thì cũng đủ rồi. Còn bà thân của cẩu là người thế nào, cháu biết hôn?
- Thưa, cái đó cháu không hiểu. Cháu có nghe nói như vầy. Vợ chồng thầy thông Tiền sanh có một mình cậu đó mà thôi. Hồi trước thầy thông Tiền làm việc Tòa, thẩy có chuyện lôi thôi sao đó, quan trên ngưng chức thẩy hết một lúc, rồi thẩy xin thôi, về cất nhà ở trong Cái Răng. Mấy năm nay, thẩy ở không, kiếm dắt mối thầy kiện. Thẩy chơi bài bạc lung lắm, thế khi thẩy mắc nợ nhiều, nên thẩy chết rồi, chủ nợ ó lên kiện, thi hành phát mãi mấy chục mẫu đất của thầy hết. Vợ thẩy hết tiền, không thể để cậu Tú bên Tây nữa được, nên mới kêu về đó. Bây giờ hai mẹ con ở một cái nhà lá nhỏ ở trong Cái Răng.
- Sự nghèo giàu dượng không cần, miễn là người phải thì thôi. Cháu cũng biết, sự nghiệp của dượng tuy không lớn, song cũng đủ mà nuôi con. Dượng muốn kiếm rể có học thức, có tâm chí, chớ kiếm người nhiều tiền nhiều ruộng mà làm gì?
- Dượng nghĩ như vậy thì phải lắm. Con hai có học giỏi, nếu có chồng Tú tài thì mới xứng với nó. Cậu Vĩnh Thái bề ngoài coi được rồi còn bề trong không biết thế nào, vì vậy cho nên cháu dụ dự một chút.
- Cách cậu nói chuyện đó thì đủ biết cậu có tâm chí rồi, cháu còn nghi giống gì nữa?
- Thưa dượng, đời này thiên hạ họ xảo quyệt lắm. Cháu thấy có nhiều người hay móc mồi bằng cấp mà cầu vợ giàu lại còn có nhiều cậu để hai tiếng ái quốc nơi chót lưỡi mà nhử bạc giấy. Chán ngán quá, nên cháu nhác tin bụng họ lắm.
- Cháu dắt Vĩnh Thái lên nhà dượng chơi mà cháu có nói trước cho dượng có con gái hay không.
- Thưa không.
- Nếu vậy thì cậu đâu có dè mà cậu sắp đặt trước đặng làm cho dượng mê cậu.
- Tuy cháu không nói trước, mà hồi vô tới cửa ngõ, cháu có gặp con Hai, cháu mừng nó thi đậu, cậu thấy nó, cậu nghe cháu mừng nó, thì tự nhiên biết rồi.
Thầy Hội đồng ngồi lặng thinh ngẫm nghĩ coi bộ thầy dụ dự, không biết phải nhứt định lẽ nào.
Bá Hỉ rót nước mời dượng uống, rồi nói rằng:
- Nãy giờ cháu nói chuyện với dượng về sự cậu Vĩnh Thái đó, là cháu nghi ngại vậy thôi, chớ không phải cháu nói cậu là người xấu. Cậu về nhà hổm nay, cháu không có nghe cậu làm việc gì quấy. Không biết chừng tánh tình tâm chí cậu tốt, không phải như mấy người khác. Vậy xin dượng liệu lấy, cháu không dám đốc mà cũng không dám cản.
- Có con gái, muốn gả nó, thiệt là khó liệu! Biết sao mà lựa chọn. Con của mình đẻ, mình nuôi nó trong nhà từ nhỏ chí lớn, mà mình cũng chưa biết bụng nó thay, huống chi là con của người ta, mình làm sao mà dám chắc.
- Việc cưới gả thì nhắm mắt đánh may rủi với Trời, chớ biết sao được dượng.
- Cháu cũng biết, thuở nay dượng ham lo việc công ích lắm. Dượng coi tánh ý con Thu Hà, nó cũng giống dượng; nó trọng việc công hơn là việc tư. Mấy năm nay, dì với dượng tính kiếm một đứa học giỏi, có tâm chí, biết lo việc đời, mà gả nó, chớ dượng không muốn gả cho thứ con nhà giàu mà trí não hèn hạ, cứ lo cầu danh cầu lợi. Có ông Huyện hàm Hạ bên Lai Vung cậy nói mà cưới cho con ổng đó, mà nó không ưng, dì với dượng cũng không chịu. Nay dượng thấy bộ cậu Tú tài nầy được, nên dượng mới tính gả nó đó. Mà dượng dòm coi ý con Thu Hà nó cũng đành nữa. Cháu nghĩ coi có nên gả hay không
- Dượng muốn gả cũng được. Vợ chồng như vậy thì xứng nhau rồi, ngặt có một điều là Vĩnh Thái nghèo mà thôi.
- Nghèo không ngại gì. Con Thu Hà nó không kể cái đó đâu.
- Nếu em nó không chê nghèo thì được rồi.
- Ðâu bữa nào cháu gặp cậu Vĩnh Thái, cháu nói mí thử coi cậu chịu không.
- Cầu lấy chớ, sao lại không chịu. Dượng để cháu hỏi rồi cháu sẽ viết thơ cho dượng.
- Ðược. Như cậu chịu thì cháu nói cho cậu biết, dượng không đòi lễ vật gì đâu mà sợ. Dượng cho đi nói, rồi chừng nào cưới cũng được, không cần lễ gì nữa hết. Song dượng giao một điều này. Dì với dượng ít con lắm. Thằng Công Cẩn mắc đi học, nếu gả con Thu Hà đi xa, thì trong nhà quạnh hiu. Ðã vậy mà dì của cháu bịnh hoạn, cần phải có con Thu Hà giúp coi sóc việc nhà, vậy dượng gả nó thì dượng bắt vợ chồng nó phải ở với dượng. Cháu nhớ nói việc đó cho rành rẽ.
- Dạ, dượng an tâm để cháu nói.
Bá Hỉ cầm thầy Hội đồng ở ăn cơm, rồi kêu sớp phơ biểu đem xe hơi ra mà đưa thầy về. Khi thầy Hội đồng lên xe thầy còn dặn với Bá Hỉ rằng:
- Cháu nói rồi, thì cháu viết thơ liền cho dượng biết nghe.
Thầy Hội đồng về nhà, thừa lúc canh khuya vắng vẻ mới thuật việc mình tính với Bá Hỉ lại cho vợ nghe.
Cô Hội đồng cũng đồng tình hiệp ý với chồng nên cô nghe rồi cô nói rằng:
- Ðể coi như ở dưới họ chịu thì tôi sẽ dọ ý con nhỏ. Tôi chắc hễ mình gả chỗ nầy thì nó ưng.
Cách năm ngày, Bá Hỉ đi với vợ lên thăm dì dượng. Trong lúc vợ Bá Hỉ nói chuyện chơi với Thu Hà ở phía đàng sau, thì Bá Hỉ nói riêng với thầy Hội đồng rằng:
- Hồi sớm mai hôm qua, cháu gặp Vĩnh Thái cháu tỏ ý muốn làm mai em Thu Hà cho cậu. Cậu dục dặc coi bộ không quyết định. Mà cậu dục dặc đó, không phải là cậu chê em Thu Hà, ấy là tại cậu xét phận cậu nghèo, sợ đi nói mà dượng không gả thì xấu hổ. Cháu bảo lãnh nói dùm trước, như dì với dượng chịu rồi sẽ bước tới. Cậu chịu, song cậu xin để cậu về thưa lại với bà thân rồi mới trả lời. Chiều hôm qua cậu trở ra, lại có bà thân cậu đi theo nữa. Coi bộ cô thông Tiền mừng lắm, cô cậy cháu làm mai dùm. Cháu có tỏ các ý của dượng cho cô nghe, thì cô chịu hết thảy, song cô nài cho phép cô đến nhà đặng thấy mặt em Thu Hà và biết dì dượng một lần.
Thầy Hội đồng ngồi chăm chỉ mà nghe, chừng Bá Hỉ nói dứt lời thì thầy cười và hỏi rằng:
- Cháu có giao ắt sự dượng tính bắt rể đó hôn?
- Thưa có chớ, cô thông Tiền chịu, mà Vĩnh Thái cũng chịu nữa.
Vĩnh Thái lại nói rằng cậu là nguời có chí lo cho nước nhà. Nếu may mà gặp được cha vợ với vợ cũng có chí đó thì cậu phỉ nguyện, không còn vui gì bằng.
Thầy Hội đồng đắc ý, liền biểu Bá Hỉ dắt cô thông Tiền với Vĩnh Thái lên coi Thu Hà, lên bữa nào cũng được miễn là đánh dây thép cho hay trước một bữa đặng thầy sửa soạn cơm nước mà đãi khách.
Bá Hỉ về có hai bữa thì đánh dây thép định ngày chàng dắt cô thông Tiền với Vĩnh Thái lên. Vì cô Hội đồng đã có nói trước với con rồi nên Thu Hà trang điểm ra chào cô thông Tiền, lại têm trầu rót nước mời cô.
Hai bên đều thuận ưng hết thảy, nên việc gả cưới tính dễ như chơi. Cô thông Tiền ở ăn cơm, cô thừa dịp vợ chồng thầy Hội đồng sẵn lòng cô liền nói đại mà xin phép bước tới. Thầy Hội đồng chịu lời. Thầy định cho bữa nay là lễ hỏi, vậy hễ chọn ngày nào tháng nào tốt thì làm lễ cưới, chớ khỏi có lễ chi nữa. Luôn dịp cô thông Tiền nói rằng nhà cô có tang nên cô xin làm phòng bên gái chớ cô không rước dâu, cưới đủ ba bữa vợ chồng Vĩnh Thái sẽ dắt nhau về cúng ông bà.
Vợ chồng thầy Hội đồng cũng bằng lòng như vậy.
Thu Hà thuở nay lo ăn học, chớ chẳng hề khi nào tính tới sự lấy chồng. Thi đậu vừa mới về nhà thì nghe mẹ thỏ thẻ nói việc con của ông Huyện hàm Hạ muốn gấm ghé. Cái ái tình của cô còn trong ngần như nước lóng, còn trắng nõn như bông lài, bởi vậy mới nghe nói lấy chồng thì cô giựt mình, chưa thấy mặt, chưa biết nhà của chồng là thế nào, mà cô đã kháng cự. Những lời cô tỏ với mẹ mà chê con ông Huyện hàm học dở, chê ông Huyện Hàm tham danh, tuy bề ngoài nghe hữu lý nhưng mà bề trong thiệt cô vì trọng cái tiết của cô nên cô chê, chớ không phải cô chắc gì con ông Huyện Hàm là đồ bỏ, ông Huyện Hàm là nịnh hót.
Người nào có biết tâm lý phụ nữ chút đỉnh, thì cũng đoán chắc rằng trong lúc cô Thu Hà thi đậu mới về đó, dầu ai muốn nói mà cưới cô, thì cô cũng chê hết thảy, chớ không phải cô chê một mình con ông Huyện hàm đó mà thôi. Ðối với con ông Huyện hàm thì cô chê học dở, còn đối với trai khác thì cô cũng sẽ có cớ khác mà chê nữa.
Mà tuy là cô chê chồng, song cái vấn đề lấy chồng nó đã chạm vào trí của cô rồi, nó làm cho cô dầu ra vườn hoa thơ thẩn, dầu nằm phòng kín mơ màng, chẳng có lúc nào mà cô quên nó được.
Cô đương cảm xúc về sự lấy chồng, thình lình cậu Tú tài Vĩnh Thái tới nhà. Cậu đẹp trai, cậu học giỏi, bộ tướng cứng cỏi, văn nói hùng hào mà cậu lại có tâm chí muốn giúp nước giúp dân nữa. Rõ ràng là một người chồng hổm nay Thu Hà đương tưởng tượng trong trí. Bởi vậy cô thông Tiền với Vĩnh Thái về rồi, tối lại vợ chồng thầy Hội đồng Chánh hỏi dọ ý con, thì Thu Hà chịu liền, không chê bai bác bỏ chỗ nào hết.
Từ đó cho tới ngày cưới, thì Thu Hà mặt mày tươi tắn, trí não tiêu diêu. Chiều mát cô đi dạo vườn hoa, thì cô thầm tưởng trong ít ngày nữa mình sẽ có một nguời chồng đúng đắn, lúc trăng tỏ nhắc ghế ra đây ngồi mà bàn tính việc công ích với mình. Canh khuya cô thức chong đèn trong phòng thì cô tính toán coi phận sự của mình làm thế nào mà trưởng cái chí ái quốc của chồng, hoặc giúp cho chồng khai hóa dân chúng.
Thu Hà thì ngày đêm tiêu diêu mãn ý vế sự lấy chồng. Còn thầy Hội đồng thì lo mua một cái xe hơi, lo sơn phết nhà cửa đặng rước chàng rể. Cả nhà đều vui vẻ, thậm chí lối xóm cũng mừng cho Thu Hà.