Bước tới nội dung

Không thể nhanh đâu, thưa Tổng thống

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Không thể nhanh đâu, thưa Tổng thống  (2016) 
Cục đặc trách Các chương trình Thông tin Quốc tế, do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dịch

Bài viết công bố trên trang web của Cục đặc trách Các chương trình Thông tin Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 17 tháng 11 năm 2016, trong lúc cuộc bầu cử tổng thống đang diễn ra. Donald Trump đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 sau cuộc bầu cử này, kế nhiệm Barack Obama.

Các ứng viên tổng thống hứa hẹn rất nhiều. Sau khi người thắng cử tuyên thệ nhậm chức, khả năng thực hiện lời hứa lại có hạn.

Theo Hiến pháp Hoa Kỳ, tổng thống có quyền hạn lớn. Nhưng nhánh lập pháp và tư pháp – bao gồm Quốc hội và các tòa án liên bang do Tòa án Tối cao đứng đầu – cũng có quyền lực to lớn. Hiến pháp phân chia quyền lực của tổng thống và các cơ quan này bằng một loạt cơ chế kiểm soát và đối trọng nhằm ngăn chặn không để bất cứ một nhánh nào của chính phủ có quá nhiều quyền lực.

“Những gì được nhắc đến trong lúc chiến dịch chính trị diễn ra sôi động thường bị bỏ quên khi người ta đứng trước những việc mà nhà điều hành cần ưu tiên,” Randy E. Barnett, giáo sư luật và giám đốc Trung tâm Hiến Pháp Georgetown nói.

Có rất nhiều yếu tố quyết định bao nhiêu phần trong chương trình nghị sự của một tổng thống mới có thể trở thành hiện thực.

Một trong số các yếu tố đó nằm ở chỗ liệu tổng thống và hai viện của Quốc hội – Thượng viện và Hạ viện – có phải do cùng một đảng kiểm soát hay không. Đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát hai viện của Quốc hội chỉ trong hai năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tổng thống đắc cử của Đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ bắt đầu chính quyền của mình với lợi thế tương tự như thế. Nhưng kể cả như vậy, luật của Thượng viện vẫn đòi hỏi tuyệt đại đa số tán thành trong một số trường hợp.

Các Tổng thống làm việc trong một cơ chế “được chủ ý thiết kế ra để gây khó khăn cho họ khi làm việc,” Matthew Dickinson, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Middlebury ở Vermont và là tác giả trang blog Quyền lực của Tổng thống, nói.

Kiểm soát và đối trọng

Tổng thống không có quyền lập hiến để tự quyết nhiều việc. Một số ví dụ như sau:

  • Chi tiêu. Đề xuất ngân sách của Tổng thống phải được Quốc hội phê chuẩn. Chỉ có Quốc hội mới có quyền đánh thuế. Nếu đề xuất của tổng thống cần tiền từ ngân sách, tổng thống sẽ cần Quốc hội chấp thuận chi trả cho các đề xuất đó.
  • Huỷ bỏ luật. Một tổng thống không thể đơn phương huỷ bỏ một đạo luật mà mình không thích. Vì luật là do Quốc hội thông qua, nên chỉ một đạo luật khác do Quốc hội thông qua mới có thể huỷ bỏ được đạo luật đó.
  • Bổ nhiệm: Tổng thống để cử người đứng đầu các cơ quan hành pháp và các quan chức cấp cao khác. Tổng thống cũng đề cử các thẩm phán liên bang, bao gồm cả các thẩm phán Tòa án Tối cao. Nhưng việc đề cử của Tổng thống phải được Thượng viện phê chuẩn. Mặc dù kể từ năm 1789 tới nay, chưa đến 2% đề cử cho vị trí người đứng đầu các cơ quan bị từ chối, nhưng gần một phần tư số người được đề cử vào Tòa án Tối cao không được phê duyệt- việc bổ nhiệm họ đã bị bác bỏ, rút lại hoặc từ chối.

Nếu một tổng thống, hay Quốc hội, tìm cách sử dụng các quyền hạn không thuộc về mình, thì nhánh tư pháp có thể tuyên bố hành động đó là trái với hiến pháp. Ví dụ, năm 1952, Tòa án Tối cao đã ngăn chặn Tổng thống Harry S. Truman tìm cách thâu tóm các cơ sở sản xuất thép thuộc sở hữu tư nhân khi ông định sử dụng biện pháp đó nhằm ủng hộ nỗ lực của Hoa Kỳ trong vấn đề Chiến tranh Triều Tiên.

Quyền lực của Tổng thống

Trong khuôn khổ hiến pháp, tổng thống vẫn có nhiều công cụ nhằm giúp cho chương trình nghị sự của mình được chấp thuận. Rất nhiều vị trí họ bổ nhiệm không cần Thượng viện phê chuẩn. Khi được phê chuẩn, tổng thống bổ nhiệm các thẩm phán mới vào các vị trí trống trong hệ thống tòa án liên bang. Theo thời gian, việc này sẽ giúp quan điểm của tổng thống dần được bộ máy tư pháp ủng hộ nhiều hơn. Và cũng với sự phê chuẩn của Quốc hội, tổng thống bổ nhiệm lãnh đạo của các cơ quan hành pháp. Rất nhiều cơ quan trong số này ban hành các quy định có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế và đời sống trong nước.

Tổng thống có thể ban hành các “quyết định hành pháp” có hiệu lực pháp lý với các cơ quan liên bang mà không đòi hỏi phải được phê chuẩn bởi Quốc hội. Nhưng sắc luật của một tổng thống lại không ràng buộc được người kế nhiệm mình, nên ta thường thấy các tổng thống mới bãi bỏ các sắc luật của người tiền nhiệm.

Và các tổng thống có thể sử dụng điều mà Tổng thống Theodore Roosevelt gọi là “vị thế chính trị nổi bật” – đó là khả năng trực tiếp thỉnh cầu ý kiến của quần chúng, định hình ý kiến và dùng ước nguyện của người dân Mỹ tác động đến các thành viên Quốc hội.

Barnett nói một trong những hạn chế lớn nhất lớn nhất đối với quyền lực của một tổng thống chính là khó khăn trong việc duy trì các ưu tiên của mình. “Một tổng thống chỉ có thể hoàn thành một số mục tiêu nhất định. Cuối cùng thì tất cả tổng thống đều mất đi động lực,” ông nói.

 Tác phẩm này là một bản dịch và có thông tin cấp phép khác so với bản quyền của nội dung gốc.
Bản gốc:
Bản dịch: