Lá cờ thêu sáu chữ vàng/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Về đến phủ riêng, Hoài Văn chạy lên nhà trên vấn an mẹ. Quần áo của chàng bám đầy bụi, trán chàng ướt đẫm mồ hôi. Phu nhân ngồi trên sập, hai tay hơ trên lồng ấp, miệng xuýt xoa vì rét. Phu nhân hỏi:

- Chú đâu mà con lại về một mình? Sao con đi lâu thế để mẹ ở nhà mong mỏi mắt?

Hoài Văn nhìn mẹ già, vừa thương mẹ, vừa tủi cho mình. Phu nhân nói:

- Cho con ngồi. Trời rét thế này, đi đâu mà quần áo xộc xệch, mặt mày ngơ ngác, mồ hôi mồ kê thế kia, con ?

Hoài Văn kể hết nỗi niềm tâm sự của mình cho mẹ và nói:

- Con ở kinh sư hai tháng, thấy hàng ngày sứ Nguyên đi lại hống hách, làm những điều trái tai gai mắt. Nó bắt nộp người nộp của. Nó đòi phải tìm cho thấy cột đồng Mã Viện. Cột đồng đã bị vùi lấp đi rồi, còn tìm đâu ra dấu vết? Nó bắt phải cho con em sang làm con tin. Nó bắt phải để nó đặt quan giám sát mọi việc của triều đình...

Phu nhân kêu khẽ:

- Sao nó lại dám vô lễ đến như vậy ! Triều đình bàn thế nào ?

- Quan gia đã bác hết. Nó lại đọc chiếu của vua nước nó, bắt quan gia phải lạy.

- Có đời thuở nào như thế !

- Nhưng quan gia không chịu. Quan gia đúng là một bậc thánh nhân, là một ông vua nước nhỏ mà không chịu khuất phục uy vũ nước lớn. Thưa mẹ, nay quân Nguyên ngấp nghé ngoài quan ải, thái tử nhà Nguyên đưa thư sang, đòi mượn đường nước ta đi đánh Chiêm Thành, lại đòi ta phải cấp lương thực. Cho nó mượn đường là đưa thịt vào miệng hổ đói đấy, mẹ ạ.

Nói đến đây, Hoài Văn quỳ sụp trước sập và thưa:

- Con muốn xin mẹ một điều.

- Con xin mẹ điều gì?

- Thưa mẹ, thấy quốc sỉ mà làm thinh là hèn. Thấy quốc nạn mà chịu một bề, không phải là dũng. Con không được dự bàn việc nước, nhưng con không muốn khoanh tay ngồi nhìn quân giặc sang cướp nước. Các vị vương hầu đều thương con còn nhỏ. Quan gia bảo con phải về phụng dưỡng mẹ. Nhưng con trộm nghĩ, quân giặc đánh sang chỉ còn là chuyện sớm tối. Con cũng muốn theo gương các vương hầu, chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương để đánh giặc dữ, cứu nạn nước. Mẹ giúp con để cho con nối được chí cha con, khỏi mang tiếng là trai thời loạn.

Phu nhân đăm đăm nhìn đứa con trai duy nhất. Đứa con mảnh dẻ như nữ nhi, yếu như cánh hoa chưa chịu được sương gió. Phu nhân rùng mình, nghĩ lại ba mươi năm trước, quân Nguyên đã kéo sang, ngựa nhung nhúc đầy đồng nội. Giặc đi đến đâu thì cỏ không mọc được, ruộng nương trơ trụi, làng mạc cháy hết, trâu bò không còn. Đến khi đuổi được giặc thì người chết như rạ, đất nước tan hoang, kinh đô biến thành tro bụi. Thuở ấy, đức ông phải dấn mình vào vòng khói lửa. Phu nhân thì dẫn mẹ chồng đi chạy loạn, trải biết bao nhiêu gian truân cơ cực. Nay mà lại nổi can qua, thì lại là cảnh thịt nát xương tan, đầu rơi máu chảy, mệnh người như cỏ rác. Phu nhân đã già rồi, chân yếu tay mềm, biết có chạy được không? Khi xưa, phận làm vợ dám đâu mong đức ông ở lại bên mình. Nhưng nay là mẹ, há lại chẳng bảo được con ở nhà đỡ mẹ hay sao? Người mẹ rùng mình, nhắm nghiền mắt lại. Con ta sức như đào tơ liễu yếu, đánh làm sao được bầy lang sói.

Quốc Toản hỏi:

- Ý mẹ thế nào?

- Để cho mẹ nghĩ đã.

- Giặc kéo sang không biết lúc nào. Không liệu trước e trở tay không kịp, mẹ ạ.

- Đợi chú con về, mẹ hỏi xem thế nào đã.

Quốc Toản lắc đầu một cái cương quyết. Người mẹ nói:

- Con ơi! Cha con mất sớm. Trước khi nhắm mắt, cha con dặn chú trông nom. Mẹ là phận gái chữ tòng, mọi việc phải hỏi chú đã. Con ngồi lên cho mẹ hỏi đây.

Quốc Toản vẫn quỳ trước sập. Chàng nói:

- Mẹ hỏi chú thì chú không cho đi đâu. Cốt là mẹ. Mẹ nhất định đi mới được. Con thề với mẹ sẽ chém đầu giặc dữ, rửa thù cho nước non.

Người mẹ đã biết tính con. Nó giống đức ông xưa, đã quyết thì hành. Vả lại, mẹ dạy con đạo trung quân ái quốc, há lại ngăn con không giữ phận thần tử hay sao ? Phu nhân nói:

- Mẹ không phải là người muốn cho con giữ được chữ hiếu mà mất chữ trung...

Quốc Toản nhoẻn miệng cười, cái miệng tươi như hoa còn dễ hờn, dễ khóc như miệng mọi đứa trẻ thơ ngây. Phu nhân cố cầm giọt lệ đọng trên mi mắt:

- Mẹ chỉ thương con còn nhỏ quá...

Mặt Hoài Văn tái đi :

- Con không còn nhỏ nữa. Con đã biết nghĩ rồi.

- Trong tay con không có khí giới, người nhà bất quá vài chục tên, con đi đánh giặc bằng gì ?

Giọng nói của Hoài Văn trở nên rắn rỏi:

- Mẹ giúp con thì việc lớn sẽ thành. Mẹ ơi! Giáp trụ của cha con đâu ? Binh thư của cha con đâu ?

Mắt người mẹ hoa lên. Phu nhân mím miệng khẽ lắc đầu rồi lại gật đầu. Phu nhân chỉ thấy lấp loáng cái bóng mảnh khảnh của con trai chạy ra ngoài sân và nhảy lên lầu của đức ông mà mười hai năm nay, phu nhân vẫn khóa kín.

Phu nhân cho gọi người tướng già vẫn theo đức ông đi trận mạc ngày xưa, và hỏi :

- Nay Hoài Văn Hầu muốn khởi binh đi đánh giặc. Ta sợ con ta còn trẻ. Ông nghĩ thế nào ?

Người tướng già thưa :

- Vương tử có chí lớn, thật xứng đáng là con một bậc hổ tướng.

- Khi sinh ra nó, đức ông chỉ cầu trời khấn phật cho nó trở nên một người văn võ toàn tài. Văn thì ta dạy, ta biết sức con ta, nhưng võ của nó thì sao?

- Vương tử rất chăm học võ, múa gươm đã khá nhanh, giương cung đã khá mạnh, phi ngựa thì không biết mỏi.

Phu nhân đưa cho người tướng già ba lạng bạc và nói :

- Ta thưởng công ông dạy dỗ con ta. Nhưng con ta còn non dại, chưa quen chinh chiến. Ta nhờ ông giúp con ta nên người võ nghệ cao cường. Khi con ta ra trận thì ông theo nó.

Người tướng già vái tạ và thưa :

- Xưa chúng tôi theo đức ông thế nào thì nay theo vương tử cũng như vậy. Xin phu nhân cứ yên lòng. Tôi đã ngoài bảy mươi rồi, nhưng sức còn mạnh. Tôi sẽ giúp vương tử đi đến đâu giặc tan đến đấy.