Bước tới nội dung

Lá cờ thêu sáu chữ vàng/Chương XIV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Nhờ thuốc Mán của anh em Thế Lộc, những vết thương của Chiêu Thành Vương chẳng mấy bữa đã lành. Bấy giờ Thượng quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đóng ở Vạn Kiếp. Vương hầu và quan quân các đạo đã về hội sư ở đấy. Chiêu Thành Vương cũng được triệu về Vạn Kiếp. Vương bàn với Quốc Toản:

- Cháu đã lập được nhiều công trạng, nhưng triều đình chưa biết. Cháu nên về ra mắt Tiết chế, chịu mệnh lệnh của triều đình.

Hoài Văn thưa:

- Cháu vì giận giặc mà may cờ mộ quân, trước sau là mong được theo quan quân đi cứu dân, cứu nước. Cháu chỉ nghĩ cháu lên đây, tuy mới hơn một tháng, nhưng anh em Thế Lộc đối với cháu tình thân hơn máu mủ. Họ là những người chất phác, mà lại biết điều trung nghĩa. Những kẻ như Ích Tắc, đội ơn dày mưa móc, mà đến khi quốc biến lại đem thân làm tẩu cẩu cho quân thù, thật không đáng bưng cơm xách dép cho anh em Thế Lộc. Chính nhờ Thế Lộc mà cháu tập đánh giặc. Cháu lại kết nghĩa anh em với Thế Lộc, hẹn cùng ở đây quyết sống mái với giặc. Cháu chia tay với Thế Lộc sao nên?

Chiêu Thành Vương nói:

- Cháu nghĩ thế cũng phải. Nhưng nghĩ một lại phải nghĩ hai. Nay thế giặc đang to, muốn đánh được nó, quan quân phải quy về một mối, để Tiết chế dễ bề điều khiển. Tiết chế tránh cái nhuệ khí ban đầu của giặc, rút được toàn quân về chờ thời cơ phản công, đấy là kế lớn mưu sâu vậy. Cho nên sớm muộn, chú cháu ta cũng phải về Vạn Kiếp. Anh em Thế Lộc là người trung nghĩa, chú sẽ dâng sớ xin triều đình thưởng công cho họ để họ nức lòng đánh giặc. Tình của cháu với anh em Thế Lộc thật là sâu nặng. Nhưng phải gác tình riêng mà lo đại cục. Cháu nghĩ thế nào?

Chiêu Thành Vương hỏi mấy lần, Hoài Văn vẫn ngồi im lặng không nói. Cuối cùng, Hoài Văn đi tìm anh em Thế Lộc.


*
* *

Nói sao cho hết nỗi buồn của Hoài Văn khi phải từ biệt những tráng sĩ Ma Lục. Chiêu Thành Vương đã dẫn quân bản bộ ra khỏi cánh đồng cỏ, mà Hoài Văn và sáu trăm gã hào kiệt vẫn còn dùng dằng ở trên núi.

Mới buổi chiều nào họ đi qua đây, nỏ ở trên núi bắn xuống như mưa. Rồi những ngày kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau làm bẫy đá, cùng nhau đốn gỗ, đốn tre dựng ông thần tướng khổng lồ. Rồi những ngày tưng bừng chiến thắng làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Họ nhìn lên cái động âm u mà sao thân thiết. Họ nhìn lên những tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống, ngổn ngang khắp cánh đồng còn bết máu giặc. Họ nhìn cây đa cổ đại, trên ngọn vẫn còn trơ trơ cái lỗ tên thần. Những ngày vui ấy quên làm sao được.

Họ cầm tay những người tráng sĩ áo chàm, kẻ nhận nắm ngô, kẻ vài củ sắn, kẻ ống mật ong, kẻ gói thuốc rịt. Gã hào kiệt tặng lại kiếm, người tráng sĩ biếu lại dao, bên này cho cung, bên kia cho nỏ.

Hoài Văn tay cầm cương ngựa, đi bộ bên Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh. Hoài Văn không dám nhìn mặt hai anh em người Mán, bởi vì những bộ mặt gân guốc, trơ trơ như đá ấy, tưởng lúc nào cũng lì lợm, thì lúc này đầm đìa nước mắt. Nguyễn Thế Lộc không nói được, bàn tay sứt sẹo chỉ lên yên con ngựa của Hoài Văn ra hiệu cho người bạn trẻ tuổi cưỡi lên.

Hoài Văn bậm môi lại. Vẻ ngây thơ hiện rõ trên khuôn mặt đã nhuốm màu sương gió. Hoài Văn nói:

- Bao giờ lại gặp Thế Lộc nhỉ?

Người Mán càu nhàu:

- Mày về kinh, vui dưới ấy, chả nhớ Thế Lộc đâu, chả lên đây nữa đâu. Tao nhớ chứ mày chẳng nhớ đâu.

- Thế Lộc là anh em kết nghĩa của Toản. Ma Lục cũng là quê của Toản rồi. Quên làm sao được. Anh Thế Lộc ơi, Toản cũng chẳng muốn về đâu.

- Mày còn trẻ, rồi mày quên ngay đấy. Mày về dưới ấy không có núi, có rừng, tao lo lắm, không vui đâu. Ở dưới ấy không đánh được thì lại lên đây ở với tao.

Hoài Văn vỗ vỗ tấm lưng rắn như đá của Thế Lộc và nói:

- Lên chứ. Lên chứ. Nhưng mà Thế Lộc này. Giặc nó đánh mạnh thì có ở đây nữa không?

Thế Lộc nhìn Hoài Văn, đôi mắt lặng lờ, chất phác bỗng rực lên:

- Tao ở đây chứ đi đâu mà mày hỏi thế? Con hươu con nai thì đi đâu. Thằng giặc đánh dưới thì tao lên sườn núi. Nó đánh lên sườn thì tao lên đỉnh. Lên cao rồi lại xuống. Nó đuổi núi này, tao sang núi kia. Nó thuộc núi rừng bằng Thế Lộc à?

Thế Lộc lại chỉ yên ngựa của Hoài Văn, bảo chàng trèo lên và nói:

- Không ở được nữa thì đi đi. Đứng làm gì đấy cho tao nhớ mãi. Mày bảo mày lên, không lên tao giận, tao không nhìn mặt mày đâu. Hai anh em Thế Lộc đỡ Hoài Văn và người tướng già lên ngựa.

Hoài Văn đi được mấy bước, quay lại nhìn, thấy anh em Thế Lộc lủi thủi lên núi. Một dải mây trắng chăng ngang. Lòng Hoài Văn thổn thức, nhịp theo vó ngựa ruổi trên đường núi gập ghềnh, khúc khuỷu...