Lá thư về Bắc

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lá thư về Bắc  (1940) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Lỡ bước sang ngang do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành.

Gửi anh B.H.C

Có những đêm dài thức trắng đêm
Viết thơ riêng gửi để anh xem
Anh ơi, từ độ ta xa cách
Anh có khi nào nhớ đến em?

Nhớ buổi chia tay trên bến xe
Lòng em thắt lại lúc xe đi
Lẻ loi thân nhạn sang nam ấy
Biết có làm nên công cán gì?

Xe lửa qua Gôi, qua Ninh Bình
Lần lần xe lửa tuốt vô Thanh
Quay về đất Bắc em thầm nhủ
Nơi ấy quê ta, ôi, cảm tình!

Xe nuốt trôi đi những dặm đường
Những cồn cát trắng, những rừng hoang
Những ven biển thắm, hầm om tối
Trong bóng đêm lan, trong nắng vàng

Một buổi sớm mai đến Sài Gòn
Thân em chẳng khác con chim con
Bơ vơ trong xứ người xa lạ
Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn

Rồi men tráng lệ châu thành ấy
Từ đấy in thêm bóng một người
Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng
Giầu lòng tin tưởng bước tương lai

Nhà thơ còn trẻ lắm, anh ơi
Chưa xã giao quen, chưa trải đời
Song le trường học thiên nhiên sẽ
Đào luyện nhà thơ nên một người

Quán trọ nhà thơ như chiêm bao
Khi thì Chợ Quán, khi Đa Kao
Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối
Chưa biết mai đây ở chốn nào

Lẽo đẽo đi trong gió bụi đời
Gian nan vất vả quá anh ơi
Lắm khi thiếu cả lời an ủi
Nhưng kiếm đâu ra lấy một lời!

Thỉnh thoảng anh nên phí ít giờ
Viết cho em lấy một dòng thơ
Trời ơi, tưởng tượng em sung sướng
Được đọc thơ anh gửi bất ngờ

Viết gửi về anh, anh coi chơi
Một vài dòng ngắn thế này thôi
Để anh thấu rõ tình mong nhớ
Của đứa em anh ở cuối trời

Kỉnh thăm tất cả người thân thích
Còn chuyện phương xa, để lúc về
(Là lúc khải hoàn thân gió bụi)
Quê nhà em sẽ kể anh nghe

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)