Lạc đường/Chương II
Lối 3 giờ khuya. Trên bờ lộ dọc theo mé kinh Dérivation vắng teo, không có bóng người qua lại, không nghe tiếng chó sủa, mà những nhà lá ở dài theo đường cũng im lìm, cửa gài kín mít.
Cặp-rằng Mậu sẻ[1] lén đi trên khúc đường ấy, vừa đi vừa chăm chỉ dòm phía trước mặt, một lát lại ngoái lại mà ngó phía sau lưng, dường như sợ người ta đón, hoặc người ta theo mình vậy.
Đi ngang qua nhà Hai Cư, anh thấy trong nhà có đốt đèn, lại nghe có tiếng khóc rỉ-rả, có lẽ anh sợ người trong nhà thấy dạng anh hay sao, nên anh bước tránh qua phía bên kia đường rồi đi nhẹ nhẹ, không dám cho động đất. Mà chừng qua khỏi rồi anh lại dừng chân, suy nghĩ một chút, rồi xăng xớm trở lại, bước vô cửa Hai Cư đứng dòm vô nhà và kêu nho nhỏ rằng: ”Thím Hai a, thím Hai, có việc gì mà thím khóc vậy, thím Hai?”.
Tiếng khóc dứt. Hai Tiền mở cửa, thấy Cặp-rằng Mậu thì bệu-bạo nói rằng: “Anh ba ơi, cha con Lê mất rồi, anh Ba à!”
Cặp-rằng Mậu bước vô nhà, đứng trệch[2] qua chỗ tối và hỏi nho nhỏ rằng:
- Chú mất hồi nào?
- Mới tắt hơi hồi mặt trời lặn đây.
- Chết trong nhà thương hay sao?
- Thì nằm ở trỏng mấy bữa rày, tưởng quan thầy thuốc cứu được; té ra bịnh càng ngày càng thêm nặng, chịu không nổi phải chết.
- Bây giờ thím tính làm sao?
- Tôì có biết tính giống gì đâu. Hồi tối họ dặn tôi như muốn lãnh xác về mà chôn thì sáng mai vô mà lãnh; còn như không lãnh thì trưa mai trong nhà thương họ chôn.
- Thím tính lãnh xác về không?
- Tôi muốn như vậy lắm, ngặt vì hễ lãnh xác đem về thì phải làm dám ma, phải xin phép, phải mướn đất mà chôn cất, tốn hao lung lắm, tôi nghèo tôi làm sao nổi. Còn nếu để nhà thương họ chôn thì hất hủi thân của cha con Lê, tội nghiệp lắm. Từ hồi hôm đến bây giờ tôi điên trong bụng không biết làm sao cho được. Chớ chi tôi có một hai chục đồng bạc, tôi mua một cái hòm và vải sồ chút đỉnh đem vô nhà thương cậy họ liệm cho kín đáo rồi khiêng đi chôn luôn cũng còn ấm cúng một chút...
Hai Tiền nói tới đó rồi tủi trong lòng nên khóc rống lên.
Cặp-rằng Mậu đứng nép vào vách, khoát tay ra dấu biểu Hai Tiền đừng khóc và hỏi nho nhỏ rằng:
- Trong nhà có ai hay không?
- Không.
- Con Lê đâu?
- Nó ngủ trong buồng.
Cặp-rằng Mậu liền xây mặt vô vách, móc túi lấy ra một bó giấy bạc hai chục đồng, rút một nắm không biết mấy tấm, mà cầm trong tay, rồi bỏ bó giấy bạc vào túi lại. Việc rồi anh mới day ra đưa nắm giấy bạc cho Hai Tiền mà nói rằng: “Thím lấy cái nầy đặng lo chôn cất chú”.
Hai Tiền đưa tay lấy nắm giấy, thấy nhiều quá thì giựt mình, nên ngó Mậu mà nói rằng: “Anh đưa chi nhiều quá vậy? Chừng vài chục cũng đủ mà”.
Cặp-rằng Mậu khoát tay, biểu đừng nói.
Hai Tiền nói ráng rằng: “Cám ơn anh Ba quá, em biết làm sao mà trả ơn được.”
Cặp-rằng Mậu khoát tay nữa và nói nhỏ rằng: “Tôi thấy chú hai nghèo nhà bị việc rủi ro đến bỏ mạng nên tôi thương, tôi giúp cho thím tống táng chú. Tôi dặn thím môt điều nầy gắt lắm: thím phải kín miệng, đừng nói cho ai biết sự tôi đưa tiền cho thím đây. Hễ thím nói ra, thì là thím giết tôi đa, thím nhớ không?”
Hai Tiền gật đầu.
Cặp-rằng Mậu liền bước ra ngoài, biểu Hai Tiền khép cửa lại. Hai Tiền ngó theo thì thấy hai túi áo bành-tô cua Mậu kè-nè đầy nhóc[3], song không hiểu đựng những vật gì.
Cặp-rằng Mậu ra lộ đứng ngó trên dưới; rồi xâm-xâm đi riết lên phía bến đò Kinh. Về đến nhà anh thấy trong nhà im lìm, tối mò. Anh đi dọc theo vách đầu xông mà vô phía sau, rồi mở cửa sau mà vô nhà. Anh lò mò đi ra chỗ cái bàn ăn cơm phía trước, rờ đụng cái đèn, bưng đèn vô buồng mà để trên một cái ghế, rồi bóp hộp quẹt máy cho ra lửa mà đốt đèn.
Anh dở mùng lên thấy Ba Trâm đang ngủ với con Hào, thì nắm tay Ba Trâm mà kéo.
Ba Trâm giựt mình mở mắt, ngó thấy chồng thi ngồi dậy và hỏi rằng: “Về hồi nào vậy? Đi đâu mà biệt mất mấy bữa rày?”
Cặp-rằng Mậu khoát tay, biểu vợ đừng nói, thấy cái đèn cao ngọn thì vặn bớt xuống lu-lu rồi móc trong túi áo bành-tô lấy ra mấy bó giấy bạc mà bỏ trên ghế, giấy 100 có, giấy 20 có, giấy 5 đồng cũng có.
Ba Trâm thấy bạc nhiều quá thì chóa mắt, nên vùng đứng dậy hỏi nhỏ rằng: “Tiền ở đâu mà nhiều dữ vậy?”
Cặp-rằng Mậu khoát tay nữa, anh không nói chi hết, lại cổi áo bành-tô ra, trong mình chỉ còn bận một cái áo thung mát thôi, trong áo thung lại có mấy gói độn u lên từ trước tới sau. Anh rút áo thung lên thì mấy gói ấy rớt xuống đất. Ba Trâm chụp lượm đem để trên ghế, thì mấy gói ấy đều là giấy 100 đ. Cô run bây bẩy nửa mừng nửa sợ, mừng có tiền bạc nhiều, lại sợ không biết có xài được hay không.
Ba Trâm hỏi nửa rằng: “Cha chả! Bạc tiền ở đâu mà nhiều quá như vầy hử? Đem về nhà đây biết có hại gì hay không?”
Cặp-rằng Mậu lấy áo bành-tô mà bận vô lại mà nói nhỏ rằng:
- Mình phải làm thế nào đem giấu hết tiền nầy liền bây giờ đi. Làm cho mau, để trễ không được.
- Trời ơi! Biểu giấu ở đâu bây giờ... Tôi lén đem qua gởi con Tư, được không?
- Minh liệu thế nào cũng được, miễn giấu cho nhẹm thì thôi, chớ để trong nhà sợ họ xét, họ lấy hết, rồi họ bắt tới mình nữa.
- Cha chả! biết làm sao bây giờ!
- Kiếm cái gì mà đựng đi cho mau.
- Biết lấy cái gì mà đựng bây giờ... Ờ, ờ thôi để lấy cái giỏ mây đựng áo quần đó mà đựng đỡ.
Ba Trâm liền bước lên giường, vói xách cái giỏ mây là cái giỏ tuy nhỏ, song có khóa chắc chắn. Cô móc túi lấy ra nuột cái chìa khóa nhỏ mà mở giỏ, sắp mấy cái áo ra, rồi Cặp-rằng Mậu phụ để hết mấy bó giấy bạc vô. Bạc sắp ở dưới, áo sắp lên trên, khóa giỏ lại.
Ba Trâm bỏ chìa khóa vô túi rồi hỏi chồng rằng:
- Bây giờ có biết chỗ nào mà giấu cho kín. Thôi để xách cái giỏ ra gởi cho con Tư dễ hơn. Gởi cho nó được không?
- Tôi tỏ thiệt với mình, vì tôi thấy vợ con nghèo cực tôi chịu không được, nên tôi cướp giựt của người ta đem về cho mình đó. Mình phải liệu thế nào cất để dành mà xài và nuôi con, liệu thế nào tự ý mình, miễn là đừng để mất hết, hoặc họ bắt họ lấy lại.
- Mình làm việc như vậy, biết có hại chi tới mình hay không?
- Thân tôi không kể gì, dầu bị đày hay chết chém tôi cũng cam tâm, miễn là mình với hai đứa nhỏ được sung sướng thì thôi. Thà tôi thí cái mạng của tôi cho vợ con được giàu có sung sướng, chớ tôi sống mà phải cực cho hết cả nhà, thì sống có ích gì.
Chồng nói như vậy, mà Ba Trâm cứ đứng ngó cái giỏ, không nói được một lời tạ ơn.
Cặp-rằng Mậu châu mày nói tiếp rằng: “Tôi phải đi liền bây giờ đây, chớ ở nhà không tiện. Mà hễ tôi đi, tôi sợ tôi không gặp mình nữa được. Vậy tôi xin nói với mình một điều nầy: tôi gởi thằng Hiệp lại cho mình. Thuở nay nó không có mẹ, mà kể từ bữa nay nó lại không còn cha nữa. Tuy mình không đẻ nó, song mình có công nuôi dưỡng nó từ nhỏ cho tới bây giờ, thì mình cũng là mẹ nó. Vậy tôi xin mình nghĩ tình tôi mà thương yêu dạy dỗ nó giùm tôi. Hễ việc của tôi làm đây mà êm được, thì chẳng nói làm chi. Còn nếu có đổ bể ra mà tôi phải bị hại, thì mình ở nhà ráng bảo bộc nó cũng như con Hào vậy, chừng Tòa xử rồi, mình sẽ lấy lần số bạc nầy ra mà xài, lấy mỗi lần một mớ đặng khỏi người ta nghi. Đừng có cho thằng Hiệp đi bán nhựt-trình nữa, cực khổ thân nó tội nghiệp. Mình kiếm trường cho nó đi học đặng nó biết chữ với người ta. Mình hãy nhớ mấy lời tôi dặn đó nghe. Nếu mình làm y như vậy, thì dầu tôi chết, tôi cũng vui lòng, mà tôi lại còn cám ơn mình lắm”.
Cặp-rằng Mậu nói tới đó thì rưng rưng nước mắt. Ba Trâm cũng cảm động, song đứng trân trân chớ không nói tiếng chi hết.
Cặp-rằng Mậu mới bưng cái đèn đi ra phía trước, thấy thằng Hiệp nằm ngủ trên cái võng, quần áo lang thang, đứng ngó một hồi rồi lắc đầu trở vô buồng, nước mắt tuôn dầm dề. Anh dở mùng, rọi con Hào rồi mới để đèn lên ghế mà nói nhỏ với vợ rằng: “Thôi, để tôi đi. Gần sáng rồi, nếu ở trễ sợ người ta ngó thấy. Ai có hỏi tôi thì mình cứ nói tôi rầy lộn với mình rồi tôi đi đâu mất mấy bữa rày không có về nhà. Dặn sắp nhỏ, cũng phải nói như vậy nghe không. Thôi, tôi đi. À hễ tôi đi rồi, mình kiếm chỗ mà giấu hay là gởi cái giỏ tiền đi nghe”.
Ba Trâm gật đầu. Cặp-rằng Mậu dở cửa sau mà bước ra ngoài, song đi được chừng vài bước rồi anh lại trở vô nhà. Ba Trâm đương mở cái giỏ tính đếm bạc, bỗng thấy chồng trở lại thì chưng-hửng . Mậu bước lại ôm vợ vào lòng mà hun hai ba cái rồi nói nhỏ rằng: “Tôi thương mình lắm, dầu thế nào mình cũng đừng quên tôi nghe”.
Ba Trâm gật đầu lia lịa. Mậu cười rồi bước đi. Ba Trâm đứng suy nghĩ một hồi lâu, dở cái giỏ lên mà coi bạc nữa rồi mới chịu khóa lại, bỏ chìa khóa vào túi. Cô bưng cái đèn đem để trên bàn ngoài trước mà tắt, rồi trở vô buồng xách giỏ dở cửa sau mà ra ngoài.
Ra lộ đi được một khúc cô thấy có một người lớn với một đứa nhỏ phía dưới đi lên, xăng-xái đi theo cô. Cô hồi hộp nên đứng lại rồi để cái giỏ bên đường làm bộ đội khăn. Người lớn di tới vụt hỏi rằng: “Chị Ba phải không?”
Ba Trâm coi lại, té ra mẹ con Hai Tiền, cô vững bụng mới hỏi rằng:
- Thím Hai mà tưởng ai chớ. Thím đi đâu khuya vậy? Nghe nói chú nằm nhà thương, vậy mà chú mạnh hay chưa?
- Cha con Lê chết rồi, chị Ba à. Mẹ con em vô nhà thương đặng lo chôn cất đây.
- Tôi nghiệp chú Hai quá! Gặp việc rủi ro đến bỏ mạng! Chú năm nay được mấy mươi tuổi?
- Mới 35 tuổi.
- Còn nhỏ quá!... Không biết năm giờ bay chưa?
- Còn khuya mà. Bây giờ chừng bốn giờ.
- Vậy mà tôi tưởng gần sáng rồi chớ. Tôi đi qua bên Chợ-Đũi có chuyện. Đường vắng teo.
- Thôi, chị em mình đi cho có bạn.
Ba Trâm với mẹ con Hai Tiền đi trên đường, Hai Tiền thấy Ba Trâm xách cái giỏ, song không hỏi giỏ gì. Ra tới bến đò Cầu-kho, mẹ con Hai Tiền đi bộ vô Chợlớn, còn Ba Trâm nói đi Chợ-Đũi, mà lại xách giỏ be-be đi ra phía Cầu Ông-Lãnh.
Chú thích