Bước tới nội dung

Lời thề trước miễu/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lời thề trước miễu của Hồ Biểu Chánh
Phần 2:Thân chồng bỏ
Chương IV

Tại Sài Gòn, ở phía sau mả của Thánh Gầm, có một cái đường hẻm nhỏ, hai bên có hai dãy phố đâu mặt với nhau, phố thấp thỏi chật hẹp, cửa và vách ngăn bằng ván, mà cho mướn mỗi căn mỗi tháng tới sáu đồng. Ai cũng than tiền phố mắc, mà phố ở đều hết, không bỏ trống căn nào.

Cô Ðào ở một căn bên phía mặt trời lặn với hai đứa con. Thằng Khoa năm nay đã được mười tuổi, còn con Lý thì mới nên bảy tuổi, nó ở nhà với mẹ, cô Ðào có đi chợ thì nó coi nhà được.

Một đêm, tối bảy giờ, cô Ðào đốt một cái đèn dầu lửa để giữa bộ ván nhỏ rồi cô lấy đồ may đem lại ngồi gần đèn mà may. Thằng Khoa cũng lấy tập vở đem lại đèn rồi giở ra mà học. Con Lý thì ngồi tại cửa ngó ra đường hẻm mà coi sắp nhỏ trong xóm trửng giởn.

Cô Ðào bây giờ cô ốm, hai má hủng vô, cặp mắt có khoen. Cô mặc một cái quần vải đen với một cái áo bà ba vải trắng, quần áo tuy cũ, nhưng mà sạch sẽ. Thằng Khoa ngồi học một lát nó liếc mắt ngó má nó một cái, mà lần nào nó ngó cũng thấy má nó thở ra, tuy chăm chỉ ngồi may, song mặt mày buồn lắm.

Chị bán chè đậu đen gánh gánh có treo lồng đèn, chị đi vô đường hẻm rao tiếng nghe lảnh lót. Hai ba đứa nhỏ áp lại mua chè mà ăn. Chị để gánh ngay trước cửa cô Ðào ngồi múc chè mà bán.

Con Lý ngồi coi sắp nhỏ ăn, chắc là nó thèm, nên ngó một hồi rồi chạy vô đứng một bên má nó mà nói: "Má cho con một đồng xu đặng con mua chè đậu đen ăn chơi má."

Cô Ðào cứ ngồi may, cô không ngó con, mà cô đáp: "Thôi, con. Mới ăn cơm hồi chiều mà đói khát gì. Ðể dành xu rồi sáng mai mua khoai lang mà ăn."

Thằng Khoa thấy em nó thất vọng nên buồn, nó chịu không được, nó mới móc túi lấy một đồng xu đưa cho em nó và nói: "Qua cho em đồng xu đây. Em mua chè ăn đi."

Con Lý hớn hở, lấy đồng xu rồi chạy ra đường hẻm.

Cô Ðào ngó Khoa mà hỏi:

- Con làm giống gì mà có xu?

- Hồi sớm mơi con đi học, má cho con một đồng xu đặng ăn bánh. Con không ăn nên con để dành đó.

- Con đi học về trưa quá. Con không ăn bánh đói bụng con chịu sao nổi.

- Không đói đâu. Sớm mơi má không cho tiền cũng được nữa.

Cô Ðào nghe con nói như vậy thì cô ứa nước mắt.

Khoa thấy má nó buồn thì nó suy nghĩ rồi hỏi:

- Sao ba đi đâu mất mấy tuần nay, ba không về nhà vậy má?

- Ối thôi! Còn ba bốn gì nữa mà hỏi.

- Con muốn ra sở con đón ba, đặng con biểu ba về quá.

- Thôi, không về đâu mà đón. Ðã bỏ mẹ con mình rồi còn đón làm gì.

- Ðể con đón con năn nỉ cho ba về.

- Con làm lộn xộn ba con giận đánh con chết chớ về.

- Con năn nỉ mà đánh giống gì. Con biết chỗ ba làm, ngoài đường Catinat chớ đâu.

- Thôi, con đừng có làm lộn xộn, để thử coi chừng nào mới về mà.

Con Lý ăn chè rồi nó trở vô lấy ve nước lạnh rót ra ly mà uống.

Thằng Khoa học đã thuộc bài, nên nó xếp vở lại mà cất, rồi dắt em nó đi ra ngoài đường mà chơi.

Bây giờ cô Ðào ngồi may có một mình với ngọn đèn. Cô đương suy nghĩ việc nhà, nỗi chồng bỏ, nỗi con thơ, nỗi may mướn không đủ tiền trả tiền phố. Thình lình cặp rằng[1] Thới, là người ở một trong một căn phố phía bên kia, anh bước vô cửa, tay có ôm một gói đồ. Cô Ðào ngước lên ngó thấy, thì chào hỏi rồi mời khách ngồi.

Cặp rằn Thới ngồi cái ghế dựa vách, để cái gói trên bàn rồi hỏi:

- Lóng nầy cô có đồ may nhiều hôn cô Hai?

- Ðồ có cũng đủ may.

- Vậy mà tôi tưởng cô không có đồ may nên tôi mua lụa trắng đặng cô may cho tôi một bộ đây.

- Ðược. Mà gấp hôn?

- Không gấp gì. Cô muốn chừng nào tôi lấy cũng được, tự ý cô.

Cô Ðào nghe lời nói có hai ý nghĩa như vậy thì cô phiền lắm, nhưng vì phận nghèo khổ phải làm ngu đặng kiếm tiền nuôi con, nên cô bơ bơ mà đáp:

- Tôi mắc có đồ gấp một chút, nếu tôi lãnh đồ của anh thì chừng một tuần lễ tôi mới may rồi.

- Ðược.

- Ðâu, anh đưa hàng cho tôi coi.

Cặp rằn Thới lấy cái gói hồi nãy mà trao cho cô Ðào. Cô đem lại gần đèn mở ra mà coi. Cô bóp xấp lụa, lấy thước mà đo rồi nói:

- Anh mua dư. Có lẽ cắt bộ đồ rồi còn dư tới năm sáu tấc.

- Tôi không có vợ nên tôi không hiểu việc mua hàng lụa. Tôi mua nhầu, thà là dư, chớ nếu thiếu thì khó lắm. Cô cắt đi, nếu có dư bao nhiêu, tôi cho cô đặng cô may cho con nhỏ. Hàng đó tốt hôn cô?

- Không được tốt lắm, có hơi mỏng một chút.

- Tôi không hiểu. Bậy quá, phải tôi dè như vậy, tôi đưa tiền cậy cô đi mua giùm cho tôi xong hơn. Cô may một bộ đồ cô ăn bao nhiêu tiền công vậy?

- Anh cho tám cắc cũng như người ta.

- Cô ăn có tám cắc hay sao? Bộ đồ tôi bận trong năm ngoái, tôi mướn họ may họ ăn tôi tới một đồng, mà cô phải may cho chắc nghe hôn. Nếu cô may thưa thớt, sau nó sút chỉ tôi bắt đền cô a. Tôi không có đờn bà, làm sao nhíp vá cho được.

- Tôi may chắc lắm, không sút đâu. Sáng mai anh đưa một cái áo với một cái quần kiểu đặng tôi đo tôi cắt.

- Cô đo tôi đây được hôn? Ðo người có lẽ chắc hơn đo áo quần chớ.

- Tôi không quen đo như vậy, nên đo không được.

- Tưởng cô chịu đo như vậy thì tiện hơn. Cô không chịu, thôi để mai rồi tôi sẽ đưa đồ kiểu cho. Mấy tháng nay sao ít thấy thầy Hai vậy cô Hai?

Cô Ðào mở tủ áo phía trong mà cất gói hàng rồi cô lại chỗ ngồi may hồi nãy mà ngồi mặt buồn xo, không trả lời câu hỏi của anh cặp rằn hỏi.

Cặp rằn Thới chúm chím cười rồi hỏi nữa:

- Thầy không về nữa, vậy mà thầy có cho cô tiền đặng nuôi sắp nhỏ hay không?

- Mấy tháng trước thì có đưa mỗi tháng năm mười đồng đặng tôi trả tiền phố. Gần hai tháng nay biệt mất, không thèm bước chưn về đây nữa, nên có cho tiền gạo nữa đâu.

- Nếu vậy làm sao cô nuôi con?

- Tôi may mướn kiếm tiền đắp đổi cho qua ngày chớ biết làm sao.

- Cô may vậy mà đủ ăn hôn?

- Không đủ cũng phải ráng làm cho đủ.

- Khi nào cô có thiếu hụt, cô cho tôi hay, tôi sẽ giúp cho.

- Cám ơn anh. Tôi đâu dám.

- Anh em lối xóm mà ngại nỗi gì. Tôi không có vợ con, mỗi tháng lương tới ba mươi đồng, tôi xài có hết đâu. Nếu cô cho phép tôi giúp cô chút đỉnh mà nuôi cháu, thì tôi vui lòng lắm.

- Cám ơn anh, ai có phận nấy, giúp như vậy sao được.

- Tôi thấy phận cô, tôi thương quá.

- Xin anh đừng có nói như vậy, không nên. Phận tôi có chồng, có con, anh chẳng nên nói chơi.

- Tôi nói thiệt chớ. Có chi đâu mà không nên.

Cặp rằn Thới và nói và cười, mắt lại liếc ngó cô Ðào mà đưa tình. Cô lấy áo cầm lên mà may, không muốn nói chuyện nữa. Tuy vậy cặp rằn Thới không chịu về, cứ ngồi ngó cô rồi nói:

- Cô khác hơn người ta quá.

- Tôi cũng như thiên hạ, chớ khác giống gì.

- Chồng bỏ mà cô không phiền, không giận, như vậy đó không phải là khác hơn người ta hay sao?

- Tôi cũng biết giận vậy chớ. Có phải tôi bằng đá hay sao mà không biết giận.

- Cô biết giận, mà sao mấy tháng nay cô êm ru? Chồng mê vợ bé nó bỏ, ta phải làm sao, chớ nhịn thua như vậy sao chịu được.

- Người ta ở không phải thì thôi, làm rầy làm rà thiên hạ thêm chê cười chớ có ích gì. Tôi có con tôi lo làm mà nuôi con tôi; ai giỏi đi đâu thì đi, tôi không cần.

- Cô nói như vậy sao được. Việc gì cũng vậy, phải dứt một lần cho rồi đi chớ. Ta làm một trận cho kịch liệt, rồi rứt ra đặng lấy chồng khác có chỗ nương dựa mà nuôi con. Ở đất Sài Gòn nầy, đờn bà ở một mình, lại nuôi tới hai đứa con, có phải dễ gì đâu.

- Thôi, tôi chạy ngay. Lỡ có chồng một lần tôi đã thất kinh rồi, tôi không dám lấy chồng nữa đâu. Huống chi đờn bà may rủi gì cũng một lần mà thôi. Có lẽ nào chồng còn sờ sờ đó, lại đi lấy chồng khác.

- Chồng còn đó mà nó bỏ mình thì mình đi lấy chồng khác, có hại gì. Hễ ông ăn chả, thì bà ăn nem, dại gì mà nhịn thèm.

- Xin anh đừng có bày việc quấy.

- Ở đời thì phải hưởng cái thú của đời. Tôi thấy có nhiều người sang trọng hết sức, chồng họ không ăn chả, mà họ lại ăn nem hoài, có ai nói họ làm quấy đâu.

- Họ làm sao họ làm, phân bì với họ làm chi. Phận tôi nghèo, dầu chồng tôi hết thương, nó bỏ dứt tôi đi nữa, tôi cũng cứ lo nuôi con, tôi không thể làm quấy.

- Cô ở theo đời xưa quá!... Thầy Hai ở với cô như vầy, mà cô còn tính thủ tiết với thầy chớ. Cô biết thầy mê con nào hay không?

- Thầy có nói đâu mà biết.

- Thầy nhè thầy mê "con Hai Cần Giuộc" mới ghê chớ! Con đó nó giết anh hùng không biết bao nhiêu rồi. Nó xài phí như trời. Thầy ăn lương bao nhiêu mà thầy dám cặp với nó không biết. Cô biết con Hai Cần Giuộc hôn?

- Tôi có đi đâu mà biết.

- Nó đẹp lắm, lại nhỏ tuổi hơn thầy bộn. Cô muốn biết, cô lên nhà thì cô gặp, có khó gì. Thầy dọn phố ở với nó, phía sau chợ Tân Ðịnh chớ đâu. Hôm trước tôi thấy thầy ở trong nhà đi ra với nó. Ở đường Faucault, số nhà 415, phố đó chắc cho mướn trên hai chục một tháng, chớ không ít đâu.

- Ở đâu thì ở, tôi không cần biết làm chi.

- Cô nói xuôi xị như vậy sao được. Cô ở phố đường hẻm, mỗi tháng có sáu đồng, lại phải ngồi may tối ngày đặng lấy tiền nuôi con. Còn con vợ bé của thầy ở phố trên hai chục, lại thoa son dồi phấn, đánh áo đánh quần thả đi chơi. Thầy đãi cô như vậy, thiệt là kỳ quá. Tôi là người dưng, mà tôi thấy trái đời tôi phát ghét. Tôi như cô tôi phá cho tan hoang hết thảy. Thầy dám giết cô hay sao mà cô sợ.

- Không phải sợ. Ðương hồi mê thì để cho thầy mê, nói làm chi. Giỏi nhứt chừng ít tháng thầy bỏ nghề, rồi thầy cũng trở về đây chớ gì.

- Thiệt tôi không hiểu lòng dạ của cô nổi. Thế khi cô là Phật Bà hay sao, nên mới từ bi quá như vậy chớ.

- Ở đời, nếu mình biết xét, thì mình không nên hờn giận chi hết, cần gì phải Phật mới không biết giận.

Thằng Khoa với con Lý đi chơi về. Chúng nó thấy cặp rằn Thới ngồi nói chuyện, thì chúng nó ngồi bên ván cứ ngó anh cặp rằn trân trân, làm cho anh khó chịu, nên cáo từ mà về, hứa sáng mai sẽ đưa đồ kiểu.

Hai đứa nhỏ ngồi chơi một lát rồi dắt nhau vô buồng ngủ.

Cô Ðào đóng cửa lại cho kín đáo, rồi ngồi may nữa. Một mình với một cái đèn, cô ngồi chăm chỉ may hoài, coi bộ không biết mõi. Tuy vậy mà cô may một hồi lâu rồi cô suy nghĩ thế nào không hiểu, chỉ thấy cô chảy nước mắt, cô phải lấy vạt áo mà lau. Cô bưng đèn vô buồng mà rọi hai đứa con, thấy chúng nó nằm ngủ phê phê, hơi thở khỏe, miệng như cười thì cô bớt buồn, nên trở ra may nữa, may cho đến chừng đồng hồ đằng tiệm ở đầu đường hẻm gõ hai giờ, rồi cô mới chịu dẹp đồ, tắt đèn đi ngủ.

*

* *

Một buổi sớm mơi, thằng Khoa ôm sách vở đi học được một lát thì cô Ðào mở bét cửa lớn, cửa sổ hết thảy ra, rồi lấy chổi mà quét nhà, quét ngoài quét trong, đâu đó đều sạch sẽ.

Con Lý rửa mặt rồi, má nó mới đưa cho nó một cái quần vải đen với một cái áo vải trắng có bông xanh mà biểu nó thay, lại lấy lược chải tóc cho xuôi. Con nhỏ tuy mặc đồ vải bô, song nhờ nước da trắng, gương mặt tròn, tóc hớt bôm bê nên coi rất ngộ nghĩnh.

Thay đồ rồi nó xin phép ra đường hẻm mà chơi. Cô Ðào gặc đầu và dặn: "Ở trong đường hẻm mà chơi, chớ đừng có ra lộ, nghe hôn con. Xe cộ lung lắm".

Cách chừng nửa giờ đồng hồ, con Lý chạy về kêu mà nói: "Má, có ai hỏi ba đây nè, má".

Cô Ðào đương ngồi đo hàng, sửa soạn cắt áo, cô nghe con kêu, cô ngước mặt ngó ra cửa, thì thấy có một người đờn ông, đầu đội nón trắng, mình mặc một bộ đồ Tây bằng kaki vàng, đứng ngoài dòm vô nhà. Người ấy thấy cô, thì cười và bước vô và kêu: "Chị Hai!" Cô Ðào ngó sửng rồi la lớn: "Ủa! Em! Dữ ác hôn, đi đâu mà biệt tích mười mấy năm nay, chị trông đợi hết sức không thấy trở về, chị tưởng em đã chết rồi chớ". Cô và nói và buông cây thước, bước chưn xuống đất, nước mắt rưng rưng.

Người nầy là Lân, em ruột của cô Ðào vì trong dòng chị em đứng về thứ ba, nên từ khi lớn rồi thì xưng là Ba Lân.

Ba Lân nghe chị nói thì cười, để cái nón trên bàn rồi kéo ghế mà ngồi và đáp: "Em chưa chết đâu chị... Phải, em ra đi đến năm nay là chẳn mười hai năm".

Cô Ðào bước lại dọn dẹp đồ trên bàn và nói giọng rất buồn thảm:

- Em đi biệt mất, ở nhà má nhớ em, má buồn rầu hoài rồi má chết má cũng không thấy em!

- Em hay rồi. Em đi được năm năm rồi má mất.

- Sao em hay?

- Em về ở dưới Mồng Gà mấy bữa rày, thím Cai tuần Tam thuật các việc ở nhà cho em nghe, không sót chỗ nào hết. Em có đi viếng mả của má nữa. Chị để má nằm gần cha thì tiện lắm.

Cô Ðào nghe nói vậy thì bước lại ngay ván mà ngồi ngay mặt em đặng nói chuyện cho dễ. Mà cô chưa kịp nói, thì có một người chà và[2] bước vô, không lột nón, không chào người trong nhà, lại nói nghinh ngang rằng: "Ê! Ðóng tiền phố. Tháng trước còn thiếu một đồng. Bây giờ phải đóng bảy đồng. Ðóng đủ, không được thiếu nữa".

Cô Ðào móc túi lấy ra một đồng bạc giấy với một mớ bạc cắc. Cô điếm[3] bạc cắc được hai đồng hai. Cô lấy hai cắc mà bỏ lại vô túi rồi đưa đồng bạc giấy với hai đồng bạc cắc cho người chà và mà nói:

- Bữa nay tôi chưa có đủ tiền. Anh làm ơn lấy ba đồng đây, cũng như tôi trả một đồng thiếu tháng trước, và tôi trả tháng nầy được hai đồng. Còn thiếu bốn đồng nữa, xin anh huỡn cho tôi chừng một tuần lễ, đợi họ lấy áo rồi tôi có tiền tôi trả cho anh.

- Không được. Phải trả đủ. Không cho thiếu nữa.

- Tội nghiệp mà, anh. Chớ chi tôi có đủ tiền thì tôi trả cho anh, để thiếu làm gì.

- Tháng nào chị cũng thiếu hoài. Thôi, dọn đi chỗ khác mà ở, không cho ở đây nữa. Mai chị phải dọn đi. Nếu chị không dọn, Trưởng tòa lại đuổi, chị phải chịu sở phí nữa, biết hôn?

Con Lý nghe người chà và nói lớn tiếng, lại thấy huynh tay, thì nó sợ, nên lật đật lại đứng một bên má nó.

Ba Lân mở nút áo, móc túi trong mà lấy ra một cái bóp thiệt lớn và óc nóc[4] rồi hỏi người chà và:

- Còn thiếu bao nhiêu nữa mà ào ào dữ vậy?

- Bốn đồng nữa.

- Dữ hôn! Ðưa biên lai đây.

Ba Lân lấy bốn đồng bạc mà đưa cho người chà và rồi lấy biên lai trao lại cho chị. Người chà và lấy tiền rồi thì đi, không thèm chào ai hết.

Ba Lân ngó chị mà nói: "Chị ngồi đặng em hỏi thăm một chút".

Cô Ðào ngồi lại trên ván, con Lý theo ngồi một bên.

Ba Lân hỏi:

- Chị nghèo lắm hay sao? Vậy mà em về dưới họ nói ảnh làm việc ăn lương lớn lắm.

- Ăn lương lớn thiệt chớ, một tháng tới tám mươi chớ phải ít ỏi gì.

- Vậy mà sao chị nghèo, ở phố có mấy đồng bạc một tháng mà trả không nổi?

- Việc nhà của chị buồn lắm, em ơi! Cha sắp nhỏ mê vợ bé, nó bỏ mẹ con chị mấy tháng nay bơ vơ, nó có cho bạc tiền gì nữa đâu. Chị phải may mướn kiếm tiền mà nuôi con, bởi vậy nên thiếu trước hụt sau, cực khổ hết sức.

Cô Ðào nói tới đó rồi khóc.

Ba Lân hỏi nữa:

- Phải anh Hai là thầy giáo Bính, hồi trước dạy tại trường Cần Giuộc đó hay không?

- Phải a. Mà hồi cưới chị đó thì đã đổi xuống trường chợ Trạm rồi. Sao em biết?

- Em nghe thím Cai tuần nói. Em nhớ ngày em đi đó, em đón chị tại mả cha. Chị em ngồi nói chuyện tới sáng rồi dắt nhau đi lên chợ. Ði ngang trường học, thầy giáo Bính kêu chị mà mua bánh đó chớ ai.

- Phải. Em nhớ giỏi quá.

- Em không quên việc gì hết. Chị cùng ảnh mười mấy năm nay sinh được mấy đứa con?

- Có hai đứa. Con nhỏ nầy, với thằng lớn, năm nay mười tuổi, nó đi học chưa về.

- Con cháu nhỏ đây được mấy tuổi?

- Nó mới bảy tuổi.

- Nó giống chị quá. Từ ngày em đi rồi, công việc ở nhà ra sao, đâu chị thuật hết cho em nghe thử coi. Thím cai tuần có nói, mà thím nói sơ lược, nên nghe không rõ.

- Em đi rồi, má cứ theo nhắc em hoài. Má nói em đi thi sao không thấy về. Chị phải lén mà nói thiệt cho má hiểu và khuyên má đừng buồn. Tuy vậy mà má nhớ em, má lo không biết em đi ra có no ấm hay không, nên má buồn dữ lắm. Còn cậu Hương trưởng, cậu không thấy em về thì cậu cứ theo cằn nhằn má hoài. Cậu nói chớ chi má nghe lời cậu để cho em ở đợ thì xong quá, tại má bày cho em đi học, nên em mới theo du côn đi hoang đàng như vậy.

- Phải, ở đợ cho cậu lấy tiền mới là tử tế; còn gỡ cái ách khắc bạc của cậu mà quăng đi, rồi xuất thân kiếm thế làm ăn thì là hoang đàng, thì là du côn. Em tiếc ngày nay em về, má không còn đặng em trả thảo cho má, mà cậu cũng không còn đặng cho cậu thấy em không phải là du côn... Còn tại sao chị làm bạn với anh hai? Em coi ảnh lớn tuổi hơn chị bộn mà.

- Phải, anh Hai em lớn hơn chị tới mười tuổi. Anh Hai em muốn chị đã lâu rồi, hồi còn dạy trên Cần Giuộc hễ gặp chị đi bán bánh thì cứ theo chọc ghẹo chị hoài. Em đi được ít tháng, kế thầy đổi xuống chợ Trạm. Thầy biết ý cậu ưa rượu, nên mua rượu đem lên mà dụ cậu gả chị cho thầy. Chị biết thầy đã có một đời vợ rồi, lại thầy ham chơi bời mèo chó bài bạc lắm, nên chị không ưng. Cậu mê rượu, nhứt là mê năm mươi đồng bạc của thầy đem lên xin làm lễ cưới, bởi vậy cậu ép mà gả bướng.

- Ủa! Ép sao được. Cậu có quyền gì mà ép? Vậy chớ má không chống cự hay sao?

- Má buồn về nỗi em, nên má xuôi xị, má có nói gì đâu. Chị có than phiền với má, thì má nói má muốn cho chị thoát khỏi cái nhà đó cho rồi. Má như vậy, mà chị chống cự giống gì cho được, bởi vậy chị đành để cậu bán chị cậu ăn.

- Nếu vậy thì trong mười hai năm nay thân chị khổ lắm?

- Tuy vậy mà không khổ. Nói cho phải, tuy anh Hai em ưa chơi bời, song cưới chị về thì ăn ở với chị cũng tử tế. Ðến năm đẻ con Lý đây, má đau thầy lo chạy thuốc hết lòng, chừng má mất thầy lo chôn cất tử tế; tốn hao của thầy bộn, mà thầy không phiền hà. Má mất mấy ngày kế có giấy quan trên bãi chức thầy. May có cho thầy lãnh tiền cứu giúp được ba tháng lương, thầy mới tuốt lên Sài Gòn kiếm việc mà làm. Kiếm được chỗ làm, ăn lương được năm mươi thầy mới về rước mẹ con chị lên mướn phố mà ở. Ở Sài Gòn bảy năm nay chị tiện tặn, nên tuy không dư dả, song đắp đổi cũng đủ ăn. Thầy làm việc tử tế, ông chủ thương, nên cho thầy ăn lương lên lần lần, năm nay thầy ăn tới tám mươi.

- Ảnh làm sở nào.

- Làm hãng rượu ngoài đường Catinat. Lãnh phần đi đòi tiền, bởi vậy mỗi ngày cứ ôm toa cỡi xe máy đi hoài, ít ở tại hãng. Vợ chồng chị lên trên nầy đâu được chừng một năm kế cậu Hương trưởng mất. Em biết cậu chết về bịnh gì hay không?

- Em có nghe nói rồi. Cậu đi ăn giỗ, cậu uống rượu say mèm, ban đêm về cậu té xỉu nằm dựa bờ nhiễm gió mà chết.

- Phải. Thiệt như vậy, song cậu chết được chục tháng rồi chị mới hay.

- Theo lời chị nói hồi nãy, thì anh Hai ăn ở với chị mười mấy năm nay cũng là tử tế quá, có con trai con gái đủ hết, bây giờ đã trọng tuổi rồi, sao lại sanh sứa cưới vợ bé mà bỏ chị?

- Ðờn ông đến hồi qủy giục, biết đâu mà ngăn ngừa. Thầy có tánh ưa chơi bời. Lên Sài Gòn mấy năm nay, thầy quen tánh cũ, nên cũng chơi bời chút đỉnh. Chị thấy thầy đi làm cực khổ, nên chị để cho thầy thong thả mà chơi với đàn em. Tuy là chơi, song mấy năm nay cũng lo cho vợ con. Cách năm sáu tháng trước, thầy gặp "con Hai Cần Giuộc" rồi thầy mê mết, thầy mới bỏ vợ con hết.

- "Con Hai Cần Giuộc" là con gì?

- Chị có biết đâu. Chị nghe người ta nói vậy, thì hay vậy, chớ chị có thấy mặt nó đâu mà biết.

- Té ra năm sáu tháng nay ảnh không có về đây nữa hay sao?

- Có. Mấy tháng trước thì mười lăm hoặc hai mươi ngày có về thăm một lần. Mỗi tháng có cho mẹ con chị năm mười đồng. Gần hai tháng nay không về nữa, mà cũng không cho tiền bạc chi hết.

- Nếu vậy thì ảnh bỏ dứt rồi chớ gì. Chị phải lo phận chị, chớ ở như vầy sao được.

Cô Ðào ngồi lặng thinh một hồi rồi hỏi em:

- Còn phận em đi mấy năm nay em ở đâu? Có vợ con hay chưa?

- Em ở nhiều chỗ lắm. Mắc lo làm ăn bù đầu, có giờ đâu mà tính tới việc vợ con.

- Dầu có lo làm ăn đi nữa, lâu lâu cũng phải về thăm bà con một lần, chớ sao lại đi biệt.

- Ngày em ra đi, em có vái linh hồn cha phò hộ em làm ăn cho khá. Em tự quyết chừng nào em làm giàu rồi em sẽ trở về rước má với chị đến chung hưởng sung sướng với em. Chưa làm giàu thì em về sao được.

- Nếu vậy thì ngày nay em trở về đây, chắc em đã giàu rồi?

- Em không dám khoe giàu, nhưng bây giờ em đủ sức nuôi má với chị trọn đời, nên em mới về đây. Chẳng dè về rước má, má đã mất rồi, thiệt tức quá.

   




Chú thích

  1. (caporal) cai, người coi sóc một nhóm người làm việc bằng chân tay
  2. (Java) chỉ người Ấn ở Việt Nam
  3. Đếm
  4. Đầy phình ra như cá nóc