Bước tới nội dung

Lời tuyên bố về hiệp định Genève và vấn đề thống nhất đất nước

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lời tuyên bố truyền thanh của Thủ tướng Chính phủ ngày 16-7-1955 về hiệp định Genève và vấn đề thống nhất đất nước  (1955) 
của Ngô Đình Diệm

Lời tuyên-bố truyền-thanh của Thủ-Tướng
Chánh-phủ ngày 16-7-1955
về hiệp-định Genève và vấn
đề thống-nhất đất nước



Quốc dân đồng bào,

Chính-Phủ Quốc-gia đã bao lần tỏ rõ sự cương-quyết trong công cuộc bảo-vệ thống-nhất đất nước và dân-chủ chân chính.

Chúng ta không ký hiệp-định Genève.

Bất cứ về phương diện nào, chúng ta không thể bị ràng buộc bởi bản hiệp-định đó, đã được ký-kết trái với ý-nguyện của toàn dân Việt-Nam.

Chúng ta chủ-trương chính-sách hòa-bình; tuy vậy, không một âm-mưu nào, bất cứ từ đâu đến, có thể làm chúng ta xao-lãng mục-tiêu: nền thống-nhất của đất nước, — nhưng thống-nhất trong tự-do, chứ không phải trong nô-lệ.

Phụng-sự chính-nghĩa quốc-gia, chúng ta tranh đấu hơn bao giờ hết, cho công-cuộc thống-nhất lãnh thổ.

Chúng ta không gạt bỏ nguyên-tắc tuyển-cử coi như một phương tiện hòa bình và dân chủ thích đáng để thực-hiện nền thống-nhất ấy.

Tuy nhiên, nếu tuyển-cử là một căn-bản của nền Dân-chủ chân-chính, nó có lý do hữu-hiện chỉ trong trường hợp được hoàn-toàn tự-do.

Nhưng đứng trước chế-độ áp-bức của Việt-Minh, chúng ta phải hoài-nghi về sự có thể thực-hiện được những điều-kiện tự-do đầu phiếu cho miền Bắc.

Chúng ta sẽ không bỏ lỡ một cơ hội nào khả-dĩ thực hiện sự thống-nhất lãnh thổ trong tự-do. Nhưng chúng ta không thể xét đến một đề nghị nào của Việt-Cộng nếu không có bằng chứng là chúng đã để quyền lợi tối cao quốc-gia trên quyền-lợi của Cộng-sản, nếu chúng không từ bỏ những phương pháp khủng-bố độc-tài, nếu chúng vẫn cứ vi-phạm những điều cam-kết như chúng đã làm khi ngăn cản đồng bào Bắc-Việt di-cư vào Nam, hay khi gần đây, đồng lõa với Cộng-sản Pathet Lào, đã xung-kích nước bạn Ai-Lao.

Chính chúng ta, những người Quốc-gia chân-chính, phải đảm nhiệm sứ mạng tái-lập nền thống-nhất đất nước trong những điều kiện Dân-chủ và hữu-nghiệm nhất để bảo-đảm nền Độc-Lập.

Cùng với chúng ta có cả Thế-giới Tự-do, chúng ta tin chắc như vậy.

Tôi chắc đã biểu-thị một cách chơn-thực quyết-định của toàn thể đồng-bào, khi tôi long trọng xác-định ý-chí chống Cộng chung của mọi người.

Hỡi đồng bào ngoài vĩ-tuyến 17, tôi yêu cầu đồng bào vững lòng tin-tưởng, với sự thỏa-hiệp và ủng-hộ của Thế-giới tự-do, Chính-Phủ Quốc-gia sẽ mang lại cho đồng bào Độc-Lập trong Tự-do.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Điều 15, khoản 2, thì "Văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức của văn bản đó" không phải là đối tượng bảo hộ bản quyền. Còn theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, Điều 8, khoản 2 của Chính phủ Việt Nam, văn bản hành chính bao gồm "văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân".