Luật điều ước quốc tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2016/Chương VIII
CHƯƠNG VIII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
Điều 76. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế
1. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, phê duyệt kế hoạch thực hiện, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành hoặc biện pháp khác để thực hiện điều ước quốc tế.
2. Sau khi lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, cơ quan đề xuất căn cứ vào tính chất, nội dung của điều ước quốc tế, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xây dựng kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế trình Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Bộ Ngoại giao về việc điều ước quốc tế có hiệu lực.
3. Trong trường hợp cơ quan đề xuất không phải là cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế.
Cơ quan chủ trì thực hiện điều ước quốc tế có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan đề xuất quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều này, Điều 79 và Điều 80 của Luật này.
4. Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm những nội dung sau đây:
a) Lộ trình thực hiện điều ước quốc tế;
b) Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế;
c) Dự kiến nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế;
d) Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế;
đ) Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế.
5. Sau khi kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế được phê duyệt, cơ quan đề xuất và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đó.
Điều 77. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện điều ước quốc tế
1. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Chủ trì hoặc phối hợp thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên ký kết nước ngoài vi phạm điều ước quốc tế.
3. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu; báo cáo Chủ tịch nước theo yêu cầu về tình hình thực hiện điều ước quốc tế.
Trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế theo định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu của Quốc hội.
4. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Thống kê, rà soát điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 78. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện điều ước quốc tế
1. Đôn đốc việc xây dựng, trình ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế.
2. Thẩm định sự phù hợp của văn bản quy phạm pháp luật với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 79. Trách nhiệm của cơ quan đề xuất trong việc thực hiện điều ước quốc tế
1. Xây dựng lộ trình và biện pháp cụ thể để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do cơ quan mình đề xuất ký kết.
2. Kiến nghị hoặc ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do cơ quan mình đề xuất ký kết.
3. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hoặc tự mình tiến hành biện pháp chỉ đạo, điều hành hoặc biện pháp khác để thực hiện điều ước quốc tế do cơ quan mình đề xuất ký kết.
4. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do cơ quan mình đề xuất ký kết.
5. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế do cơ quan mình đề xuất ký kết bị vi phạm.
6. Xây dựng báo cáo về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình gửi Bộ Ngoại giao để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm. Báo cáo của cơ quan đề xuất được xây dựng theo mẫu do Bộ Ngoại giao ban hành.
Trong trường hợp có yêu cầu, cơ quan đề xuất báo cáo Chủ tịch nước, Chính phủ về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế.
7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định cách hiểu và áp dụng quy định của điều ước quốc tế trong trường hợp có sự khác nhau về cách hiểu và áp dụng quy định đó.
Điều 80. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan đề xuất thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.