Luật Cán bộ kiểm sát nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa 1995

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Cán bộ Kiểm sát nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa  (1995) 
của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc

(Hội nghị lần thứ 12 Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá VIII nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thông qua ngày 28/2/1995)

CHƯƠNG 1. NGUYÊN TẮC CHUNG[sửa]

Điều 1. Căn cứ theo Hiến pháp, nay chế định Luật này nhằm bảo đảm cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện việc giám sát pháp luật, thi hành quyền kiểm sát độc lập theo luật pháp, bảo đảm cho cán bộ kiểm sát thực hiện chức trách, nâng cao tố chất của cán bộ kiểm sát, thực hiện việc quản lí khoa học đối với cán bộ kiểm sát.

Điều 2. Cán bộ kiểm sát là nhân viên kiểm sát thực thi quyền kiểm sát Nhà nước theo pháp luật, bao gồm Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, kiểm sát viên và trợ lí kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân chuyên ngành như Viện kiểm sát quân sự, . . .

Điều 3. Cán bộ kiểm sát phải chấp hành trung thực Hiến pháp và pháp luật, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân.

Điều 4. Cán bộ kiểm sát thực hiện chức trách theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ.

Điều 5. Viện kiểm sát nhân dân tối cao lãnh đạo công tác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương, Viện kiểm sát nhân dân chuyên ngành. Viện kiểm sát nhân dân cấp trên lãnh đạo công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

CHƯƠNG II. CHỨC TRÁCH[sửa]

Điều 6. Chức trách của cán bộ kiểm sát:

(1) Tiến hành công tác giám sát pháp luật theo pháp luật;
(2) Thay mặt Nhà nước tiến hành công tố;
(3) Tiến hành điều tra các tội phạm do Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp thụ lí theo quy định của pháp luật;
(4) Các chức trách khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Ngoài việc thực hiện chức trách kiểm sát ra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát còn phải thực hiện các chức trách khác tương ứng với chức vụ của mình.

CHƯƠNG III. NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI[sửa]

Điều 8. Cán bộ kiểm sát phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

(1) Tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật;
(2) Khi thực hiện chức trách phải lấy sự thật làm căn cứ, lấy pháp luật làm chuẩn mực, chấp hành pháp luật vì quyền lợi chung, không được lợi dụng pháp luật vì việc riêng;
(3) Bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác;
(4) Trong sạch, liêm chính, trung thành với chức trách và tuân thủ kỉ luật;
(5) Bảo vệ bí mật quốc gia và bí mật của công tác kiểm sát;
(6) Chịu sự giám sát của pháp luật và của quần chúng nhân dân.

Điều 9. Cán bộ kiểm sát được hưởng các quyền lợi như sau:

(1) Các quyền hạn và điều kiện làm việc cần phải có để cán bộ kiểm sát thực hiện chức trách;
(2) Thực hiện chức trách kiểm sát theo đúng pháp luật mà không chịu sự can thiệp của cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội và cá nhân;
(3) Nếu không vì lí do pháp luật quy định, chưa qua trình tự quy định của pháp luật, thì không bị miễn chức, giáng chức, cho thôi việc hoặc bị xử lí;
(4) Được hưởng thù lao lao động, được hưởng bảo hiểm và đãi ngộ phúc lợi;
(5) Được pháp luật bảo vệ an toàn về thân thể, tài sản và nơi ở;
(6) Được tham gia đào tạo, bồi dưỡng;
(7) Được khiếu nại hoặc tố cáo;
(8) Được từ chức.

CHƯƠNG IV. ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT[sửa]

Điều 10. Muốn đảm nhiệm chức trách, cán bộ kiểm sát phải có đủ các điều kiện dưới đây:

(1) Có quốc tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
(2) Tròn 23 tuổi;
(3) Tán thành Hiến pháp nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
(4) Có tố chất chính trị, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức tốt đẹp;
(5) Khoẻ mạnh;
(6) Tốt nghiệp ngành luật của trường đại học hoặc tốt nghiệp trường đại học không thuộc ngành luật nhưng có kiến thức chuyên ngành luật và đã công tác tròn 2 năm; hoặc đã có bằng đại học Luật và công tác được tròn 1 năm; Người có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật thì có thể không bị hạn chế bởi thời gian công tác nói trên;

Nhân viên kiểm sát trước khi thi hành Luật này, nếu không đủ điều kiện quy định tại mục thứ (6) của Điều 9 thì phải được đào tạo, bồi dưỡng và phải có đủ điều kiện do Luật này quy định. Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết thi hành Luật này.

Điều 11. Những nhân viên dưới đây không được làm cán bộ kiểm sát:

(1) Từng phạm tội và bị xử phạt hình sự;
(2) Từng bị khai trừ khỏi chức vụ;

CHƯƠNG V. BỔ NHIỆM VÀ BÃI MIỄN[sửa]

Điều 12. Việc bổ nhiệm, bãi miễn chức vụ của cán bộ kiểm sát được thực hiện theo trình tự và quyền hạn bổ nhiệm, bãi miễn do Hiến pháp và pháp luật quy định.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bầu và bãi miễn. Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát và kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc bổ nhiệm và bãi miễn. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương do Đại hội đại biểu nhân dân các cấp ở địa phương bầu và bãi miễn. Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát và Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp bổ nhiệm và bãi miễn.

Việc bổ nhiệm, bãi miễn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở địa phương phải báo cáo với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp để đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cấp đó phê chuẩn (cấp trên - ND).

Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát và Kiểm sát viên của Phân viện Viện kiểm sát nhân dân được thành lập theo khu vực trong tỉnh, khu tự trị và thành lập ở thành phố trực thuộc trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp bổ nhiệm và bãi miễn.

Trợ lí Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân bổ nhiệm, bãi miễn.

Cách thức bổ nhiệm, bãi miễn Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân chuyên ngành như Viện kiểm sát quân sự,... do Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc quy định riêng.

Điều 13. Đối với cán bộ kiểm sát, trợ lí Kiểm sát viên mới vào ngành, sẽ áp dụng biện pháp thi tuyển công khai và kiểm tra sát hạch chặt chẽ, đồng thời dựa vào tiêu chuẩn có đủ đức và tài để lựa chọn những người xuất sắc trong số nhân viên có đủ điều kiện cụ thể của cán bộ kiểm sát.

Người đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát, phải được lựa chọn trong số cán bộ xuất sắc có kinh nghiệm công tác thực tế.

Điều 14. Theo qui định của pháp luật, Cán bộ kiểm sát bị bãi nhiệm khi có một trong những trường hợp sau đây :

(1) Mất quốc tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
(2) Bị điều ra khỏi Viện kiểm sát;
(3) Do thay đổi chức vụ không cần phải bảo lưu chức vụ vốn có;
(4) Qua kiểm tra, sát hạch thấy không xứng đáng với chức vụ;
(5) Vì lí do sức khoẻ không thể thực hiện chức vụ lâu dài;
(6) Nghỉ hưu;
(7) Từ chức, thôi việc;
(8) Do phạm tội, vi phạm kỉ luật, vi phạm pháp luật không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ;
(9) Vì các lí do khác mà phải miễn nhiệm.

Điều 15. Đối với những trường hợp không đủ điều kiện theo quy định của Luật này hoặc việc chọn cử làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân vi phạm trình tự do pháp luật quy định, thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp có quyền đề nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp không phê chuẩn.

Điều 16. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương có thể kiến nghị Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp huỷ bỏ, thay thế Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

Điều 17. Cán bộ kiểm sát không được kiêm nhiệm chức vụ Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân, không được kiêm nhiệm chức vụ trong cơ quan hành chính, cơ quan xét xử các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp, không được kiêm nhiệm chức trách của luật sư.

CHƯƠNG VI. TRÁNH ĐẢM NHẬN CHỨC VỤ[sửa]

Điều 18. Giữa các cán bộ kiểm sát, nếu có quan hệ vợ chồng, quan hệ huyết thống trực hệ, quan hệ huyết thống bàng hệ trong phạm vi 3 đời và quan hệ cận hôn nhân, thì không thể cùng đảm nhiệm các chức vụ dưới đây:

(1) Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Uỷ viên Uỷ ban kiểm sát của cùng một Viện kiểm sát nhân dân;
(2) Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, trợ lí Kiểm sát viên của cùng một Viện kiểm sát nhân dân;
(3) Kiểm sát viên, trợ lí Kiểm sát viên của cùng một Vụ nghiệp vụ;
(4) Viện trưởng, Phó Viện trưởng của Viện kiểm sát nhân dân ở hai cấp có quan hệ cấp trên, cấp dưới.

CHƯƠNG VII. CẤP BẬC CỦA CÁN BỘ KIỂM SÁT[sửa]

Điều 19. Cấp bậc của cán bộ kiểm sát được chia thành 12 bậc:

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cán bộ kiểm sát ở cấp bậc cao nhất. Từ cấp bậc thứ 2 đến cấp bậc thứ 12 được chia thành: cán bộ kiểm sát cao cấp, cán bộ kiểm sát trung cấp và cán bộ kiểm sát.

Điều 20. Việc xác định cấp bậc của cán bộ kiểm sát được căn cứ vào chức trách đang đảm nhiệm, tài năng, đạo đức, trình độ nghiệp vụ, thành tích về công tác kiểm sát và niên hạn công tác.

Điều 21. Nhà nước ban hành quy định riêng về biện pháp sắp xếp bình xét và phong cấp đối với cấp bậc của cán bộ kiểm sát.

CHƯƠNG VIII. KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ[sửa]

Điều 22. Việc kiểm tra sát hạch cán bộ kiểm sát do Viện kiểm sát nhân dân sở tại tổ chức thực hiện.

Điều 23. Việc kiểm tra sát hạch cán bộ kiểm sát phải khách quan, công bằng, kết hợp giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa kiểm tra sát hạch thường xuyên và kiểm tra sát hạch theo từng năm.

Điều 24. Nội dung kiểm tra sát hạch cán bộ kiểm sát bao gồm: Thành tích thực tế trong công tác kiểm sát, tư tưởng, đạo đức phẩm chất, trình độ nghiệp vụ kiểm sát và trình độ Luật học, thái độ tác phong công tác, thành tích thực tế qua kiểm tra sát hạch công tác kiểm sát có trọng điểm.

Điều 25. Kết quả kiểm tra sát hạch hàng năm được chia thành 3 mức: xuất sắc, đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu. Kết quả kiểm tra sát hạch là căn cứ để khen thưởng, xử phạt, đào tạo bồi dưỡng, cho thôi việc, điều chỉnh cấp bậc và lương đối với cán bộ kiểm sát.

Điều 26. Kết quả kiểm tra sát hạch được thông báo cho người được kiểm tra bằng văn bản. Nếu người được kiểm tra có ý kiến khác về kết quả kiểm tra sát hạch, có thể đề nghị xem xét lại.

CHƯƠNG IX. ĐÀO TẠO - BỒI DƯỠNG[sửa]

Điều 27. Cần có kế hoạch bồi dưỡng lí luận và nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát. Việc bồi dưỡng cán bộ kiểm sát phải quán triệt nguyên tắc lí luận liên hệ với thực tế, bồi dưỡng theo nhu cầu và chú trọng hiệu quả thực tiễn.

Điều 28. Trường cán bộ kiểm sát quốc gia và các cơ quan bồi dưỡng cán bộ kiểm sát khác đảm nhiệm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát theo các quy định của pháp luật.

Điều 29. Thành tích và giấy chứng nhận kết quả học tập trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ kiểm sát là một trong những căn cứ để bổ nhiệm và đề bạt.

CHƯƠNG X. KHEN THƯỞNG[sửa]

Điều 30. Cán bộ kiểm sát có thành tích và cống hiến nổi bật trong công tác kiểm sát hoặc có đóng góp nổi bật khác, sẽ được khen thưởng.

Việc khen thưởng cán bộ kiểm sát được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp khuyến khích về tinh thần và vật chất.

Điều 31. Cán bộ kiểm sát có một trong những thành tích dưới đây sẽ được khen thưởng:

(1) Chấp hành nghiêm minh, công bằng, có thành tích nổi bật trong công tác kiểm sát;
(2) Kiến nghị nghiệp vụ hoặc kiến nghị cải cách công tác kiểm sát được chấp nhận và có hiệu quả rõ rệt;
(3) Đạt thành tích nổi bật trong việc bảo vệ lợi ích của quốc gia, của tập thể và của nhân dân, không để xảy ra tổn thất nghiêm trọng;
(4) Có thành tích dũng cảm đấu tranh với tội phạm;
(5) Có thành tích nổi bật trong việc bảo vệ bí mật quốc gia và bí mật công tác kiểm sát, có các công lao, thành tích khác.

Điều 32. Việc khen thưởng chia thành các mức sau: Tặng thưởng, ghi công, hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, tặng danh hiệu vẻ vang.

Quyền hạn và trình tự khen thưởng được thực hiện theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG XI. TRỪNG PHẠT[sửa]

Điều 33. Cán bộ kiểm sát không được có những hành vi dưới đây:

(1) Phát ngôn bừa bãi, làm hại đến danh dự quốc gia, tham gia các tổ chức phi pháp, tham gia hội họp, diễu hành, thị uy chống lại Nhà nước, tham gia bãi công;
(2) Tham ô, nhận hối lộ;
(3) Làm sai pháp luật vì lợi ích riêng;
(4) Ép cung, bức cung;
(5) Che dấu chứng cứ hoặc làm giả chứng cứ;
(6) Tiết lộ bí mật quốc gia hoặc bí mật của công tác kiểm sát;
(7) Lạm dụng chức quyền, xâm phạm lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hoặc của tổ chức khác;
(8) Lơ là, không làm tròn chức trách, lập án sai hoặc gây tổn thất nghiêm trọng cho đương sự;
(9) Cố ý kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm lỡ công tác;
(10) Lợi dụng chức quyền để mưu lợi riêng cho mình hoặc cho người khác;
(11) Tiến hành các hoạt động kinh doanh kiếm lời;
(12) Tự ý gặp gỡ đương sự và người đại diện cho đương sự, nhận lời mời, quà biếu của đương sự và người đại diện cho đương sự;
(13) Các hành vi vi phạm pháp luật, kỉ cương khác.

Điều 34. Cán bộ kiểm sát có một trong 13 hành vi nêu ở Điều 33 của Luật này sẽ bị xử lí kỷ luật; nếu cấu thành tội phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

Điều 35. Việc xử lí kỷ luật chia thành các mức sau: cảnh cáo, ghi lỗi, ghi lỗi nặng, hạ cấp bậc, tước bỏ chức vụ, khai trừ. Người bị xử lí kỷ luật bị tước bỏ chức vụ cũng đồng thời bị hạ lương và cấp bậc.

Điều 36. Quyền hạn và trình tự xử phạt được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

CHƯƠNG XII. TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM, PHÚC LỢI[sửa]

Điều 37. Chế độ lương, mức lương của cán bộ kiểm sát do Nhà nước qui định căn cứ vào đặc điểm của công tác kiểm sát.

Điều 38. Thực hiện chế độ tăng lương định kì cho cán bộ kiểm sát. Sau khi kiểm tra sát hạch nếu xác định là xuất sắc hoặc đạt yêu cầu, thì có thể tăng lương theo quy định; người có cống hiến đặc biệt, có thể được tăng lương trước kì hạn theo quy định.

Điều 39. Cán bộ kiểm sát được hưởng phụ cấp kiểm sát, phụ cấp khu vực, phụ cấp khác và bảo hiểm, đãi ngộ phúc lợi theo quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG XIII. TỪ CHỨC, CHO THÔI VIỆC[sửa]

Điều 40. Cán bộ kiểm sát muốn từ chức thì phải có đơn đề nghị, cơ quan kiểm sát sẽ bãi nhiệm chức vụ của cán bộ đó theo trình tự pháp luật quy định.

Điều 41. Có thể cho cán bộ kiểm sát thôi việc khi có một trong những lí do sau đây:

(1) Qua kiểm tra sát hạch hàng năm, liên tục 2 năm đều được xác định là không đạt yêu cầu;
(2) Không làm tròn công tác hiện tại, nhưng lại không chấp nhận việc bố trí công tác khác;
(3) Do điều chỉnh cơ quan kiểm sát hoặc do giảm biên chế nên phải điều chỉnh công tác, nhưng cán bộ đó không chấp nhận việc sắp xếp hợp lí của cơ quan;
(4) Bỏ việc hoặc quá hạn nghỉ phép từ quá 15 ngày liên tiếp, hoặc quá 30 ngày trong một năm (nếu tính tổng cộng) mà không có lý do chính đáng;
(5) Không thực hiện nghĩa vụ của cán bộ kiểm sát, đã giáo dục mà vẫn không sửa chữa.

Điều 42. Khi cho cán bộ kiểm sát thôi việc thì cũng phải bãi miễn chức vụ của cán bộ đó theo trình tự pháp luật quy định.

CHƯƠNG XIV. NGHỈ HƯU[sửa]

Điều 43. Chế độ nghỉ hưu của cán bộ kiểm sát do Nhà nước căn cứ vào đặc điểm của công tác kiểm sát để đề ra quy định riêng.

Điều 44. Cán bộ kiểm sát sau khi nghỉ hưu, được hưởng tiền bảo hiểm dưỡng lão và các đãi ngộ khác theo quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG XV. KHIẾU NẠI, TỐ CÁO[sửa]

Điều 45. Cán bộ kiểm sát nếu không tán thành việc xử lí của Viện kiểm sát nhân dân đối với bản thân mình, thì trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được quyết định xử lí, có thể đề nghị cơ quan xử lí đó xem xét lại, đồng thời có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên của cơ quan xử lí đó.

Cơ quan thụ lí khiếu nại phải giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại không định chỉ việc thi hành các quyết định xử lí đối với cán bộ kiểm sát đó.

Điều 46. Cán bộ kiểm sát có quyền tố cáo hành vi của cơ quan nhà nước, của nhân viên nhà nước xâm phạm quyền lợi của mình theo quy định tại Điều 9 Luật này. Nếu cơ quan hành chính, đoàn thể xã hội hoặc cá nhân can thiệp vào việc cán bộ kiểm sát thực hiện chức trách kiểm sát theo đúng pháp luật, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 47. Cán bộ kiểm sát khi đưa ra khiếu nại và tố cáo phải thực sự cầu thị; người làm sai sự thật, vu cáo hãm hại người khác, phải bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Đối với cán bộ kiểm sát bị xử lí sai, cần phải kịp thời sửa lại cho đúng; nếu gây tổn thất về danh dự, thì phải khôi phục danh dự, xoá bỏ mọi ảnh hưởng xấu, phải xin lỗi và bồi thường; nếu gây tổn thất về kinh tế, thì phải bồi thường. Nhân viên nào chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đả kích, báo thù thì bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG XVI. UỶ BAN KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ KIỂM SÁT[sửa]

Điều 49. Viện kiểm sát nhân dân thành lập Uỷ ban kiểm tra đánh giá cán bộ kiểm sát.

Chức trách của Uỷ ban kiểm tra đánh giá cán bộ kiểm sát là chỉ đạo công tác bồi dưỡng, kiểm tra sát hạch, đánh giá nhận xét cán bộ kiểm sát. Biện pháp cụ thể sẽ có quy định riêng.

Uỷ ban kiểm tra đánh giá cán bộ kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, căn cứ vào quy định tại Điều 13 của Luật này, tổ chức thi hành thống nhất trong cả nước để bổ nhiệm Kiểm sát viên và trợ lí Kiểm sát viên mới.

Điều 50. Thành viên của Uỷ ban kiểm tra đánh giá cán bộ kiểm sát có từ 5 đến 9 người. Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra đánh giá cán bộ kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đảm nhiệm.

CHƯƠNG XVII. ĐIỀU KHOẢN KÈM THEO[sửa]

Điều 51. Biện pháp quản lí Uỷ viên thư kí của Viện kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định. Đối với nhân viên hành chính tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân, thì quản lí theo các quy định có liên quan của Nhà nước.

Điều 52. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 1995.