Bước tới nội dung

Luật Chăn nuôi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Chăn nuôi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018
Chương II. GIỐNG VÀ SẢN PHẨM GIỐNG VẬT NUÔI

Chương II
GIỐNG VÀ SẢN PHẨM GIỐNG VẬT NUÔI

Mục 1
NGUỒN GEN GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 13. Quản lý nguồn gen giống vật nuôi

1. Nguồn gen giống vật nuôi do Nhà nước thống nhất quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý nguồn gen giống vật nuôi theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi

1. Tổ chức, cá nhân thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nội dung thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bao gồm:

a) Điều tra, khảo sát và thu thập nguồn gen giống vật nuôi;

b) Đánh giá nguồn gen giống vật nuôi theo các chỉ tiêu sinh học và giá trị sử dụng;

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen giống vật nuôi;

d) Bảo vệ và duy trì nguồn gen giống vật nuôi;

đ) Sử dụng nguồn gen giống vật nuôi đã được đánh giá, xác định giá trị sử dụng vào hoạt động chọn, tạo và nhân giống vật nuôi.

3. Phương thức bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trình Chính phủ quy định việc thu thập, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống vật nuôi thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp.

Điều 15. Trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm

1. Tổ chức, cá nhân được trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm để phục vụ nghiên cứu, chọn, tạo dòng, giống vật nuôi mới và sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Việc trao đổi quốc tế nguồn gen giống vật nuôi có trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu để phục vụ nghiên cứu khoa học, triển lãm, quảng cáo phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức, cá nhân trao đổi quốc tế nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm phải thực hiện quy định của Luật này và pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học của Việt Nam.

4. Việc trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm của Việt Nam cho bên thứ ba phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

5. Khi trao đổi quốc tế nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm để phổ biến trong sản xuất hoặc tạo ra giống mới do tổ chức, cá nhân Việt Nam cung cấp và thuộc quyền tác giả của Việt Nam thì tổ chức, cá nhân Việt Nam được hưởng quyền tác giả theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước trao đổi quốc tế là thành viên.

Điều 16. Trình tự, thủ tục trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm

1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Hồ sơ trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm bao gồm:

a) Đơn đăng ký trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm;

b) Lý lịch nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm cần trao đổi;

c) Các văn bản có liên quan đến trao đổi nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định và quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định biểu mẫu hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 17. Vật nuôi biến đổi gen và nhân bản vô tính vật nuôi

1. Vật nuôi biến đổi gen là vật nuôi có cấu trúc di truyền bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen.

2. Việc nghiên cứu, chọn, tạo, thử nghiệm, sản xuất, kinh doanh, sử dụng, phóng thích, trao đổi quốc tế và hoạt động khác đối với vật nuôi biến đổi gen được thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học.

3. Nhân bản vô tính vật nuôi là việc sử dụng kỹ thuật nhân bản từ tế bào sinh dưỡng để tạo ra vật nuôi.

4. Tổ chức, cá nhân được nghiên cứu về nhân bản vô tính vật nuôi theo quy định của pháp luật.

Mục 2
SẢN XUẤT, MUA BÁN GIỐNG VẬT NUÔI VÀ SẢN PHẨM GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 18. Yêu cầu đối với giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi lưu thông trên thị trường

1. Đã công bố tiêu chuẩn áp dụng.

2. Có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng.

3. Đáp ứng yêu cầu kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y.

Điều 19. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và cấm xuất khẩu

1. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn bao gồm các giống vật nuôi có số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.

2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu bao gồm các giống vật nuôi quý, hiếm và là lợi thế của Việt Nam.

3. Chính phủ ban hành Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu; quy định trình tự, thủ tục ban hành, cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn và Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

Điều 20. Nhập khẩu giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi

1. Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu ủy quyền xác nhận bằng văn bản về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng giống, mục đích sử dụng để nhân giống, tạo giống.

2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:

a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

b) Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam;

c) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn sinh học đối với giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập khẩu vào Việt Nam.

3. Giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập khẩu phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng, thực hiện kiểm dịch theo quy định của pháp luật về thú y.

4. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống, tinh, phôi giống gia súc phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu lần đầu nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành phần hồ sơ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời bằng văn bản, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu tinh, phôi từ lần thứ hai của cùng cá thể giống thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu đực giống từ lần thứ hai của cùng giống và cùng cơ sở sản xuất thì chỉ cần thông báo bằng văn bản cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 21. Xuất khẩu, trao đổi quốc tế giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi

1. Hồ sơ, chất lượng giống vật nuôi và sản phẩm giống vật nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Xuất khẩu hoặc trao đổi quốc tế giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi trong Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phục vụ nghiên cứu khoa học, triển lãm, quảng cáo phải được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân xuất khẩu nộp 01 bộ hồ sơ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thành phần hồ sơ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định trên cơ sở chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp từ chối phải nêu rõ lý do.

Điều 22. Điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi

1. Con giống vật nuôi là cá thể vật nuôi dùng để nuôi sinh sản, nhân giống.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này;

b) Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi;

c) Cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;

d) Cơ sở nuôi đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm, đàn nhân giống, sản xuất con giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học;

đ) Có hồ sơ giống ghi rõ tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật.

3. Tổ chức, cá nhân mua bán con giống vật nuôi phải có bản công bố tiêu chuẩn áp dụng của cơ sở sản xuất và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 23. Điều kiện sản xuất, mua bán tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi, dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này;

b) Có hồ sơ theo dõi chỉ tiêu chất lượng tinh trong thời gian kiểm tra, khai thác tinh đực giống;

c) Có trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để sản xuất, kiểm tra, đánh giá, bảo quản và vận chuyển tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng.

2. Cá nhân làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi giống vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

a) Có chứng chỉ đào tạo về thụ tinh nhân tạo hoặc kỹ thuật cấy truyền phôi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Khi làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo, cấy truyền phôi phải ghi chép thông tin về chủ hộ, số hiệu đực giống, cái giống, ngày phối giống, lần phối.

3. Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải thực hiện các yêu cầu sau đây:

a) Kê khai đực giống theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

b) Sử dụng đực giống có nguồn gốc, hồ sơ giống, đã được kiểm dịch, kiểm tra, đánh giá chất lượng.

4. Tổ chức, cá nhân mua bán tinh, phôi giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có dụng cụ, thiết bị bảo quản phù hợp với từng loại tinh, phôi;

b) Nơi bảo quản phải tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại;

c) Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, vật nuôi, môi trường xung quanh;

d) Có sổ sách theo dõi việc bảo quản, mua bán tinh, phôi.

5. Tổ chức, cá nhân sản xuất trứng giống gia cầm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này;

b) Trứng giống được khai thác từ đàn giống cấp bố mẹ hoặc tương đương trở lên.

6. Tổ chức, cá nhân mua bán trứng giống, ấu trùng giống vật nuôi phải có hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng và hồ sơ giống theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật này.

Điều 24. Yêu cầu chất lượng của đực giống, cái giống trong sản xuất

1. Đực giống sử dụng trong sản xuất giống phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có lý lịch, hệ phả rõ ràng;

b) Được sản xuất từ cơ sở sản xuất giống, phù hợp với chất lượng giống công bố áp dụng;

c) Đực giống sử dụng trong cơ sở sản xuất tinh nhằm mục đích thương mại phải được kiểm tra năng suất cá thể, đạt chất lượng theo quy định.

2. Cái giống sử dụng trong sản xuất giống phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có lý lịch, hệ phả rõ ràng;

b) Được sản xuất từ cơ sở sản xuất giống, phù hợp với chất lượng giống công bố áp dụng, đạt chất lượng theo quy định.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định mức chất lượng giống đối với đực giống, cái giống.

Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi

1. Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi có quyền sau đây:

a) Được sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Luật này;

b) Được hưởng chính sách của Nhà nước đối với cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi;

c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;

d) Được giữ bí mật thông tin về hoạt động sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Điều 54 của Luật này;

b) Bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trong quá trình sản xuất, mua bán;

c) Lưu hồ sơ giống trong thời gian tối thiểu là 03 năm kể từ ngày sản xuất, mua bán;

d) Cung cấp cho người mua sản phẩm giống vật nuôi hồ sơ bao gồm thông tin về tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên giống vật nuôi, số lượng sản phẩm giống vật nuôi xuất bán, hệ phả đối với gia súc, bản công bố tiêu chuẩn áp dụng, quy trình chăn nuôi;

đ) Bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm giống vật nuôi phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;

e) Thu hồi sản phẩm giống vật nuôi không bảo đảm về chủng loại, nguồn gốc, chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

g) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mục 3
KHẢO NGHIỆM, KIỂM ĐỊNH DÒNG, GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 26. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi

1. Khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi là việc chăn nuôi và theo dõi một dòng, giống vật nuôi cụ thể trong điều kiện và thời gian nhất định để xác định tính khác biệt, tính ổn định, tính đồng nhất về năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh và đánh giá tác hại của dòng, giống đó.

2. Dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm trước khi đưa ra sản xuất, trừ dòng, giống vật nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận dòng, giống vật nuôi mới phải thực hiện khảo nghiệm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tại cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi.

Điều 27. Điều kiện cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi

Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này.

2. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với việc khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi tương ứng.

3. Có nhân viên kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, sinh học.

4. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp.

Điều 28. Kiểm định dòng, giống vật nuôi

1. Kiểm định dòng, giống vật nuôi là việc đánh giá và xác nhận lại năng suất, chất lượng, khả năng kháng bệnh của dòng, giống vật nuôi sau khi đưa ra sản xuất.

2. Việc kiểm định dòng, giống vật nuôi được thực hiện trong trường hợp sau đây:

a) Có khiếu nại, tố cáo về chất lượng dòng, giống vật nuôi;

b) Có yêu cầu trưng cầu, giám định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi được thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi.

Điều 29. Nguyên tắc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới

1. Mỗi dòng, giống vật nuôi mới chỉ được đặt một tên phù hợp bằng tiếng Việt.

2. Việc đặt tên dòng, giống vật nuôi mới phải bảo đảm không thuộc trường hợp sau đây:

a) Trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên dòng, giống vật nuôi đã được công nhận;

b) Chỉ bao gồm chữ số;

c) Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

d) Trùng với cách đọc hoặc cách viết tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân;

đ) Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

Điều 30. Công nhận dòng, giống vật nuôi mới

1. Hồ sơ công nhận dòng, giống vật nuôi mới bao gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới, ghi rõ tên dòng, giống vật nuôi, nguồn gốc, xuất xứ;

b) Kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia đã được công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

2. Việc công nhận dòng, giống vật nuôi mới được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị công nhận dòng, giống vật nuôi mới gửi 01 bộ hồ sơ bản giấy hoặc bản điện tử theo quy định tại khoản 1 Điều này đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận dòng, giống vật nuôi mới; trường hợp không đạt yêu cầu phải nêu rõ lý do.

Điều 31. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi

1. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có quyền sau đây:

a) Được thực hiện khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;

b) Được thực hiện kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Được thanh toán chi phí khảo nghiệm, kiểm định dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;

d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi theo quy định của pháp luật;

đ) Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả thực hiện, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ sở khảo nghiệm dòng, giống vật nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở khảo nghiệm trong quá trình hoạt động;

b) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện khảo nghiệm, kiểm định;

c) Tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường;

d) Lưu hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm, kiểm định;

đ) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.