Luật Giao dịch điện tử nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU

Mục 1
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU

Điều 7. Hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu

1. Thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật.

2. Thông điệp dữ liệu được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy.

Điều 8. Giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu

Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Điều 9. Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản

1. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.

2. Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực.

Điều 10. Thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc

Thông điệp dữ liệu được sử dụng và có giá trị như bản gốc khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

1. Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một thông điệp dữ liệu hoàn chỉnh.

Thông tin trong thông điệp dữ liệu được xem là toàn vẹn khi thông tin đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị thông điệp dữ liệu;

2. Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh.

Điều 11. Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ

1. Thông điệp dữ liệu được dùng làm chứng cứ theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.

2. Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác.

Điều 12. Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu

1. Thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

b) Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;

c) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

d) Trường hợp văn bản giấy là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu.

2. Văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

b) Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

c) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

d) Trường hợp thông điệp dữ liệu là chứng thư điện tử thì việc chuyển đổi phải đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm a, b và c khoản này và phải có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi phải có tính năng chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy.

3. Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 13. Hình thức lưu trữ thông điệp dữ liệu

1. Trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin phải được lưu trữ thì văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin đó có thể được lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;

b) Thông tin trong thông điệp dữ liệu đó được lưu trong chính khuôn dạng được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác thông tin đó;

c) Thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, người gửi, người nhận, thời gian gửi, nhận thông điệp dữ liệu.

2. Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân được lựa chọn lưu trữ văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu hoặc thông tin dưới dạng văn bản giấy hoặc lưu trữ dưới dạng thông điệp dữ liệu khi thông điệp dữ liệu đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Nội dung, thời hạn lưu trữ đối với thông điệp dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc lưu trữ thông điệp dữ liệu có giá trị như lưu trữ văn bản giấy.

Mục 2
GỬI, NHẬN THÔNG ĐIỆP DỮ LIỆU

Điều 14. Người khởi tạo thông điệp dữ liệu

1. Người khởi tạo thông điệp dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân tạo hoặc gửi một thông điệp dữ liệu trước khi thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ nhưng không bao gồm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu.

2. Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc xác định người khởi tạo một thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

a) Thông điệp dữ liệu được xem là của người khởi tạo nếu được gửi bởi người khởi tạo thông điệp dữ liệu, người đại diện của người khởi tạo hoặc bởi một hệ thống thông tin được thiết lập để hoạt động tự động do người khởi tạo chỉ định;

b) Người nhận có thể coi thông điệp dữ liệu là của người khởi tạo nếu đã áp dụng các phương pháp xác minh được người khởi tạo chấp thuận và cho kết quả thông điệp dữ liệu đó là của người khởi tạo;

c) Kể từ thời điểm người nhận biết có lỗi kỹ thuật hoặc nhận được thông báo từ người khởi tạo rằng thông điệp dữ liệu được gửi do lỗi kỹ thuật và đã sử dụng các phương pháp xác minh lỗi được người khởi tạo chấp thuận thì không áp dụng quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

3. Trường hợp một bên mắc lỗi nhập thông tin thông qua hệ thống thông tin tự động mà hệ thống thông tin tự động đó không cung cấp cho bên đó cơ hội sửa lỗi thì bên mắc lỗi nhập thông tin có quyền rút lại thông tin đã nhập nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Người khởi tạo mắc lỗi nhập thông tin đã có thông báo về lỗi nhập thông tin của mình cho các bên liên quan ngay khi nhận ra lỗi;

b) Người khởi tạo mắc lỗi nhập thông tin chưa sử dụng hoặc nhận được bất kỳ lợi ích nào (nếu có) từ các bên.

4. Quyền rút thông tin có lỗi quy định tại khoản 3 Điều này không ảnh hưởng đến trách nhiệm giải quyết hậu quả phát sinh do lỗi trong giao dịch điện tử theo quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Người khởi tạo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông điệp dữ liệu do mình khởi tạo.

Điều 15. Thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu

Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

1. Thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó rời khỏi hệ thống thông tin dưới sự kiểm soát của người khởi tạo hoặc người đại diện của người khởi tạo. Trường hợp hệ thống thông tin nằm ngoài sự kiểm soát của người khởi tạo hoặc người đại diện của người khởi tạo, thời điểm gửi một thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu này nhập vào hệ thống thông tin;

2. Ở bất kỳ địa điểm nào thông điệp dữ liệu được gửi thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu vẫn được coi là trụ sở của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người khởi tạo nếu người khởi tạo là cá nhân. Trường hợp người khởi tạo có nhiều trụ sở thì địa điểm gửi thông điệp dữ liệu là trụ sở chính hoặc trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

Điều 16. Nhận thông điệp dữ liệu

1. Người nhận thông điệp dữ liệu là cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó được chỉ định nhận thông điệp dữ liệu từ người khởi tạo thông điệp dữ liệu nhưng không bao gồm người trung gian chuyển thông điệp dữ liệu.

2. Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì việc nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

a) Người nhận được xem là đã nhận được thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu được nhập vào hệ thống thông tin do người đó chỉ định và có thể truy cập được;

b) Người nhận có quyền coi mỗi thông điệp dữ liệu nhận được là một thông điệp dữ liệu độc lập, trừ trường hợp thông điệp dữ liệu đó là bản sao của một thông điệp dữ liệu khác mà người nhận biết hoặc buộc phải biết thông điệp dữ liệu đó là bản sao;

c) Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo có yêu cầu hoặc thỏa thuận với người nhận về việc người nhận phải gửi cho mình thông báo xác nhận khi nhận được thông điệp dữ liệu thì người nhận phải thực hiện đúng yêu cầu hoặc thỏa thuận này;

d) Trường hợp trước hoặc trong khi gửi thông điệp dữ liệu, người khởi tạo đã tuyên bố thông điệp dữ liệu đó chỉ có giá trị khi có thông báo xác nhận, thông điệp dữ liệu đó được xem là chưa gửi cho đến khi người khởi tạo nhận được thông báo của người nhận xác nhận đã nhận được thông điệp dữ liệu đó;

đ) Trường hợp người khởi tạo đã gửi thông điệp dữ liệu mà không tuyên bố về việc người nhận phải gửi thông báo xác nhận và cũng chưa nhận được thông báo xác nhận, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, thì người khởi tạo có thể thông báo cho người nhận là chưa nhận được thông báo xác nhận và ấn định khoảng thời gian hợp lý để người nhận gửi thông báo xác nhận; nếu người khởi tạo vẫn không nhận được thông báo xác nhận trong khoảng thời gian đã ấn định thì người khởi tạo có quyền xem là chưa gửi thông điệp dữ liệu đó.

Điều 17. Thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu

Trường hợp các bên tham gia giao dịch không có thỏa thuận khác thì thời điểm, địa điểm nhận thông điệp dữ liệu được quy định như sau:

1. Trường hợp người nhận đã chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận là thời điểm thông điệp dữ liệu nhập vào hệ thống thông tin được chỉ định và có thể truy cập được; nếu người nhận không chỉ định một hệ thống thông tin để nhận thông điệp dữ liệu thì thời điểm nhận thông điệp dữ liệu là thời điểm thông điệp dữ liệu đó nhập vào bất kỳ hệ thống thông tin nào của người nhận và có thể truy cập được;

2. Ở bất kỳ địa điểm nào thông điệp dữ liệu được nhận thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu vẫn được coi là trụ sở của người nhận nếu người nhận là cơ quan, tổ chức hoặc nơi cư trú của người nhận nếu người nhận là cá nhân. Trường hợp người nhận có nhiều trụ sở thì địa điểm nhận thông điệp dữ liệu là trụ sở chính hoặc trụ sở có mối liên hệ mật thiết nhất với giao dịch.

Điều 18. Gửi, nhận tự động thông điệp dữ liệu

Trường hợp người khởi tạo hoặc người nhận chỉ định một hoặc nhiều hệ thống thông tin tự động gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu thì việc gửi, nhận thông điệp dữ liệu thực hiện theo quy định tại các điều 14, 15, 16 và 17 của Luật này.

Mục 3
CHỨNG THƯ ĐIỆN TỬ

Điều 19. Giá trị pháp lý của chứng thư điện tử

1. Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật này;

b) Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

c) Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

2. Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 20. Chuyển giao chứng thư điện tử

1. Trường hợp pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu đối với chứng thư điện tử, việc chuyển giao phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Chứng thư điện tử khẳng định được chủ thể sở hữu và chỉ chủ thể này đang kiểm soát chứng thư điện tử đó;

b) Yêu cầu quy định tại Điều 10 của Luật này;

c) Hệ thống thông tin phục vụ việc chuyển giao chứng thư điện tử phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng;

d) Yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang chứng thư điện tử đối với các loại giấy tờ mà pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất thì văn bản giấy không còn giá trị pháp lý ngay khi việc chuyển đổi được hoàn thành và đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Trường hợp pháp luật yêu cầu hoặc cho phép chuyển đổi hình thức từ chứng thư điện tử sang văn bản giấy đối với các loại chứng thư điện tử mà pháp luật cho phép chuyển giao quyền sở hữu và chỉ được tồn tại dưới một hình thức duy nhất thì chứng thư điện tử không còn giá trị pháp lý ngay khi việc chuyển đổi được hoàn thành và đáp ứng yêu cầu quy định tại điểm d khoản 2 Điều 12 của Luật này.

Điều 21. Yêu cầu đối với lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử

1. Việc lưu trữ chứng thư điện tử phải tuân thủ quy định về lưu trữ thông điệp dữ liệu tại Điều 13 của Luật này.

2. Hệ thống thông tin phục vụ lưu trữ, xử lý chứng thư điện tử phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin mạng tối thiểu cấp độ 3 theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng.