Luật Lâm nghiệp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương III
QUẢN LÝ RỪNG

Mục 1
GIAO RỪNG, CHO THUÊ RỪNG, CHUYỂN LOẠI RỪNG, CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG RỪNG SANG MỤC ĐÍCH KHÁC, THU HỒI RỪNG

Điều 14. Nguyên tắc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng

1. Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất; diện tích rừng hiện có tại địa phương.

2. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

3. Không giao, cho thuê diện tích rừng đang có tranh chấp.

4. Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

5. Thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất.

6. Thời hạn, hạn mức giao rừng, cho thuê rừng phù hợp với thời hạn, hạn mức giao đất, cho thuê đất.

7. Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân địa phương; không phân biệt đối xử về tôn giáo, tín ngưỡng và giới trong giao rừng, cho thuê rừng.

8. Tôn trọng không gian sinh tồn, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 15. Căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Ủy ban nhân dân cấp huyện được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Diện tích rừng, đất quy hoạch để trồng rừng.

3. Nhu cầu sử dụng rừng thể hiện trong dự án đầu tư đối với tổ chức; đề nghị giao rừng, thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

4. Năng lực quản lý rừng bền vững của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Điều 16. Giao rừng

1. Nhà nước giao rừng đặc dụng không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; rừng giống quốc gia; vườn thực vật quốc gia;

b) Tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp đối với rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia;

c) Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang đối với khu bảo vệ cảnh quan bao gồm rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao xen kẽ trong diện tích rừng được giao;

d) Cộng đồng dân cư đối với khu rừng tín ngưỡng mà họ đang quản lý và sử dụng theo truyền thống;

đ) Tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp trong nước đối với rừng giống quốc gia xen kẽ trong diện tích rừng được giao.

2. Nhà nước giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị vũ trang đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

b) Tổ chức kinh tế đối với rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích rừng sản xuất của tổ chức đó;

c) Hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển;

d) Cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư đó.

3. Nhà nước giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng cho các đối tượng sau đây:

a) Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có diện tích rừng; đơn vị vũ trang;

b) Ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ đối với diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được giao cho ban quản lý rừng đó.

Điều 17. Cho thuê rừng sản xuất

Nhà nước cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng trả tiền thuê rừng một lần hoặc hàng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Điều 18. Chuyển loại rừng

1. Việc chuyển loại rừng này sang loại rừng khác phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp;

b) Đáp ứng các tiêu chí phân loại rừng;

c) Có phương án chuyển loại rừng.

2. Thẩm quyền quyết định chuyển loại rừng được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển loại rừng đối với khu rừng do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển loại rừng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương chuyển loại rừng.

Điều 19. Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

2. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

3. Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

4. Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Điều 20. Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha.

3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

Điều 21. Trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

1. Chủ dự án được giao đất, thuê đất có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải trồng rừng thay thế bằng diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng trồng, bằng ba lần diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đối với rừng tự nhiên.

2. Chủ dự án quy định tại khoản 1 Điều này tự trồng rừng thay thế phải xây dựng phương án trồng rừng thay thế trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.

3. Số tiền nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh bằng diện tích rừng phải trồng thay thế quy định tại khoản 1 Điều này nhân với đơn giá cho 01 ha rừng trồng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng tiền đã nộp vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh để tổ chức trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh.

4. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không bố trí được hoặc không bố trí đủ diện tích đất để trồng rừng thay thế trong thời hạn 12 tháng kể từ khi chủ dự án hoàn thành trách nhiệm nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh thì phải chuyển tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thời hạn thực hiện trồng rừng thay thế quy định tại Điều này.

Điều 22. Thu hồi rừng

1. Nhà nước thu hồi rừng trong các trường hợp sau đây:

a) Chủ rừng sử dụng rừng không đúng mục đích, cố ý không thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp;

b) Chủ rừng không tiến hành hoạt động bảo vệ và phát triển rừng sau 12 tháng liên tục kể từ ngày được giao, được thuê rừng, trừ trường hợp bất khả kháng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận;

c) Chủ rừng tự nguyện trả lại rừng;

d) Rừng được Nhà nước giao, cho thuê khi hết hạn mà không được gia hạn;

đ) Rừng được giao, được thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng;

e) Chủ rừng là cá nhân khi chết không có người thừa kế theo quy định của pháp luật;

g) Các trường hợp thu hồi đất có rừng khác theo quy định của Luật Đất đai.

2. Chủ rừng được bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi rừng vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giao rừng, cho thuê rừng không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng.

Điều 23. Thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng

1. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như sau:

a) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với tổ chức;

b) Cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thuê đất để trồng rừng sản xuất.

2. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định như sau:

a) Giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với hộ gia đình, cá nhân;

b) Giao rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng đối với cộng đồng dân cư.

3. Trường hợp trong khu vực thu hồi rừng có cả đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi rừng hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi rừng.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thu hồi rừng.

Mục 2
TỔ CHỨC QUẢN LÝ RỪNG

Điều 24. Nguyên tắc tổ chức quản lý rừng

1. Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm các diện tích rừng có chủ.

2. Chủ rừng phải thực hiện quản lý rừng bền vững; có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 25. Thẩm quyền thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ có tầm quan trọng quốc gia hoặc nằm trên địa bàn nhiều tỉnh.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ tại địa phương không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 26. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ

1. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng được quy định như sau:

a) Thành lập ban quản lý rừng đặc dụng đối với vườn quốc gia; khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích tập trung từ 3.000 ha trở lên.

Trường hợp trên địa bàn cấp tỉnh có một hoặc nhiều khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan có diện tích mỗi khu dưới 3.000 ha thì thành lập một ban quản lý rừng đặc dụng trên địa bàn;

b) Tổ chức được giao khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, vườn thực vật quốc gia, rừng giống quốc gia tự tổ chức quản lý khu rừng.

2. Tổ chức quản lý rừng phòng hộ được quy định như sau:

a) Thành lập ban quản lý rừng phòng hộ đối với rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới có diện tích tập trung từ 5.000 ha trở lên hoặc rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển có diện tích từ 3.000 ha trở lên;

b) Các khu rừng phòng hộ không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì giao cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đơn vị vũ trang trên địa bàn để quản lý.

3. Việc tổ chức quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Mục 3
QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG

Điều 27. Phương án quản lý rừng bền vững

1. Trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững được quy định như sau:

a) Chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững;

b) Khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.

2. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng đặc dụng bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thực trạng hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định diện tích rừng tại các phân khu chức năng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn;

d) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, bảo tồn, phát triển và sử dụng rừng;

đ) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

3. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng phòng hộ bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; thực trạng tài nguyên rừng;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định chức năng phòng hộ của rừng;

d) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng;

đ) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

4. Nội dung cơ bản của phương án quản lý rừng bền vững đối với rừng sản xuất bao gồm:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; thực trạng tài nguyên rừng; kết quả sản xuất, kinh doanh; đánh giá thị trường có ảnh hưởng, tác động đến hoạt động của chủ rừng;

b) Xác định mục tiêu, phạm vi quản lý rừng bền vững;

c) Xác định hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và thương mại lâm sản;

d) Giải pháp và tổ chức thực hiện.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết về nội dung phương án quản lý rừng bền vững; quy định trình tự, thủ tục xây dựng, phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.

Điều 28. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững

1. Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được cấp cho chủ rừng theo nguyên tắc tự nguyện.

2. Chủ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trong nước hoặc quốc tế khi có phương án quản lý rừng bền vững và đáp ứng các tiêu chí quản lý rừng bền vững.

3. Tổ chức hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí quản lý rừng bền vững.

Mục 4
ĐÓNG, MỞ CỬA RỪNG TỰ NHIÊN

Điều 29. Nguyên tắc đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Bảo đảm quản lý rừng bền vững, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

2. Bảo đảm công khai và minh bạch.

3. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan khi thực hiện đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

Điều 30. Trường hợp đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Đóng cửa rừng tự nhiên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái quy định của pháp luật diễn biến phức tạp, có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng;

b) Rừng tự nhiên nghèo cần được phục hồi; đa dạng sinh học và chức năng phòng hộ của rừng bị suy thoái nghiêm trọng.

2. Mở cửa rừng tự nhiên được thực hiện khi khắc phục được tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Việc đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 31. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục, công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên đối với diện tích rừng tự nhiên tại địa phương sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua đề án đóng, mở cửa rừng tự nhiên.

3. Quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên phải được công bố, niêm yết công khai.

4. Trình tự, thủ tục công bố quyết định đóng, mở cửa rừng tự nhiên thực hiện theo Quy chế quản lý rừng.

Điều 32. Trách nhiệm của Nhà nước khi đóng cửa rừng tự nhiên

1. Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ và phát triển rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng tự nhiên.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định hỗ trợ cho chủ rừng khi thực hiện quyết định đóng cửa rừng tự nhiên của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục 5
ĐIỀU TRA, KIỂM KÊ, THEO DÕI DIỄN BIẾN, CƠ SỞ DỮ LIỆU RỪNG

Điều 33. Điều tra rừng

1. Nội dung điều tra rừng bao gồm:

a) Điều tra, phân loại rừng; phân cấp mức độ xung yếu của rừng phòng hộ;

b) Điều tra, đánh giá chất lượng rừng, tiềm năng phát triển rừng;

c) Điều tra, đánh giá tình trạng mất rừng và suy thoái rừng;

d) Điều tra, đánh giá đa dạng sinh học trong rừng;

đ) Xây dựng và duy trì hệ thống giám sát diễn biến rừng;

e) Đánh giá về giảm phát thải khí nhà kính do thực hiện các giải pháp hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng.

2. Tổ chức điều tra rừng được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra rừng toàn quốc 05 năm một lần và theo chuyên đề; chỉ đạo việc thực hiện điều tra rừng cấp tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện điều tra rừng tại địa phương và công bố kết quả.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết nội dung điều tra rừng; quy định phương pháp, quy trình điều tra rừng.

Điều 34. Kiểm kê rừng

1. Kiểm kê rừng thực hiện theo cấp chính quyền gắn với chủ quản lý cụ thể trên phạm vi toàn quốc để xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp; điều chỉnh, bổ sung cơ sở dữ liệu rừng và đất chưa có rừng.

2. Nội dung cơ bản của kiểm kê rừng bao gồm:

a) Tập hợp và xử lý thông tin về tài nguyên rừng;

b) Kiểm kê diện tích, trữ lượng rừng của lô rừng;

c) Kiểm kê diện tích, trữ lượng rừng của chủ rừng;

d) Kiểm kê tổng diện tích, trữ lượng rừng theo cấp hành chính;

đ) Lập hồ sơ quản lý rừng của lô, khoảnh, tiểu khu, chủ rừng, đơn vị hành chính.

e) Công bố kết quả kiểm kê rừng.

3. Việc kiểm kê rừng được thực hiện 10 năm một lần phù hợp với thời điểm kiểm kê đất đai.

4. Chủ rừng có trách nhiệm thực hiện kiểm kê rừng và chịu sự kiểm tra của cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp tỉnh đối với chủ rừng là tổ chức; hoặc cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp cấp huyện đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; kê khai số liệu kiểm kê rừng theo biểu mẫu quy định và chịu trách nhiệm về nội dung kê khai.

5. Cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật và kiểm tra, giám sát thực hiện kiểm kê rừng; hỗ trợ kinh phí kiểm kê rừng cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết nội dung kiểm kê rừng; quy định phương pháp, quy trình kiểm kê rừng.

Điều 35. Theo dõi diễn biến rừng

1. Theo dõi diễn biến rừng được thực hiện hàng năm nhằm nắm vững hiện trạng diện tích các loại rừng, đất chưa có rừng; biến động diện tích các loại rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

2. Lô rừng là đơn vị cơ sở để theo dõi diễn biến rừng, được tập hợp theo khoảnh, tiểu khu rừng đối với từng chủ rừng và tổng hợp trên địa bàn cấp xã, huyện, tỉnh, quốc gia.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết Điều này.

Điều 36. Cơ sở dữ liệu rừng

1. Cơ sở dữ liệu rừng là tập hợp thông tin, dữ liệu về rừng được thiết lập, cập nhật và duy trì đáp ứng yêu cầu sử dụng thông tin cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và yêu cầu quản lý khác; là bộ phận của hệ thống thông tin về lâm nghiệp.

2. Cơ sở dữ liệu rừng bao gồm:

a) Cơ sở dữ liệu về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến rừng;

b) Cơ sở dữ liệu về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; bảo tồn thiên nhiên, loài nguy cấp, quý, hiếm, nghiên cứu khoa học liên quan đến rừng;

c) Cơ sở dữ liệu về điều tra rừng, kiểm kê rừng, diễn biến rừng, kết quả giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến rừng;

d) Cơ sở dữ liệu khác liên quan đến rừng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập, quản lý cơ sở dữ liệu rừng thống nhất trong phạm vi cả nước.