Bước tới nội dung

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2024/Chương II

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁC TÒA ÁN

Mục 1
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TÒA ÁN THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm

1. Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc.

2. Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xem xét, thụ lý vụ án, vụ việc; tổ chức phiên tòa, phiên họp xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

b) Hướng dẫn, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

c) Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, công nhận kết quả đối thoại thành của các đương sự;

đ) Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, vụ việc, phục hồi vụ án hình sự, hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp, tiếp tục việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

e) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự tại phiên tòa;

g) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

h) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án;

i) Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung;

k) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

l) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

m) Ban hành bản án, quyết định;

n) Giải quyết yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng;

o) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp phúc thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị; các tình tiết của vụ án, vụ việc; căn cứ áp dụng pháp luật và việc xét xử, giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật.

2. Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xem xét, thụ lý vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;

b) Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ mới trong vụ án hình sự;

c) Xem xét lại bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc nội dung khác theo quy định của luật;

d) Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc, hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, tiếp tục việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, e, g, h, k, l, m và n khoản 2 Điều 23 của Luật này;

e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

1. Giám đốc thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; kiểm tra tính đúng đắn của bản án, quyết định; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót trong bản án, quyết định; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Tái thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do có tình tiết mới theo quy định của luật.

2. Tòa án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, kháng nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ vụ án, vụ việc;

c) Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc thông báo trả lời đơn;

d) Hoãn, yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;

đ) Thụ lý vụ án, vụ việc để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;

e) Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

g) Tổ chức phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;

h) Ban hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;

i) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại điểm k và điểm l khoản 2 Điều 23 của Luật này;

k) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Mục 2
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN

Điều 26. Xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc

1. Tòa án xét xử vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ án dân sự (gồm vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) và vụ án khác theo quy định của pháp luật.

2. Tòa án giải quyết việc dân sự (gồm việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động), vụ việc phá sản và vụ việc khác theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính

1. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật.

Điều 28. Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân

Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật.

Điều 29. Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc

1. Trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc, nếu phát hiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Tòa án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và thông báo bằng văn bản cho Tòa án kết quả xử lý.

2. Đối với văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, khi hết thời hạn pháp luật quy định mà Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án áp dụng văn bản có hiệu lực cao hơn để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Điều 30. Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử

1. Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn xét xử thông qua các hoạt động sau đây:

a) Sơ kết, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật trong hoạt động xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

b) Tổng hợp vướng mắc trong hoạt động xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

c) Phân tích, đánh giá kết quả, số liệu xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;

d) Kết luận những nội dung cần rút kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc; dự báo xu hướng tội phạm, vi phạm pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện, yêu cầu thuộc thẩm quyền của Tòa án.

2. Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua các hoạt động sau đây:

a) Ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo quy định của luật;

b) Phát triển án lệ;

c) Giải đáp vướng mắc trong thực tiễn xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

Điều 31. Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc

Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc là việc Tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thẩm quyền.

Điều 32. Lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ

1. Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố để nghiên cứu, tham khảo, áp dụng trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

2. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ.

Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án

1. Ra quyết định thi hành án hình sự; hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện; miễn chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án; xóa án tích, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

2. Ra quyết định buộc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật.

3. Ra quyết định hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do Tòa án áp dụng.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tòa án có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với:

1. Quyết định, hành vi tố tụng của Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại Tòa án trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng;

2. Quyết định, hành vi của Tòa án, người có thẩm quyền tại Tòa án trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 35. Xây dựng pháp luật

Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn sau đây trong xây dựng pháp luật:

1. Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

2. Xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

3. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

4. Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác xây dựng pháp luật.

Điều 36. Nghiên cứu khoa học

Tòa án có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học để góp phần hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả hoạt động của Tòa án.

Điều 37. Đào tạo, bồi dưỡng

1. Tòa án nhân dân tối cao tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để góp phần tạo nguồn nhân lực cho các Tòa án.

2. Tòa án đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức của Tòa án; bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm, Hòa giải viên và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

3. Tòa án khuyến khích và tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức của Tòa án tự học tập, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoài Tòa án.

4. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án được tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Hợp tác quốc tế

Tòa án thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học; tăng cường năng lực Tòa án; trao đổi kinh nghiệm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc; đề xuất ký kết, gia nhập, thực hiện điều ước quốc tế; ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế; tham gia định chế tư pháp quốc tế theo quy định của pháp luật.