Bước tới nội dung

Luật Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2024/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Điều 2. Vị trí, vai trò của Thủ đô

1. Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

2. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

3. Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đô thị trung tâm là khu vực đô thị đảm nhiệm các chức năng chính của Thủ đô, gồm khu vực nội đô lịch sử và các khu vực liền kề khác được xác định trong Quy hoạch chung Thủ đô.

2. Khu vực nội đô lịch sử là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị truyền thống của người Hà Nội được xác định trong Quy hoạch chung Thủ đô.

3. Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lân cận do Chính phủ quyết định.

4. Tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung.

5. Cơ sở giáo dục chất lượng cao là cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia theo quy định của pháp luật về giáo dục và đạt các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

6. Vùng phát thải thấp là khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí.

Điều 4. Áp dụng Luật Thủ đô

1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay về việc áp dụng pháp luật trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa có quy định cụ thể về việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề.

Điều 5. Trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô

1. Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

3. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Điều 6. Biểu tượng của Thủ đô

Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Điều 7. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô

1. Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được tặng cho người nước ngoài có đóng góp đặc biệt trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc thiết lập, mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

2. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định điều kiện, thủ tục tặng, thu hồi danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô quy định tại khoản 1 Điều này.