Luật Trồng trọt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2018/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương IV
CANH TÁC

Mục 1
SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN TRONG CANH TÁC

Điều 55. Sử dụng và bảo vệ đất trong canh tác

1. Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương, khi xác định cơ cấu cây trồng, phải căn cứ vào tính chất lý, hóa học của đất, đặc tính sinh học của cây trồng, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ.

2. Các vùng đất chuyên trồng lúa nước, trồng rau, trồng cây ăn quả lâu năm, cây công nghiệp lâu năm và cây cảnh được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch sử dụng ổn định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và định kỳ đánh giá chất lượng đất để có biện pháp cải tạo, sử dụng bền vững.

Điều 56. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

1. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa được quy định như sau:

a) Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu;

b) Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi;

c) Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương;

d) Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 57. Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước

1. Tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước chỉ được sử dụng vào mục đích nông nghiệp; được bảo vệ và sử dụng hiệu quả.

2. Tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước phải có phương án sử dụng tầng đất mặt.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 58. Sử dụng nước tưới

1. Cơ quan quản lý chuyên ngành về trồng trọt của địa phương có trách nhiệm xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện nguồn nước.

2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thủy lợi phải bảo đảm chất lượng nước theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sử dụng nguồn nước tưới hiệu quả; áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm; tái sử dụng nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 59. Sử dụng sinh vật có ích

1. Sinh vật có ích trong canh tác bao gồm các sinh vật có vai trò ổn định và cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng sức chống chịu và khả năng sinh trưởng của cây trồng, bảo quản, chế biến sản phẩm và phụ phẩm từ cây trồng, phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng, thụ phấn cho cây trồng và mục đích có lợi khác.

2. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động canh tác phải thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để bảo vệ và phát huy hiệu quả của sinh vật có ích.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá nguồn sinh vật có ích để có biện pháp bảo vệ và khai thác phù hợp; ban hành Danh mục các loài, chủng sinh vật có ích sử dụng trong canh tác.

Mục 2
SỬ DỤNG TRANG THIẾT BỊ VÀ VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP TRONG CANH TÁC

Điều 60. Trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác

1. Trang thiết bị trong canh tác bao gồm nhà kính, nhà lưới, máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất, tưới tiêu, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.

2. Vật tư nông nghiệp trong canh tác bao gồm:

a) Giống cây trồng;

b) Phân bón;

c) Thuốc bảo vệ thực vật;

d) Giá thể trồng cây, màng phủ đất, vật liệu giữ ẩm;

đ) Hóa chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong hoạt động trồng trọt không thuộc vật tư quy định tại điểm b và điểm c khoản này.

3. Việc quản lý chất lượng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, sản phẩm hàng hóa.

Điều 61. Yêu cầu về sử dụng trang thiết bị và vật tư nông nghiệp trong canh tác

1. Tổ chức, cá nhân hoạt động canh tác chỉ được sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép sử dụng, lưu hành theo quy định của pháp luật; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc của tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, an toàn thực phẩm và hạn chế lan truyền sinh vật gây hại.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng phân bón phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Mục 3
PHÁT TRIỂN VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA TẬP TRUNG VÀ LIÊN KẾT SẢN XUẤT

Điều 62. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung

1. Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phải phù hợp với tính chất lý, hóa học của đất, khí hậu, nguồn nước, đặc tính sinh học của cây trồng, lợi thế vùng; bảo đảm xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch, đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung phù hợp với quy hoạch.

Điều 63. Hợp tác, liên kết sản xuất

1. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết tại vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở hợp đồng; tạo điều kiện cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Tạo điều kiện và hỗ trợ các bên tham gia đàm phán, ký kết, thực hiện cam kết trong hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm;

b) Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại sản phẩm cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Điều 64. Quản lý và cấp mã số vùng trồng

1. Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã số vùng trồng trên phạm vi toàn quốc.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức triển khai cấp mã số vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mục 4
QUY TRÌNH SẢN XUẤT, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO VÀ CƠ GIỚI HÓA TRONG CANH TÁC

Điều 65. Quy trình sản xuất

1. Quy trình sản xuất được ban hành cho mỗi loài cây trồng.

2. Quy trình sản xuất được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật và tổng kết thực tiễn trong canh tác; được sửa đổi, bổ sung khi có tiến bộ kỹ thuật mới, phù hợp với thực tiễn sản xuất, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ, năng lực của người sử dụng.

Điều 66. Ứng dụng công nghệ cao trong canh tác

1. Công nghệ cao được ưu tiên và khuyến khích ứng dụng trong canh tác bao gồm:

a) Công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; chẩn đoán, giám định sinh vật gây hại cây trồng; phát triển sản phẩm trong sinh học và vật liệu mới;

b) Công nghệ tưới nước tiết kiệm, canh tác không sử dụng đất;

c) Công nghệ sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới;

d) Công nghệ thông tin ứng dụng trong dự tính, dự báo về sinh vật gây hại; cấp mã số và quản lý vùng trồng;

đ) Kỹ thuật nông nghiệp chính xác ứng dụng trong khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng; điều khiển tự động chế độ bón phân, nước tưới; công nghệ bán tự động và tự động trong dây chuyền sản xuất; phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng.

2. Ưu tiên ứng dụng công nghệ cao quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trên vùng canh tác khó khăn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

3. Công nghệ cao quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được xây dựng với mật độ phù hợp, giảm hiệu ứng khí nhà kính.

Điều 67. Cơ giới hóa trong canh tác

1. Cơ giới hóa trong canh tác phải hướng tới đồng bộ, từng bước hiện đại.

2. Việc đầu tư, cải tạo cơ sở hạ tầng trên đồng ruộng phải bảo đảm điều kiện để thực hiện cơ giới hóa.

3. Tổ chức, cá nhân khi lập kế hoạch sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, thời vụ phải bảo đảm điều kiện để thực hiện cơ giới hóa.

4. Thiết bị, máy móc sử dụng trong canh tác phải được lựa chọn phù hợp với điều kiện thực tế đồng ruộng, quy mô, tính chất và trình độ canh tác.

Mục 5
CANH TÁC HỮU CƠ

Điều 68. Phát triển và bảo vệ vùng canh tác hữu cơ

1. Vùng canh tác hữu cơ phải được phát triển, bảo vệ và xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp, bảo đảm không bị ô nhiễm hóa chất từ bên ngoài.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định và thông báo rộng rãi các vùng canh tác hữu cơ; ban hành quy định về canh tác trên vùng canh tác hữu cơ trong phạm vi quản lý.

Điều 69. Yêu cầu đối với canh tác hữu cơ

1. Tổ chức, cá nhân canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ. Trường hợp xuất khẩu sản phẩm cây trồng hữu cơ thì áp dụng theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

2. Giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vật tư khác sử dụng trong canh tác hữu cơ phải đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc được sản xuất từ nguyên liệu và phương pháp phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

3. Không sử dụng hóa chất tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng cây trồng, thực vật biến đổi gen trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến.

4. Việc ghi nhãn sản phẩm cây trồng hữu cơ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại và quy định khác của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết về canh tác hữu cơ.

Mục 6
CANH TÁC THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 70. Canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu

1. Áp dụng giải pháp phù hợp trong canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm sau đây:

a) Xác định giải pháp phù hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác;

b) Lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính khi xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, dự án phát triển trồng trọt.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, hướng dẫn tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong trồng trọt tại địa bàn.

4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân canh tác áp dụng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Điều 71. Canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa

1. Việc canh tác trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa tuân thủ quy trình sản xuất để chống xói mòn, sạt lở, bồi lấp và suy thoái đất, bảo đảm phát triển bền vững.

2. Tổ chức, cá nhân canh tác tại các vùng quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng chính sách quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tiêu chí xác định, biện pháp quản lý và quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định, công bố vùng và hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Điều 72. Bảo vệ môi trường trong canh tác

1. Tổ chức, cá nhân canh tác phải bảo đảm yêu cầu sau đây:

a) Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn khi sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;

c) Thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng theo quy định tại Điều 76 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi phát hiện dấu hiệu bất thường về ô nhiễm môi trường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động canh tác.

Mục 7
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CANH TÁC

Điều 73. Quyền của tổ chức, cá nhân canh tác

1. Tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết sản xuất với tổ chức, cá nhân khác.

2. Được hưởng chính sách của Nhà nước quy định tại Điều 4 của Luật này và chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

3. Được hỗ trợ để khôi phục sản xuất trong trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định của Chính phủ.

4. Được cung cấp, chia sẻ thông tin về chính sách, pháp luật, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thị trường sản phẩm cây trồng; đào tạo, tập huấn về hoạt động trồng trọt.

5. Được đăng ký cấp mã số vùng trồng.

6. Được thông báo, cảnh báo về tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh và thiên tai.

7. Tham gia bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Điều 74. Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân canh tác

1. Chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm cây trồng do mình sản xuất; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, tài nguyên nước, sinh vật có ích, cơ sở hạ tầng. Sử dụng vật tư nông nghiệp trong canh tác được phép lưu hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất vật tư nông nghiệp.

3. Áp dụng quy trình sản xuất phù hợp để ổn định và cải thiện độ phì của đất; hạn chế ô nhiễm và suy thoái đất, lan truyền sinh vật gây hại.

4. Chủ động ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống sinh vật gây hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Kịp thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã khi xảy ra ô nhiễm môi trường, bùng phát dịch hại.

5. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.

6. Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng.