Một đời tài sắc/Chương V

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Vườn của ông Hội đồng dọn dẹp sạch sẽ lắm, xoài, mít, quýt, cam mỗi thứ đều trồng riêng một liếp, mà liếp nào cũng trồng ngay hàng. Trời chiều gió mát, ngoài sân hoa đua nở, trên cành chim líu lo. Cảnh vật thì vui vẻ vô cùng, mà hai ông thủng thẳng bước, trí bối rối, mặt buồn xo, không xem hoa, không hứng cảnh. Ra tới hàng xoài, ông Cai Tổng Bình đứng lại mà nói rằng:

- Chú giận phải lắm. Hồi nãy tôi nghe thầy Ban biện Hưng nói tôi còn tức nhiều hơn chú nữa. Mà thôi, mình thất thế rồi bây giờ mình giận mình chống cự với nó thì mình bị hại liền, chớ có lợi chỗ nào đâu.

- Bất quá nó tịch biên sự nghiệp mình chớ nó hại mình sao được?

- Thì nó bán nhà cửa ruộng vườn của mình, cũng đủ hại mình rồi. Tôi biết tánh chú cứng cỏi, có nhiều càng tốt, không có cũng được, chú không cần gì. Mà điều chú nghĩ lại: phận chú còn hai đứa con trai còn nhỏ quá, nếu bỏ xui đi thì hai cháu sẽ làm sao ăn học nữa cho được. Còn thím thì bịnh hoạn, nếu chú để cho chủ nợ thi hành phát mãi sự nghiệp hết, thì thím rầu rỉ rồi làm sao uống thuốc cho mạnh?

- Ông Hội đồng nghe nhắc tới vợ con thì ông động lòng quá, nên ông chảy nước mắt nữa.

Ông Cai Tổng liếc thấy ông Hội đồng đã dịu rồi, ông mới nói tiếp rằng:

- Hồi trưa tôi nói chuyện hôn nhân sắp nhỏ với chú là tôi tưởng chẳng có điều chi ngăn trở. Bây giờ có một mình con Xuân Hương nó có thể gở rối cho chú, mà nó cũng cứu luôn tới tôi nữa; vậy thì chú liệu lấy, chớ tôi không dám ép chú phải gả con Xuân Hương cho Thằng Ý đâu.

- Dầu anh không ép đi nữa mà vợ chồng tôi đã hứa gả nó cho thằng Ý rồi, có lẽ nào tôi bắt nó lại mà gả chỗ khác được.

- Việc đó không hại gì. Xin chú đừng ngại, nếu thằng Ý không cưới con Xuân Hương được, thì nó kiếm chỗ khác mà cưới, có sao đâu mà lo. Còn nếu chú không gả con Xuân Hương cho con của ông Trương Hà đây, thì nó bóp họng mình liền, có hại là đường nào. Nếu tôi mà bị thi hành án phát mãi, thì mất thể diện hết, còn mặt mũi nào nữa mà ngồi chức Cai Tổng được.

- Nếu tôi không gả con Xuân Hương cho thằng tư Ý được thì còn mặt mũi nào mà dám ngó nó.

- Việc đó chú đừng lo. Tôi cắt nghĩa với thằng Ý được. Có lẽ nào nó quyết cưới cho được con Xuân Hương, đặng cho người ta giết tôi hay sao?

- Việc nầy thiệt là khó. Dầu anh nói cho thằng tư Ý an tâm được đi nữa, còn con Xuân Hương tôi biết nói làm sao với nó. Mấy năm nay mỗi lần chị Tổng gặp nó, thì chị cứ nói cho nó biết rằng, hễ thằng tư Ý về thì hai đứa nó sẽ kết đôi với nhau. Con nhỏ tôi nó đã để ý về việc đó. Mà hôm thằng tư qua thăm, tôi coi ý hai đứa nó cũng quyến luyến với nhau quá. Bây giờ tôi bắt gả chỗ khác, biết con nhỏ tôi nó chịu hay không? Con của mình nó học giỏi, nó biết việc lắm, chớ có phải nó ngu dốt đâu quê mùa hay sao mà muốn khiến bề nào cũng được.

- Chú cứ nói rõ công chuyện cho nó nghe, cắt nghĩa chỗ lợi hại cho nó hiểu. Nó học giỏi nên mới dễ cho mình nói chuyện chớ. Chú chỉ cho nó thấy, hễ nó ưng con của ông Huyện Hàm Trương Hà thì nó cứu cha mẹ em út nó, mà nó cứu luôn tới tôi nữa, chú nói với nó đi, hễ nó chịu thì viết thơ cho tôi hay. Chừng nào nó không chịu thì tôi sẽ tính.

- Làm như vậy khó coi quá.

- Chớ để cho chúng bán nhà, bán đất mình hết, lại dễ coi lắm hay sao? Chú phải nghe lời tôi, đừng ngại gì hết, tôi nói thiệt với chú, Trương Hà nó muốn làm sui với chú, đó là may cho hai anh em mình lắm. Nó có nói, hễ nó làm sui thì số nợ nó cho làm giấy lại, phân hạn mà trả, bao lâu cũng được, bỏ tiền lời, miễn trả đủ số vốn thì thôi. Được như vậy là phước lớn chớ. Hổm nay tôi buồn quá, tôi tính nếu lo không kham để chủ nợ nó biên tịch gia sản, thì tôi phải cạo đầu đi tu, bằng không thì tôi cũng phải tự vận chết phứt cho rồi, chắc ở thế gian chắc là chịu không nổi.

- Anh tính như vậy thôi để vài bữa tôi dọ ý con nhỏ tôi coi.

- Ờ, chú nói chuyện với nó, coi nó liệu lẽ nào, rồi gởi thơ cho tôi hay.

Hai người tính xong mới dắt nhau trở vô nhà. Ăn cơm chiều rồi, vợ chồng ông Cai Tổng Bình lên xe mà về Thạnh Hòa, vì cái xe quá cũ, nên quây[1] một hồi lâu máy mới chạy được.

Bà Hội đồng Nghiệp bịnh tuy bớt nhiều, nhưng mà quan thầy thuốc căn dặn đừng có thức khuya; bởi vậy mới tối một lát thì bà đi ngủ.

Đêm nay nhằm 16 âm lịch, mặt trăng tỏ rạng soi ngoài sân sáng như ban ngày. Ông Hội đồng Nghiệp nằm trên bộ ván, gác tay qua trán day mặt vô vách, sắc coi buồn lắm. Ông nằm lặng thinh trót hơn một giờ đồng hồ rồi ông mới ngồi dậy đốt một điếu thuốc mà hút.

Ông thấy Xuân Hương ngồi tại cái bàn phía trái trên cắt nghĩa sách vở với hai đứa em trai, ông không lại đó, ông bước ra sân rồi thủng thẳng đi vòng vòng theo mấy cái đường nhỏ xẻ theo mấy bồn bông. Bông bay mùi thơm, trăng dọi yếng sáng, mà ông không xem bông, không thưởng nguyệt, ông cúi mặt xuống đất mà đi vòng trong sân. Ông đi lâu mỏi chân, rồi ông ngồi trên cái băng để dựa gốc cây công chúa[2], ngồi mà cũng không nhìn trăng ngắm cảnh, ông chống hai bàn tay lên trán, cúi mặt xuống đất một lát ông thở dài một cái.

Trăng đã lên cao rồi, tứ bề vắng vẻ, sau trước im lìm. Cô Xuân Hương thấy hai em đã dẹp sách đi ngủ, mà cha vẫn còn ở ngoài sân chưa vô đóng cửa, cô mới đứng ra thềm đứng ngó mông. Cô ngó cùng cái sân mà không thấy dạng cha, cô lấy làm lạ nhẹ bước đi vòng theo mấy bồn bông mà kiếm cha. Đi gần tới cây công chúa, cô thấy cha ngồi cú rũ, cô rón rén bước lại gần.

Ông Hội đồng ngước lên thấy con, thì ông châu mày thở ra mà hỏi rằng: "Khuya rồi sao con chưa ngủ?"

Cô Xuân Hương không trả lời mà cô lại hỏi rằng: "Nhà mình có việc chi, mà từ hồi chiều tới bây giờ, con dòm thấy Ba buồn dữ vậy Ba?"

Ông Hội đồng nín một hồi lâu rồi ông đáp rằng : "Vui làm sao được con".

Cô Xuân Hương ngồi nghé đầu cái băng mà hỏi rằng:

- Thế khi má đau, thầy thuốc nói riêng với Ba hay sao, nên Ba buồn phải hôn?

- Má con có bịnh, lại mang chứng hiểm nghèo. Tuy thầy thuốc nói bịnh mới phát có thể trị được, song họ biểu phải giữ gìn, chẳng nên làm cho má con buồn hay lo. Đó là một việc khó cho Ba giữ được. Còn phận con học thành tài rồi, mà còn hai đứa em con con đường đi còn dài, biết làm sao cho nó học thành thân được.

- Hai đứa nó học khá lắm; thì Ba cứ cho hai đứa nó học tới hoài, tự nhiên nó thành danh, có sao đâu mà Ba lo.

- Việc nhà bối rối lắm, biết có đủ sức mà cho chúng nó học đến cùng hay không?

- Tại sao mà Ba phải nói như vậy? Việc nhà sao mà bối rối? Con đã lớn rồi, con có đủ trí khôn. Ba có việc chi buồn xin Ba cho con biết với đặng con chia lo với Ba.

Ông Hội đông day qua ngó con, lúc ấy yếng sáng mặt trăng giọi cô Xuân Hương tỏ rõ, làm cho ông Hội đồng thấy mặt con nghiêm chỉnh, thấy sắc con quả quyết, nên ông châu mày mà nói rằng:

- Dầu con không hỏi, thì trong một hai bữa đây ba cũng phải nói thiệt cho con hiểu. Thôi sẵn dịp vắng vẻ, để ba nói phứt cho con nghe.

- Con xin ba nói hết cho con biết, nếu việc chi phải lo thì con lo với ba chớ.

- Ba sợ con buồn lắm!

- Thưa Ba, không có sao đâu mà sợ. Ba có sợ là sợ cho má, vì má có bịnh, nếu má buồn thì khổ, chớ phận con đây dầu vui hay buồn cũng không hại chi. Mà thuở nay con học trường đầm con tập tánh vui vẻ đã quen rồi, nên chẳng bao giờ con biết buồn.

- Thôi, để ba nói cho con nghe. Ba có con tới ba đứa, ba quyết cho ăn học hẳn hoi, ngặt huê lợi không được nhiều nên ba lo đêm lo ngày, muốn gầy dựng ra cho có một sự nghiệp lớn đặng bây giờ có đủ tiền mà nuôi con, ngày sau có của mà để lại cho con.

Năm 1929, ba thấy Nhà nước đấu giá bán đất quốc gia bên làng Thạnh Hòa. Ba mới mua 200 mẫu là 62.000đ. Năm ấy ba cất nhà mới rồi, nên tiền bạc không có dư, anh Tổng ảnh đấu giá mua tới 400 mẫu lận, giá tới 96.000đ, mà ảnh cũng không đủ bạc. Theo tờ giao kèo đấu giá, hễ đấu được thì phải đóng bạc tiền phân nửa, còn phân nửa thì để qua năm sau. Ba với anh Tổng mới dắt nhau vô Rạch Gía mà vay bạc của ông Huyện Hàm Trương Hà, ba vay 30.000đ, còn anh Tổng vay 50.000đ, treo hết ruộng đất mà lại còn bảo kiết vần công với nhau nữa. Qua năm sau phải đóng tất bạc mua đất, mà rủi mùa màng bị thất, lại giá lúa bị sụt còn có bảy tám cắc một giạ. Ba không biết làm sao, mới hiệp với anh Tổng qua nói với ông Huyện Trương Hà mà vay thêm nữa. Thay giấy khác, ba vay số vốn thành 50.000đ, còn anh Tổng 90.000đ.

Từ năm đó đến năm nay giá lúa cứ sụt thêm hoài làm cho ba với anh Tổng năm nào cũng vậy, bán hết số lúa mà trả tiền lời cũng không đủ.

Năm nay, ông Huyện Trương Hà ổng vô đơn tại Tòa mà kiện, ổng được án rồi, không biết bữa nào ổng thi hành phát mãi nhà cửa, ruộng vườn của ba với anh Tổng.

- Hôm ba với má đi Sài Gòn, có người ghé nhà nhắn với con là nhắn chuyện đó phải hôn ba?

- Phải a. Người ghé nhà kiếm ba là Trương Hoàng Kiết con trai của ông huyện Trương Hà. Nó ghé nói cho ba hay rằng nó được án tòa rồi, nó buộc phải trả bạc, nếu không trả thì nó giao án cho Trưởng Tòa thi hành phát mãi sự sản hết.

- Trời ơi, ba thiếu nợ 50.000đ mà trả sao nổi.

- Đó là số bạc vốn, còn tiền lời mấy năm nay với tiền tổn phí kiện thưa đó, thành ra 65 hoặc 70.000đ chớ.

- Bây giờ ba tính làm sao, ba?

Ông Hội đồng nghe con hỏi như vậy thì ông bối rối trong trí, ngồi suy nghĩ hồi lâu, rồi ông lấy khăn lau nước mắt và đáp rằng:

- Theo đời nầy mắc nợ chừng hai ba muôn cũng chết, ba mắc nợ tới năm bảy muôn thì còn tính giống gì nữa được. Mấy nhà giàu quen với mình bây giờ họ sập hết, còn ai mà giúp mình được.

Nếu sót người nào trong nhà còn tiền, thì họ bo bo, bao giờ họ dám cho mình vay. Mấy nhà băng thì họ lo đòi nợ, chớ họ không dám ra bạc nữa. Chà sết ty thì nó cũng ngã nghiêng ngã ngửa hết.

Còn bây giờ dầu mình bán ruộng đất đặng lấy bạc trả nợ thì cũng không ai có tiền mua, nếu họ mua thì họ lại mua rẻ quá, bán đủ vào đâu mà bán. Huống chi đất mình đã giao cho chủ nợ hết rồi, đem bán cho người khác sao được. Mà họ lại gắt họ không thèm thêm bạc cho mình đặng họ lấy đất, họ tính để cho Tòa phát mãi, nhưng ai có giành mua được thì họ đấu giá lên cao đặng họ lấy cho đủ số nợ của họ, còn như không ai giành thì họ lãnh đất giá rẻ, cho nhẹ tiền bách phần cầu chứng; mà số nợ còn thiếu họ còn có phép thi hành phát mãi nữa. Thiệt ba hết phương rồi, không biết tính sao được.

Sự sản của mình là của trời cho, nếu trời để cho mình hưởng lâu dài thì tốt, còn như trời lấy lại thì thôi. Theo phận ba, thì ba chẳng buồn chi cho lắm.

Ba lo là lo cho má con bịnh hoạn, nếu chủ nợ thi hành phát mãi tài sản hết, chắc má con rầu phải chết. Đã vậy mà hễ sự nghiệp tiêu rồi, thì hai đứa em của con làm sao mà học được nữa.

Ông Hội đồng nói tới đây, ông tủi trong lòng, nước mắt tuông dầm dề, ông không nói được nữa. Cô Xuân Hương nghe rõ việc nhà như vậy, lại thấy cha buồn thảm quá, thì cô đứt ruột nát gan, song cô gượng làm vui mà khuyên cha rằng:

- Việc nhà để thủng thẳng mà tính, xin cha chớ buồn lắm. Phận của Bác Tổng cũng như ba, mà số nợ lại bằng hai của ba, vậy chớ bác tính làm sao?

- Anh ấy cũng chết điếng, chớ tính giống gì được. Ảnh tính bỏ xui ảnh cạo đầu đi tu, hoặc tự vận mà chết cho rồi.

- Theo ý con, tài sản là bọt nước, dễ tụ mà cũng dễ tan, tụ thì hưởng, tan thì thôi, có chi mà phải ngã lòng thối chí.

- Mình có phải tiên phật gì hay sao mà không kể tiền của. Đời nầy thiên hạ tranh nhau mà làm cho có của. Mình đã có của rồi, mà lại để tiêu hết, thì còn mặt mũi nào ngó thiên hạ.

- Ba nói với chủ nợ họ huỡn được ít lâu, đợi lúa khá giá rồi mình sẽ trả, không được hay sao? Để nợ lại thì họ ăn lời thêm.

- Trời ơi! Chủ nợ họ ác lắm, chớ phải họ biết nhơn nghĩa như mình vậy hay sao. Bữa hổm nó sai thằng con nó ra thôi thúc biểu trả nợ, bằng không thì nó thi hành án. Hồi trưa nầy nó sai em vợ nó qua là thầy Ban biện Hưng ra nữa đó.

- Thầy Ban biện Hưng là người khách nói chuyện với ba và bác Tổng hồi trưa đó phải hay không?

- Phải.

- Thầy ra nói việc gì?

- Thầy nói chuyện khốn nạn lắm, tại vậy nên ba buồn từ hồi trưa đến bây giờ đây.

- Chuyện gì, đâu ba nói lại cho con nghe thử coi.

- Thầy nói, bữa hổm thằng Hoàng Kiết ghé nhà, nó thấy con, nó phải lòng, nên nó về nó biểu cha mẹ nó đi nói con mà cưới cho nó.

- Úy! Thầy Ban thầy nói như vậy mà bác Tổng có nghe hay không?

- Thầy nói trước mặt anh Tổng sao lại không nghe. Thầy nói lại, nếu ba chịu làm sui với ông Huyện Trương Hà, thì ổng không thi hành án Tòa, mà chừng đám cưới rồi ổng lại cho ba làm giấy phân hạn mà trả hoặc 10 năm 15 năm cho đứt số nợ, trả nộp vốn mà thôi, ổng bỏ tiền lời. Còn nếu ba không chịu làm sui thì ổng giao án cho Trưởng Tòa thi hành liền.

Cô Xuân Hương nghe nói như vậy thì cô cười ngất. Ông Hội đồng tưởng nói ra con buồn, chớ ông không dè nó cười, bởi vậy ông lấy làm lạ, ông ngó con trân trân. Cô Xuân Hương lập nghiêm lại, cô ngồi suy nghĩ một hồi rồi hỏi rằng: "Người ta nói như vậy mà ba coi ý bác Tổng thế nào?"

Ông Hội đồng nín khe một lát rồi ông thở dài một cái và nói chậm rãi rằng: "Ý anh Tổng muốn ba làm sui với ông huyện Hàm Trương Hà đặng cứu hết hai nhà".

Cô Xuân Hương vùng đứng dậy hỏi lớn rằng: "Ba nói sao? Bác Tổng xúi ba gả con cho Trương Hoàng Kiết hay sao?" Cô đứng nhìn cha trân trân. Ông Hội đồng day mặt nhìn chỗ khác. Cô Xuân Hương gục gặc đầu và cười và nói rằng: "Mà cũng phải lắm. Nếu không làm như vậy thì có phương gì cứu hết được". Cô thủng thẳng ngồi lại, nín khe mà suy nghĩ một hồi lâu rồi cô chậm rãi hỏi rằng:

- Bác Tổng muốn như vậy, còn ý ba thể nào, ba chịu hay không?

- Cái đó tự nơi con liệu. Con đành đâu thì ba gả đó không ép duyên con.

Cô Xuân Hương suy nghĩ một hồi nữa rồi cô nói rằng: "Việc nầy là việc quan hệ, con xin phép ba cho con suy nghĩ đôi ba ngày rồi con sẽ trả lời".

Ông Hội đồng biết con đau đớn trong lòng lắm, nên ông lặng thinh, không nói chi nữa.

Hai cha con vô nhà đóng cửa đi ngủ. Ông Hội đồng vô mùng nằm im ru, nhưng mà ông không nhắm mắt được. Còn cô Xuân Hương vô phòng riêng của cô, cô đốt đèn để trên cái bàn nhỏ rồi cô ngồi ngó ngọn đèn, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng.

Làm thân con gái thuở nay lo ăn học, quyết học cho nên danh, đặng trước đẹp mặt nở mày cha mẹ, sau lấy chồng đồng tâm đồng chí. Thuở nay ôm ấp cái mộng làm tròn ơn thảo hiếu với kẻ có công sanh thành, giữ trọn nghĩa trọn tình với người cha mẹ đã lựa chọn.

Nay học đã nên danh rồi, chỉ còn cái căn duyên nữa, nếu căn duyên xuôi thuận, thì đường đời đầm ấm, tiền trình rực rỡ, vui vẻ biết chừng nào.

Nào dè đời tài sắc là đời đắng cay, kiếp con người là kiếp thống khổ, nếu trọn tình thì phãi mất hiếu, biết liệu làm sao bây giờ? Quyết nắm chặt lời giao ước của cha mẹ hai bên, tuy Thiện Ý chưa có lễ gì, nhưng mà bấy lâu nay cha mẹ thường chỉ người đó mà nói là chồng mình, thì bây giờ mình biết một người đó mà thôi, dầu thế nào mình cũng quyết kết bạn trăm năm với người đó, chớ mình không đành nơi nào khác.

Quyết như vậy thì mình trọn nghĩa trọn tình; cha chả mà quyết như vậy thì mình được phần mình, rồi hai cái gia đình đều tan hoang hết, mẹ mình buồn rầu chắc chết gắp, hai em mình không tiền mà học nữa, cha chồng mình nhục nhã chắc phải vô chùa mà tu.

Vui phận mình mà buồn nhiều người, vui làm sao cho đặng? Rõ ràng bên hiếu nặng hơn bên tình nhiều lắm. Thí một đời mình trả thảo cho cha mẹ, lại trả thảo luôn cho bên chồng nữa, thì còn dụ dự nỗi gì. Huống chi cha chồng mình cũng muốn cậy mình thí thân mình phải vui mà thí, chớ sao lại buồn rầu.

Cái đời mình hữu dụng là nhờ có dịp nầy, chẳng nên bỏ qua cái dịp tốt ấy. Mình coi kinh phật thường thấy câu: "Sắc tức thị không, không tức thị sắc, tan tức là hiệp, hiệp tức là tan".

Chắc kiếp nầy mình còn tội lỗi nhiều, nên phật trời mới khiến căn duyên mình lỡ dở. Vậy kiếp nầy mình nên chịu khổ về nỗi "tan" đặng kiếp sau mình hưởng cái "hiệp".

Cô Xuân Hương suy nghĩ tới đó rồi trong lòng cô thơi thới, nước mắt hết chảy ra nữa. Cô dọn dẹp mà đi ngủ.

Sáng bữa sau, cô vui vẻ như thường, cha lấy làm kỳ, còn mẹ với hai em không dè trong nhà có việc biến. Tối lại, cô đợi trong nhà ngủ hết, cô mới thưa với cha rằng: "Thưa ba, việc ba tỏ với con hôm qua đó, con đã suy nghĩ kỹ rồi. Con đành làm dâu ông huyện Trương Hà. Vậy con xin ba trả lời hứa làm sui với người ta đi".

Ông Hội đồng Nghiệp nhìn con, ông rưng rưng nước mắt mà nói rằng: "Ba biết con đau đớn lung lắm… mà ba còn đau đớn nhiều hơn con nữa… Gia bần tri hiếu tử. Con trả ơn sanh thành nặng nề hơn người ta biết bao nhiêu!"

Cô Xuân Hương cười mà đáp rằng: "Con xin ba vững lòng tỉnh trí mà lo việc nhà, nhứt là phải sắp đặt thế nào đặng cho má đừng buồn rầu. Người đời có chịu khổ nhiều mới mong gở khổ được. Chịu khổ là giải thoát. Ba nên mừng chớ đừng có buồn".

Ông Hội đồng lắc đầu mà nói rằng: "Ba còn nhiễm mùi trần, thấy con chịu khổ, làm sao mà ba không buồn cho được".

Qua ngày sau, ông Hội đồng Nghiệp viết thơ cho ông Cai Tổng Bình hay rằng Xuân Hương đã bằng lòng làm dâu ông Trương Hà đặng cứu hết hai nhà và xin ông Cai Tổng Bình liệu mà nói thế nào cho Thiện Ý an tâm khỏi thất tình, khỏi oán hận.

Ông Cai Tổng Bình được thơ, ông lấy làm mừng, song ông giấu cái mưu của ông, không cho vợ con biết. Ông đợi đến tối, gia dịch ngủ hết, ông mới kêu bà Tổng và Thiện Ý vô phòng ông làm việc. Ông làm mặt buồn mà nói với Thiện Ý rằng:

- Lúc con học ở bên Tây, ba với má thường hay tính hễ con học thành công rồi trở về xứ, thì ba sẽ nói con Xuân Hương, là con gái của chị Hội đồng Nghiệp, mà cưới cho con.

Chú Hội đồng cũng bằng lòng như vậy. Mà từ khi con về cho tới nay, ba coi ý chú muốn mở ngảng[3] ; mấy lần gặp nhau hễ ba nói tới chuyện làm sui, thì chú trả lời lôi thôi rồi bỏ nói lãng qua chuyện khác. Ba lấy làm lạ, nên hôm nay ba dọ cho biết coi tại sao mà kỳ như vậy.

Ba mới hay đây, chú Hội đồng Nghiệp mở ngảng như vậy là vì có ông Huyện Hàm Trương Hà là người giàu có đệ nhứt trong tỉnh Rạch Giá, có một thằng con cũng đi học bên Tây về, ổng muốn làm sui với chú.

Chú thấy ổng giàu lại con một chú ham, nên chú quên lời hứa với ba, chú chịu làm sui với ông Trương Hà mà cậy thân cậy thế. Ba nghe đã chắc chắn như vậy, nên ba nói lại cho con hay. Thôi, chỗ bất nghĩa như vậy chẳng sá gì, để ba kiếm chỗ khác mà nói vợ cho con, còn sang trọng, giàu có bằng mười chú hội đồng Nghiệp nữa, con chớ lo.

Bà Tổng nghe nói, nổi giận, bà trợn mắt mà nói lớn rằng: "Có lý nào mà kỳ như vậy? Mới hôm qua mình qua bển đây, thím Hội đồng nằm nói chuyện với tôi, thím cũng còn tính gả con Xuân Hương cho thằng Thiện Ý mà. Cái đó lạ quá".

Ông Cai Tổng cười mà đáp rằng:

- Má nó thiệt thà quá! Đờn bà họ môi miếng, kiếm lời nói đưa đẩy cho mát ruột má nó vậy thôi, mà má nó cũng tin. Bữa mình qua đó có Ban biện Hưng trong Long Mỹ ra làm mai, ngồi nói có trước mặt tôi đây không chắc hay sao?

- Té ra bữa Ban biện Hưng ra gặp mình tại nhà chú Hội đồng đó, là ra làm mai hay sao?

- Chớ sao.

- Sao hổm nay về ba nó không nói với tôi?

- Bữa nói đó có tôi, chú Hội đồng bợ ngợ, chú không dám hứa quyết. Tôi tưởng chuyện nói chơi, tôi không nói đi nói lại làm chi. Bữa nay tôi gặp Ban biện Hưng tôi hỏi thì thầy nói chú Hội đồng đã trả lời gả rồi nên tôi mới chắc chớ.

- Trời ơi! Người gì mà khốn nạn quá vậy! Vậy mà thuở nay ba nó nói người đó tử tế lắm, theo trọng đãi thân thiết dữ.

- Ai mà dè đâu, người đồng hương quen biết thuở nay, thấy chú ăn ở khá, thình lình chú đổi lòng, ai mà biết trước được.

- Tôi hiểu rồi, nó thiếu nợ ông huyện Trương Hà, nó sợ chúng thi hành phát mãi nên nó đem con mà dưng chớ gì?

- Có lẽ vậy a.

- Ối! Thứ đồ nhơ nhút quá như vậy, không màng gì. Thằng Tư con đừng có buồn, để má kiếm chỗ khác còn sang trọng, giàu có lịch sự bằng mười nữa. Ba con làm Cai Tổng, con có bằng cấp cử nhơn, thiếu gì vợ mà lo.

Nãy giờ Thiện Ý ngồi lặng thinh mà nghe, song mặt lộ sắc giận dữ lắm. Chừng chàng nghe mẹ nói mấy câu ấy, chàng mới hỏi cha rằng:

- Thưa ba, chú Hội đồng ham giàu, nên chú phụ ba mà làm sui với ông huyện nào đó. Vậy cô Xuân Hương cũng thuận theo ý cha mẹ mà ưng chỗ đó nữa hay sao?

- Sao lại không ưng. Con gái đời nầy, hễ chỗ nào giàu thì nó mê có gì lạ đâu.

- Ưng đại, không cần biết tánh tình người đi nói cô đó hay sao?

- Kể gì! Miễn có tiền nhiều thì thôi.

- Hèn chi hôm trước con có gởi cho cô một cái thơ mà cô không thèm trả lời.

- Nó tính kiếm chồng giàu đặng có tiền bạc nhiều, ăn xài cho ngoa nguê, đi xe hơi cho tốt, nó trả lời cho con mà làm gì.

- Đồ đê tiện quá! Con thưa thiệt với ba má, con gái đời bây giờ như vậy làm cho con chán ngán quá. Con không thèm cưới vợ đâu. Để con lên Sài Gòn con xin làm trạng sư, có giờ rảnh học thêm, chớ cưới vợ gặp người tánh tình như cô Xuân Hương chắc là cực lòng cho con lắm.

- Con tưởng hết thảy con gái đều khốn nạn như con Xuân Hương vậy hay sao?

- Người mình biết thuở nay, mình cho là đúng đắn, mà nó còn như vậy, huống hồ người thuở nay mình chưa biết thì mình tin sao được. Thôi, con chạy ngay, con không dám cưới vợn đâu.

Vợ chồng ông Cai Tổng kiếm lời khuyên giải Thiện Ý, song chàng không hết giận, không hết buồn. Cách vài ngày sau chàng sắp áo quần vô rương, mà đi lên Sài Gòn kiếm chỗ làm Trạng sư phụ.

Ông Cai Tổng Bình giả chước đi Rạch Giá có việc quan rồi ông lén đi ngả vòng Long Mỹ mà qua Cái Tắc cho ông Hội đồng Nghiệp hay rằng phần Thiện Ý ông đã tính xong rồi. Thiện Ý chịu bỏ Xuân Hương và đi lên Sài Gòn làm Trạng sư.

Ông Hội đồng Nghiệp không muốn cho vợ nghi, nên thừa dịp có ông Cai Tổng Bình qua, ông bèn cậy nói dối với vợ rằng: "Thiện Ý không chịu cưới vợ và xin Xuân Hương đừng chờ, muốn lấy chồng chỗ khác tự ý". Bà Hội đồng nghe như vậy tưởng thiệt, song bà cười mà thôi, chớ không phiền chi hết.

Ông Cai Tổng Bình muốn lập công đặng sau xin đình nợ cho dễ, nên ông lãnh làm mai tay trong. Ông trở qua Long Mỹ cho Ban biện Hưng hay rằng Hội đồng Nghiệp đã bằng lòng gả con cho Trương Hoàng Kiết, rồi hiệp với Ban biện Hưng đi ra Rạch Gía mà cho vợ chồng Trương Hà hay.

Vợ chồng ông Huyện Trương Hà cũng mừng và cám ơn nên lấy hai bổn án Tòa đưa cho ông Cai Tổng Bình coi mà nói rằng: "May tôi còn níu hai bổn án lại đây, chớ phải hôm trước tôi gắp đưa cho Trưởng Tòa, thì mích lòng bậy bạ hết. Xin bác Tổng đừng lo, bác rán giúp cháu có vợ, hễ cưới rồi bác làm giấy phân hạn mà trả, mỗi năm trả bao nhiêu tùy sức bác, miễn trả đủ số nợ thì thôi".

Ông Cai Tổng Bình từ giã ra về, mặt mày hớn hở lắm.

   




Chú thích

  1. Vào thời chưa có bộ khởi động (démareur), muốn khởi động máy phải dùng một “tay quây” (manivelle) đút vào cốt máy quay để khởi động
  2. Một loại cây có bông vàng-xanh, cánh dài độ 10 cm, tỏa mùi thơm dịu
  3. Mở con đường mới, ở đây là đổi ý