Bước tới nội dung

Một mối cảm tưởng đối với vụ án Việt Nam Quốc dân Đảng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Một mối cảm tưởng đối với vụ án Việt-Nam Quốc-dân-đảng  (1929) 
của Huỳnh Thúc Kháng

Bài đăng trên Tiếng Dân, Huế, số 198 (20 tháng 7 1929)

(Tiếp theo)

Muốn biết giá trị một đảng nào (không nói thành bại) trước hết phải xét nhân – vật trong đảng, ấy tư cách thế nào, và tôn chỉ lập đảng để làm gì, biết được nội dung mà sau mới biết được cái giá trị. Như đảng V. N. Q. D. trong mấy độ đây chỉ nghe cái tên, nay tòa án đã tuyên bố rồi, ăn một trái mà biết được tánh chất cái cây, xem một miếng kiều mà biết được công-xưởng nhà chế tạo; huống cả hồ-sơ tự-lập, cùng những lời khai báo vấn đáp đã bày trước tòa án, ta há không nhân đó mà biết được chân tướng đảng ấy thế nào hay sao? Vậy ký giả xin đứng về địa-vị trung lập, bình tâm tịnh khí, cứ theo tấn kịch đã diễn trước mắt muôn ức người mà xem xét, thì thấy được ba đều đặc-biệt như sau nầy:

Người trong đảng đủ các hạng người, kẻ đi học, kẻ đi buôn, người làm ruộng, người tùng sự nhà nước, kẻ nhà giàu, kẻ nhà nghèo, trong quân-nhân, trong nữ-giới, về giai-cấp nào cũng có, ấy là một.

Phần nhiều là người ít tuổi, trừ ra một vài người 60, 40 tuổi trở lên, còn rành là trên dưới hai ba mươi tuổi, rõ là những tay thiếu niên hăng hái cả, ấy là hai.

Phàm làm-việc bí mật là cốt không cho ai biết, nhứt dần bị phát lộ ra thì thường hay kiếm đều che dấu chối cãi nọ kia, trong đảng nầy cũng có một phần chối cãi, nhưng chỉ đứng phần riêng mình, mà không đổ lỗi cho ai, còn một phần thì vẫn chải ruột chịu bầm,nhận trách-nhiệm mình mà chờ quyền thẩm-sát, ấy là ba.

Cứ xem mấy đều đó thì cũng rõ chân tướng đảng Quốc-dân này, nhân vật cũng còn có hỗn tạp, hành-động cũng có chỗ sơ-suất, song ở trong một xã-hội giáo dục khiếm khuyết, phong-hóa suy đồi, chỉ nóng lòng với nòi giống, trông thấy tình cảnh láng giềng mà bắt chước làm theo, mà so với các đảng gần đây, tự biểu thị riêng một cái cờ hiệu mà không thêm nương dựa vào đâu, thật là một đảng trong xã-hội ta trước kia chưa từng có. Tuy về mặt chánh-quyền cùng cuộc trị-an trong xứ, Chánh phủ không thể dung thứ được mà buộc phải trừng trị đề phòng nhản kẻ khác, song lấy lẽ công bình mà suy thì trừ bốn chử «phỏng ngại trị an» ra.

Tuy vậy, chiếu linh định tội là cái quyền hoàn toàn ở nơi Chánh-phủ, công cuộc hành động, vì sao mà bại lộ là tại đảng ấy, ký giả không biện hộ cho những người bị tội, mà những người tuyên thệ vào đảng, thì mình làm mình chịu, cũng không cần gì ai biện hộ, ký giả cũng không bàn đến quyền xử đoan của chính phủ, vì những nhà cai trị, đã có phương pháp nhứt định, có bàn bạc cũng là vô ích; song ký giả cũng là một người dân Việt-Nam, mà trải ba mươi năm nay, cứ trông thấy những cuộc thất bại của đồng bào mà tự nhiên sinh ra một mối bi cảm. Ôi! Ưa đều lợi mà ghét đều hại, thích chỗ an mà tránh chỗ nguy, vui sự phúc mà kinh sự họa, ấy là tâm-lý tự nhiên của loài người, dần dân-tộc nào cũng vậy, đầu đen máu đỏ, thịt trắng da mềm, Dân Annam không phải loài người sao? Sao lại ưa đều hại, thích đều nguy, vui sự họa, mà sụt xuống trồi lên, cứ diễn mãi cái tuồng bi kịch mà không chừa như thế? Ký giả trông trước nghiệm sau, mắt xem lòng nghỉ, theo chỗ tâm-lý cùng những đều kinh-nghiệm mà thấy được hai cái nguyên nhân:

Một là lòng tín ngưỡng nó đẩy tới.

Người ta trong cuộc sinh hoạt, gồm cả phần xác và phần hồn, phần xác mà không được tự do, hoặc mắc phải những đều khuần bức thì thường thường cầu cứu nơi phần hồn, phần hồn mà tìm được cái cõi vui thích thì có thể quên cả phần xác. Không kể những bậc đại tôn-giáo, đại nhân-nhân, theo cái chủ nghĩa xả-thân cứu thế, mà cho những hạng ngu phu ngu phụ cũng có cái lòng tín ngưỡng như thế. Trước lúc giáo Gia-tô mới truyền sang nước Nam, người Nam ta có biết thiên chúa là gì, chỉ nghe cái thuyết «Thiên đường» mà sinh lòng tín ngưỡng, nao cấm nào bắt, nào phân thấp, mà lòng tín ngưỡng lại nhân đó mà xấp bội lên, cho đến lúc cái lệnh cấm ấy chỉ đi mà sau lương-giáo tương an, không có việc gì xảy ra nữa. Ngày nay những lớp thiếu-niên, nghe những thuyết tự-do bình-đẳng mà sinh lòng tin ngưỡng, đại đế cũng thế.

Hai là sự nguy cấp nó xô đi.

Loài người có tính hay động mà nhứt là về đám thanh niên, trong cuộc sinh hoạt mà có chỗ đứng chân, nuôi được cái hy-vọng thì cái tánh đó tự nhiên nằm yên trong cảnh yên lặng; nếu có sự nguy bức nó xúc động đến thì tất sinh ra cái mối lay chuyển. Theo số thông thường, thi người đời có kẻ mạnh giạn, kẻ trung binh, và kẻ khiếp nhược, tánh chất vẫn không đồng nhau nên xu hướng cũng hay so le mà không được nhứt trí. Song gặp lúc nguy cấp thì cái lòng tự vệ và mạo hiểm, thường đi về một trật: Một cái hầm sâu, vượt qua cho được là sự một chết một sống, nay thử bảo rằng: ai mà không vượt qua khỏi cái hầm này là kẻ hèn mạt không phải người: nghe câu khêu khích đó, thểnh thoảng có một vài người mạnh giạn mà vọt ngay, nhưng đó là một phần rất ít. Ta lại bảo rằng: có phần thưởng quí báu nầy, ai vọt khỏi cái hầm này sẽ được lãnh; những người trung bình nghe câu rao ấy, vì lòng ham muốn món thưởng đó mà có một đôi người liều chết vọt nhào. Đến cái hạng khiếp nhược kia thì khêu chọc đã chẳng thèm cựa, khuyên thưởng cũng chẳng màng đến, hồi nhiên nghe tiếng: cọp tới sau lưng! cọp tới sau lưng! thì bọn đó không cần lưỡng lự dùng dằng, nhắm mắt đăng tay má vọt qua một trật, so với những hạng trước lại càng khẳng khái mạnh bạo xấp mấy lần. Ấy cái nguy cấp nó giục người đời vào đương mạo hiểm đại đế như thế. Bọn thiếu niên nước Nam ta ngày nay, dầu rằng học thức kinh nghiệm, vẫn có kém sút người Âu-Tây nhiều, song vì cái phong triều bốn phía kích thích, mắt thấy tai nghe, lòng riêng thổn thức, trông người rồi tự gẫm lấy mình.

Thế là đứng yên một chỗ, đã không thể dung chân mà muốn lui về đường sau, cũng không có nơi nào gởi được cái hy vọng, thôi thì liều mình đánh bạo, vẫn biết đường qua cái hầm đó là nguy hiểm mà cũng không thể tránh, nghĩa là đồng một cảnh nguy hiểm ma đường sau lưng cùng đường trước mặt, hai bên so sánh thì tự nhận cho đường trước mặt là phải nên cứ việc thẳng tới, dầu trải bao nhiêu lần thất bại mà không chừa. Bởi vậy nên muốn nước không sôi, thì chỉ bằng dụt củi dưới bếp ra, mở đường tương lai thế nào cho bọn thanh niên, trước là có nơi dừng chưn, sau là có thối lui lại, cũng không đến sinh đều tuyệt vọng, ấy là một đều ổn thỏa.

Mới nghe hai đều kể trên chắc có người bảo rằng: Nói vậy là có ý biện hộ cho đảng ấy. Nhưng không đâu. Ký giả đã nói: Người đã vào đảng thì không cần chi ai biện hộ. Những đều nói trên là theo trong tâm lý quốc-dân cùng tình thế xu hướng trong ba bốn mươi năm nay, lấy lòng chân thật mà bày tỏ, mà không phải là ý kiến riêng của ký-giả đâu.

có đăng một bài tiêu đề là: «Hiểm tượng của xứ Đông-Dương» (ký giả hồi đó chưa biết chữ Pháp, có xem bản dịch chữ Hán nơi một người bạn.) đại khái kể cả tình cảnh xứ này, từ việc sưu thuế quan lại, cho đến việc quân - lính rất là tường tế, sau hết đoạn có kết luận rằng:

Ấy nhà ngôn-luận trước hai mươi năm nay mà lời nói như thấy trước mắt. Ký-giả xin mượn câu trên ấy mà kiết bài này.

(Hết)

Mính-viên