Nợ tình/Chương II
Người đi ban đêm tăm tối, may có trời chớp hay là gặp vài con đôm đốm cũng đỡ khổ ít nhiều.
Tất Đắc đi mất. Cô Cẩm Hương bối rối, không biết cậu đi ngã nào mà tìm. Tình cờ có người vì chủ nghĩa, vì nhiệm vụ, quyết đi kiếm Tất Đắc đặng dụ dỗ trở về cưới Bạch Yến, không đợi cô cậy mượn, Cẩm Hương mừng quá, mừng chắc cuộc tình duyên của Bạch Yến khỏi hư hỏng, mình khỏi hổ ngươi với mẹ con bà Huyện, mà số tiền mình đã ra rồi cũng sẽ đòi lại được, bởi vậy cô hân hoan vô cùng.
Thứ Tiên đi rồi thì Cẩm Hương thay áo và lên xe đi Tân Định đặng thông tin cho mẹ con bà Huyện Hớn hay liền, hay có người sốt sắng lãnh đi kiếm Tất Đắc giùm cho, lại hay chiều nay người ấy sẽ đến nhà nói chuyện cho hiểu rõ tình ý đặng tìm gặp Tất Đắc thì dễ phân trần với cậu mà đem cậu trở về cho loan phụng đủ đôi, cho sắc cầm hòa nhịp.
Mẹ con cô Bạch Yến đương buồn rầu, con thất tình cứ nằm trong phòng mà khóc thầm, khóc vì duyên phận lỡ làng, mà cũng vì lửa tình vừa mới cháy phừng rồi lại tắt mất. Còn mẹ lại nằm chèo queo ngoài ván, phiền vì cái mơ mộng gả con cho người tử tế, khôn ngoan, học rộng, đã tan vỡ, lại còn buồn không biết phải ăn nói làm sao với bà con quyến thuộc bây giờ.
Thình lình cô Cẩm Hương xăng xốm bước vô, thấy bà Huyện nằm dàu dàu, cô liền nói: "Thưa bà có người thờ chủ nghĩa Ái Tình, hay chuyện cậu Tất Đắc từ hôn thì bất bình, nên hăng hái chịu lãnh đi kiếm mà dắt cậu về. "
Bà Huyện nghe như vậy thì lồm cồm ngồi dậy, cô Bạch Yến nghe tiếng cô Cẩm Hương nghi có tin tức về Tất Đắc nên cô cũng lật đật bước ra.
Bà Huyện hỏi cô Cẩm Hương:
- Họ lãnh đi kiếm Tất Đắc họ có định tiền thưởng là bao nhiêu hay không vậy cô Đốc?
- Không, không. Ông nầy là một nhà văn lãnh mục khảo cứu đặng viết bài phóng sự cho nhà báo. Vì ông thờ chủ nghĩa "nâng cao Ái tình" cố gắng kết tóc xe tơ cho nam thanh nữ tú. Ông hay Tất Đắc với Bạch Yến đã yêu nhau mà vì một chuyện giễu cợt mà chơi không đáng kể, lại lấy đó làm hổ thẹn mà rã rời. Ông tức giận ông quyết hàn gắn lại không cho gương bể, chớ không phải là người làm mướn mà tính tiền công. Ông vì chủ nghĩa chớ không phải vì tiền bạc.
- Chủ nghĩa! Chủ nghĩa! Tại sao bây giờ ai cũng bày chủ nghĩa như vậy không biết. Cậu Tất Đắc cũng vì chủ nghĩa nên sanh chuyện rắc rối đó. Như ông nầy vì chủ nghĩa ông không tính tiền công thì tôi cũng phải chịu tiền xe cho ổng đi kiếm chớ. Cô Đốc nói với ổng rán kiếm cho được Tất Đắc mà đem về đây đặng tôi nói ba điều bốn chuyện cho cậu nghe rồi cậu sẽ đi chớ sao lại trốn mà đi mất, không kèn không trống chi hết vậy.
Cô Bạch Yến nói:
- Thôi má à! Nếu người ta trở về thì thôi, chớ má còn bắt lỗi bắt phải cho sanh chuyện nữa làm chi.
- Bà Huyện nói:
- Con đừng có nói dại như vậy. Đời nay bị chủ nghĩa lộn xộn làm rối loạn đầu óc của cậu Tất Đắc. Cậu lính quýnh đi bậy bạ nên lầm lỡ rồi cậu hổ thẹn. Má làm mẹ má lớn tuổi, má có kinh nghiệm về đường đời. Má phải làm cho cậu định trí yên lòng đặng cậu bớt hổ ngươi, rồi cậu mới bình tĩnh mà sống theo đời được chớ. Nếu má lặng thinh thì cậu cứ ái ngại trong lòng, sống mà không vui thì sống làm sao được.
Cô Cẩm Hương nói:
- Lời bà Huyện nói rất phải lắm. Em Bạch Yến chẳng nên cãi với bà. Em phải bình tĩnh để cho bà với cô lo cho. Chừng kiếm được cậu Tất Đắc đem về đây em cũng đừng nói gì hết. Bà với cô đủ lời mà nói chuyện phải quấy với cậu mà.
Bạch Yến nói:
- Chuyện sập trời mà bình tỉnh sao được cô. Em muốn gặp ông nào lãnh đi kiếm anh Tất Đắc đó, đặng em nhắn ít lời.
Cô Cẩm Hương cười mà hỏi:
- Ạ, em muốn gặp ông Thứ Tiên hả? Chiều nay em sẽ gặp. Hiện giờ ổng đương đi thăm hai cậu Tự Cao với Võ Lộ đặng dọ hỏi coi cậu Tất Đắc đi ngã nào đặng ổng theo. Ổng tỏ ý cũng muốn đi thăm bà với em đặng dọ tình ý mà nói chuyện với cậu Tất Đắc cho dễ. Cô có hẹn với ổng 4 giờ chiều nay ổng lại nhà cô rồi cô đưa ổng lên đây đặng ổng nói chuyện. Chừng 4 giờ một khắc thì cô với ổng sẽ lên tới.
Bà Huyện nói:
- Được chiều ổng lên thì tôi sẽ tỏ ý của tôi cho ổng hiểu. Còn con Bạch Yến, con nói con muốn nhắn với ổng ít lời, nhắn sao đó con?
Bạch Yến nói:
- Con sẽ dặn ổng nếu kiếm gặp anh Tất Đắc mà ảnh cự nự không chịu trở về, thì ổng phải nói cho ảnh biết rằng má đã định gả con cho ảnh rồi thì con chỉ biết ảnh là chồng mà thôi. Nếu ảnh không về thì con ở độc thân mà chờ ảnh mãn đời, con thề không lấy chồng nào khác.
Cô Cẩm Hương ngó bà Huyện mà cười. Bà Huyện nói
- Hổm nay nó cứ nói như vậy hoài. Phải làm sao mà kiếm cho được chớ.
Cô Cẩm Hương nói:
- Tôi sẽ cậy ông Thứ Tiên cố gắng tìm cho được. Để chiều tôi đưa ổng lên đây rồi bà nói thêm nữa cho ổng vui lòng mà giúp mình.
Cô Cẩm Hương biểu Bạch Yến chép bức thơ của Tất Đắc mà cho cô một bổn khác vì bổn đưa hôm nọ cô đã giao cho ông Thứ Tiên rồi. Bạch Yến hứa chiều cô sẽ đưa cho. Cô Cẩm Hương cáo từ mà về.
Mới ba giờ rưỡi chiều mà cô Cẩm Hương đã sửa soạn rồi hết, chờ cậu Thứ Tiên qua tới thì đi liền, kẻo mẹ con bà Huyện trông. Tuy hồi sớm mơi bà Huyện nói kín đáo mà cô hiểu, bà mong cho Tất Đắc trở về đặng bà nói cho cậu biết bà xoá bỏ chuyện Bác Vật giả là chuyện giễu cợt không kể làm chi, nói rõ cho cậu yên lòng mà cưới Bạch Yến cho cô hết buồn, bà đã giao kết hủy bỏ việc đi lên Lèo mà kiếm hầm mỏ, bao nhiêu đó không đủ thấy bà kể con người chớ không kể bằng cấp hay sao mà sợ, hổ thẹn nên bỏ đi mất.
Đúng giờ hẹn, cậu Thứ Tiên qua tới. Không đợi cô Cẩm Hương hỏi, vừa bước vô thì cậu nói hồi sớm mơi cậu kiếm được chỗ ở của Tự Cao và Võ Lộ rồi, nhưng chúa nhựt hai cậu khóa cửa đi mất, nên chưa gặp được. Vậy tối nay hoặc tối mai cậu sẽ qua Thái Bình mà kiếm nữa.
Cô Cẩm Hương bèn biểu người nhà kêu hai chiếc xích lô rồi mời khách ra đi liền.
Bà Huyện Hớn hay trước nên sắp đặt sẵn sàng, bà sai người đi chợ mua bánh ngọt và biểu chị bếp nấu trước một ấm nước sôi bà dặn Bạch Yến bình tĩnh và dè dặt để cho bà liệu mà đối đãi với khách, bởi vậy cô Cẩm Hương bước vô giới thiệu ông Thứ Tiên là nhà văn khảo cứu phong tục để nâng cao Ái tình thì bà Huyện với cô Bạch Yến vui vẻ tiếp chào, mời khách ngồi tại sa lông, ông Thứ Tiên ngồi một bên, cô Cẩm Hương ngồi một bên, bà Huyện ngồi ghế dài phía trong, còn Bạch Yến thì ra vô thôi thúc và chỉ biểu cho gia dịch bưng nước bưng bánh.
Cô Cẩm Hương khởi đầu nói:
- Thưa bà Huyện, ông Thứ Tiên đây là người sùng bái Ái tình. Ông hay cậu Tất Đắc là con của một ông Phủ quá cố, sắp thành hôn em Bạch Yến là con của một ông Huyện cũng quá cố, vậy là đương môn hộ đối, vừa lứa xứng đôi, mà rồi ông lại nghe cậu Tất Đắc thối thoát từ hôn bỏ đi mất, ông lấy làm bất mãn. Ông mới cậy tôi tiến dẫn đặng ông hầu chuyện với bà Huyện, tìm hiểu nguyên do sự thối thóat đó ngỏ hầu ông theo dấu cậu Tất Đắc mà khuyên giải cho cậu hồi tâm trở về tác thành cuộc nhơn duyên khởi đầu đã tốt đẹp, ai nghe cũng khen ngợi.
Cậu Thứ Tiên tiếp nối liền:
- Cháu xin lỗi với bà Huyện việc nhà của bà Huyện mà cháu xen vô bàn luận hoặc hỏi han thì thiệt cháu vô lễ lắm vậy. Sở dĩ cháu bạo gan đến đây không phải cháu có ý tọc mạch, chánh là vì thuở nay cầm cây viết cháu cứ thành tâm nâng cao Ái tình là một mối tình thiên nhiên kỳ cựu, do Tạo Hóa đặt ra từ khi mới có loài người. Tại trải qua muôn ngàn đời, con người hẩng hờ để phai lợt tình thiêng liêng cao cả đó đi, tình cần phải cũng cố muôn loài mới phát triển. Mãi đến mấy đời sau nầy ái tình lạc mất chánh nghĩa hóa ra mối tình nhảm nhí, nguy hiểm, thấp hèn. Cháu thấy vậy, bực tức chịu không được, nên mấy năm nay cháu hiến thân phụng sự ái tình, quyết nâng cao tình ấy, quyết làm cho thiên hạ hiểu chánh nghĩa cao cả của nó, đặng nhờ nó mà tạo an vui cho gia đình, xây phú cường cho đất nước. Hay bà Huyện đã định cuộc hôn nhơn tốt đẹp cho cô em, mà tại cậu Tất Đắc vì cái liêm sỉ lỗi thời cậu để ý hiềm nghi hóa ra trắc trở. Vậy cháu quyết tìm cho được cậu đặng cuộc tình duyên có thủy có chung, chớ không nên bỏ dở cho kẻ buồn người đợi. Nhưng trước khi đi kiếm, cháu muốn hiểu ý của bà Huyện với cô em đối với cậu Tất Đắc, đặng gặp cậu cháu nói chuyện với cậu mới mạnh miệng. Tại như vậy nên cháu mới cậy cô Đốc dắt cháu đến đây, chớ cháu không có ý gì khác.
Bà Huyện chúm chím cười. Bà mời ông Thứ Tiên ăn bánh uống trà. Cô Bạch Yến bưng dĩa bánh mà mời khách rồi cô ngồi một bên mẹ mà nghe nói chuyện.
Bà Huyện mới nói:
- Ông lo là lo việc lớn, lo chấn hưng mỹ tục cho xã hội. Nhưng việc đó nó lại liên hệ đến việc nhà của tôi bây giờ. Vậy mẹ con tôi cám ơn ông hết sức. Để tôi tỏ gia đạo của tôi cho ông hiểu. Tôi góa bụa, lại không có con trai, chỉ có một chút gái đây mà thôi. Từ ngày cha nó qua đời thì mẹ con tôi hủ hỉ với nhau. Tôi chăm nom cho con học chữ đủ viết vậy thôi, rồi tập cho nó biết nữ công nữ hạnh đặng sau nó hiểu phận sự của người nội trợ. Tôi không có cái tham vọng trật vọc như người ta. Năm nay con tôi lớn rồi. Tôi tính kiếm người côi cút tôi gả nó đặng vợ chồng nó ở với tôi, chớ gả cho người có cha mẹ thì nó phải về nhà chồng ở làm dâu, tôi sống hiu quạnh chịu sao được. Cô Đốc học đây là thầy cũ của con nhỏ tôi. Cô hiểu ý tôi, cô mới làm mai con nhỏ tôi cho cậu Tất Đắc. Cậu đúng với điều kiện của tôi muốn: câụ mồ côi cả cha mẹ, lại không có anh em chi hết. Hơn nữa cậu vốn là con nhà quan, tự nhiên có gia đình giáo dục. Cậu có qua Pháp mà học năm sáu năm, tự nhiên kiến thức rộng rãi, học lực đủ dùng. Có gặp cậu được vài lần tôi nhận thấy tánh tình vui vẻ bặt thiệp, tuy ưa pha lững giễu cợt, song lời nói nho nhã dễ thương. Tôi nghĩ nhà tôi không phải giàu sang gì. Trời cho mẹ con tôi có đủ cơm ăn vậy thôi. Con nhỏ tôi không có tài nghề, cũng không có nhan sắc. Nó làm bạn như cậu Tất Đắc vậy thì vừa, mong gả nó cho Bác Vật hay Bác Sĩ làm chi. Tôi lấy chi mà nạp của hồi môn nên mong gả cho bực cao thượng. Tại như vầy nên tôi chịu gả con Bạch Yến cho cậu Tất Đắc. Nghĩ vì cậu côi cút mà con tôi cũng vậy, tôi muốn tính với cô Đốc lễ cưới gả không nên làm rình rang. Tôi định ngày rồi mời bà con ít người tới ăn cơm chơi cho cậu Tất Đắc làm lễ ra mắt thân tộc, tục gọi là lễ cầu thân hoặc lễ Sơ Vấn, để thế cho đám hỏi, rồi chọn ngày tháng tốt sẽ làm lễ cưới. Mà lễ cưới tôi cũng tính làm cho giản tiện. Cậu ở chung chạ với anh em bạn chật hẹp không nên nhóm họ rước dâu rình rang. Họ đàng trai tới làm lễ rồi nhập phòng đàng gái cũng được. Tôi với cô Đốc tính dễ lắm. Đã thương nên mới gả, còn tính làm khó nổi gì. Hôm nọ con nhỏ tôi đi chợ, sẵn dịp nó đi luôn vô Cầu Kho, mà thăm cô Đốc. Tình cờ nó gặp cậu Tất Đắc cũng xuống đó chơi. Hai đàng nói chuyện với nhau, bàn tính ngày cưới. Cậu có tánh ưa giễu cợt, lời qua tiếng lại có lẽ con nhỏ tôi thiệt thà khờ khạo, nó nói trống trải sao đó, làm đụng chạm lòng tự ái của cậu mà nó không dè. Cậu buồn nên bửa sau cậu mới gởi thơ từ hôn rồi bỏ đi mất. Tôi xem thơ rồi tôi rầy con nhỏ tôi. Tôi hỏi nó có khinh ngạo cậu, hay giễu cợt cậu đào mỏ đào mồng gì hay sao mà cậu phiền. Nó nói nó không có nói chuyện kỳ cục như vậy hồi nào hết. Tôi đọc thơ kỹ lại thì cậu không có ý phiền mẹ con tôi. Trái lại, cậu nói cậu kính tôi, cậu yêu con Bạch Yến, nhưng vì kính vì yêu đó nên cậu hổ thẹn về sự giả dối, không có bằng cấp mà cậu xưng là Bác Vật hầm mỏ, bởi vậy cậu mắc cỡ không muốn cho Bạch Yến thấy mặt cậu nữa. Cuộc hôn nhơn sắp thành, mà tại vì chút đó, tại hiểu lầm, nên phải tan vỡ, chớ không có gì hết.
Cậu Thứ Tiên nói:
- Thưa bà, cô Đốc có trao bổn sao bức thơ từ hôn đó cho cháu xem. Cháu đọc đi đọc lại rất kỹ, thì chỉ có cái điểm đó mà cậu Tất Đắc, vì cậu giữ liêm sĩ thái quá, nên cậu ái ngại, chớ không phải cậu phiền bà hay là chê cô em về chỗ nào hết.
Trái lại, cậu tự xét phận cậu mà cậu từ hôn, chớ không có trách ai. Thế thì cũng dễ cắt nghĩa cho cậu hiểu. Nhưng trước khi gặp cậu, cháu muốn biết coi ý bà với cô em có chấp trách cái việc mà cậu gọi là "tội giả dối" và "mưu điếm đàng" đó hay không, rồi cháu sẽ đi kiếm mà giải hoà cho tóc tơ khỏi phân rẽ.
Bà Huyện bựt cười lớn và nói:
- Trời Phật ơi! Lời nói giễu cợt với nhau để nghe chơi cho vui, bữa mới gặp nhau lần đầu trong hội chợ, có ai lưu ý làm chi mà chấp trách. Việc đó như vầy để tôi thuật lại cho ông nghe. Lúc hội chợ tôi với con nhỏ tôi vô xem chơi. Đến gian hàng bánh mứt của cô Đốc đây hai mẹ con tôi gặp cậu Tất Đắc. Cô Đốc giới thiệu đặng làm quen rồi cô mời hết ăn bánh uống trà nói chuyện chơi. Cậu Tất Đắc có tánh vui vẻ nên cậu kiếm chuyện chọc cô Đốc đặng cười chơi. Cô Đốc cũng vui miệng cô nói giễu lại. Cô kêu ông là Bác Vật, Bác Vật đào mỏ, nói chơi cho vui chớ có gì đâu. Tôi cũng như con Bạch Yến, mẹ con tôi không để ý. Cách ít bữa cô Đốc lên thăm tôi. Cô nói chuyện làm mai. Tôi hỏi thăm gia đình gốc gác của cậu. Tôi hỏi ý con tôi. Tôi nhận thấy cậu có đủ mấy điều kiện kén rể mà tôi mong ước theo như lời tôi nói với ông hồi nãy đó, vì vậy nên tôi chịu gả chớ nào phải mẹ con tôi lầm tưởng cậu có bằng Bác Vật nên mới ham gả đó hay sao mà cậu hổ thẹn. Cậu nghĩ tôi lầm té ra cậu khinh rẻ tôi quá, khi tôi mê chức Bác Vật chớ không biết nhơn nghĩa chi hết. Tuy tôi đàn bà dốt nát song tôi cũng biết giá trị con người cao hay thấp đều tùy tâm chí, tùy giáo dục, tùy phong độ, chớ phải tùy học nhiều hay ít, tùy bằng cấp lớn hay nhỏ đâu. Cậu Tất Đắc nói cậu hổ thẹn mà cậu không dè nói như vậy là cậu khi tôi, cậu làm cho tôi phiền. Thiệt hổm nay tôi phiền cậu lung lắm, phiền về chỗ đó, chớ không phải phiền cậu gạt gẫm.
Thứ Tiên nói:
- Bà nói như vầy cháu mới hiểu. Lời nói chơi mà cậu Tất Đắc nhẹ tánh cậu dễ cảm dễ sầu quá nên sanh ái ngại rồi hổ thẹn, để cháu kiếm đặng cháu cắt nghĩa cho cậu hiểu.
- Ừ, ông có gặp cậu ông làm ơn nói giùm cho cậu biết mẹ con tôi không có tưởng cậu là Bác Vật hồi nào đâu mà cậu nói gạt rồi cậu mắc cở. Trái lại đọc thơ của cậu tôi phiền nhiều, phiền cậu khinh khi tôi, cậu đã cho tôi mù quáng, mà từ hôn, cậu cũng không thèm đến nói trước mặt tôi. Cậu bỏ đi mất làm cho bà con người ta tưởng con Bạch Yến hư hèn, hoặc họ tưởng tôi khắc bạc, nên gả thiên hạ hay hết, mà gần cưới cậu chê nên cậu bỏ, không thèm cưới. Cậu làm như vậy mẹ con tôi xấu hổ với bà con chòm xóm chớ, phải hôn ông?
- Thưa phải, bà nói đúng lắm. Để cháu kiếm cháu nói hết cho cậu biết, rồi cháu ép cậu phải trở về mà chịu lỗi với bà. Cậu trẻ tuổi nên vụt chạc, làm việc chi cứ do tình cảm mà làm đùa, không thèm ngó ảnh hưởng việc mình làm.
- Mà ví dầu cậu có óc điếm đàng, cậy chức Bác Vật mà gạt tôi đi nữa, bây giờ cậu biết ăn năn hối hận thì tôi cũng hỉ xả.
- Bà quảng đại quá! Được bà nhạc mẫu như bà thì quí biết chừng nào.
- Làm mẹ gả con lấy chồng thì mong cho chàng rể biết thương con mình chớ muốn sự gì nữa. Cậu Tất Đắc một hai nói cậu yêu con Bạch Yến, yêu nó thì đủ rồi. Tôi có đòi hỏi điều chi nữa đâu. Nào phải người có bằng Bác Vật mới biết yêu vợ còn người không có thì không yêu hay sao. Cậu không có bằng Bác Vật mà cậu có bằng liêm sỉ. Bức thơ cậu viết đó là bằng liêm sỉ của cậu, theo tôi thì nó quí giá hơn các văn bằng khác hết.
- Thưa bà nói rất đúng. Nếu điếm đàng thì có liêm sỉ đâu nên hổ thẹn mà viết thơ từ hôn.
- Ấy cũng là cậu gốc con nhà quan, có gia đình giáo dục đầy đủ, nên cậu mới biết liêm sỉ.
- Phải lắm. Cháu rất cám ơn bà. Nhờ được hầu chuyện với bà, cháu mở trí thêm nhiều lắm. Bây giờ cháu có đủ lời lẽ mà thuyết phục cậu Tất Đắc dễ dàng. Thôi cháu xin phép cháu về đặng kiếm hai ông bạn Võ Lộ và Tự Cao ở chung một nhà với cậu Tất Đắc mà dọ hỏi cho biết cậu đi ngã nào đặng cháu theo mà bắt trở lại.
- Thưa khoan, xin ông ngồi thêm một chút đặng tôi hiến chút đỉnh tiền lộ phí cho ông đi xe mà kiếm.
- Thưa khỏi. Cháu vì chủ nghĩa, vì công ích mà làm việc chớ không phải vì tiền bạc mà thọ tiền của bà.
- Mà việc ông làm đó nó liên hệ đến việc riêng của tôi, thì tôi phải góp sức với ông chớ.
Bà Huyện biểu Bạch Yến vô buồng mở tủ lấy cái bóp tay đem ra cho bà. Bà lấy ba tấm giấy săng trao cho Thứ Tiên xin cậu thâu nhận để mướn xe đi kiếm Tất Đắc. Thứ Tiên cứ từ chối không chịu lấy. Cô Cẩm Hương cảm phục cách nói chuyện khôn ngoan của bà Huyện quá, nhưng muốn biết ý Thứ Tiên và tính hối thúc cậu bắt tay vào việc liền, nên cô cũng từ giã mẹ con bà Huyện mà về với Thứ Tiên.
Cô Bạch Yến đưa khách ra tới cửa rào, cô trao một bổn sao bức thơ từ hôn cho Cẩm Hương rồi cô nói với Thứ Tiên:
- Hổm nay má em buồn lắm. Ông rán kiếm giùm mà đem về cho má em hết phiền. Ông đem được anh Tất Đắc trở về đây em mang ơn ông lắm. Em sẽ đền ơn xứng đáng.
Thứ Tiên nói:
- Tôi làm thì phải được. Cô em cứ bình an ăn ngủ cho khỏe. Lâu lắm là vài tuần nữa sẽ làm đám cưới. Tôi được dự lễ cưới thì đủ cho tôi vui lòng rồi. Cô khỏi đền ơn chi nữa.
Nói dứt lời rồi, đủ hai xe đem lại. Thứ Tiên đi với cô Cẩm Hương.
Về dọc đường cô Cẩm Hương nhớ tư cách đàng hoàng của bà Huyện hồi nãy, nhứt là nhớ lời nói khôn khéo, khoan hồng, ôn hoà, giản dị, mà ý nghĩa sâu xa, thì cô chúm chím cười hoài.
Còn cậu Thứ Tiên gặp bà Huyện khác hẳn với người cậu tưởng tượng trong trí từ hồi sớm mơi, sau khi nghe câu chuyện từ hôn, bởi vậy hồi nãy thì cậu ngạc nhiên, kính nể rồi bây giờ cậu lo ngại; bâng khuâng, liệu coi phải làm sao mà tìm cho được Tất Đắc đem về, trước cho xứng với lòng tín nhiệm của người đúng đắn, sau khỏi hổ với chủ nghĩa mình đã khoe khoang cao cả nên mình tận tâm phục vụ.
Vì cậu quá lo nên về tới Cầu Kho cậu từ biệt cô Cẩm Hương xuống đò mà về luôn bên Vĩnh Hội, nói về nghỉ ngơi đặng tối đi thăm Võ Lộ với Tự Cao. Về đến nhà cậu Thứ Tiên nằm không yên. Hình dáng của mẹ con bà Huyện cứ vẩn vơ trước mặt, lời bà Huyện nói cứ văng vẳng bên tai, lại thêm mấy trăm đồng bạc xe cậu lãnh lấy của người ta nó cứ nhắc nhở cậu phải sốt sắng không được phép dãi đãi, bởi vậy ăn cơm tối rồi cậu thay đồ đi liền, đi qua chợ Thái Bình.
Đến căn phố cô Cẩm Hương đã chỉ cho cậu mà hồi sớm mơi cậu thấy cửa đóng bì bịt, lại có ống khóa, khóa ngoài, bây giờ cửa mở bét có đốt ngọn đèn dầu loe lét để trên bàn. Một thầy, ngồi trên cái ghế ngoài cửa khảy cây đờn guy-ta, còn một thầy ngồi gần ngọn đèn trong nhà mà đọc sách. Thứ Tiên bước vô chào. Người khảy đờn bèn ngưng đờn đứng dậy hỏi:
- Ông muốn kiếm ai?
- Xin ông tha lỗi cho tôi hỏi thăm một chút. Phải ông Châu Tất Đắc ở đây hay không?
- Phải. Mà ảnh không còn ở đây nữa. Ảnh đã đi chỗ khác bốn năm bữa rồi.
- Tôi không hay. Mà ổng đi song hai ông bạn của ổng là ông Tự Cao với ông Võ Lộ còn ở đây chớ?
- Phải, còn ở đây. Tự Cao là tôi, còn anh Võ Lộ đương đọc sách kia. Ông biết hai anh em tôi hay sao?
- Tôi có nghe danh hai ông, nhưng chưa có hân hạnh được gặp mặt. Hôm nay được rảnh tôi đến xin phép mà hầu chuyện với hai ông, không biết hai ông có vui lòng mà tiếp tôi chăng?
- Được. Chúng tôi lấy làm vinh hạnh mà được ông chiếu cố mới đến tệ xá của chúng tôi. Vậy tôi mời ông vô.
Tự Cao đưa Thứ Tiên vô cửa, vừa đi vừa kêu Võ Lộ ngồi trong mà nói: "Anh Võ Lộ, có ông khách muốn thăm anh em mình đây ".
Võ Lộ bỏ sách đứng dậy cúi đầu chào khách.
Thứ Tiên đứng ngó hai cậu chủ nhà mà nói:
- Tôi xin phép mà giới thiệu tôi với hai ông. Tôi là Thứ Tiên, tập viết phóng sự để đăng báo. Tôi có nghe danh ba ông ở chung với nhau trong căn nhà nầy, tuy mỗi ông thờ một chủ nghĩa riêng song cũng được vui trong cảnh thân yêu đầm ấm. Tôi xin thú thiệt, tôi cũng có chủ nghĩa mà cũng ở chung với nhau được thì tôi ngạc nhiên chút đỉnh. Vì vậy nên tôi đến đây khảo cứu coi ba ông nuôi trí cao thượng thế nào mà chí hướng khác nhau lại không mích nhau như vầy được.
Tực Cao với Võ Lộ cười. Tự Cao vui vẻ kéo ghế mời Thứ Tiên ngồi, còn Võ Lộ thì dọn dẹp đồ để lộn xộn trên bàn đủ thứ, rồi hai người chủ nhà ngồi một bên, đối diện với khách hàng đặng dễ nói chuyện.
Võ Lộ mới nói:
- Theo thế tình thì ông bạn nghe ba anh em tôi khác ý mà ở chung một nhà được, ông bạn ngạc nhiên phải lắm. Nhưng nếu ông bạn được biết tâm trí của chúng tôi thì ông bạn sẽ nhìn nhận cách cư xử của chúng tôi không cậy pháp thuật huyền bí nào hết, chỉ căn cứ trên hai nguyên tắc nầy: một là thành tâm dung thứ cho nhau, hai là sùng bái tự do của người. Ông bạn nghĩ mà coi. Tạo hóa sanh loài người hiện theo nhơn số trên mặt địa cầu kể đến số tỷ, vì phải phân tán ở khắp nơi, tốp ở nhằm chỗ lạnh, tốp ở nhằm chỗ nóng, bởi vậy bị phong thổ ảnh hưởng nên màu da có vàng, có trắng, có đỏ, có đen. Nhưng người màu nào cũng đều có mặt, có tay, có chưn, cũng đi, cũng đứng, cũng ngủ, cũng ăn, như nhau cả thảy. Mà tạo hóa lại trớ trêu, không cho lòng dạ giống nhau, bởi vậy người thì ham muốn thế nầy, kẻ thì ưa thích cách khác, thậm chí cha con hay anh em trong nhà mà tánh ý cũng không đồng nhau. Nếu chống với lý thiên nhiên, cha ép con hay anh ép em phải theo ý mình thì mất niềm hòa khí, dầu con em ngoài mặt phải vưng, song trong lòng cũng buồn cũng tức. Vậy ở đời phải nhường nhịn nhau, phải dung chế cho nhau, thì mới vui mà sống, chớ khác ý thì cứ cãi cọ, rầy rà với nhau hoài, mất hết ý nghĩa của sự sống. Huống chi từ đầu thế kỷ hai mươi nầy khắp cả hoàn cầu đâu đâu cũng thờ thần Tự do. Mình phải làm như người ta chớ. Mà mình thờ theo phận mình, thì cũng nên để bạn mình thờ theo phận bạn, cãi lẩy làm chi. Có một điều cần yếu là mình hưởng tự do của phần mình thì chẳng nên phạm tự do đến phần bạn. Ví như tôi với anh Tự Cao ở chung một nhà tôi buồn ngủ tôi muốn được an tịnh mà ngủ, còn anh Tự Cao cảm hứng ảnh muốn ca hát cho vui, đã biết ảnh có quyền tự do ca hát, tôi không được phép cản. Song tôi có quyền tự do ngủ yên, ảnh hát om sòm ảnh phạm quyền tự do ngủ của tôi, vậy phải nhịn nhượng nhau, hoặc tôi phải bỏ ngủ giấc ngủ mà đi chơi, hoặc anh Tự Cao phải đi chỗ khác mà ca hát, để êm cho tôi ngủ. Nhờ ba anh em tôi biết rộng dung nhịn nhượng và biết tôn kính tự do riêng của mỗi người nên tuy khác ý song cũng thuận hoà mà ở chung với nhau mấy năm nay, không biết xích mích.
Thứ Tiên sợ người ta nghi rồi giấu diếm nên cậu chưa dám hỏi gấp việc Tất Đắc, đã nghe Võ Lộ đàm luận rồi. Cậu muốn gây cho Tự Cao nói chuyện nên cậu ngó Tự Cao mà hỏi:
- Tôi muốn biết chủ nghĩa riêng của hai ông, vậy chớ hai ông có vui lòng nói cho tôi hiểu hay không?
Võ Lộ phải đáp:
- Chủ nghĩa của anh em tôi chẳng có chi cao kỳ mà không dám giải. Anh Tự Cao thì chí quyết ăn ở cho hạp với tên của cha mẹ đặt cho anh, đặng khỏi mang hư danh; còn tôi gốc gác ở Bạc Liêu, tôi quen cách ăn ở xính xái[1] nên tôi lập chủ nghĩa "Vô khả vô bất khả" mà ở đời.
Thứ Tiên cười mà nói:
- Hai chủ nghĩa dường như trái ngược với nhau quá.
- Không. Theo tôi thì dầu thế nào cũng được, bởi vậy tôi có nghịch với ai đâu, anh bạn tôi đây muốn tự cao thì mặc ảnh. Còn nếu ai muốn tự thấp, thì cũng tùy thích, tôi không cản. Tôi không cãi với ai, thì ai lấy cớ gì mà cãi với tôi được, nên nói trái ngược.
- Còn ông Tất Đắc ở đây ổng thờ chủ nghĩa nào?
- Ạ! Anh Tất Đắc! Chủ nghĩa của ảnh khác, song cũng không trái với chủ nghĩa của tôi.
Tôi rất tiếc không gặp anh Tất Đắc ở nhà đặng tôi phỏng vấn luôn mà biết chủ nghĩa của ông nữa.
- Anh Tất Đắc thờ chủ nghĩa "Vô vi, vô tư lự ". Ba chủ nghĩa của ba anh em tôi tuy hình thức và danh từ khác nhau song cả ba đều căn cứ theo học thuyết của Lão Tử, chớ không lập dị, không cầu kỳ chi hết.
- Tôi xin thú thiệt với hai ông, tôi chưa biết học thuyết của Lão Tử.
- Ông bạn muốn làm phóng sự viên cho đúng đắn, ông bạn cần phải biết Tam Giáo đặng xét tâm lý của sự của vật để hiểu việc nầy bởi đâu mà sanh ra vậy, người nọ tại sao mà làm như vậy. Ông bạn chưa biết học thuyết của Lão Tử thì chịu khó khảo cứu thì tự nhiên sẽ biết.
- Cám ơn ông, tôi sẽ khảo cứu. Nhưng tôi muốn hiểu trước điều nầy. Ông nói ông Tất Đắc thờ chủ nghĩa "Vô vi" nghĩa là không thèm làm gì hết. Vả ở đời phải làm mới có mà ăn. Ông Tất Đắc không chịu làm rồi ông mới lấy chi ăn mà sống?
Bây giờ Tự Cao mới cười mà nói:
- Tại ông chưa khảo cứu học thuyết của Lão Tử nên ông hiểu lầm. Xin ông tha lỗi, tôi không dám giảng giải học thuyết Lão Tử với ông. Phải bực thượng trí có học thức cao siêu mới giảng nổi. Tôi nói ông hiểu lầm là vì ngày tôi mới gặp anh bạn Tất Đắc, tôi nghe ảnh nói ảnh thờ chủ nghĩa "Vô vi", tôi cũng bát bẻ như ông mới nói đó vậy. Anh Tất Đắc cũng nói tôi hiểu lầm, rồi ảnh cắt nghĩa cho tôi nghe. Theo lời ảnh nói thì trời đất sanh vạn vật thứ gì cũng có nguyên nhơn, có lẽ tự nhiên của nó hết. Nó biến chuyển tự nhiên mà đâu đó đều hoàn bị, không cần ai sai khiến hay giúp đỡ. Nó tự làm lấy mà mọi việc đều hoàn hảo công bình. Nếu mình chen vô mà thúc đẩy hay sửa đổi, làm mất lẽ tự nhiên thì phải hư hại. Bởi vậy hai chữ "Vô vi"của Lão Tử nghĩa là đừng làm sái lẽ tự nhiên của Tạo Hóa chớ không phải đừng làm gì hết. Việc gì cũng phải làm hết chớ. Nhưng phải làm khi việc còn nhỏ chớ đừng chờ nó lớn. Phải làm khi việc còn dễ chớ đừng chờ nó khó. Đợi nó lớn nó khó rồi mới làm thì tức nhiên làm không nổi phải hư hỏng.
Thứ Tiên nói:
- Thắc mắc khó hiểu quá. Chờ có ông Tất Đắc đặng tôi cậy ổng giảng giải rành chủ nghĩa của ổng cho tôi hiểu. Không biết ông vào giờ nào ổng mới về?
Tự Cao liếc mắt ngó Võ Lộ mà đáp:
- Ảnh đi ảnh không nói đi đâu mà cũng không hẹn ngày về. Anh chỉ nói không thèm ở đất Sài gòn nầy nữa mà từ rày cho đến chết ảnh cũng không trở về đây.
- Thứ Tiên ngạc nhiên hỏi:
- Ủa! Sao lạ vậy. Hai ông có biết tại sao mà ổng quyết định bỏ biệt đất Sài gòn hay không?
Võ Lộ cười mà đáp rằng:
- Hồi nãy tôi có nói với ông bạn rằng, ba anh em tôi kỉnh quyền tự do của mỗi người, bởi vậy ai làm việc chi hay ai muốn đi đâu, chúng tôi không xúi, không cản, không hỏi, sợ xâm phạm tự do của người ta.
- Ở chung với nhau rồi một người rứt ra mà đi, có lẽ mình cũng phải hỏi tại duyên cớ nào mà đi, đi đâu, đi chừng nào rồi về chớ.
- Chúng tôi sống với chủ nghĩa, chớ không phải sống với thế tình. Mà ông bạn có việc chi nên muốn gặp anh Tất Đắc hay sao?
- Có. Người ta cậy nói một chút chuyện với ổng. Hai ông biết ổng đi đâu xin làm ơn chỉ giùm cho tôi đặng tôi đi kiếm ổng.
- Cái đó thiệt chúng tôi không biết.
Tự Cao đứng dậy mà ngâm:
"Nghĩ điều trời thẩm vực sâu,
"Bóng chim, tăm cá, biết đâu mà nhìn"'
Thứ Tiên cười mà nói với Võ Lộ:
- Tôi có nghe ông Tất Đắc gốc gác ở Long Xuyên, không biết ổng có về đó hay không.
Võ Lộ nói:
- Hồi trước ông thân bà thân ảnh ở Long Xuyên. Nhưng hai ông bà khuất hết, ảnh mới bán nhà cửa lên đây mấy năm rồi, không hiểu ảnh có bà con ở dưới hay không. Nếu có việc cần thì ông chịu khó xuống Long Xuyên kiếm thử coi.
Tự Cao nói:
- Ông nói ông viết bài phóng sự cho mấy tờ báo, tự nhiên ông quen với mấy ông chủ nhiệm. Vậy ông viết ít hàng cậy báo đăng giùm mà kiếm anh Tất Đắc. Anh thấy tự nhiên ảnh về, Ông khỏi mất công đi tới Long Xuyên xa quá.
Võ Lộ lại nói:
- Ông có thể cậy đài Phát thanh kêu gọi anh Tất Đắc giùm cho và biểu ảnh trở về, kêu hoài mỗi bữa có lẽ thấu tới tai ảnh.
Tự Cao nói:
- Hay là ông xin xâm, hoặc cậy thầy bói chỉ coi ảnh đi hướng nào mới biết mà đi kiếm chớ.
Võ Lộ nói:
- Còn cách nầy hay nhứt mà lại mau lẹ nữa là ông đến bót cáo anh Tất Đắc về tội gì đó, bội tín, hoặc sang đoạt, hoặc trộm cắp, thì nhà chức trách sẽ kiếm mà giải về.
- Thứ Tiên vội vã nói:
- Ý! làm cách đó không được. Mích lòng lắm;
Tự Cao nói:
- Còn một cách nầy nữa, ông viết quảng cáo mà đăng báo, hứa ai biết anh Tất Đắc ở đâu thông tin cho ông biết, ông sẽ thưởng một số tiền lớn.
- Thứ Tiên nói:
- Cách đó có lẽ làm được.
Thứ Tiên biết hai cậu nầy giấu diếm không chịu nói thiệt, ngồi lâu nữa vô ích, nên cậu đứng dậy cáo từ mà về.
Bước ra đường cậu thấy kẻ lên người xuống cậu lơ lững không biết đi tới đâu. Một chiếc xe xích lô chậm chạp đạp rề một bên mà cậu không thèm ngó. Hồi nãy đến đây cậu thấy căn nhà mở cửa cậu mang đầy một bụng hy vọng mà bước vào, tin chắc rằng cô Cẩm Hương là đàn bà không quen nói chuyện với nam nhi lãng mạn nên bị họ pha lững rồi rối trí không tìm ra lời mà dọ dẫm, chớ cậu là trai tân tiến, cậu từng tiếp xúc với các giai cấp, từng lên diễn đàn mà nói chuyện trước năm bảy trăm cặp mắt chong nhìn cậu mà cậu không khiếp sợ, cậu có đủ lanh lợi, đủ khôn ngoan mà tráo trở đặng xỏ mũi người ta mà dắt đi. Cậu sẽ biết chỗ Tất Đắc ẩn trú dễ dàng trong vài bữa, hoặc sáng mai đây, cậu sẽ nắm tay Tất Đắc mà dắt về cho cô Cẩm Hương kinh hồn, không biết chừng đưa luôn lên nhà bà Huyện mà đòi cô Bạch Yến phải đãi một bữa cơm tạ ơn Ông Tơ sốt sắng. Hồi nãy bước vào hy vọng bao nhiêu, bây giờ trở ra cũng thất vọng bấy nhiêu. Cậu phú cho hai chưn cậu muốn đưa cậu đi ngã nào tự ý, cậu không thèm kể, cứ cúi mặt xuống đất thủng thẳng lần bước mà suy nghĩ.
Thứ Tiên đi một hồi lâu rồi cậu ngước lên, té ra cậu đi gần tới đường Galliéni, nhờ nước nhà độc lập nên mới được đổi tên mà gọi là Đại lộ Trần Hưng Đạo. Thấy tiện đường đi xuống Cầu kho, cậu mới tính ghé nói chuyện với cô Cẩm Hương.
Nhà cô Cẩm Hương còn mở cửa, đèn điện cháy sáng trưng. Thứ Tiên bước vô gỏ cửa. Cô Cẩm Hương ở trong đi ra. Thứ Tiên không đợi mời xông vô kéo ghế ngồi liền, ngồi thở một cái khì, bộ như người mệt mỏi nên cần ngồi mà nghỉ.
Cô Cẩm Hương ngạc nhiên, không hiểu tại sao hồi chiều đi thăm mẹ con bà Huyện về thì bộ cậu lạc quan nên hăng hái, mà bây giờ cậu lại bí sị uể oải buồn hiu. Cô mới hỏi cậu ở bên nhà qua chơi hay là đi đâu về ghé.
Thứ Tiên nói:
- Tôi đi qua chợ Thái Bình rồi về đây. Cô biểu người nhà đi mua cho tôi một ly cà phê đậm đặng tôi uống rồi tôi sẽ nói chuyện cho cô nghe. Cô Cẩm Hương kêu chị bếp đưa tiền mà biểu chị lấy ly đi mua cà phê dặn chế cho thiệt đậm rồi ngồi mà hỏi Thứ Tiên:
- Ông qua Thái Bình có gặp Tự Cao hay Võ Lộ hay không?
- Gặp đủ hai người hết.
- Sao? Ông hỏi có ra manh mối cậu nọ đi đâu hay không?
- Không ra khỉ gì hết. Tôi tưởng hai người đó đàng hoàng tử tế, tôi chắc họ sẽ nói thiệt cậu Tất Đắc đi đâu đặng tôi theo mà giảng điều hư sự thiệt rồi tôi đem về. Té ra tôi gặp tụi trời ơi đất hỡi gì đâu, họ bày chuyện nói minh mông mà không chịu chỉ, họ làm cho tôi thất vọng cực điểm. Tôi có hứa với bà Huyện và cô Bạch Yến trong ít bữa tôi sẽ đem cậu Tất Đắc về. Bây giờ công việc mù mịt như vầy tôi làm sao mà giữ lời hứa cho được, bởi vậy tôi buồn quá.
- Tôi đã nói với ông, hai cha đó trớ trêu khó chịu lắm mà, chớ có phải như người ta đâu.
- Khó chịu thiệt. Họ bày chủ nghĩa rồi giảng giải học thuyết của Lão Tử, nói trên trời dưới đất minh mông, làm cho tôi rối trí muốn điên, chớ không hiểu gì hết.
Chị bếp bưng ly cà phê về. Cô Cẩm Hương biểu chị bếp lấy bình đường và mời khách uống thử như không được ngọt thì thêm đường. Cô đợi khách uống ít hớp cà phê đậm và nóng đặng định thần lại rồi cô mới hỏi:
- Ông có than phiền với hai người đó về sự Tất Đắc báo hại người ta cả đám hay không? Cậy mai mối nói vợ, người ta chịu gả, rồi lại viết thơ từ hôn và bỏ trốn mất làm kỳ quá.
- Không, không, tôi biết cách nói chuyện lắm mà. Ở chung một nhà, Tất Đắc nói vợ có lẽ nào hai người đó không hay, rồi bỏ mà trốn, có lẽ nào lại không biết. Tôi muốn để cho hai người đem chuyện đó ra mà nói, chớ tôi nói trước họ nghi tôi là người của cô hoặc của bà Huyện cậy đi kiếm, rồi họ nói dối tôi tìm sao ra. Tôi làm bộ không hay biết chuyện hôn nhơn của Tất Đắc. Tôi xưng tôi là phóng viên của nhà báo chí, tôi nghe ba cậu thờ ba chủ nghĩa khác nhau lại ở chung một nhà, tôi đến phỏng vấn. Võ Lộ với Tự Cao chụp giải luôn chủ nghĩa của hai cậu cho tôi nghe, rồi giải luôn chủ nghĩa "Vô vi "của Tất Đắc nữa, nói minh mông về đạo Lão Tử. Tôi làm bộ không hiểu tôi muốn gặp Tất Đắc đặng xin cậu giải cho rành. Hai người mới nói Tất Đắc đi mất không trở về Sàigòn nữa đâu mà trông. Tôi biết họ giấu nên tôi dọ hỏi coi đi đâu đặng tôi theo mà kiếm. Họ cứ nói không biết. Tôi liệu hỏi không ra nên tôi về.
- Tôi có hỏi rồi, họ không chịu nói mà.
- Họ muốn giấu thì để cho họ giấu. Tôi với cô góp sức mà kiếm cũng được, đừng thèm cầu ai hết. Tôi xin hỏi cô điều nầy, cô biết Tất Đắc có tiền bạc nhiều hay không?
- Không có nhiều. Áo quần quần đặt may thì tôi trả tiền. Bữa lên nhà Bạch Yến ăn cơm, làm như lễ cầu thân đó, thì tôi có đưa cho cậu 100 mà bỏ túi vậy thôi. Tôi chắc cậu ra đi, trong mình cậu không có tới hai trăm đồng bạc. Hai người kia có giúp cho cậu bất quá thêm vài trăm nữa mà thôi.
- Vậy thì cậu không thể đi xa được. Bây giờ tôi tính như vầy, tôi bắt đầu lục kiếm vùng Sàigòn, Chợ lớn, Gia định trước. Như không có tôi sẽ lần ra mấy tỉnh chung quanh đây như Biên hoà, Thủ Dầu Một, Gò công, Tân an, Mỹ tho. Trong lúc tôi rảo đi kiếm đó, tôi cậy cô chịu khó vô Lăng Ông Thượng trong Bà Chiểu cô đem tên họ và tuổi của Tất Đắc mà vái đặng xin một cây xâm coi cậu coi cậu đi hướng nào và mình có thể tìm được cậu hay không. Nếu cô nghe thầy bói hoặc xác đồng nào nói giỏi thì cô làm ơn đến coi thử cho biết đặng mình trì trí mà kiếm. Ví như xâm với xác đều không thể tìm đưọc, thôi thì mình chịu lỗi với bà Huyện mà bỏ, khuyên bà chọn người khác mà gả cô Bạch Yến, chớ tìm kiếm làm chi nữa cho thất công;
- Được. Ông đi dọ kiếm đi. Tôi lãnh phần xin xâm và coi bói cho. Tôi muốn làm ơn mà báo cho tôi tốn cả ngàn rồi bỏ đi mất thiệt tức tôi quá.
- Cô có gặp bà Huyện hay cô Bạch Yến cô nói cách chị em mình sắp đặt như vậy cho mẹ con bà Huyện hay đặng khỏi trách mình nói dóc rồi bỏ qua. Cô làm liên lạc giùm một chút chớ kiếm chưa được tôi ngỡ ngàng quá, tôi không muốn gặp mẹ con bà Huyện.
Hai người thỏa thuận với nhau như vầy rồi Thứ Tiên mới đi về.
Từ đó vì danh dự, vì lời hứa, vì chủ nghĩa mà cũng vì bạc tiền nữa, nên cậu Thứ Tiên với cô Cẩm Hương mỗi người một ngả, hễ rảnh thì lo làm phần việc của mình. Cô Cẩm Hương xin xâm thì xâm nói về phần số khiến Ngưu Lang phải lìa Chức Nữ, kẻ bên Tây bôn ba, người bên Đông chờ đợi, nhưng đến năm Ất Mùi mới nghe tin tức, rồi qua tháng Dậu tháng Hợi sẽ được hiệp hòa một cửa vui vầy. Cẩm Hương cho Thứ Tiên hay tin ấy. Mặc dầu xâm nói rành rẽ như vậy, Thứ Tiên cho là chuyện xa vời không thể tin được nên cậu cũng nổ lực tìm kiếm.
Cách ít bữa cô Cẩm Hương lên thăm mẹ con bà Huyện, thuật cách sắp đặt tìm kiếm cho mẹ con bà nghe rồi đưa lá xâm ra mà đọc lại lời của người bàn giùm. Cô Bạch Yến nói chị bếp có dắt cô đi coi xác đồng trên Phú nhuận, người ta đồn xác nói hay lắm. Xác hỏi tuổi rồi nói hai tuổi có duyên nợ với nhau không thể gì bỏ nhau được. Tuy mạng số khiến nhơn duyên ban đầu phải trắc trở nhưng trong ít năm rồi sẽ sum hiệp, trai tài phỉ chí, gái sắc phỉ tình. Bạch Yến đương vui vẻ lại nghe lời xâm cũng nói như vậy nữa thì cô càng thêm hớn hở, nên cô nói trước mặt bà Huyện với cô Cẩm Hương rằng dầu phải chờ đến già răng rụng tóc bạc cô cũng chờ, chớ cô không ưng chồng nào khác dầu giàu sang đến bực nào cô cũng không ham.
Trong mấy tháng Thứ Tiên rảo khắp Sài gòn, Chợ lớn, Bà Chiểu và đủ mấy tỉnh chung quanh nữa, mà dọ hỏi hết sức cũng không ai biết Tất Đắc ở đâu mà chỉ. Cậu cậy hai tờ báo đăng giùm lời rao xin Tất Đắc ở chỗ nào thì viết thơ về toà soạn cho cậu biết đặng cậu đến thương lượng về cuộc làm ăn. Lời rao đăng ở mỗi tờ báo nữa tháng mà không có hiệu quả gì hết. Cậu tỏ ý muốn xuống Long xuyên mà kiếm.
Cô Cẩm Hương lên thuật công phu của Thứ Tiên như vậy cho bà Huyện nghe. Bà Huyện cảm ơn hết sức và bà đưa thêm cho Cẩm Hương 200 đồng bạc nữa, cậy trao cho Thứ Tiên mà giúp tiền xe. Thứ Tiên được tiền thêm cậu tính bà Huyện muốn cho cậu đi Long xuyên, bởi vậy cậu đi xuống ở hai bữa rồi cũng vô ích.
Nghe người ta đồn bên đường Hàng Sanh có cô xác coi hay lắm, cô Cẩm Hương tìm qua cậy coi, tuổi Tất Đắc với tuổi Bạch Yến có thể sum hiệp được hay không. Cô xác nầy cũng nói hai tuổi có duyên nợ, vì yêu nhau một cách cao thượng nên xa nhau, chớ không phải chê hay ghét. Không sớm thì muộn thế nào cũng được sum hiệp.
Thứ Tiên cùng đường rồi cậu trở lại thăm Tự Cao với Võ Lộ nữa mà hỏi Tất Đắc có về hay là có cho biết bây giờ ở đâu hay không. Hai cậu nầy cũng nói không có tin tức gì hết, rồi lại nói nếu kiếm Tất Đắc không gặp thôi thì để hai cậu giải sơ giùm học thuyết của Lão Tử cho mà nghe đỡ, Thứ Tiên đã chán rồi nên lật đật đứng dậy từ chối:
- Tôi rất cảm thạnh tình của hai ông. Bữa nay tôi nhức đầu lại còn có hẹn lỡ với một ông bạn khác, nên ngồi lâu không được. Vậy xin để bữa khác rảnh rồi tôi sẽ hầu chuyện và bày tỏ chủ nghĩa thiên nhiên của tôi cho hai ông nghe.
Võ Lộ nói:
- Chủ nghĩa thiên nhiên đó cũng thuộc về học thuyết của Lão Tử đa. Nếu vậy chúng ta đều chung một phái hết mà.
Thứ Tiên không muốn gây chuyện ra dài, nên cậu cười rồi cáo biệt mà đi liền.
Thứ Tiên nghĩ đã cùng đường rồi, không còn biết ngã nào mà đi nữa, nên một bữa chúa nhựt cậu rủ cô Cẩm Hương đi thăm bà Huyện Hớn đặng cậu cáo lỗi về sự cậu bất tài nên tìm không ra Tất Đắc.
Bà Huyện niềm nở tiếp rước. Bà thành thiệt tỏ lời cám ơn Thứ Tiên đã dày công bền chí mà lo giùm việc trăm năm cho con bà. Dầu tìm được hay không được ấy là do lẽ trời, chớ bà biết công ơn của cậu thiệt là nhiều, không bao giờ mẹ con bà quên được.
Cô Bạch Yến cũng tiếp mà cám ơn Thứ Tiên với cô Cẩm Hương. Và một lần nữa cô cương quyết mà nói rằng dầu Bác vật hay không Bác vật, Châu Tất Đắc cũng là chồng của cô mà thôi. Vậy cô chờ Tất Đắc cho tới mãn đời cũng được.
Chừng đi về dọc đường cậu Thứ Tiên mới nói với cô Cẩm Hương:
- Tình của cô Bạch Yến đó mới gọi là Ái tình. Sấm sét không vỡ, mưa nắng không phai. Vậy mới đáng cho người đời kính thờ chớ.
Chú thích
- ▲ đơn giản