Bước tới nội dung

Nụ cười (Nam Cao)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Nụ cười.
Nụ cười  (1941) 
của Nam Cao

HOA MAI
Số 6 Giá 0$10

NỤ CƯỜI
của Nam Cao

Cộng lực

NU CUOI

« Vui sướng đi cho đời ta vui
« Vui sướng đi cho người cùng vui...»

Còn gì thú cho bằng một ngày chủ nhật mưa
nằm nhà đọc sách
(trang 4)

Mỗi lần nhắc đến Hoạt là tôi lại nhớ đến ngày chủ nhật ấy. Chiều thứ bẩy, tan học ở trường ra, anh Phương theo chúng tôi về tận nhà để xin phép thầy me tôi cho chúng tôi ngày mai về chơi nhà bà ngoại anh cả ngày. Thầy tôi đi ra phố chưa về; nhưng me tôi bảo chúng tôi rằng: tuần này chúng tôi đã ngoan ngoãn luôn luôn, chắc thế nào thầy tôi cũng nhận lời. Vì thế cả ba chúng tôi cùng sung sướng như mở cờ trong bụng. Hoạt và tôi tiễn Phương ra cửa, dặn đi dặn lại anh: sáng mai nhớ đến gọi chúng tôi thật sớm... Đến lúc thầy tôi về, me tôi xin phép hộ chúng tôi. Quả nhiên, thầy tôi bằng lòng ngay, người lại bảo:

— Vậy tối nay các con học thuộc tất cả mọi bài đi, tối mai đi chơi về chắc mệt các con cần phải nghỉ.

Chúng tôi xin vâng lời. Cơm nước xong chúng tôi lên phòng riêng của chúng tôi. Vì cố chăm chú học, nên chẳng mấy chốc bài đã thuộc lầu lầu. Tôi gấp sách đọc cho Hoạt nghe, Hoạt lại gấp sách đọc cho tôi nghe. Trôi lắm! Chúng tôi mỉm cười nhìn nhau. Bây giờ đã có thể thảnh thơi nghĩ đến cái ngày mai rộn rã tiếng chim vui và tưng bừng ánh nắng...

— Đồng lúa về vụ này đang đẹp.

— Phải biết là nhiều cào cào, muồm muỗm và bươm bướm!

— Anh Phương bảo nhà có nhiều mía lắm.

— Ồ! phải đấy, cái thứ mía ông voi vừa to, vừa mềm, vừa ngọt lừ.

— Thế nào bà cụ chả nấu canh bánh đa với cá rô cho chúng mình ăn.

— Thì đã hẳn. Mà thế nào Phương chả đưa chúng mình đi câu cá.

— Đi câu cá! Tuyệt! Con sông chẩy qua đấy sao mà trong thế! Câu chán rồi ta phải bơi mới được.

— Bơi chán thì ta lại trèo cây.

— Trèo cây chán thì ta nằm trên cỏ nghỉ...

— Tuyệt!

— Tuyệt!...

Chúng tôi cười vang lên. Bỗng Hoạt nhìn lên đồng hồ:

— Kìa sắp chín giờ rồi. Ta sửa soạn đi ngủ để mai dậy sớm. Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy Phương đưa chúng tôi đi chơi thuyền...

Tôi còn đang mơ mơ màng màng thì bỗng thấy có người thích khuỷu tay vào cạnh sườn tôi. Tôi giật mình:

— Cái gì thế?

— Nam ăn cá chán chưa?

— Cá nào?

Hoạt cười khanh khách:

— Tôi nằm chiêm bao thấy chúng mình bắt được nhiều cá quá. Sông lúc-nhúc toàn những cá. Tôi lấy vạt áo chao cũng được mỗi mẻ hàng chục con.

Tôi bật cười. Hoạt nhỏm dậy, bảo:

— Ta dậy đi thôi, Nam ạ. Chắc bây giờ anh Phương dậy rồi. Có lẽ anh ấy mặc quần áo rồi cũng nên.

Tôi chạy ra cửa, mở tung hai cánh, nhìn trời...

— Hoạt này! chán quá: trời hôm nay không được đẹp.

— Nam đừng khó tính. Nếu trời không đẹp thì Nam nhìn đất.

— Ấy là tôi sợ trời đổ mưa.

— Nhưng trời đã mưa đâu mà...

— Tôi đoán rằng trời sẽ mưa.

— Thì trời cứ việc làm cái việc của trời, còn ta cũng phải làm cái việc ta, nghĩa là đi rửa mặt, chải đầu, mặc áo, ngồi đợi Phương.

Phương chưa đến thì mưa đã đến. Tôi đang chải đầu, chán quá, ném cái lược đến bẹt xuống giường, kêu:

— Thật là tức! Tức như bị đấm vào giữa mặt.

Hoạt, trái lại, reo lên:

— Cám ơn trời nhé! Còn gì thú cho bằng một ngày chủ-nhật mưa, nằm nhà đọc sách? Thầy giáo chả vẫn bảo ta rằng: « đọc những sách tốt vừa giải-trí, vừa mở-mang trí tuệ đó ư? » Ta lấy sách ra đọc chung, Nam nhé?

Nhưng chúng tôi mới đọc được dăm trang thì mưa nặng hạt hơn. Nước trút xuống ào ào, Trời sầm lại. Gió thổi mạnh, hai cánh cửa ập vào làm gian phòng kín mít. Tôi bực mình đến muốn vò nát sách quăng đi. Hoạt giữ tay tôi lại, bảo:

— Sao Nam hay cáu thế? Nam phải hiểu rằng đọc sách là một cái thú rất thanh cao, nhưng hát cũng là một cái thú thanh-cao ngang-ngang thế. Mà nhờ giời, ta có thể hát bằng miệng, chứ không hát bằng con mắt, nghĩa là có tối hơn thế này, tiếng hát của ta vẫn biết lối ra như thường.

Nói xong, anh hát liền. Tôi tự-nhiên bật cười:

— Hoạt ạ, sao chưa bao giờ tôi thấy Hoạt tức-tối, chán nản, hoặc buồn rầu?

— Thì Nam tính: tức-tối, chán nản, buồn rầu có được ích gì đâu? Hồi thầy tôi còn sống thầy tôi bắt tôi viết câu này gián lên tường ngay trước chỗ tôi ngồi: « Gặp những cái khó chịu, những điều trái ý, những nỗi đau khổ ở đời, ta phải tìm cách mà chống lại; nhưng khi chống lại cũng không xong, thì chỉ còn một cách là mỉm cười mà nhận lấy ».

Hoạt để tôi ngẫm-nghĩ một phút, rồi nói tiếp:

— Thí dụ như hôm nay trời mưa, ta không đi chơi được, Nam có cáu kỉnh thì trời cũng cứ mưa. Còn tôi, tôi mỉm cười, đã đành tôi mỉm cười, thì trời cũng chẳng tạnh mưa đâu, nhưng mỉm cười dẫu sao cũng còn dễ chịu hơn cau mặt chứ?

Thấy tôi có vẻ nguôi giận rồi, anh lại bảo:

— Bây giờ Nam hãy tưởng-tượng ra cái bộ mặt của Phương. Anh Phương của chúng ta đang đứng dí mũi vào cửa kính nhìn mưa, phụng-phịu giỗi với trời... và trời tinh-nghịch cứ mưa, mưa mãi như trêu cho anh ấy tức... Buồn cười biết bao!

Chúng tôi khanh-khách cười.

Ngày nay, có từng trải ít nhiều, càng ngẫm-nghĩ tôi càng phục Hoạt. Hoạt thật đã can-đảm hơn nhiều bạn sàn-sàn tuổi anh. Bởi vì không phải chỉ nhẩy xuống nước cứu một người chết đuối, hay xông vào lửa để cứu một đứa trẻ thoát nguy, mới là can đảm thôi đâu. Lặng-lẽ mà chịu những cái khó chịu hàng ngày, lặng lẽ mà đau-đớn, khi nỗi đau-đớn không tránh đựơc, lấy nụ cười mà che đậy cái buồn riêng của mình, để người chung quanh khỏi buồn lây.,. thế cũng là can đảm, mà lại là một thứ can đảm ít người có được. Ta chả thấy đó sao? Nhiều kẻ chỉ đau một cái nhọt cũng cau có suốt ngày, phải ăn một bữa cơm muộn đã gắt-gỏng chửi mắng con ăn đứa ở, phải học một bài dài, đã bịu xịu như bị người hà-hiếp, hoặc xin tiền may một cái áo để diện không được đã vật mình, vật mẩy, như chịu tất cả nỗi bất công ở đời, Hoạt, trái lại, lúc nào cũng cố cười. Ây thế mà trước khi được thầy mẹ tôi nuôi cho ăn đi học với tôi, anh đã trải qua nhiều cay cực.

Hoạt là con thứ hai một gia-đình có thể gọi là nghèo. Ông thân-sinh ra anh dạy học ở một trường tư. Bà vợ có một cửa hàng xén nhỏ. Anh, em Hoạt chẳng được quà bánh thoả thích như con nhà khác. Đi học, cả anh lẫn em chỉ được mặc những quần áo xềnh-xoàng, chính họ giặt lấy và là lấy. Về nhà, khi bài vở xong rồi, họ phải giúp mẹ làm bếp, chẻ củi, lau bàn, ghế, quét sận nhà... như những thằng ở vậy. Nhưng họ chẳng lấy thế làm buồn; họ hiểu rằng: ông giáo chẳng muốn đầy-đọa con đâu, ông chỉ muốn cho con thích làm lụng và biết vui-vẻ trong cảnh nghèo. Cha mẹ nào chẳng yêu con? Nhưng yêu con mà nâng-niu con quá, có thể làm cho con sinh ra mềm-yếu. Ông giáo muốn con ông biết chịu được kham-khổ, có đủ gan dạ để lúc gặp, có thể vui-vẻ mà chống lại những gian-lao ở đời. Vì thế ông cố luyện cho con ông không bao-giờ phàn-nàn, than-thở, kêu rêu, khóc lóc. Không được buồn nản, phải tươi cười luôn luôn...
Năm Hoạt mười hai tuổi thì Hùng — anh cả Hoạt mười sáu tuổi — Hùng học ban thành-chung đã được 2 năm và Hoạt đang học lớp nhì trường Sơ-học. Một hôm hai anh em vừa đi học về thì bà mẹ bảo:

— Các con rửa tay rồi ăn cơm đi. Mẹ ăn trước rồi. Các con ăn xong đi với mẹ vào nhà thương.

Anh em ngồi vào bàn ăn, lo lắng. Ông giáo nằm nhà thương đã đến nửa tháng rồi. Nhiều lần anh em Hoạt muốn vào thăm, nhưng bà mẹ nói: ông giáo cấm; có lẽ ông muốn các con không phải lo cho ông mà nhãng học-hành. Hôm nay, anh em Hoạt được phép đến với cha, thì chắc cha đã nguy-kịch lắm... Quả nhiên, lúc ba mẹ con vào đến phòng ông, lại gần giường, thì ông đã chỉ còn xương với da. Hơi thở của ông đã yếu, hai mắt sâu hoắm và đờ-đẫn. Hoạt thấy nghẹn-ngào, nước mắt ứa ra. Hùng và bà giáo cũng đang khóc lóc. Nhưng mắt người ốm bỗng sáng lên một chút. Rồi tiếng yếu-ớt của ông thoát ra, đứt quãng năm, sáu chỗ:

— Thầy cho các con gặp thầy, có phải để các con khóc lóc đâu? Thầy có ý cho các con xem thầy chết thế nào... Thầy sẽ mỉm cười mà từ biệt me các con, và các con. Thầy muốn những kẻ ở lại cũng mỉm cười như thế.

Một nụ cười thoáng trên đôi môi nhợt-nhạt. Mắt ông ra hiệu cho các con cười. Hoạt muốn nhếch mép. Cái cười thành cái mếu xệch. Nước mắt tuôn ra, làm anh không còn trông thấy gì...
Nhưng sau khi chôn cất cho cha tử-tế rồi, thì cả Hùng cả Hoạt, đều cố không khóc nữa. Chỉ vì mỗi lần họ khóc, thì bà mẹ lại khóc rất to, khóc đến nỗi rũ người gục xuống. Hùng và Hoạt thấy cần phải can-đảm để khỏi gợi nỗi đau lòng của mẹ. Họ lại đi học, và làm những công việc hàng ngày để mẹ trông thấy mà khuây đi... Nhưng cái hoạ không bao giờ đến một mình. Bà mẹ sinh ốm nặng. Có lẽ biết mình khó qua khỏi, bà thu xếp đưa Hoạt về quê, và để riêng cho Hùng một món tiền đi trọ học; bà muốn để Hùng học trọn bốn năm học, rồi kiếm việc làm nuôi em.

Ba tháng sau, bà mất. Hùng phải bỏ học, tìm chỗ làm để tối học thêm. Hoạt đến ở nhờ một ông bác họ. Người anh phải cố nén sầu vì nghĩ đến bổn-phận đối với em. Và em thì cố làm ra tươi-tỉnh để anh khỏi bận tâm vì mình. Nhưng trời ơi! Có ai biết những lúc đêm khuya, đôi trẻ mồ-côi ấy, thương cha, nhớ mẹ đến nỗi phải cuộn vạt áo tống vào mồm mà khóc, để khóc không ra tiếng? Cha chúng đã dạy chúng: « đừng để ai thấy nỗi buồn riêng của mình, »

Một buổi sáng chủ-nhật, Hùng về làng thăm em. Anh ở phố ra đi sớm lắm, bởi vì anh muốn được chơi với em lâu, mà chỉ chín giờ là đã lại phải có mặt ở phố để đi làm rồi. Vì thế khi anh về đến đường làng, mặt trời mới nhô lên. Sương bắt đầu tan; một chút nắng làm cánh đồng quê rộng thêm ra, và quang-đãng. Tuy vậy, không-khí vẫn còn lạnh lắm. Gió buốt tựa kim châm; những người làm ruộng vác cày, dẫn trâu ra đồng, không còn tưởng hát nghêu-ngao như những ngày ấm-áp; người nào cũng bưng-bít đầu, tai, mồm chóp chép nhai trầu cho đỡ rét; con trâu mắt loang-loáng ướt, thỉnh-thoảng thở ra từng đám khói... Hùng nghĩ bụng: rét thế này, không khéo Hoạt còn chúi đầu trong chăn. Và định sẽ rón-rén lại chỗ em nằm, khẽ vén mép chăn lên, thọc bàn tay giá lạnh của mình vào cổ em để em giật mình kêu thét lên, và rụt đầu lại như một con rùa gặp nạn. Tưởng tượng ra cái dáng điệu ngộ-nghĩnh ấy, Hùng khe-khẽ cười... Bỗng anh nghe có tiếng gọi: « anh! anh. » anh quay đầu lại và thấy một thằng bé, tay cầm một cái liềm, đang chạy theo chàng. Thằng bé ấy lại gần, mặt hớn-hở:

— Anh về chơi... Sao anh về sớm thế?

Hùng trố đôi mắt kinh-ngạc lên nhìn, rồi ngẩn người ra: thằng bé ấy là em Hoạt mà anh tưởng đang nằm ấm-áp trong chăn ở nhà...

— Sao rét thế mà Hoạt mặc phong phanh quá vậy?

Hoạt cười khanh khách:

— Có ai lại tỉnh thành như anh. Giời này mà mặc nhiều áo đến to sù cả người lên! Em mà thế, chỉ ngốt người lên mà chết.

Tuy Hoạt cố làm ra mạnh-mẽ, nhưng Hùng cũng biết em rét lắm. Khốn nạn! có gì mà chả rét? Hoạt mặc có một cái quần xắn lên gần đến háng, một cái áo nâu bạc cụt tay, và bịt một cái khăn xanh làm bằng một cái dây lưng lụa rách. Mặt và chân tay tím lại, nước mắt ứa ra, đôi vai gầy cứ rung-rung, và hai hàm răng đập vào nhau lập-cập. nhưng cậu bé chẳng co ro, cậu đứng thẳng-thắn, ngực ưỡn ra, như không coi cái rét ra mùi gì...

— Em ra đây làm gì sớm thế?

Hoạt giơ cái liềm ra:

— Em đi cắt cỏ.

— Em phải chăn trâu à? Thằng ở đâu?

— Thằng ở về đến hơn một tháng nay. Em thay nó.

— Thế ra bác nuôi em để em đi chăn trâu đấy!

— Thì đã sao? Những trẻ khác chăn trâu được thì em chăn trâu cũng được; chả lẽ em kém chúng? Vả lại...

Hoạt mỉm cười, cao giọng như lúc đọc bà:

— Ai bảo chăn trâu là khổ. Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa...

Hùng bảo em:

— Thôi ta đi về nhà chơi.

— Anh về trước, em còn phải cắt thêm vài mớ cỏ nữa.

— Không, anh sắp phải đi rồi. Em về sửa-soạn ra phố ở với anh.

Hoạt ngạc-nhiên:

— Anh lấy gì nuôi em được?

— Không sợ, ta rau cháo nuôi nhau thế nào xong thôi; no đói có anh, có em cũng mát ruột.

— Thì anh cứ để em ở với bác cũng được chứ sao?

— Nhưng em cần phải học thêm. Vả lại ở một mình, anh hơi buồn.

— Hoạt cười ranh-mãnh:

— Anh nói giối, con cả của thầy chúng ta chẳng biết buồn là gì cả, anh không buồn.

Hai người đi qua một cái quán bán nước tựa vào gốc một cây đa cổ-thụ. Bà hàng cất tiếng chào:

— Mời ông khách vào xơi nước.

Hùng bỗng thấy thèm một bát chè tươi nóng và một đĩa xôi còn bốc khói, bảo em cùng vào. Hoạt tươi-cười chào bà cụ. Bà cụ vui-vẻ chào lại:

— Tưởng cậu nào, hoá ra thằng Hoạt. Chưa thấy người đã thấy cười! Ấy là mày đói đấy, chứ mày no, thì mày còn cười đến đâu!

Hoạt cãi:

— Ai bảo cụ rằng tôi đói?

— Vâng, thì cậu no!

Rồi vừa rỡ xôi ra đĩa, bà vừa nói chuyện với Hùng:

— Cậu tính làm gì mà chả biết? Sáng ngày ra, nhịn đói đi cắt cỏ; trưa đến khéo lắm được vài bằng miệng bát cơm với tương, tối lại nhịn đói, uống nước lã cầm hơi đi ngủ. Mà nào có ngủ được? chăn mền chả có, đắp một manh chiếu rách, được đầu thì hở chân, được chân thì hở đầu, giời rét như cắt ruột thế này...

Hùng chẳng biết đáp làm sao; anh tưởng như bà cụ kể-lể thế, là để trách anh hững-hờ với em; anh vừa bùi-ngùi thương Hoạt, vừa băn-khoăn trách mình. Nhưng Hoạt đã vừa cười, vừa bảo:

— Bà cụ đến buồn cười! Bây giờ cụ già lão rồi, người ta chưa rét, cụ đã rét, rồi cụ cứ tưởng người ta rét. Tôi thì tôi bất cần!

— Có cần nữa cũng chẳng sao được kia mà.

— Ồ! thế thì bà cụ chưa biết đấy; tôi có một cách trị rét tài-tình lắm kia!

— Chui vào chuồng bò ngủ, phải không?

— Không, thế thì xoàng lắm! Để yên tôi kể cho mà nghe: Có một đêm rét quá, tôi không ngủ được; tôi nghĩ bụng: nếu mình cứ kêu rét thì cái rét nó lên nước, nó càng làm rét hơn; tôi liền nghĩ ra một kế: tôi kêu « bức quá » và lấy quạt ra quạt phành-phạch; ông giời tưởng tôi sợ bức thật, làm bức thêm cho tôi khó chịu; thế là trúng kế! Tôi được ấm, và tôi ngủ say, ngủ cho đến tận lúc mặt giời xói vào mông.

Hoạt đắc-trí, khanh khách cười. Bà cụ cũng cười. Nhưng cười xong, bà lại hỏi:

— Mặt trời xói vào mông hay roi mây của bác mày đét vào mông?

— Thì mặt trời nhẩy vào trước, roi mây nhẩy theo sau, tôi giật mình nhỏm dậy, nhẩy tót ra, thành thử cả mặt trời, cả roi mây đều tưng-hửng!

Bà cụ cười chẩy cả nước mắt. Bà vừa lau nước mắt, vừa bảo:

— Thằng bé lém lỉnh lắm kia, cậu ạ. Mà gan góc lắm: có lần bác đánh cho nát cả mông, mà cấm biết giận đâu; chớ hề có thấy nó phàn nàn, cứ cười đều được.

Hùng nghĩ bụng: cha ta ở dưới suối vàng chắc phải bằng lòng vì em ta đã biết cười những nỗi đau-khổ của chính nó.

Ngay hôm ấy, Hùng xin phép bác để đưa em ra tỉnh học. Anh thuê một căn nhà lá con con, sắm sanh ít đồ dùng cần-thiết, hạng rẻ tiền. Hai anh em sống với nhau rất là sung-sướng. Nhưng sung-sướng đây không có nghĩa là no ấm. Trái lại, Hùng đi làm mỗi tháng được có hơn chục đồng. Một mình sống đã khó-khăn. Bây giờ lại thêm một miệng ăn, và nhất là thêm một món tiêu mỗi tháng hai đồng bạc cho em đi học. Có cố tần tiện lắm cũng chỉ đủ cho anh em bữa đói, bữa no. Quần áo thì luôn luôn thiếu thốn. Nhưng họ vẫn thấy họ sung-sướng lắm. Bởi vì họ yêu thương nhau, và biết quý cái tình yêu thương ấy, hơn tất cả các thứ vàng, bạc, châu báu trên đời. Họ lại hiểu rằng cái vui trong trẻo là vật báu Trời ban cho cả mọi người, kẻ nghèo khổ nhất nếu khôn-ngoan thì cũng có cách mà hưởng được, và nụ cười hiền hậu chính là đóa hoa thơm của tâm-hồn, có thể làm đẹp làn môi của những người xấu nhất... Có đêm, kéo cái chăn mỏng lên đắp cho em, Hùng hỏi:

— Em có rét lắm không?

Hoạt âu yếm nhìn anh, vừa cười vừa bảo:

— Em ấm lắm; không cái gì ấm-áp hơn lòng thương của một người anh.

Hùng cảm-động, rơm-rớm nước mắt; Hoạt lại đùa ngay:

— Vả lại cái chăn của chúng ta nó còn chả biết rét nữa là em. Anh thử nghĩ xem: nó phải đắp cho ta, chứ có ai đắp cho nó đâu? Giá ta may một cái chăn để đắp cho nó nhỉ?

Hùng tát yêu vào má em:

— Em tôi nói vớ vẩn buồn cười tệ!

Và hai anh em cùng cười... Cứ thế, mặc đói, mặc rét, mặc những nỗi thiếu-thốn hàng ngày, cuộc đời rất êm-đềm. Hùng đi làm. Hoạt đi học. Anh, em nấu cơm lấy mà ăn. Tối đến, thắp ngọn đèn nho-nhỏ, anh xem sách, em học bài. Những ngày nghỉ hai người dắt nhau đi bộ ra ngoài thành phố, vào các làng chơi, hay chạy nhảy ngoài đồng ruộng. Khi nào có thể bớt ra được, họ giúp đỡ một vài người hành khất trên đường, để được cái vui, thấy nụ cười nở trên những cái môi nhợt-nhạt. Thử hỏi đã mấy ai giầu có dám tự phụ là sung-sướng hơn hai kẻ nghèo-khó yêu đời ấy?

Nhưng một hôm, ông chủ hãng Hùng làm, cho gọi anh lên bàn giấy mà bảo rằng:

— Hiện nay, hãng ngoài này ít việc; chúng tôi phải thải bớt người làm, đáng lẽ anh cũng thuộc vào bọn những người bị thải. Nhưng anh đứng-đắn, tôi muốn giữ lại. Vậy anh có thuận vào làm hãng chính ở Sài-gòn không?

Hùng nghĩ-ngợi. Một người can-đảm không sợ đi xa mà cũng không sợ biệt-ly. Huống chi anh lại cần có việc làm để nuôi thân và nuôi em. Anh nhận lời vào Nam. Ông chủ bảo anh thu xếp một vài hôm rồi đi ngay. Hùng về báo cho em biết. Anh hứa khi vào đến Sài-gòn, lĩnh được lương, sẽ liệu cách đem em vào. Hiện giờ, không đủ tiền cho cả hai người; vả lại anh muốn việc học của em không bị đứt quãng; vào Sài-gòn chưa chắc tìm được trường học ngay... Hoạt không lộ vẻ gì bịn-rịn, bảo anh:

— Em sẽ ngoan-ngoãn như có mặt anh ở nhà. Anh đừng lo gì; một vài tháng nữa có tiền anh sẽ cho em vào.

Hùng thu xếp cho em đến trọ nhà một người quen, làm phu lục-lộ, rồi ra tầu vào Nam.

Một hôm thầy giáo dạy lớp Hoạt thấy Hoạt lên xin thôi học, thầy ngạc-nhiên:

— Còn có một tháng nữa thì nghỉ hè, sao em không học cho trọn niên-học đã?

— Thưa thầy, con phải đi với anh con vào Sài-gòn.

Hoạt nói giối. Anh cũng biết nói giối là một nết xấu. Nhưng anh nói giối đây có phải để làm hại ai đâu? Anh chỉ muốn tránh cho thầy và bạn khỏi phải động lòng thương hại anh. Anh muốn vẫn giữ được nụ cười mà từ-biệt thầy, từ biệt bạn... Thật ra thì anh chẳng thôi học để đi đâu. Anh thôi học chỉ vì không có tiền. Sáng hôm nay người phu lục-lộ cho anh trọ bảo anh rằng: đã đến hơn tháng nay, anh Hùng không gửi tiền về; bác ta đi làm, cũng chả được mấy đồng tiền, không thể nuôi Hoạt được, vậy Hoạt nên về nhà quê ít lâu, để đợi tin tức Hùng... Hoạt sinh lo. Không phải anh lo mình không có chốn nương thân; anh lo cho người anh, có lẽ mắc tai nạn gì, cho nên mới không gửi tiền về cho em được. Nhưng Hoạt lo thế cũng chẳng lâu. Bởi vì anh chợt hiểu: anh có lo mấy đi nữa, cũng chẳng có ích gì cho ai. Lo vẩn-vơ, lo vô ích, lo để chẳng tìm ra được một lối nào thoát ra, chỉ có tổ phí sức mình. Hoạt nên nghĩ cách gì kiếm ăn thì vẫn hơn. Anh hỏi người phu lục-lộ:

— Tôi còn thiếu bác bao nhiêu tiền?

— Một tháng ăn. Nhưng nếu cậu về nhà quê thì cũng không cần trả tôi chỗ ấy. Khi nào cậu Hùng về, hay gửi tiền về sẽ hay.

— Thôi, thế này này: tôi gán những đồ-đạc của anh tôi cho bác trừ nợ đi. Nếu anh tôi về thì anh tôi chuộc lại. Bằng anh tôi không về, thì bác cũng không phải thiệt.

Bác ta bằng lòng. Hoạt từ-biệt vợ chồng bác, ôm gói quần áo, sách vở đi ra phố. Thế là bỗng nhiên anh thành người bơ-vơ. Những trẻ khác gặp cảnh-ngộ ấy, chắc đã khóc òa lên. Hoạt vẫn giữ nụ cười. Bởi vì anh đã có điều dự-định. Ngày ngày đi học, anh gặp ở ngoài phố biết bao nhiêu trẻ nhà nghèo vào trạc tuổi anh. Chúng đã phải đi làm để kiếm ăn. Đứa thì đi đánh giầy, mũ; những đứa khác bán bánh, kẹo, đồ chơi hay nhật-trình. Chúng làm được thì tại sao anh không làm được? Đang đi học mà phải chạy rong đường bán mía, bưởi hay kẹo bột, kẹo vừng, có gì là đáng xấu hổ đâu? Làm lụng để kiếm ăn không có gì là xấu. Chỉ những kẻ rời cơm cha áo mẹ ra, không còn biết xoay-xở thế nào cho ra miếng cơm ăn, mới thật là hèn kém. Hoạt, Hoạt sẽ vui vẻ cắp thúng hàng vừa đi vừa rao mà không ngượng-ngùng...

Gặp một thằng bán lạc rang, Hoạt vẫy tay gọi lại. Thằng bé mau mắn đến:

— Cậu mua lạc mặn hay lạc nhạt?

Hoạt vỗ vai nó, bảo:

— Cậu cậu, cháu cháu gì! tôi với anh cùng bọn mà....

Nó ngơ ngác nhìn Hoạt như không hiểu Hoạt định nói gì. Hoạt bật cười, nắm tay nó kéo đi, và vừa đi, vừa hỏi:

— Tôi hỏi thật anh: anh là con ai thế?

— Tôi không biết!

— Sao mà kín-đáo thế? anh làm như tôi là mật-thám.

— Tôi không biết thật, bố mẹ tôi chết từ bao giờ rồi.

Thế anh ở với ai?

— Tôi ở với bà Cai.

— Bà Cai làm nghề gì?

— Bà Cai mù, trước vẫn li bán hàng rong, nên nuôi tôi để tôi giắt đi. Bây giờ bà yếu quá, mà tôi đã nhớn, nên bà ở nhà làm hàng, tôi đi bán, mà nuôi bà ấy.

— Ồ, anh ngoan quá nhỉ?

— Chuyện! bà Cai nuôi tôi ngay từ hồi còn bé con.

Hoạt ngừng một lát rồi bảo nó:

— Tôi bàn với anh việc này nhé? Tôi có năm hào, tôi chung vốn với anh, anh nói với bà Cai cho tôi đi bán với.

Nó toét mồm ra cười:

— Cậu đùa tôi làm gì?

Nhưng Hoạt nghiêm-trang bảo nó:

— Thật đấy. Bây giờ cũng trưa rồi, anh có về cho tôi theo về, nhà anh ở đâu?

— Nhà tôi ở đường goòng, ở mãi ngoài thành-phố kia.

— Được, anh cứ cho tôi về. Hai người ở với nhau càng vui. Tôi nói chuyện buồn cười lắm! Lúc nào rỗi, tôi dạy anh học quốc-ngữ để mà đọc sách, thích lắm.

Rồi vỗ tay vào mấy quyển sách, Hoạt bảo:

— Tôi khối sách, anh trông đây này.

Chỉ mấy hôm sau, người ta đã thấy Hoạt mặt láu-lỉnh, mắt nhanh nhẹn, cái mũi đỏ hếch lên, tay cắp một cái thúng con, nhảy lẫng cẫng như sáo từ phố này sang phố khác. Những người gọi Hoạt vào mua một vài xu lạc đều phải bật cười vì cái vẻ ngộ-nghĩnh, và nhất là vì những câu nói đùa cợt của thằng bé lhông-minh này. Chúng tôi bắt đầu biết Hoạt từ hồi ấy...

Một buổi tối, anh tôi và tôi đang ngồi học thì « kẹt » một cái, cánh cửa hơi hé mở. Tôi ngửng lên nhìn, và thấy một cái mũi đỏ như con tôm luộc chín nhô vào. Tôi bật cười. Anh tôi đang đọc sách chăm-chú, gắt với tôi:

— Cái gì vậy?

Cái mũi đỏ trả lời tranh tôi:

— Cậu vừa gọi lạc rang?

Tôi càng cười. Anh tôi nghiêm-nghị:

— Mày điên hay sao thế?

Tôi nói bằng tiếng pháp, có ý để mộ mình anh tôi hiểu:

— Regarde son nez! (anh nhìn mũi nó mà xem).

Tôi ngạc-nhiên khi thấy anh bán lạc đứng ngay-ngắn như lính « gác-đa-vu », một tay chỉ lên mũi ra chuyện hiểu câu tôi nói bằng tiếng pháp, rồi bỗng khanh-khách cười. Anh tôi quay lại bảo:

— Cậu bé cũng biết tiếng tây đấy nhé, thằng Nam từ rầy chừa bặng-nhặng. Mà nhớ không bao giờ được vô-lễ nói tiếng Pháp để chế-riễu người.

Cậu bé đừng giận nhé.

Hoạt mỉm cười.

— Trái lại, cái mũi của tôi đang phổng lên đây này.

Được người ta nói đến, còn gì khoái hơn.

— Nhưng sao nó lại đỏ quá thế nhỉ? hay là anh nhuộm?

— Ồ, nó có một cái lịch-sử ly-kỳ lắm kia. Các cậu mua giùm tôi vài xu lạc, tôi kể cho mà nghe.

Anh tôi vui-vẻ bảo:

— Được, rồi tôi sẽ mua cho cậu cả năm xu. Cậu ngồi xuống ghế này mà kể.

Anh bán lạc xin phép, rồi ngồi xuống ghế, làm ra vẻ nghiêm-trang, đằng hắng một hồi, rồi kể rằng:

— Ngày xưa có một thằng bé tên là Hoạt, tính tham ăn mà láu-lỉnh. Nó có một cái tài rất lạ, là ăn cà-chua sống mà không nhăn mặt. Một hôm, có thằng con người hàng xóm có một qủa cà chua đỏ mọng. Nó lại gần thằng kia, bảo rằng: « Tao biết một trò qủy-thuật rất hay; tao có thể bỏ qủa cà chua của mày vào mồm nuốt đi, rồi lại hắt hơi cho nó bật ra đằng mũi ». Quả-nhiên thằng bé ngờ-nghệch nọ mắc mưu, nó đưa qủa cà chua cho Hoạt, đố Hoạt làm cái trò lạ ấy. Hoạt thích trí nuốt liền. Nhưng nuốt xong còn phải tính sao để có thể hắt hơi cho nó bật ra. Nó bảo thằng bạn nhìn vào mũi nó. Nó định hắt hơi một cái rồi ù té chạy, Nhưng vừa hắt hơi xong thì bạn nó kêu lên: « tài thật! » Hoạt ngạc-nhiên lấy gương soi: thì qủa thật có một qủa cà chua to tướng dính vào mặt Hoạt, nó cứ dính mãi đấy rồi lâu dần thành cái mũi.

Tôi bẻ luôn:

— Thế trước kia anh không có mũi à?

Hoạt thản-nhiên trả lời:

— Làm gì có! Nếu có mũi, thì đã không ngửi được câu truyện vô-lý này.

Từ hôm ấy, mỗi chiều chúng tôi mua cho Hoạt vài xu lạc. Càng ngày tôi càng nhận ra Hoạt vui tính, nhưng vẫn có lễ phép, không thô-tục, sỗ-sàng; vì thế chẳng bao lâu, chúng tôi thành thân nhau. Nghiệm ra rằng anh tôi hay cắt nghĩa bài cho tôi vào lúc tám giờ, Hoạt hay đến vào giờ ấy, xin phép anh tôi cho ngồi nghe chung với tôi, rồi lại mượn cả vở của tôi để chép đầu bài đem về nhà làm nữa. Thấy Hoạt ngoan-ngoãn và có chí, anh tôi bằng lòng. Hoạt nghiễm-nhiên thành học-trò anh tôi. Chỉ mấy tháng sau, sức học anh đã không kém tôi mấy tí. Anh tôi khen vô cùng...

Thấm-thoát đã lại gần đến tết. Mấy ngày cuối năm, tấm lòng nhỏ bé của chúng tôi thấy nao-nao. Ở trường cũng như ở nhà, người ta bắt đầu nói truyện tết, và học hơi chểnh-mảng. Hoạt cũng nghỉ học, không phải để vui-đùa, nhưng để cố chạy gạo để dành, ăn trong những ngày tết không đi bán hàng... Mãi đến tối ba mươi, chúng tôi mới lại thấy anh đến. Anh tôi và tôi đang ngồi cắn hạt dưa ở nhà ngoài. Chúng tôi chào Hoạt bằng những tiếng cươi vui. Anh cũng đáp lại chúng tôi như thế. Nhưng tôi nhận thấy mặt anh có vẻ gì khang-khác. Anh lại gần bàn chúng tôi, nói mấy tiếng gì lí nhí, rồi ù té chạy. Bấy giờ chúng tôi mới kịp trông thấy một gói giấy anh đặt lên trên bàn. Anh tôi mở ra xem: đó là một gói lạc rang toàn những hạt to, có lẽ vừa mới rang nên hãy còn âm-ấm. Anh tôi có vẻ cảm-động lắm, cầm lấy gói lạc chạy vào nhà trong. Tôi theo vào. Thầy mẹ tôi đang nằm ăn mứt, uống rượu mùi. Anh tôi giơ gói lạc ra khoe:

— Me ơi học-trò con tết con đây này.

Me tôi cầm lấy gói lạc hỏi:

— Học-trò nào?

— Một thằng bé bán lạc, học giỏi chẳng kém gì em Nam.

Thầy tôi lộ vẻ ngạc-nhiên. Anh tôi kể lại cuộc đời của Hoạt, và không tiếc lời khen Hoạt lanh-lợi, thông-minh, ngoan-ngoãn, và có chí. Thầy tôi nghe xong nhìn me tôi. Me tôi tỏ ý thương-hại Hoạt. Đang lúc vui người ta dễ nhân-từ. Có lẽ vì thế, mà thầy tôi bảo:

— Mai kia các con dẫn nó vào thầy xem. Nếu quả thật nó ngoan-ngoãn, thì thầy sẽ nhận làm con nuôi.

Thế là sau tết ấy, Hoạt được ngày ngày cắp sách đi với tôi đến trường. Thầy me tôi coi Hoạt như con đẻ, bởi vì tự ngày có anh, nhà tôi cũng vui thêm. Hơn thế nữa, theo gương anh, tôi bắt đầu tập sống giản-dị, ưa dè-sẻn, và thích học những công-việc lặt-vặt làm bằng tay. Tuy nhà sẵn đày-tớ, những ngày nghỉ, chúng tôi vẫn tự giặt quần áo lấy, đánh giầy, đánh mũ lấy, và có khi lại xuống bếp làm cơm lấy mà ăn. Nói tóm lại, tôi đã bỏ cái thói lười-biếng của một đứa trẻ nhà giầu, để tập cho thành một đứa trẻ nhanh-nhẹn, chăm-chỉ, tháo-vát, có thể chịu kham-khổ.

Tôi yêu Hoạt như một người anh. Mà có ai không yêu Hoạt được? Chỉ vì anh không biết giận ai bao giờ. Ở trường, anh có cách chỉ dùng một nụ cười, cũng đủ để các bạn có cảm tình, cùng anh ngay. Tôi còn nhớ có lần bao nhiêu bạn xúm xít lại chế cái mũi đỏ của anh. Mới đầu tôi cũng buồn cười. Nhưng sau thấy anh em làm quá, tôi tức lây cho Hoạt, sừng-sộ giơ nắm tay lên mà bảo:

— Đứa nào nói nữa, tao đấm vào mặt cho mà biết tay.

Hoạt đứng lên giơ ngay cái mũi đỏ chót ra:

— Nam đấm ngay vào cái qủa cà-chua này, cho nó bẹp đi cho rồi!

Tôi bật cười. Tất cả anh em đều cười. Hoạt vui vẻ bảo:

— Bây giờ các anh ngồi cả xuống đây mà nghe tôi kể truyện cổ-tích cái mũi cà-chua.

Tôi xua tay:

— Không nghe nữa! Không nghe nữa! tôi biết rồi.

— Biết thì anh thử kể đi xem nào.

— Ngày xưa có một thằng bé tên là Hoạt, tính tham ăn...

— Ồ, thế thì không phải rồi. Câu chuyện của tôi khác.

Cả bọn nhao nhao lên:

— Thì kể đi!... Kể đi xem nào!.. Kể đi!

Hoạt giơ tay ra hiệu cho họ ngồi im, rồi kể:

— Ngày xưa có một thằng bé chăn trâu là Hoạt. Nó có một cái mũi y như mũi tôi, nghĩa là đỏ như qủa cà chua. Nó ở chăn trâu cho một bà bác, mắt cặp kèm, mà tính cẩn-thận đúng như những người đời cổ. Bà bác ấy phải một cái tật là thổi cơm lâu. Mỗi lần đi cắt cỏ về, thấy chưa được ăn. Hoạt hay lăn vào đống rơm ở xó bếp làm một giấc. Bà bác mắt cập kèm nên không biết. Một hôm bà định nấu cà chua, không biết lỡ tay thế nào, bà đánh rơi một quả, nó lăn vào tận đống rơm. Bà chạy lại và nhặt lấy, không ngờ đó lại là cái mũi của thằng cháu đang ngủ mệt. Thấy có người nắm mũi. Hoạt giật mình tỉnh giậy. Trông thấy bác một tay bóp mũi mình một tay cầm con dao, nó hoảng-sợ kêu rầm lên như bò rống...

Chúng tôi cười đến gần bò ra sân trường. Hoạt đợi cho cười chán rồi mới bảo:

— Rồi các anh có biết ra thế nào nữa không? Từ hôm ấy bà bác thằng Hoạt đã cẩn, lại cẩn thận hơn. Mỗi lần muốn thái một qủa cà-chua, bà soi lên tận mặt nhìn và hỏi: « có phải mũi mày đây không Hoạt? « không thấy quả cà-chua trả lời, bà mới đặt xuống thớt mà thái ra.

Những cách khuôn xử khéo léo như thế, Hoạt không thiếu gì. Anh biết cách lấy nụ cười mà hòa-thuận với người và làm người hòa-thuận với nhau. Ai chán-nản đến đâu, đến gần anh, cũng phải vui, phải hăng-hái và thêm hi-vọng. Ngót gần năm giời ở cạnh anh, tôi chưa thấy anh cau-có hay bơ-phờ một lần nào. Cho nên có lúc tôi ngờ anh là người vô-tâm, đã quên cả người anh biệt tăm ở trong Nam rồi.

Nhưng tôi bỗng có dịp biết tôi nghĩ nhầm.

Hôm ấy là ngày nghỉ. Tôi đang đọc sách một mình thì có tiếng gõ cửa. Tôi bảo: « Cứ vào », Cánh cửa mở ra và một người đàn ông trạc hai mươi tuổi chào tôi và hỏi tôi:

— Cậu làm ơn bảo tôi: đây có phải nhà cụ phán Vinh?..

— Chính phải, ông hỏi thầy tôi có việc gì?

Người khách có vẻ cảm-động, ngập-ngừng chưa muốn nói. Đang lúc ấy, thì Hoạt ở trong nhà đi ra. Hoạt nhìn người lạ. Người lạ nhìn Hoạt...

— Anh Hùn!

— Em! Em Hoạt!

Và hai người ôm choàng lấy nhau. Đến lúc họ buông nhau ra, thì tôi thấy mắt cả hai người cùng đẫm nước. Lần đầu tiên, tôi được xem Hoạt khóc. Nhưng anh khóc đây là vì vui...

Thật ra thì Hoạt chẳng quên anh. Thỉnh-thoảng Hoạt vẫn lại nhà người phu lục-lộ xem có thư từ gì không. Nhưng một ngày kia, người phu lục-lộ cũng giọn đi. Cái nhà lá bỏ không ít lâu, rồi người ta phá đi để xây nhà gạch. Hoạt không còn hy-vọng gì được thư anh. Nhưng anh không tuyệt-vọng. Anh hỏi han tin tức các bạn cũ của Hùng. Rồi những khi có thể, anh lại ra ga vào giờ có tàu đi Sài-gòn; mong có người quen nào mà nhắn. Anh đã gặp được vài người làng họ hứa nếu gặp Hùng thì nói cho...

Hùng vào đến Nam mới được hơn một tháng thì ốm nặng, phải nằm nhà thương. Anh mệt đến nỗi không thể viết thư cho em được. Mấy tháng sau, có thể viết được, thì thư lại bị trả lại. Ấy là vào hồi người ta phá cái nhà lá đi. Vì thế, anh em không được tin-tức gì của nhau. Nhưng Hùng tin chắc rằng em mình đủ can-đảm để tìm một cách gì để kiếm ăn. Anh chỉ cố làm và dành-dụm tiền, để đợi ngày về Bắc. Cho đến một ngày kia được tin em, do một người làng cho biết. Gặp dịp có thể xin đổi về Bắc được, anh xin đổi về.....

Hùng đòi gặp mặt thầy me tôi và tỏ ý cám ơn. Thầy tôi cười mà bảo:

— Chính chúng tôi phải cám ơn cậu mới phải: em Hoạt đã đem cái vui vào nhà chúng tôi.

Rồi không những không cho Hùng đem Hoạt đi, thầy tôi còn bảo anh: nếu có tiện thì cậu cứ ở luôn với chúng tôi, nhà còn rộng, đừng ngại gì hết. Thấy chúng tôi thực tình, Hùng nhận lời. Nhờ vậy, Hoạt và tôi không phải rời nhau. Tôi sướng lắm...

Nhưng mấy tháng sau, Hùng có dịp làm ăn khá giả hơn, thu-xếp để vào Nam. Lần này, anh đưa cả Hoạt cùng đi. Và đây là lần thứ nhất trong đời tôi tôi biết cái sầu ly-biệt Trong khi cả nhà tôi giúp anh em Hùng sắp sửa hành lý, tôi chỉ đứng đờ người ra. Tôi cứ quanh-quẩn bên Hoạt, chẳng biết nói gì, thỉnh-thoảng lại thở dài. Hoạt trái lại, vẫn tươi cười. Tôi ngẫm-nghĩ cũng hơi phật ý. Bây giờ Hoạt được đi theo anh, sung-sướng lắm, còn lưu-luyến gì tôi! Tôi đã gần muốn nói những lời chua-chát. Nhưng Hoạt sửa-soạn xong, cười với tôi mà bảo:

— Sao Nam thờ-thẫn thế?

— Từ ngày mai, đã chẳng còn được trông thấy mặt nhau...

Hoạt cười khanh-khách:

— Nam gàn lắm. Chẳng được thấy mặt thì thấy mũi!

Rồi thấy me tôi đứng đấy nhìn chúng tôi một cách bùi-ngùi, anh bảo:

— Mai, bà nấu cho anh Nam một bát canh mũi con nhé!

Me tôi không hiểu, hỏi:

— Canh gì?

— Canh mũi con ấy mà.

— Canh mũi con là canh quái gì?

— Canh nấu bằng cái mũi của con nghĩa là cà-chua ấy mà...

Me tôi và tôi bật cười. Hoạt đã gân cổ lên mà hát: « ...Anh em ta, dù cay đắng muôn phần nhưng cứ cười... »

Tôi cũng hát theo. Mồm chúng tôi cười nhưng chúng tôi đều rơm-rớm nước mắt.

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)