Bước tới nội dung

Nửa chừng xuân/Ân nhân

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Khi ra tới nhà ga Hà Nội, Mai ngước mắt nhìn lên cái đồng hồ to tướng, to bằng cái mặt nguyệt chùa làng Mai, thì hai cái kim đen nháy mới trỏ 12 giờ trưa. Mà mãi 1 giờ 50 mới có xe hỏa đi Phúc Yên. Trước khi từ biệt chị, Huy đã mở quyển sổ tay có bảng giờ xe chạy ra xem và dặn chị kỹ càng. Nhưng vì Mai chẳng biết làm gì, nên cũng hỏi đưòng, thủng thẳng đi bộ ra ga cho có việc và khuây nỗi buồn bực.

Mai buồn thực, buồn lắm, vì ban nãy, khi lên chào hai bác, xin phép tiễn em vào trường, rồi ra ga về quê, Mai đã được nghe hai bác nói nhiều câu làm khổ tâm cho Mai. Nào những: "Không có tiền thì học với hành gì?" Nào những "Con gái nhớn thế kia, mà dám một mình dấn thân đi Hà Nội". Rồi bà phán bàn, bà phán dỗ Mai ở đây với bà để làm bầu bạn cùng các chị em cho vui. Rồi ông phán khuyên Huy hãy tạm nghỉ học, ở đấy dạy các anh, để chờ kỳ thi trợ giáo, hoặc thừa phái.

Huy tính nóng nảy trả lời ra giọng không bằng lòng:

- Thưa hai bác, cứ để chúng cháu tự lập lấy thân.

Bác phán cười gằn:

- Ừ, thì tự lấp lấy thân!

Còn Mai, nghe lời hai bác, Mai chỉ đứng ngẫm nghĩ suy xét... Cô trông thấy rõ ràng con đường mà ông phán định tâm hay là không chủ ý muốn đưa hai chị em cô đi qua. Theo tưởng tượng của cô, thì con đường ấy bao giờ cũng chỉ tới một cái đích chắc chắn: Suốt đời làm nô lệ. Cô đã thấy ở làng cô biết bao cháu gái vì nhà nghèo mà trở nên đầy tớ nhà bác, nhà chú, nhà cô, nhà dì.

Song cô chỉ mỉm cười, cố giữ nét mặt tươi tỉnh, ồn tồn đáp lại:

- Chúng cháu vẫn biết hai bác thương chúng cháu lắm. Vậy chúng cháu xin phép hai bác về quê thu xếp công việc rồi chúng cháu xin tuân theo lời hai bác.

Rồi cô nhách một nụ cười cúi chào cáo biệt.

Cái nụ cười ấy vẫn còn ở cặp môi cô, khi cô đứng ở hiên ga hạng tư chờ giờ xe chạy. Những điều cô bàn định tối hôm qua với em, những điều suy tính với em khi đi đường từ nhà lên trường sáng hôm nay, khiến cô chứa chan hy vọng... Cô mải nghĩ đến công nọ, việc kia cùng là xếp sẵn trong trí cái đời lý tưởng, đến nỗi không lưu ý đến cảnh rộn rịp của nhà ga trước giờ xe chạy.

Bỗng Mai giật mình quay lại. Một người con gái bán bánh và trầu nước đặt phịch cái thúng xuống thềm ga mời cô:

- Cô xơi bánh giò nhé?

Mai lắc đầu từ chối. Cô nhớ đến số tiền trong túi: tất cả cơ nghiệp còn có hai đồng bạc. Đó là món tiền ông phán cho hai chị em cô buổi sáng, nhưng Huy nhất định không chịu nhận, nhường cả cho chị, lấy cớ rằng ở trong trường thì không cần gì đến tiền. Cô mỉm cười nói một mình:

"Hai đồng bạc món này là món tiền cuối cùng của họ hàng giúp ta".

Có tiếng còn huýt, Mai ngơ ngác hỏi người bán bánh:

- Chết! Tầu chạy rồi à, bác?

- Phải, chạy rồi!... Cô đi đâu?

- Tôi đi Thạch Lỗi.

Người kia cười:

- Ngỡ là gì! Thế thì còn sớm chán. Đấy là tầu Bắc đấy! Tàu Phúc Yên mãi một giờ năm mươi mới chạy, chạy sau cùng.

Rồi vừa mở chiếc bánh giò vừa nằn nì:

- Cô xơi cho em chiếc bánh giò nhé? Bánh còn nóng nguyên, ngon lắm cô ạ.

Mai ôn tồn đáp:

- Tôi cảm ơn cô, tôi vừa ăn cơm.

Bấy giờ phòng phát vé hạng tư càng tấp nập huyên náo. Người gồng gánh, kẻ bế bồng, kẻ dắt díu. Trong số hành khách, Mai thấy có nhiều người sang trọng, trong lòng lấy làm lạ. Vì Mai vẫn yên trí rằng những bà vận áo nhung, áo mùi, cùng là những ông âu phục rực rỡ như kia, thì không bao giờ đi lẫn vào hạng người nghèo khó như mình. Cảm tưởng ấy không những không an ủi được Mai là đã được đứng ngang hàng với kẻ hơn mình trong khoảnh khắc, như nó có thể an ủi nhiều người trong hạng bình dân; mà trái lại, Mai ngẫm nghĩ, thở dài, vơ vẩn tưởng đến những cảnh gia đình sa sút. Là vì, sự liên tưởng xui nên, Mai ngắm cái cảnh rực rỡ với cái cảnh tồi tàn đứng gần nhau, thốt nhiên những ý nghĩ trái ngược, so sánh xô đẩy nhau vào trong tâm trí Mai, bắt Mai không thể không nhớ tới những quãng đời đẹp tốt, sung sướng khi xưa.

Tiếng dập vé tí tách khiến Mai chợt nghĩ tới giờ xe chạy, vội vàng cầm đồng bạc vào lấy vé.

Tuy thế mà vẫn còn sớm quá. Mai ra sân sau ga nhìn cái đồng hồ treo ở hiên thấy kim mới trỏ hơn một giờ. Còn những nửa giờ nữa xe mới chạy. Song Mai cũng hỏi thăm xe Phúc Yên lên ngồi giữ chỗ.

Chiếc toa Mai chọn ở liền ngay toa hạng ba. Vì Huy có dặn chị rằng càng những toa về phía sau, càng đỡ than khói. Mai tìm chỗ có mấy bà nhà quê ngồi nói chuyện cho vui. Cô biết rằng ngồi đối diện với các bà tính tình chất phác ấy thì bao giờ cũng có chuyện. Như thế thì chắc sẽ đỡ sốt ruột, đỡ phải nghĩ quanh nghĩ quẩn tới những việc đâu đâu.

Mai đoán quả không sai. Cô đương ngơ ngác nhìn tìm chỗ, thì một bà lão ngồi bên hai người con gái cùng vận áo vải nâu, gọi cô mà bảo rằng:

- Này, cô lại đây ngồi cho vui.

Mai tươi cười nhận lời ngay.

Mấy người đương mải chuyện trò huyên thuyên, nào về mùa màng, về buôn bán, nào về phong cảnh Hà Nội thì Mai bỗng để ý tới một chàng âu phục ở toa hạng ba vừa xuống, đi đi lại lại trước mắt cô.

Chàng đăm đăm nhìn cô khiến cô ngượng nghịu phải giả vờ quay lại phía hai người con gái ngồi bên, nói chuyện vơ vẩn. Bà lão mau mồm tươi cười hỏi:

- Thầy muốn tìm chỗ phải không? Mời thầy ngồi đây, còn rộng chán.

Rồi bà ẩy Mai và hai người con gái về phía bên kia để xếp chỗ.

Chàng công tử bẽn lẽn trả lời:

- Thưa cụ, tôi cảm ơn cụ, tôi đi tìm người bán hàng mua gói thuốc lá.

Rồi chàng đi tuốt lên đâu toa hạng tư. Lúc trở về, chàng lại đứng sững nhìn Mai. Bà lão lấy làm khó chịu hỏi xẵng:

- Ông muốn hỏi gì?

Chàng kia ôn tồn trỏ Mai đáp lại:

- Thưa cụ, cô... đi với cụ...

- Phải, ông quen cô ấy hay sao?

- Vâng, tôi như có quen.

Mai xấu hổ, hai má đỏ ửng, cúi đầu ra ngoài nhìn xuống sân ga. Song thấy chàng kia nói có quen mình nên vội quay lại liếc nhìn qua. Không nhận ra là ai, thì cô cho là người kia muốn trêu ghẹo, lại càng bẽn lẽn lắm.

Nhưng chàng công tủ vẫn đứng trước mặt cô và đối với cô, chàng không có chút gì là tỏ ra bộ dạng lẳng lơ bỡn cợt. Chàng lại gần se sẽ hỏi:

- Thưa cô, cô có phải là cô Mai, con cụ tú Ninh Bắc không?

Mai ngước mắt nhìn lên rồi hỏi:

- Thưa ông, sao ông biết tôi?

Chàng kia cười:

- Thế ra cô quên tôi rồi? Tôi là Lộc...

Mai vui mừng hỏi:

- Cậu Lộc, con quan huyện Kim Anh?

- Vâng, chính tôi là Lộc. Nhưng thầy tôi không làm tri huyện nữa đâu. Thầy tôi đã thăng đến án sát và mất rồi.

- Khổ! Thế cậu bây giờ làm gì?

- Tôi làm tham tá ở Hà Nội.

Mai cười:

- Chóng nhỉ. Mới ngày nào!...

Lộc đỡ lời nói luôn:

- Đã bảy tám năm nay, cô còn bảo mới ngày nào.

Bẩy năm về trước, quan huyện Kim Anh có mời cụ tú Lãm đến dạy hai cô con gái học chữ nho. Bấy giờ cụ tú gặp lúc quẫn bách vì luôn mấy năm buôn gỗ bị thua lỗ, cái vốn dăm sáu nghìn đã gần khánh kiệt, nên thấy người bạn xưa muốn tìm cách giúp đỡ thì nhận lời ngay.

Cụ tú lúc đó mới góa vợ nên đưa cả con gái lên huyện cho tiện đường dạy dỗ, còn Huy thì cụ cho trọ học nhà ông phán Hai ở Hà Nội.

Trong hai năm, mỗi lần nghỉ lễ, hoặc nghỉ hè, Lộc về chơi nhà đều gặp Mai. Khi ấy Mai mới 11 tuổi mà Lộc thì đã lớn, và theo học ở lớp ba trường Trung học Tây.

Lộc coi Mai như một người em nhỏ, và yêu quý Mai lắm, mỗi lần ở Hà Nội về mua quà cho hai em thức gì cũng mua cho Mai thức ấy.

Mai nhẩm ôn lại chuyện xưa, mủm mỉm cúi xuống nhìn guốc nói:

- Thế ra ông là anh Lộc của em đấy?

Mai cảm động buột mồm nói ra câu quá thân mật. Cô thẹn thùng, hỏi chữa luôn:

- Thưa ông, thế cô Lục và cô Thanh nay ở đâu?

Lộc như hiểu ý nghĩ của Mai đáp lại:

- Thì cô cứ gọi tôi là anh như xưa cũng được chứ sao. Em Lục lấy chồng đã vừa có cháu, em Thanh thì hãy còn ở nhà me tôi... Thế còn em... còn cô, nay chắc cô cũng xuất giá rồi chứ? Đấy cô coi tôi cũng biết chữ nho đấy.

Mai thẹn không trả lời. Lộc nhắc lại câu hỏi:

- Thế nào, tôi hỏi cô đã có chồng chưa, sao cô lại không đáp?

- Thưa ông, em nghèo thế này thì ai lấy.

- Thế sao tôi không nghèo mà cũng chưa ai thèm lấy tôi?

Mai nghe câu nói cho là Lộc có ý muốn ghẹo, và hiểu ngay rằng ông anh thủa nhỏ, nay không còn thể nhận là anh được nữa. Bởi thế, cô ngồi im, giữ nét mặt nghiêm trang, rồi quay ra nói chuyện với bà cụ ngồi bên:

- Ngày trước, thầy tôi ngồi dạy học ở nhà cụ thân sinh ra quan tham đây.

Ngắm nghía Mai, Lộc sửng sốt hỏi:

- Vậy ra cụ tú đã...

- Vâng, thầy em mất rồi.

- Thương hại! Cụ tú là người hiền lành thông thái thế... Nhưng hình như cô còn một em trai nữa thì phải, tôi nhớ ngày xưa, cô thường nói chuyện đến cậu em.

- Vâng, em Huy, nay em đương học năm thứ ba trường Bưởi.

- Thế kia à? Thế năm nay, cậu Huy bao nhiêu tuổi?

- Em nó mười sáu.

- Mười sáu mà đã học năm thứ ba. Khá đấy!

Mai thở dài, không trả lời. Lộc lại hỏi:

- Tôi xem ra cô buồn rầu lắm. Nếu cô có cần tôi giúp đỡ cô điều gì thì cô cứ nói. Tôi vẫn có thể coi cô là một người em như khi xưa kia mà!

- Cảm ơn ông.

Rồi Lộc hỏi đến việc học, đến gia bản, đến họ hàng thân thích nhà Mai. Trước Mai còn giấu, nhưng sau thấy người bạn xưa săn sóc đến mình một cách thành thực thân mật, thì liền đem hết chuyện thực ra kể.

Lộc cảm động đứng lặng nghe không nói, không ngắt lời, mà bà lão cũng chạnh lòng thương mến, sẽ kéo áo Lộc:

- Ông ngồi xuống, chứ đứng mãi thế mỏi chân.

Mọi người mải về câu chuyện đến nỗi xe đã chạy mà vẫn không biết.

Đến lúc xe qua cầu, làm át cả tiếng nói. Lộc phải ghé gần lại mới nghe rõ.

Mai thấy thế, hơi ngượng, ngừng bặt câu chuyện rồi trỏ ra ngoài nói:

- Thôi, xin hãy tạm xếp câu chuyện để ngắm cảnh sông đã, chứ xe chạy trên cầu tiếng kêu ầm ĩ lắm, chẳng nghe thấy gì hết.

Mai tì tay lên bao cửa nhìn xuống con sông sâu thẳm, nước đỏ lờ đờ, điểm hạt mưa xuân lấm tấm. Chiếc buồm trắng con con xen lẫn vào bọn buồm nâu sắc thẫm, to bản, cột cao, rồi theo dòng nước, theo chiều gió trôi đi như lướt trong cảnh rộng bao la, mà biến vào đám xa xa mờ mịt. Mai thở dài lo sợ vẩn vơ cho số phận chiếc thuyền con, lại chạnh nghĩ vơ vẩn đến số phận mình...

Ngày xưa, khi cô học chữ nho, thường thấy cụ tú làm những bài thơ nôm có câu "chiếc bách giữa dòng". Nay cô mới ở trước cái cảnh chiếc buồm con bạt gió, cô mới hiểu tới nghĩa sâu xa của câu thơ. Phải, cô cũng chỉ là một chiếc bách giữa dòng...

Xe hỏa sang bên kia cầu đã lâu, mà Mai vẫn còn tựa cửa nhìn ra ngoài, vì cô có cái cảm giác Lộc đương nhìn cô nên cô ngượng mà không dám quay lại.

Xe từ từ dừng bánh trước ga Gia Lâm. Mai mỉm cười, tưởng tượng trời đương mưa gió sấm sét bỗng tạnh bặt.

- Cô nghĩ gì thế?

Mai quay đầu lại, Lộc vẫn ngồi bên cạnh. Cái nụ cười của cô vẫn còn nở trên cặp môi thắm, khiến Lộc nhìn cô rồi cũng cười.

Và chàng nhắc lại câu hỏi:

- Cô nghĩ gì mà trông cô như vẻ tư lự?

- Thưa ông, em đương nhớ tới ngày xưa.

- Thế cô có nhớ tôi cái thời kỳ ở Kim Anh không?

Mai không đáp. Lộc nói tiếp luôn:

- Tôi thì tôi nhớ lắm. Ngày ấy cô mới mười một tuổi mà cô đã vấn tóc như người lớn. Nhưng có lẽ chỉ người lớn được mỗi một cái khăn, còn ngoài ra vẫn trẻ con lắm. Một hôm tôi về thăm nhà, gặp cô hai má đen xì những vết mực.

Mai thẹn cúi mặt. Bấy giờ có mấy người bán hàng cơm lên xe hỏa nghiêng và dồn hòm ầm ĩ lên toa, làm hai người phải ngừng lại. Lộc ngồi ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo Mai:

- Câu chuyện ngày xưa có lẽ không quan hệ bằng câu chuyện ngày nay. Ban nãy cô có nói cô về bán nhà bán đất, để lấy tiền trả học phí cho cậu... cho cậu em. Nhưng nhỡ ra, cô không bán được thì sao?

- Bán rẻ thì thế nào cũng có người mua.

- Đã biết đâu! Mà cô bán nhà rồi thì cô ở vào đâu? Cô nói cô thuê nhà ở làng Bưởi, nhưng cô thân gái... tôi e ngại lắm.

Hai người cùng quay ra nhìn xuống sân ga... Lộc nhắc lại:

- Phải, tôi e ngại lắm.

Mai buồn rầu đáp:

- Thưa ông, lúc này là lúc phải liều. Thế nào em cũng phải để em Huy học đến nơi đến chốn. Mà muốn được thế thì chỉ còn một cách là bán nhà... Và nếu ông lo ngại cho em thân gái thì ở đâu mà không lo ngại. Ở nhà quê đã chắc đâu tránh khỏi bọn cường hào hà hiếp? Dẫu sao, em vẫn nhớ lời nguyện vọng cuối cùng của thầy em: là để em Huy học thành tài và trở nên người hữu dụng.

Lộc mỉm cười:

- Nhưng còn cô?

Mai ngơ ngác:

- Em không hiểu.

- Tôi hỏi: còn cô thì cô trở nên gì? Từ nãy tới giờ tôi chưa hề thấy cô tưởng đến cô.

- Tôi ấy à?

Mai hơi lấy làm lạ. Vì thực ra cũng không mấy khi cô tự nghĩ đến cô.

Lộc thấy Mai ngơ ngác thì thương hại.

- Hay tôi bàn lẽ này, cô nghe có tiện không: Cậu Huy đã muốn thôi học đi làm thì cô cứ để cho cậu ấy thôi học. Cậu Huy có thể ra ở tạm đằng nhà tôi, rồi tôi tìm giúp việc cho.

- Cảm ơn ông, nhưng em Huy nó khó tính lắm, nó chả chịu nghe thế đâu. Đến ở nhà đằng bác phán Hai em, nó còn chẳng chịu nữa là.

- Thế thì cái đó tùy cô. Nhưng cô nhớ cho rằng khi nào cô cần đến tôi giúp cô điều gì thì xin cô đừng ngần ngại, đừng do dự. Tôi vẫn là người anh... người anh rất thân của cô khi xưa.

Mai cảm động, vờ ngay ra nhìn phong cảnh.

Lộc lại nói:

- Hay thế này này. Cô đã quả quyết bán nhà, bán đất thì tôi cũng không thể can ngăn cô được. Nhưng cô cứ cầm lấy số tiền đây đề phòng khi chưa bán được nhà thì hãy tiêu tạm.

Lộc vừa nói vừa mở ví đưa cho Mai bốn cái giấy bạc năm đồng. Mai xua tay nói:

- Em cảm ơn ông, quả thực em không dám nhận, em không có quyền nhận.

Lộc cười:

- Vậy cô không coi tôi như một người anh nữa sao?

- Em không có quyền... em không thể coi ông là một người anh như xưa được nữa.

Lộc lắc đầu, chép miệng:

- Sao vậy, em?

- Ông cũng hiểu tại sao, hà tất ông còn phải hỏi.

Lộc mỉm cười:

- Thôi phải rồi. Bây giờ cô không là một cô bé con nữa mà là một cô thiếu nữ có nhan sắc chứ gì? Em nghĩ thế thì em lầm. Trong thời gian chúng ta cách biệt, anh vẫn hỏi thăm em luôn, chứ có phải bây giờ anh trông thấy em đẹp, anh mới săn sóc đến em đâu.

Mai bẽn lẽn, cúi gằm mặt xuống, Lộc lại nói tiếp:

- Vậy cô cứ cầm lấy số tiền này cho tôi bằng lòng. Anh em chỉ nhờ nhau, chỉ giúp nhau trong khi hoạn nạn thôi, chứ lúc bình thường thì hồ dễ ai đã phải cần đến ai, hồ dễ tôi được cái hân hạnh giúp đỡ cô chút đỉnh. Vậy xin cô cứ cầm lấy, đừng nghĩ ngợi gì nữa.

- Quả thực em không dám, quả thực tôi không dám.

Bà cụ ngồi bên thấy Lộc nằn nì và Mai chối từ đây đẩy cùng bàn góp một câu:

- Quan tham đã giúp thì cô cứ cầm lấy cho quan tham bằng lòng.

Lộc vin ngay lấy lời bà lão:

- Đấy, cô coi. Ai cũng bảo thế... Hay là thế này. Tôi cho cô vay, khi nào cô bán được nhà có tiền lại hoàn trả tôi.

Lúc đó trên toa hạng ba có người mở cửa ra nhìn xuống toa hạng tư rồi gọi:

- Anh Lộc lên tôi bảo cái này!

Lộc trả lời:

- Được, tôi lên đây!

Rồi quay lại phía Mai, chàng ấn bốn cái giấy bạc vào tay:

- Cô nhận cho tôi bằng lòng nhé, không có tôi khổ tâm lắm.

Chàng lại mở ví đưa cho Mai một cái danh thiếp mà nói rằng:

- Chỗ ở của tôi đấy, khi nào cô có cần đến tôi giúp điều gì, cứ đến đó hay viết thư về đó.

Mai cảm động không nói nên lời. Lộc đứng dậy từ biệt:

- Thôi, chào cô, tôi xin sang bên kia một lát. À, cô xuống ga Thạch Lỗi phải không?

- Vâng.

- Cô coi tôi nhớ lâu thế đấy! Còn tôi thì xuống ga Phúc Yên. Tôi được nghỉ phép một tuần lễ, lên chơi ông bác làm quan ở đó. Hôm tôi về nếu còn thì giờ, tôi sẽ ghé vào thăm cô nhé?... Có tiện không, cô?

Mai ấp úng:

- Đường từ Thạch Lỗi vào làng em hơi xa.

- Được rồi, tôi sẽ liệu. Vậy chào cô nhé. Xin chào cụ.

- Tôi không dám, chào thầy.

Lộc sang toa hạng ba đã lâu, mà Mai còn ngồi yên không động đậy, tay cầm mấy cái giấy bạc và cái danh thiếp. Bà cụ ngồi bên ghé lại thì thầm:

- Thầy ấy tử tế với cô nhỉ?

Mai vẫn ngồi yên, ứa hai dòng nước mắt. Bà cụ lại vỗ vào vai bảo:

- Này cô cất tiền vào hầu bao, chẳng mất.

Mai thong thả quay lại, gượng cười:

- Lấy thế này không tiện cụ ạ, để tôi giả lại ông ấy thôi.

- Cô nghĩ lẩn thẩn lắm. Người ta tử tế, cô không nên thế.

- Tôi chỉ sợ không bán ngay được nhà, thì lấy tiền đâu mà giả lại ông ấy.

- Thì bao giờ giả lại cũng được chứ sao?

- Không được! Tôi phải giả ngay bây giờ!

Rồi Mai đứng dậy, toan sang toa hạng ba. Bà cụ kéo lại:

- Thì cứ ngồi đây, thế nào thầy ấy chẳng còn xuống.

Bà cụ vừa nói vừa mỉm cười, khiến Mai luống cuống bẽn lẽn, vội ngồi xuống, thở dài. Cô gái quê ngồi bên bảo cô chị:

- Chị ạ, trông thầy ấy giống cậu Giang ở làng nhỉ? Tính nết cũng nhanh nhẩu như thế.

Cô chị trả lời:

- Nhưng thầy ấy đẹp trai hơn chứ. Làm tham tá thế chắc lương nhiều lắm đấy nhỉ?

Cô em cười:

- Lương chả nhiều mà lại một lúc dám cho chừng kia tiền.

Mai vẫn còn cầm bốn cái giấy bạc và cái danh thiếp ở tay, đương nhìn ra xa, ngẫm nghĩ. Nghe cô kia nói thế thì như chợt nhớ ra, Mai quay lại lẩm bẩm nói một mình:

- Không được!... Phải, người ta cho. Người ta thương hại người ta cho. Người ta cho như người ta bố thí cho kẻ nghèo khó.

Rồi Mai quả quyết đứng dậy. Xe gặp chỗ lượn, mà cô lại mải suy nghĩ, quên rằng mình ngồi trên xe hỏa, nên vừa đứng dậy cô suýt ngã văng ra, may có hai cô con gái bà cụ đỡ được. Mai mỉm cười, cái cười mơ màng. Cô ngồi cạnh bên cạnh bỗng nhìn xuống sàn xe, kêu lên:

- Chết chửa! Tiền rơi cả rồi kìa.

Cô vừa nói vừa cúi xuống nhặt bốn cái giấy bạc đưa cho Mai. Nhưng Mai vẫn ngồi thở hồng hộc, không lưu ý đến. Cô kia liền bọc vào trong giải yếm Mai, rồi thắt nút chặt chẽ lại mà nói rằng:

- Thôi thế này là không lo rơi nữa. Còn mảnh này cô bỏ vào túi.

Cô đưa cho Mai cái danh thiếp của Lộc. Mai tuy đỡ lấy song tâm trí để cả ở đâu, nên tuy đọc mà chẳng biết có những chữ gì. Mãi lúc bà cụ hỏi là giấy gì, cô mới như tỉnh dậy, định thần đọc lại và trả lời:

- Thưa cụ, cháu cũng chỉ biết có chữ tên Nguyễn Lộc và chữ số nhà 244 mà thôi.

- Vậy không đề ở phố nào à?

- Thưa cụ có, nhưng đề bằng chữ tây, cháu không hiểu.

Bà cụ cười:

- Thế sao tên cũng bằng chữ tây, cô lại đọc được?

- Thưa cụ, tên thì bằng chữ quốc ngữ chứ.

Bà cụ không tin, mỉm cười, cho là Mai có ý giấu. Lúc bấy giờ xe hỏa huýt còi một hồi dài. Một người hành khách ngồi đối diện Mai hỏi người ngồi bên:

- Sắp đến ga gì đấy nhỉ?

Người kia đáp:

- Thạch Lỗi.

Bà cụ thoáng nghe thấy, liền sẽ đập vào Mai mà nói rằng:

- Kìa! Gần đến ga Thạch Lỗi rồi! Có phải cô xuống Thạch Lỗi không?

- Vâng, cảm ơn cụ, cháu xuống đây.

Vì ở ga này ít hành khách lên xuống, nên xe chỉ dừng độ một phút lại đã huýt còi chạy từ từ. Mai còn đương ngơ ngác nhìn lên chỗ bà cụ và hai cô con gái để chào, thì ở toa hạng ba một người thò đầu ra cửa sổ nhìn xuống gọi:

- Cô Mai!

Cô quay cổ lại, nhìn lên, thấy Lộc đương vẫy. Như chợt nghĩ ra, cô chạy theo xe:

- Thưa ông, tiền của ông, tôi không dám...

Nhưng xe đã chạy được một quãng rồi, Mai nhìn theo chỉ còn thấy cái hình bán thân in trong khung cửa giơ tay vẫy. Rồi xe dần dần sấn tới cõi xa. Khoảnh khắc chỉ còn là một vệt đen trên con đường sắt.

Mai thở dài đứng trông theo.

Ở ga ra, Mai tất tả đi ngay, vì đường về Thạch Lỗi về làng xa đến gần mười cây số, mà trời lại lấm tấm mưa. Cô cắm đầu rảo bước trên con đường đỏ thẳng vút, hai bên cỏ xuân mơm mởn. Cô tưởng tượng đương đi trên dãy chiếu miến hồng viền cạp xanh thì thốt nhiên cô mỉm cười. Cô mỉm cười vì nhớ tới những chuyện cụ tú kể cho cô nghe khi cô còn bé, những chuyện thần tiên, kỳ dị, tả những cảnh lạc thú ở chốn bồng lai, những chuyện hôn nhân của các đấng đế vương, công, hầu, chép những sự kiêu sa, hoa lệ. Cô nghĩ thầm: "Con đường giải chiếu hoa đưa cô dâu về nhà chú rể dễ đã sánh kịp con đường gấm thiên nhiên này?"

Lòng yêu đời và tính dễ vui, cô như đã nhận được của ông cha di truyền lại, khiến cô cảm thấy tâm trí phấn khởi trong cảnh trời xuân đầm ấm. Cô đi thoăn thoắt hé cặp môi thắm cười với gió xuân. Cái vui sướng hồn nhiên cỗi rễ ở trong lòng như theo hơi thở bay ra hòa hợp với làn không khí êm đềm, mới mẻ.

Nhưng con người sẵn có lòng tốt thì trong khi sung sướng bao giờ cũng tưởng tới những người mình yêu mến, hình như để cùng san sẻ hạnh phúc, dù hạnh phúc ấy chỉ mới có trong tưởng tượng. Vì thế, đang hớn hở tươi cười bỗng nghĩ tới em, tới việc học của em, Mai lại rầu rầu nét mặt.

Song cô cũng chỉ nghĩ qua tới mà thôi vì cô cho đó là một vấn đề đã tạm giải quyết xong: Về bán nhà lấy tiền lên Hà Nội thuê nhà cùng ở với em. Dễ như thế, có chi mà cứ phải loay hoay mãi cho thêm phiền. Cái trí tưởng tượng của tuổi trẻ bao giờ cũng dễ dàng, cũng giản dị, có hề đặt tới chỗ ngoắt ngoéo, khúc khuỷu của con đường đời đâu?

Nụ cười lại nở trên cặp môi thắm, vì Mai vừa nhớ tới người gặp gỡ trên xe hỏa. Con người mới nhã nhặn sao, mới hào hiệp sao! Rồi cô nhớ lại những sự đã xảy ra khi cô cùng chàng ở huyện Đông Anh ngày xưa. Nhưng cô chẳng tìm ra được một chuyện cỏn con nào. Cô lấy làn lạ, phàn nàn cho trí nhớ của mình kém cỏi. Thực ra, chẳng có chi lạ, chỉ vì hồi ấy cô chưa lưu ý đến chàng đó thôi.

- Vậy giờ thì mình lưu ý đến người ta?

Mai nghe trong thâm tâm như có câu trả lời của cô đi xe hỏa ban nãy:

- Một lúc dám cho chừng kia tiền.

Cô nóng cả mặt. Cặp má dần dần đỏ ửng. Cô thẹn, thẹn với cô, thẹn với lương tâm. Thốt nhiên cô rờ tới cái nút buộc bốn tờ giấy bạc ở dải yếm, nhưng cô không dám giở ra: cô xấu hổ. Rồi cô lại tưởng tới cái danh thiếp. Ba chữ tên với con số nhà 244 cô vẫn nhớ rành mạch, song cô cũng lấy ra đọc lại. Nhìn dòng chữ Pháp, cô mỉm cười, nghĩ nhớ tới bà cụ ngồi bên cạnh, trên xe hỏa. Những cảm tưởng của ta bao giờ cũng vậy, hễ việc gì có dính dáng tới người có cảm tình với ta thì ta vẫn nhớ lâu mà nhớ rất có thứ tự. Vì thế, nghĩ tới bà cụ, Mai lại ngẫu nhiên nhớ câu nói của bà:

- "Thầy ấy tử tế với cô nhỉ!"

Phải, Mai cũng nhận ra rằng chàng ta tử tế với mình, tử tế một cách ân cần quá.

Rồi nghĩ chuyện nọ nhảy sang chuyện kia. Mai thành ra mơ mộng.

Tuổi mười tám, mười chín vẫn là cái tuổi nhiều mộng.

Mai mơ thấy chàng đến xin cưới mình làm vợ, thấy được cùng chồng cùng em hưởng hạnh phúc gia đình. Đối với trí mơ ước của cô lúc đó cũng như phần đông các cô thiếu nữ trong bọn trung lưu, ái tình chỉ có một nghĩa là cưới xin. Vả từ xưa tới nay trừ tình yêu cha mẹ, yêu em ra cô đã khi nào thấy trái tim thổn thức vì ái tình? Mà cho đối với người ngồi bên cô, cười nói dịu dàng, an ủi cô một cách thân thiết, cô cũng chỉ có một tấm cảm tình chân thật chất phác. Cô yêu chàng nhưng chỉ yêu chàng như một người anh.

Từ lúc cô biết chàng, cô thấy cô sung sướng, cô thấy cô có nhiều hy vọng. Cô thấy cô đỡ cô độc, đỡ lo sợ. Cô cũng chẳng biết tại sao. Một nhà tâm lý học cho đó là triệu chứng, là biểu hiện của ái tình. Nhưng một người con gái ngây thơ như cô khi nào biết tự nghiên cứu, tự giải phẫu tâm lý mình.

Vì thế nên thung thăng trên con đường đỏ dưới hạt mưa xuân lấm tấm, cô mơ mộng vẩn vơ. Khi mơ mộng thì mơ mộng gì chẳng được? Cô hy vọng sẽ sống một đời tương lai tốt đẹp. Cô chẳng biết nó tốt đẹp ra sao, chỉ yên trí rằng nó khác xa với cái đời hiện tại mà thôi.

Hai bên đường, lá ngô trước gió rung động lao xao. Cô cũng thấy người cô rung động. Cái rung động, cái cảm giác của sự sung sướng hồn nhiên, của tuổi thanh niên chứa chan hy vọng như cái khí lực bồng bột chứa trong cây, phát ra các búp non trên cành tơ mơn mởn.

Ở những ruộng khoai về bên vệ đường, các cô gái quê hoặc cúi lom khom tỉa lá, hoặc cầm cuốc vun luống, trông thấy Mai đi qua đều dừng tay đứng nhìn mỉm cười. Mai thấy họ cười cũng cười, coi như chị em ruột cả, muốn rẽ xuống ruộng làm giúp họ, cùng họ chuyện trò kể lể những điều sung sướng.

Mai vui chân rảo bước trên đường, chẳng bao lâu đã đến đò Bến Cốc. Cô ngồi nghỉ chờ phà trên bờ sông cao thẳng như bức tường, cúi xuống ngắm nước trong xanh chảy mạnh khiến cái phà ở bên bờ kia chở sang bị trôi giạt mãi ra xa, và người lái phải lấy sào đẩy phà lên ngược dòng nước rất là khó nhọc. Mai ngắm chú lái phà lấy làm thương hại. Khi sang tới bờ bên kia cô đưa đãi chú những năm xu tiền đò: cô muốn ai ai cũng sung sướng như cô.