Bước tới nội dung

Nửa chừng xuân/Tiểu gia đình

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Một năm sau.

Trong một căn nhà ở phố Yên Phụ, bên hồ Trúc Bạch, một gia đình sống trong cảnh sung sướng êm đềm.

Một người chồng làm tham tá ở Công sở, một người vợ và một cậu học trò năm thứ tư trường Bưởi.

Đó là gia đình Lộc và Mai.

Từ khi Lộc đưa Mai về Hà Nội, thuê nhà cho hai chị em Mai ở trọ trong làng Bưởi tới nay đã gần mười hai tháng. Trong mười hai tháng đã xảy ra bao nhiêu sự buồn khổ, mừng vui!

Trong thời kỳ ba tháng đầu, Mai ở chung với em, không ngày nào Lộc không đến chăm nom săn sóc. Mà tình cảm một ngày một nặng, chẳng bao lâu đã đổi ra tình yêu.

Rồi một buổi chiều, buổi chiều ấy Mai còn bao giờ quên được? Đứng bên làn nước biếc in trời, Lộc ngỏ lời xin lấy Mai làm vợ. Biết bao âu yếm trong đôi cặp mắt nhìn nhau. Mai nhỏ lụy rồi quay mặt đi... Mai sung sướng quá... Mai không ngờ đâu lại có ngày hôm ấy trong đời Mai.

Nhưng giá ngay buổi tối, Mai được mục kích một tấn kịch diễn trong một căn nhà ở phố H., thì chắc sự sung sướng của nàng cũng chỉ đến đó là kết liễu. Lộc về đến nhà đem đầu đuôi câu chuyện kể lại cho mẹ nghe, người mẹ mà Lộc kính mến, mà Lộc chưa từng trái lệnh một lần. Nào những Mai là con nhà nho giáo, Mai tốt với em, Mai bị quẫn bách, Mai bị hà hiếp, Mai là một cô gái hoàn toàn, về dung nhan và đức hạnh - và Lộc xin phép mẹ cưới Mai làm vợ.

Khốn thay Mai chỉ hoàn toàn đối với Lộc mà thôi, chứ đối với bà án thì Mai chỉ là một con bé khốn nạn, vô giáo dục, một con bé trong đám hạ lưu không đáng làm vợ một quan tham tá. Những lời tán tụng của con, bà án để ngoài tai hết. Bà cho con bà còn dại dột bị lời ngon ngọt của một gái giang hồ cám dỗ. Bà nói:

- Nếu nó bằng lòng mày thì biết đâu nó lại không bằng lòng người khác. Mày phải biết chỉ người vợ cha mẹ hỏi cho, có cheo, có cưới mới quý chứ đồ liễu ngõ hoa tường, thì mày định đưa nó về để bẩn nhà tao hay sao?

Lộc sợ hãi kiếm lời chống chế:

- Bẩm mẹ, nhưng người ta có là phường liễu ngõ hoa tường đâu, người ta là con một ông tú kia mà.

Bà mẹ càng nổi cơn thịnh nộ:

- Nhưng mày phải biết, nó đã bỏ nhà bỏ cửa trốn lên Hà Nội, thì còn là người tử tế sao được!

Lộc cũng tức giận:

- Bẩm, con đã bẩm mẹ rằng người ta bồ côi cha mẹ bị bọn cường hào ức hiếp mới phải trốn tránh.

- Mày tin gì được lời nó nói.

- Thì chính con khuyên người ta về Hà Nội.

Bà án đập bàn mắng át:

- Tao đã bảo tao không bằng lồng là tao không bằng lòng. Mày có giỏi mày cứ lấy nó. Vả lại tao đã hỏi con quan tuần cho mày, người ta đã thuận gả. Mày tưởng chỗ người nhớn với nhau, nói trẻ con được đấy hẳn.

Nghe mẹ nhắc tới việc con quan tuần, Lộc hơi chau mày, thưa lại:

- Bẩm mẹ, con đã xin mẹ đừng hỏi đám ấy cho con, con không bằng lòng.

Bà án xỉa xói vào mặt con:

- À, mày giở văn minh ra với tao à? Tự do kết hôn à? Mày không bằng lòng nhưng tao bằng lòng. Mày phải biết lấy vợ gả chồng phải tìm chỗ môn đăng hộ đối, chứ mày định bắt tao thông gia với bọn nhà quê à? Với bọn cùng đinh à? Mày làm mất thể diện tao, mất danh giá tổ tiên, mày là một thằng con bất hiếu. Nghe chưa?

Lộc thấy mẹ giận dữ quát tháo, liền cúi đầu tạ lỗi và xin cam đoan vâng lời mẹ dạy. Xưa nay Lộc vẫn là người con có hiếu.

Sáng sớm hôm sau, Lộc đến thăm Mai và Huy, nói dối người yêu rằng đã xin được phép lấy Mai khiến Mai sung sướng suýt ngất người, và Huy cảm động quá, lại bắt tay Lộc một cách thân mật để tỏ lòng tạ ơn.

Suốt một tháng trời, Lộc bầy mưu lập kế để lấy cho được Mai mới nghe, vì chàng yêu Mai đã đến cực điểm.

Kể ra giá chàng cứ thú thực với Mai rằng mẹ chàng không bằng lòng cho chàng kết hôn cùng Mai, nhưng ngoài Mai ra, chàng không thể yêu được một người nào khác, thì có lẽ Mai cũng vì chàng mà hy sinh hết trinh tiết cùng danh dự, hy sinh cả cái đời thanh niên.

Thực vậy, từ ngày nàng gặp Lộc đến nay, trái tim nàng đã nhiều lần hồi hộp vì những tính tình cao thượng, những hành vi quân tử của chàng. Nàng chỉ mong có dịp báo đáp ơn sâu.

Những khi nàng tưởng tới cha thì nàng lại nhớ đến lời phụ huấn: "Ở đời không có sự gì xấu hơn sự quên ơn. Cừu nhân, ta không sợ bằng ân nhân. Ta chỉ lo sẽ xẩy ra sự gì khiến ta không thể trả được ơn, chứ đối với kẻ thù thì không có thứ khí giới nào mạnh bằng lòng hữu ái. Lòng hữu ái ấy, nếu ta đem ra đối đãi với ân nhân thì chẳng hóa ra ta đặt ân nhân ta ngang hàng với kẻ địch của ta ư?".

Lời dạy con của cụ tú Lãm đủ tỏ rằng tuy cụ là môn đồ Khổng học, mà trí thức, tư tưởng cụ, cụ đặt hẳn ra ngoài vòng kiềm tỏa của nho giáo.

Vì cứ theo lời đức Khổng thì phải đem điều đức báo điều đức, đem điều trực báo điều ác. Có lẽ cụ tú cho như thế còn tầm thường lắm: Tuy vẫn là một tư tưởng thiết thực của đạo làm người nhưng có chí cao thượng!

Dịp ấy chính là buổi chiều hôm Mai được nghe lời trần tình thành thực của Lộc. Mai mỉm cười. Người thế tục chắc cho cái nụ cười ấy là nụ cười sung sướng. Không phải. Đối với Mai, thì sự sung sướng đã đến cực điểm ngay từ ngày Mai được quen biết Lộc. Cái nụ cười của Mai đây có ý nghĩa khác: Mai nghe như lương tâm Mai thì thầm: "Thì ông không biết rằng cái thân này, cái linh hồn này đã là của ông rồi hay sao? Hà tất ông còn phải xin, phải van?" Ý tưởng ấy ở trong trí não chạy qua xuống trái tim, khi ra đến cặp môi thì nở thành nụ cười. Vậy thì nụ cười ấy chỉ có ý nghĩa chất phác, chân thật, chứ không hề ngụ một tư tưởng dục tình.

Vả lại, Mai cũng không hề ngờ rằng, không từng hy vọng rằng đối với mình, một người trong hàng quý phái lại ngỏ lời xin lấy làm vợ như thế. Giá người ấy không phải là Lộc thì Mai cho ngay là anh chàng tán tỉnh để được hưởng chút đặc quyền trong giây lát. Nhưng người ấy là Lộc mà Mai kính yêu, thì dẫu có xin nàng hết cả những đặc quyền, những đặc ân, nàng cũng chẳng từ chối.

Ý tưởng ngộ nghĩnh ấy - ta cho là ngộ nghĩnh chỉ là kết quả một nền giáo dục quá theo nhân đạo, quá theo lý tưởng của cụ Lãm, một nền giáo dục có thể gọi là lãng mạn. Bàn về cái hay, cái dở của nền giáo dục ấy là công việc của các nhà xã hội học, luân lý học. Tác giả chỉ là một nhà soạn tiểu thuyết nghĩa là chỉ biết tả ra những cảnh ngộ, những hình trạng, những tính tình của một xã hội, của một thời đại mà thôi.

Ba ngày sau hôm trần tình của hai người, Lộc đưa tới nhà Mai một bà cụ mà chàng nhận là mẹ. Bà cụ xem ra bằng lòng Mai lắm, khiến Mai sung sướng quá, nhan sắc tăng lên bội phần. Còn Huy thấy chị sung sướng thì cảm động chảy nước mắt.

Bà cụ nói đáng lẽ về tận làng Ninh Bắc để thưa chuyện với ông chú, bà bác bên nhà Mai. Nhưng chắc Mai sợ bên ông hàn Thanh thù hằn thì cũng chẳng dám về. Mai đứng hầu chuyện, e lệ cúi đầu. Nàng nghĩ tới họ hàng mà chán ngán. Vì thế, tuy ở Hà Nội nàng có một người bác làm thông phán, mà nàng cũng giấu, không nói cho bà cụ biết. Nàng trả lời vắn tắt:

- Bẩm cụ, cụ không hề nghĩ tới nhà con nghèo khó mà thương tới con...

Mai nói được có thế.

Qua một tuần lễ. Ngày nào cũng vậy, Mai chẳng làm gì hết, chỉ ngồi nghĩ vơ vẩn, nhìn vơ nhìn vẩn, chờ Lộc tới để bàn về việc cưới.

Mai lấy cớ rằng chưa hết trở nên cũng không bày vẽ ra sắm sửa nhiều thứ, nói chỉ nên dùng cái lễ nghi bắt buộc phải có để thành vợ, thành chồng mà thôi.

Nghe Mai nhắc tới tang cụ tú, Lộc hơi ngượng, hỏi:

- Không biết có trở lấy nhau, họ có dị nghị không nhỉ?

Mai trước khi đáp lại, đưa mắt nhìn Lộc. Thấy chàng buồn rầu, có ý mong đợi câu trả lời của mình, Mai lấy làm thương hại. Ở đời, Mai chỉ tưởng tới hạnh phúc của hai người: Huy và Lộc. Ngoài ra nàng không còn cần một sự gì hết. Lễ nghi? Thì người đặt ra lễ nghi đã biết đâu là hoàn toàn có lý. Và lễ nghi ấy đem so với tính tình cao thượng của nàng đã dễ sánh kịp chưa?

Bởi vậy, Mai mạnh bạo trả lời:

- Nếu cho là bất hiếu, cho là làm trái lễ nghi thì chúng ta yêu nhau thế này cũng bất hiếu, cũng trái với lễ nghi.

Lộc nghe Mai nói, sung sướng, đăm đăm nhìn nàng, mỉm cười...

Chiều hôm ấy, Huy ở trường về hơi muộn, nét mặt rầu rầu. Chị hỏi chuyện, Huy chỉ ứa nước mắt mà không nói. Mai đoán chắc đã xảy ra sự gì chẳng lành. Hỏi gạn, thì Huy do dự một lúc rồi thì thầm:

- Chị em ta khổ lắm, chị ạ.

Mai cười gượng:

- Chuyện gì mà bí mật thế, em?

- Thôi, thà chị không biết còn hơn.

- Không, em cứ nói, dẫu sao chị cũng không sợ mà!

- Chị ạ, ai ngờ người thế...

Mai vội vàng hỏi:

- Người nào? Người nào thế em?

- Người ấy.... Anh Lộc ấy!

- Em im ngay. Anh Lộc là một người em không thể bình phẩm bậy bạ được.

Huy tức quá, cười gằn... Nhưng hối hận xin lỗi chị ngay:

- Chị tha lỗi cho em. Nhưng chắc sắp xẩy ra sự gì đây... cái bà cụ đến đây tuần lễ trước không phải là thân mẫu của anh Lộc đâu.

Mai đứng thừ ra ngẫm nghĩ, không trả lời. Huy tưởng chị ngờ mình bịa đặt hay là đoán phỏng, liền lại nói tiếp:

- Ban nãy, em đi qua phố H., thấy anh Lộc ngồi nói chuyện với một bà ở trong nhà số 224. Bà ta người còn khỏe và khuôn mặt trông giống khuôn mặt anh Lộc lắm. Em đứng lại nghe, thấy anh Lộc kêu bà kia là mẹ. Em hỏi người anh em bạn thì biết đích rằng bà ấy là bà án...

Mai cười, ngắt lời em:

- Sao em lại nghe trộm như thế? Xấu lắm em ạ, nhất là em lại tò mò đo hỏi chuyện nhà người ta.

Huy nghe chị cự lấy làm tức tối quay đi. Mai chạy theo gọi lại, buồn rầu bảo:

- Chị xin em làm ơn cho chị một việc này nhé: Em đừng đả động gì đến chuyện ấy với anh Lộc.

Thế rồi Mai Lộc, hai người lấy nhau.

Rồi Lộc thuê nhà bên hồ Trúc Bạch ở với Mai và Huy.

Xưa nay Lộc vẫn ở với mẹ. Lần này Lộc phải nói dối mẹ xin phép đi thuê một gian phòng ở biệt hẳn một nơi cho được tĩnh mà học thêm để cuối năm thi tham tá ngạch tây.

Bà án tuy cũng bằng lòng nhưng vẫn ngờ vực con có tình nhân. Bà chưa quên câu chuyện Lộc xin lấy con ông tú Lãm. Vì thế, bà nhắc cho Lộc biết rằng bà đã ngỏ lời với bà tuần đến tháng tám xin làm lễ nghênh hôn. Lộc làm ra bộ tươi cười xin mẹ hãy cho thi đậu vào ngạch tây đã rồi hãy cưới vợ cũng không muộn, chỉ đến sang năm là cùng.

Từ đó, Lộc sợ mẹ đến nhà riêng thăm mình, nên ngày nào cũng ít ra một lần thân lại nhà mẹ vấn an ân cần lắm.

Nhưng mà xưa nay bọn đàn ông ta khó lòng giấu nổi, khó lòng lừa dối nổi phái phụ nữ. Nhất là người mà ta định lừa dối lại là mẹ ta. Mắt người mẹ đoán thấu ý nghĩ của con còn tinh gấp mấy mắt người vợ, mắt người tình đoán được tư tưởng của chồng hay của người yêu. Bà án xét từ ngôn ngữ, cử chỉ cho chí tính nết vui cười, cặp mắt nghĩ ngợi viễn vông của con thì bà biết ngay rằng con đương đắm đuối trong bể ái. Bà liền cho người đi rình mò để biết chỗ ở của Lộc.

Nhưng nếu bà khôn thì Lộc cũng ngoan. Những người nhà bà phần nhiều là tay trong của Lộc. Lộc cho chúng tiền luôn nên dầu có tìm được nhà chàng, chúng cũng về nói là không thấy, hoặc nói dối là chỉ thấy chàng ở một mình.

Về phần Mai, thì tuy được hưởng hạnh phúc êm đềm của ái tình đằm thắm, song vẫn thấp thỏm hình như tâm linh báo trước cho biết rằng không khỏi xảy ra sự trắc trở sau này.

Nhiều lần nàng đã toan ngỏ lời với Lộc rằng nàng biết hết những sự bí mật của Lộc, và xin phép Lộc về lạy mẹ để tạ tội. Nhưng Mai lại sợ làm phật lòng người yêu, hoặc làm người yêu phải buồn rầu: Lộc đương sung sướng mê man trong giấc mộng êm đềm nàng không nỡ đánh thức vội.

Trong nhân loại có một hạng người đa cảm đến nỗi thà chịu khổ còn hơn là đứng ngắm cái khổ của người khác. Vì thế, họ hay nghĩ đến hy sinh sự nọ, hy sinh sự kia.

Mai cũng đáng liệt vào hạng ấy. Huống những người mà nàng muốn vì họ hy sinh lại là hai người thân nhất trên đời. Bởi vậy, dẫu biết mình đương ở trong hoàn cảnh khó khăn, nàng vẫn tươi tắn vui cười như thường. Em có nhắc tới câu chuyện ám muội của Lộc thì nàng chỉ van xin:

- Chị lạy em, em để cho chị được sung sướng ngày nào hay ngày ấy. Em nhắc tới những chuyện xa xôi cũng vô ích. Anh Lộc yêu quý chị em mình thế, em chưa cho là đủ hay sao?