Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

13. — Lương-hữu-Khánh

Chi họ Lương ở Thanh-hóa, phong phú có tiếng nhất ở vùng ấy. Tổ họ ấy khi xưa sinh được ba con giai, thành ra ba chi. Đang khi cuối nhà Trần loạn lạc, một chi xiêu dạt sang Tàu, ở ngụ tỉnh Vân-nam. Có người làm nên, đời đời được tập phong tước vương. Một chi thiên ra ở xã Tào-sơn huyện Ngọc sơn, cũng kế thế đăng khoa. Còn có một chi thì ở xã Hội-trào, huyện Hoằng-hóa, sinh ra ông Lương-đắc-Bằng, đỗ Bảng-nhãn trong thời Cảnh-thống đời vua Hiến-tôn nhà Lê.

Lương-đắc-Bằng vì có người họ ở Tàu, mới mua được nhiều thứ sách quí, cho nên học giỏi về nghề lý số. Ngoại 50 tuổi, chưa có con giai, chỉ có người vợ lẽ có mang được 3 tháng. Khi gần mất, dặn vợ lẽ rằng:

— Nếu mai sau sinh được con giai, thì tất nó làm nên công danh sự nghiệp, tỏ rạng cửa nhà. Khi nào con nhớn, thì nên cho đến học ông Trạng Trình ở huyện Vĩnh-lại, thì mới giữ được nền nếp nhà ta.

Nói đoạn thì mất. Về sau quả người vợ lẽ sinh được con giai, mới đặt tên là Hữu-Khánh.

Hữu-Khánh thông minh sớm, mười tuổi đã biết làm văn; mà sức ăn cực khỏe, thường ăn gấp ba bốn phần người thường mới no. Mẹ lắm khi phải nhịn đói để con ăn.

Nhà ông ấy nghèo, mới bảo với mẹ rằng:

— Cha tôi khi xưa làm quan thanh liêm, đến nỗi con cháu không đủ cơm cháo mà ăn, vậy mẹ cho tôi đi nơi khác, tùy đường kiếm ăn, kẻo để phiền đến bụng mẹ.

Mẹ buồn rầu nói rằng:

— Mẹ con không nuôi được nhau, đến nỗi để con đi tha phương cầu thực, mẹ lấy làm đau xót ruột lắm.

Nói thế rồi, ứa hai hàng nước mắt. Ông ấy từ mẹ đi ra, sang các nhà học-trò bên cạnh huyện ngâm thơ làm phú để độ thân.

Một khi đi qua bến đò sông Tam-kỳ, gặp 5, 6 nhà sư tự đám chay về, mang một cái đẫy có 100 phẩm oản. Nhà sư thấy ông ấy có dáng đói, cho vài chiếc oản. Ông ấy từ nói rằng:

— Học-trò nghèo nhịn đói đã mấy hôm nay, may gặp được Đại-bồ-tát, tưởng là có bụng bố-thí làm sao, lại bủn sỉn cho được vài phẩm oản, thì ăn chả bõ dính mồm.

Có một nhà sư già cười nói rằng:

— Thầy kia đã gọi là học-trò, thì thử làm một bài thơ « Học-trò đi thuyền chung với nhà sư », hễ sang khỏi sông mà xong bài thơ, thì có bao nhiêu oản xin biếu cả.

Ông ấy ngồi trong thuyền, ngâm ngay một bài thơ như sau này:

Một pho kinh sử bộ kim-cương,
Đây đấy cùng thuyền khéo một đường!
Trong hội cồ đàm ngươi thảo thích;
Trên ngôi đài-các tớ nghênh ngang.
Truyện xưa người vẫn căm Hàn-Dũ,[1]
Việc trước ta còn oán Thủy-hoàng.[2]
Gặp gỡ mảy may rồi lại biệt,
Kẻ tròn quả phúc, kẻ vinh xương.

Chưa sang khỏi đò đã vịnh xong bài thơ. Nhà sư mừng rỡ, giốc cả đẫy oản ra cho ông ấy. Ông ấy ngồi ngay đầu thuyền ăn một lúc hết 80 phẩm oản. Người trong thuyền ai cũng ngạc nhiên, nhà sư lấy làm kỳ dị, lại tặng thêm một quan tiền nữa và nói rằng:

— Thầy có tài như thế, nay tuy còn ở trong trần ai, nhưng tất có ngày làm nên hách dịch. Sư nghèo này xin dâng một bữa, ngày sau có đắc chí, đánh dẹp đốt phá ở đâu, thì xin chừa những nơi chùa chiền ra, mới là ân huệ.

Sang khỏi đò, ông ấy từ bọn sư rồi đi. Bấy giờ đang lúc Lê, Mạc đánh nhau, dân xã điêu tàn, ông ấy đi đến đâu, không một kẻ nào nhìn đến, có khi ba ngày mới được ăn một bữa, thường vẫn phải làm mướn kiếm ăn.

Một buổi sớm, đến làng Vĩnh-trị, gặp một bà già ra chợ, gọi người thuê làm ruộng hoang. Hỏi mấy mẫu, thì bà già đưa đến chỗ ruộng sâu, trỏ ra bảo rằng:

— Chỗ ruộng kia nước sâu, mà cỏ mọc bùm tum, ước chừng năm mẫu.

Ông ấy bảo rằng:

— Bà cụ về nhà, thổi cơm độ mười người ăn, và đem sẵn tiền gạo thuê công đến bờ ruộng này, để tôi gọi giúp người làm cho.

Bà kia y nhời ấy giở về làm cơm. Ông ấy mới cầm một con dao to lội xuống ruộng dọn cỏ, chưa đến buổi trưa, đã dọn quang cả 5 mẫu ruộng. Dọn xong, nằm ngủ dưới gốc cây, tiếng ngáy như sấm.

Một lát, bà già sai người nhà đem cơm đến, gọi ông ấy thức dậy, ông ấy ăn một lúc, hết cả hai mâm cơm, rồi lấy tiền gạo mà đi.

Chúng tưởng là thần, dần dần mới biết là con quan Bảng-nhãn ai nấy phàn nàn không ngần nào.

Đến năm 18 tuổi, nhớ nhời cha dặn, mới đến học quan Trạng Trình. Bấy giờ học-trò quan Trạng hơn 3.000 người, duy có ông Kế-Khê là hay chữ nhất trường. Khi ông Hữu-Khánh đến học, mới làm ba kỳ văn, đã đè trên ông Kế-Khê.

Trình tiên-sinh vốn là học-trò ông Lương-đắc-Bằng khi xưa, nay thấy con thầy đến học, hay chữ như thế, có bụng quí trọng trăm phần, thường tư cấp cho để mà học.

Bấy giờ nhà Mạc mở khoa thi, ông Lương-hữu-Khánh vốn không có bụng làm quan với nhà Mạc, nhưng ngặt vì nhà nghèo và còn mẹ già, bất-đắc-dĩ phải ra thi. Khi thi thì bốn kỳ cùng thứ nhất, mà văn ông Kế-Khê thì đỗ thứ nhì. Đến lúc hồi phách,[3] quan Tràng thấy ông ấy là người Thanh-hóa, mới đánh xuống thứ nhì mà ông Kế-Khê lên đỗ thứ nhất (vì bấy giờ tự Thanh giở vào thuộc về nhà Lê, tự Ninh-bình giở ra thuộc về nhà Mạc). Ông Hữu-Khánh thấy xử thiên tư làm vậy, mới bỏ không vào thi đình nữa, vì thế ông Kế-Khê mới đỗ Trạng-nguyên.

Khi ấy, Hữu-Khánh chọ ở hàng Bông, một hôm để dành được 6, 7 đấu gạo, và hai lọ nước mắm. Thổi cơm rồi giải chiếu xuống đất ngồi ăn, dung đùi đắc chí, cười vang lên nói rằng:

— Thế này chẳng kém gì mâm cơm nhà quan!

Xẩy có một ông quan tự trong triều giở về, nghe thấy tiếng cười nói, dừng xe lại nhìn, lấy làm kỳ dị, cho 5 quan tiền, rồi tiến lên với vua nhà Mạc.

Vua Mạc sai sứ đến nhà chọ, khuyên dụ trăm triều, Hữu-Khánh nhất định không ra làm quan. Tự bấy giờ lại đi bơ vơ, nay đây mai đó, con một nơi, mẹ một nẻo, trông cảnh động lòng, lắm phen chua xót.

Nhà Lê bấy giờ khởi quân ở phủ An-tràng, vốn nghe tiếng ông Hữu-Khánh là người tài lạ, nhiều khi muốn sai người ra đón về giúp, nhưng vì đường xá xa khơi, đi lại gian hiểm, cho nên chưa có dịp nào mà đem về được.

Vài năm sau, Kế-Khê được cầm quyền chính nhà Mạc, sai người tìm Hữu-Khánh thì gặp cả hai mẹ con ở huyện Lục-ngạn tỉnh Bắc đem về, Kế-Khê nghĩ tình bạn, lưu ở trong nhà, cung đốn tử tế, và khuyên dỗ cho ra làm quan, nhưng Hữu-Khánh biết cơ nhà Lê sắp trung hưng, có ý muốn phò nhà Lê, cho nên không ra làm quan với nhà Mạc.

Kế-Khê biết ý Hữu-Khánh, muốn đuổi đi nhưng không nói ra, nhân một bữa ở trong triều về, giả tảng nói rằng:

— Tôi hôm nay phụng chỉ làm một bài phú, nhưng việc quan bận bội lắm, nhờ anh làm giúp cho tôi.

Nói rồi, thò tay vào túi, lấy ra một mảnh giấy đầu bài, đưa cho ông Hữu-Khánh, Hữu-Khánh thấy đầu bài: « Tần quan văn kê »,[4] biết là ý muốn đuổi mình, lập tức dặn mẹ đi lẻn ra bến Hoàng-liệt về Thanh-hóa trước, mà mình thì mật đưa một bài biểu bào An-tràng, hẹn ngày ấy thì đem thuyền ra đón tại cửa Thần-phù.

Được vài hôm, làm song bài phú, để trên đầu giường, rồi lẻn ra đi gấp đường xuống cửa bể Thần-phù. Khi Kế-Khê ở trong triều giở về, đến nhà học, không thấy ông Hữu-Khánh đâu, cho đi hỏi khắp cả các nhà anh em bạn học, cũng không thấy tin tức gì cả. Xẩy thấy trên đầu giường có bài phú, trong bài có câu rằng: « Lưu khách hóa ra đuổi khách. » Kế-Khê ngạc nhiên nói rằng:

— Anh này đi mất, triều-đình còn là nhiễu về anh này!

Lập tức sai quân đi các ngả đuổi theo bắt về. Khi Hữu-Khánh đến cửa Thần-phù, thì vua Lê đã sai năm chiếc thuyền chiến và 1.000 quân ra đón. Hữu-Khánh vừa bước chân xuống thuyền thì quân nhà Mạc đuổi theo vừa đến.

Hữu-Khánh ngồi trong thuyền gọi to lên bảo rằng:

— Gửi nhời các anh, về ta ông Kế-Khê, ngày sau ta sẽ xin đền giả ơn.

Khi về đến cửa phủ An-tràng, Vua Lê mừng rỡ lắm, cử làm Thị-lang, cho tham tá việc quân cơ. Hữu-Khánh bầy ra mưu mẹo gì cũng đắc cả, vua tin dùng hơn cả mọi người, sai cầm riêng một đạo quân đi dẹp giặc. Hữu-Khánh nhớ đến nhời nhà sư khi trước, phàm các trận mạc, thấy chỗ nào đồn giặc đóng cạnh chùa chiền, thì rút quân lảng đi không đánh, để tránh sự phá hại nhà chùa.

Về sau làm đến Binh-bộ thượng-thư, công nghiệp hiển hách vào bậc danh-thần đời trung-hưng.

   




Chú thích

  1. Hàn-Dũ đời nhà Đường, xin hủy tượng phật và đốt sách phật.
  2. Thủy-hoàng chôn học-trò và đốt sách nho.
  3. Quyển thi rọc tên ra, gọi là rọc phách. Đến lúc chấm văn xong lại dán tên lại gọi là hồi phách.
  4. Nghĩa là cửa ải nhà Tần nghe tiếng gà gáy. Ngày xưa Mạnh-thường-quân ở nước Tần trốn về Tề, ra đến cửa ải thì cửa ải còn đóng chưa mở. Lệ lính canh ải, hễ gà gáy thì mới mở cửa cho khách đi lại. Trong bọn đầy-tớ Mạnh-lệ-quân, có người giả làm gà gáy. Các gà canh đấy tưởng là giời sắp sáng, đua nhau gáy ầm cả lên, lính canh mới mở cửa, Mạnh-thường-quân vì thế chạy được thoát.