Nam Hải dị nhân liệt truyện/21

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ IV

Các bậc văn-tài

21. — Nguyễn-Hiền

Nguyễn-Hiền quê ở làng Hà-dương, huyện Thượng-nguyên (Nam-định). Đỗ thủ-khoa năm Bính-ngọ thời vua Thái-tôn nhà Trần, đến năm sau thi đình đỗ Trạng.

Nguyễn-Hiền thông minh từ thủa nhỏ. Khi 6, 7 tuổi học nhà sư ở chùa, nhà sư mỗi buổi dạy 10 tờ giấy, Nguyễn-Hiền chỉ học qua là thuộc lòng.

Một hôm nhà sư tụng kinh vừa xong, vào phòng nằm nghỉ, mơ thấy phật giáng xuống bảo rằng: « Nhà sư sao không biết bảo Trạng, cứ để cho lên chùa nhờn với Phật. » Nhà sư tỉnh dậy soi đèn xem các tượng phật, thì thấy sau lưng một tượng có chữ đề: « Phạt 30 trượng, » và sau mình hai tượng hộ-pháp thì có chữ đề: « Phạt 60 trượng ». Nhận nét chữ thì chính chữ ông Nguyễn-Hiền. Nhà sư quở mắng Nguyễn-Hiền, bắt phải lấy nước tẩy đi.

Nguyễn-Hiền học các sách, qua mắt một lượt là nhớ ngay. Thơ từ phú sách, nói ra tức là văn chương. Năm 11 tuổi, đã nổi tiếng thần-đồng, bấy giờ có người học-trò ở Kinh-bắc tên là Đặng-Tính, tự thị tài mình hơn cả đời. Nghe tiếng Hà-dương có thần-đồng, đến chơi tận nhà, thử xem tài học ra làm sao. Khi đến ra một bài phú:

« Phụng-hoàng sào vu A-các, Kì-lân du vu Uyển-hựu ».[1]

Nguyễn-Hiền đọc ngay bốn câu rằng:

« a) Qui phi Lạc-thủy,[2]
« b) Long bất Mạnh-hà.
« c) Ý bỉ Hữu-hùng chi quốc,
« d) Ấp vu Trác-lộc chi a. »

Đặng-Tính mới nghe được bốn câu, đã lắc đầu le lưỡi nói rằng:

— Thiên tài xin nhường bác trẻ tuổi này!

Năm ấy thi đỗ thủ-khoa. Năm sau vào thi đình, vua ra bài phú: « Áp tử từ kê mẫu phi hồ. »[3] Văn Nguyễn-Hiền hay nhất, vua cất lên đỗ Trạng-nguyên, bấy giờ mới 12 tuổi.

Trạng vào bái mạng vua trong sân rồng, vua thấy còn bé loắt choắt, lấy làm lạ, hỏi rằng:

— Trạng nguyên học ai ở nhà?

Trạng thưa rằng:

— Tâu bệ-hạ, tôi sinh ra đã biết ngay, chỉ còn chỗ nào tôi không biết, thì hỏi nhà sư một vài chữ mà thôi.

Vua thấy Trạng ứng đối, chưa biết lễ-phép, ăn nói không được khiêm-tốn, mới cho về học lễ-phép, ba năm rồi mới dùng làm quan.

Nguyễn-Hiền về nhà ở không được bao lâu, có sứ Tàu đem một bài thơ ngũ-ngôn sang thử nhân tài nước Nam.

Thơ rằng:

Lưỡng nhật bình đầu nhật,
Tứ sơn điên đảo sơn;
Lưỡng vương tranh nhất quốc,
Tứ khẩu tung-hoành gian.
四口縱橫間 
兩王爭一囯 
四山顚倒山 
兩日平頭日 

Vua hỏi các quần-thần thì không ai hiểu nghĩa lý ra làm sao. Phải sai hai quan văn võ đến nhà ông Nguyễn-Hiền mời vào triều để hỏi. Hai quan sứ đến làng Hà-dương, gặp một đứa trẻ trong nhà hàng, mặt mũi phương phi. Sứ-giả hỏi thì đứa trẻ ấy không thèm đáp lại. Mới đọc câu đối nôm rằng:

« Tự (字) là chữ, cất giằng đầu chữ tử (子) là con; con ai con ấy? »

Đứa trẻ đối ứng khẩu ngay rằng:

« Vu (于) là chưng, bỏ ngang lưng chữ đinh (丁) là đứa; đứa nào đứa này? »

Sứ-giả biết đứa trẻ ấy tức là Trạng Hiền, mới hỏi thăm đến tận nhà, thì thấy Trạng đang lúi húi ở dưới bếp, nhân lại đọc một câu rằng:

« Ngô văn quân-tử viễn bào trù; hà tu mị táo. »[4]

Trạng ứng khẩu đối rằng:

« Ngã bản hữu quan cư đỉnh nại; khả tạm điều canh. »[5]

Sứ-giả thấy ứng đối nhanh nhẩu và có ý cao, chịu là giỏi, mới bày kể ý vua xin mời vào kinh.

Trạng nói rằng:

— Thiên-tử trước bảo ta chưa biết lễ-phép, nhưng chẳng những là Trạng chưa biết lễ-phép, cả đến thiên-tử cũng chưa biết lễ phép.

Nói thế rồi nhất định không chịu đi. Sứ-giả về tâu lại với vua, vua phải sai đem xe ngựa và đồ lễ đến đón, bấy giờ Trạng mới đi.

Khi đến kinh, vua đưa bài thơ của Tàu ra hỏi, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:

— Câu thơ thứ nhất nghĩa là chữ nhật (日) ngược xuôi bằng đầu nhau; thứ nhì là bốn chữ san (山) ngược xuôi cùng là chữ san cả; thứ ba hai chữ vương (王) tranh nhau ở trong một nước; thứ tư là bốn chữ khẩu (口) ngang dọc cùng thành chữ khẩu cả. Tóm lại chỉ là một chữ điền (田).

Giải xong đưa cho sứ Tàu xem, sứ Tàu phải chịu. Vì thế vua cử Nguyễn Hiền làm Kim-tử vinh-lộc đại-phu. Sau lại làm đến Công-bộ thượng-thư, không được bao lâu thì ông ấy mất.

Vua thấy người đại tài như thế mà không được thọ, thương tiếc vô cùng. Huyện ông ấy nguyên tên là huyện Thượng-hiền, vua mới kiêng tên ông ấy, đổi ra gọi là Thượng-nguyên. Lại cấp cho năm mẫu ruộng tư-điền, bắt dân ấy phải lập miếu thờ.

   




Chú thích

  1. Nghĩa là chim phụng-hoàng làm tổ trên gác A-các, con Kì-lân ra chơi ở vườn Uyển-hựu.
  2. a) Không phải con rùa ở sông Lạc-thủy.
    b) Không phải con rồng ở sông Mạnh-hà.
    c) Ấy kia nước Hữu-hùng. (hùng có nghĩa là con gấu).
    d) Đóng đô ở gò Trác-lộc (lộc nghĩa là con hươu). Câu nào cũng có giống cầm thú cho nên hay.
  3. Nghĩa là con vịt từ giã mẹ gà về hồ.
  4. Nghĩa là: Tôi nghe quân-tử xa chỗ bếp nước, lọ là phải nịnh vua bếp. Có ý chê làm việc đê tiện.
  5. Nghĩa là: Ta cốt có chức làm được Tể-tướng, nhưng còn tạm nấu nồi canh. Nếu canh nhạt mặn tại tay, cũng như chức làm tướng.