Nam Hải dị nhân liệt truyện/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

25 — Phạm-Trấn, Đỗ-Uông

Huyện Gia-phúc (bây giờ là Gia-lộc), tỉnh Hải-dương, một người tên là Phạm-Trấn ở làng Lâm kiền; một người tên là Đỗ-Uông ở làng Đoàn-lâm, hai làng giáp giới với nhau.

Làng Đoàn-lâm có một con yêu-tinh, thường thường biến hiện trăm vẻ, trêu ghẹo người ta, làng ấy tìm phương kế trừ mãi không được.

Ông Đỗ-Uông khi còn nhỏ, một đêm ngồi học trong nhà, con yêu-tinh thò tay vào trong cửa sổ trước chỗ bàn học để trêu ghẹo Đỗ-Uông. Đỗ-Uông nói truyện với thầy phù-thủy, thầy phù-thủy xui lấy chỉ ngũ-sắc mà buộc lấy tay nó. Đêm hôm sau, con yêu quen thói lại đến. Đỗ-Uông vội vàng cầm chỉ ngũ-sắc trói lại, buộc vào cửa sổ. Con yêu quả nhiên không biến được nữa, mới kêu van, Đỗ-Uông nhất định không tha. Mãi đến gần sáng, con yêu lại kêu rằng:

— Ông ngày sau đại quí, tôi muốn bỡn ông đấy thôi, nỡ nào ông lại hại tôi?

Đỗ Uông hỏi:

— Như tài sức tao, thì có đỗ nổi được Trạng-nguyên không?

Con yêu nói:

— Trạng-nguyên đã có một ông họ Phạm, ông chỉ đỗ được Bảng-nhãn mà thôi,

Lại hỏi:

— Mày có của gì mà thiêng được, hễ cho tao xẻm thì tao sẽ tha cho mày.

Một lát, thấy con yêu nôn ọe, thổ ra một hòn ngọc, cầm ở trong tay, ánh sáng lòe vào trong nhà, rồi nói rằng:

— Tôi chỉ nhờ có của này mới thiêng, nay xin dâng ông để giúp thêm việc học hành.

Đỗ-Uông cầm lấy hòn ngọc, nuốt vào bụng, rồi mới cổi trói tha cho nó đi. Từ bấy giờ con yêu mất thiêng, không quấy nhiễu gì nữa. Mà ông Đỗ Uông từ khi nuốt hòn ngọc ấy, văn-chương mỗi ngày một hay, nổi tiếng trong các trường, văn ông Phạm-Trấn vẫn không kịp.

Đến khoa thi hội thời Quang-bảo nhà Mạc, hai ông cùng trạc 34 tuổi, và cùng đỗ hội. Đến hôm đình-thí, Đỗ-Uông trông thấy đầu bài, toàn chỗ nhớ cả, chắc là nắm Trạng-nguyên trong tay. Bấy giờ Phạm-Trấn ngồi trong lều làm văn, phảng phất như có hai người giúp đỡ. Một người là Đông-phương-Sóc, một người là Hàn-kỳ. Hai người đứng cạnh đọc lên cho Phạm-Trấn viết. Rồi lại thấy Đông-phuơng-Sóc bảo với Hàn Kỳ rằng: « Phải có một người sang làm cho Đỗ-Uông đau bụng, để giảm bớt sức văn của hắn đi mới được ». Một lát nghe tiếng Đỗ-Uông ngồi lều bên kia, rên lên khừ khừ, không sao viết được. Đến lúc Phạm-Trấn viết hơn một đoạn, thì Đỗ-Uông mới bớt đau bụng, làm được văn, cho nên nhớ nhiều mà sức văn hơi kém.

Khi xướng hồi-danh, quả nhiên Phạm-Trấn đỗ Trạng-nguyên, mà Đỗ-Uông thì đỗ Bảng-nhãn, Phạm-Trấn mừng lắm nói rằng:

— Phen này ta mới đè nổi được Đỗ-Uông!

Đỗ-Uông nghe vậy tức lắm. Đến lúc vinh-qui, Trạng, Bảng cùng về một đường. Bảng nhất định không chịu nhường Trạng đi trước, cứ song cương ngựa đi ngang hàng nhau. Đi mãi đến chợ Bồng-khê làng Hoạch-trạch, người làng ấy vốn biết tiếng hai ông hay chữ, nay cùng vinh-qui về qua cầu làng, mới ra xin hai ông cho một bài thơ đề vào cầu.

Hai ông bảo nhau rằng:

— Cầu ngói này hơn mười gian, hạn đi qua bảy gian, thì phải vịnh xong một bài thơ, hễ ai làm xong trước thì đi trước, không được tranh nhau.

Phạm-Trấn y ước, ngồi trên ngựa vừa đi vừa vịnh, đi khỏi bảy gian, thì vừa xong tám câu thơ. Ai cũng chịu là tài, chỉ Đỗ-Uông không chịu, nói rằng:

— Bài ấy chẳng qua làm sẵn tự bao giờ, không phải mới làm, tài gì mà khen.

Nói thế rồi lại cứ đi ngang hàng. Đi đến làng Minh-luân, lại có người mới làm nhà xong, đón đường xin một bài thơ để mừng nhà mới.

Phạm-Trấn ứng khẩu đọc một bài rằng:

Năm năm thêm phú quí,
Ngày ngày hưởng vinh hoa
Xưa có câu như thế,
Nay mừng mới làm nhà.

Đỗ-Uông đã hơi chịu tài nhanh hơn mình. Khi đến cầu làng Đoàn-lâm, tục gọi là cầu Cốc. Trong cầu c một người con gái bán hàng, tên là cô Loan Hai ông mới thách nhau làm bài thơ nôm, đầu bài ra: « Cô Loan bán hàng cầu Côc. » Hạn phải mỗi câu dụng hai tiếng thuộc về giống cầm, qua cầu phải xong bài thơ, hễ ai xong thì được đi trước, không được tranh nhau nữa,

Ông Phạm-Trấn ngồi trên ngựa lại ngâm xong trước.

Thơ rằng:

Quai vạc đôi bên cánh phụng phong,
Giở giang bán trác tựa đồ công.
Xanh le mở khép nem hồng mới,
Bạc ác phô phang rượu vịt nồng.
vân vân[1]..........

Đỗ-Uông bấy giờ mới chịu nói rằng:

— Thò đọc ra đã thành thơ, nếu không có quỉ ngâm thần trợ, thì sao được thế này?

Từ đấy mới nhường Trạng đi trước. Một hôm, Đỗ-Uông đi lẻn xem ngôi mả tổ nhà ông Phạm-Trấn, thấy có hai cái gò đất nhỏ ở hai bên ngôi mộ, tục gọi là gò Thần-đồng. Đỗ-Uông trỏ vào nói rằng:

— Mấy phen thằng ấy nó đè ta là bởi có hai đống đất này đây!

Mới lấy chân đạp vào hai gò đất ấy. Phạm Trấn từ khi ấy phải bệnh điếc tai, chữa thuốc mãi không khỏi. Có người mách với Phạm-Trấn rằng: Đỗ-Uông đạp vào gò Thần-đồng. Phạm-Trấn kêu với vua, vua bắt Đỗ-Uông phải tạ mả tổ nhà ông Phạm-Trấn bấy giờ mới khỏi.

   




Chú thích

  1. Bài đủ tám câu nhưng tục truyền mất bốn câu dưới.