Bước tới nội dung

Nam Hải dị nhân liệt truyện/40

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

40. — Tản-viên sơn-thần

Núi Tản-viên thuộc về huyện Phúc-lộc (bây giờ là huyện Phúc-thọ, tỉnh Sơn-tây), có ba tầng cao chót vót, hình như cái tán, cho nên gọi là núi Tản-viên.

Tục truyền thần núi ấy khi xưa là dòng dõi vua Lạc-long. Nhà nghèo, vào rừng kiếm củi, chặt một cây cổ-thụ, hôm sau lại có sao Thái-bạch xuống cứu cây ấy sống lại, rồi cho ngài một cái gậy, và dặn rằng: « Gậy này có phép cứu được bách bệnh cho người ta, hễ ai ốm đau, chỉ cầm gậy gõ vào chỗ đau là khỏi, vậy ta cho ngươi để cứu dân độ thế. » Ông ấy nhận cái gậy, từ đấy bỏ nghề kiếm củi, đi chữa bệnh cho người đau. Có một hôm, đi qua bờ sông thấy lũ trẻ chăn trâu, đánh chết một con rắn. Ông ấy trông trên đầu con rắn có chữ vương, biết là rắn lạ, mới cầm gậy gõ vào đầu rắn, thì con rắn ấy sống lại, bò xuống sông mà đi mất.

Được vài hôm, bỗng có một người con giai, đem đồ vàng, ngọc, châu báu đến nói rằng:

— Thưa ông, tôi là Tiểu-long-hầu, con vua Long-vương bể Nam. Bữa trước, tôi đi chơi trên trần, chẳng may bị bọn trẻ con đánh chết, nhờ có ông cứu cho mới được sống, vậy tôi có của này đến tạ ơn ông.

Ông ấy nhất định không lấy, Tiểu-long-hầu mới cố mời ông ấy xuống chơi dưới bể, đưa ra một cái ống linh tê, để ông ấy rẽ nước đi xuồng. Long-vương thấy ngài xuống chơi, lấy làm mừng lắm, mở tiệc thết đãi ba ngày, rồi đưa tiễn những của quí lạ, ông ấy cũng nhất định không lấy gì cả, Long-vương mới biếu một quyển sách-ước, ông ấy nhận sách đem về, giở ra xem, muốn ước phép nào cũng được. Từ bấy giờ cứu được cho dân nhiều lắm, mà các phép thần thông biến hóa, không thần thánh nào theo kịp.

Khi ngài đã thành thần rồi, đi qua cửa bể Thần-phù lên mạn ngược, tìm chỗ nào cao ráo phong quang, và được thói dân thuần hậu thì mới ở. Khi đến Thăng-long, xem dân tình ăn ở phù hoa, không bằng lòng mới bỏ mà lên huyện Phúc-lộc, thấy chỗ ấy có núi Tản-viên, ba từng núi xòa xòa, hình như cái tán, phong cảnh vui vẻ, thần mới hóa phép làm một con đường về phía Nam núi, thẳng tự bến Phan-tân đến Tản-viên. Đường qua cánh đồng làng Vệ-đỗng và làng Nham-toàn, hóa phép hiện ra lâu đài để nghỉ ngơi. Lại qua cánh đồng Thạch-bạn, Vân-mộng, rồi lên mãi từng núi cao nhất để ở.

Thần tự khi ở núi ấy, thường thường ra chơi sông Tiểu-hoàng xem cá. Chỗ nào có phong cảnh đẹp cũng đến chơi. Choi đến đâu lại hiện ra đền đài đến đấy để nghỉ ngơi. Các làng trông thấy chỗ nào có dấu đền đài, thì lại lập đình miếu để thờ.

Bấy giờ vua Hùng-vương có người con gái tên là Mị-nương, nhan sắc rất đẹp, thần núi và vua thủy cùng hỏi xin lấy làm vợ, Vua Hùng-vương nói rằng:

Môt thuyền-quyên không có lẽ sánh được hai anh-hùng, vậy thì ngày mai, ai đem được đủ đồ lễ đến trước thì ta gả cho.

Sáng ngày mai, thần Tản-viên đem những đồ vàng bạc châu báu, cùng là các giống chim quí thú lạ lại dâng.[1] Vua Hùng-vương y ước gả cho, thần mới đón nàng Mị-nương về ở trên đỉnh núi Tản-viên.

Vua thủy đem đồ lễ đến sau, thấy thần núi đã rước dâu về rồi, tức giận lắm, mới làm ra mưa to gió nhớn, và dâng nước lên để đuổi theo cướp về.

Thần núi thấy vậy, làm ra lưới sắt, chắn ngang đường thượng-lưu huyện Từ-liêm. Vua thủy lại đi đường khác, tự sông Lý-nhân vào sát chân núi Quảng-oai, men bờ lên cửa sông Hát-giang, rồi ra sông Lư, vào sông Đà để đánh mé sau núi Tản-viên. Lại mở ra các sông nhỏ, để đem nước vào đánh mé trước núi. Đi qua các làng Cam-giá, Đông-lân, Cổ-nhạc, My-xá, đi đến đâu xoáy nước xuống thành vực, để làm cho các giống thủy-tộc ở, rồi tiến nước lên đánh nhau với thần núi. Thần núi thì bảo dân xung quanh đấy đan phên chắn nước và dùng cung nỏ bắn xuống; lại sai các loài hùm, beo, voi, gấu, bẻ cây cối vận đá ném xuống sông. Mỗi phen đánh nhau, mưa gió sấm chớp ầm ầm, giời đất mù mịt. Đánh nhau xong rồi, thì thấy những loài cá, ba-ba, thuồng-luồng, chết nổi cả lên mặt sông. Từ đấy hai thần thù nhau, mỗi năm đánh nhau một chuyến.

Thần núi linh ứng lắm. Phàm khi nào đảo mưa cầu tạnh, cũng thường ứng nghiệm. Ai nhờn nhỡ đến thì có tai nạn ngay. Mỗi khi tạnh giời, thần thường hiện hình chơi các nơi khe suối, có đám mây phủ như hình tán quạt.

Khi nước Nam nội-thuộc nhà Đường, Cao-Biền sang làm Đô-, muốn trấn yểm các nơi linh-tích, bắt đứa con gái 17, 18 tuổi chưa có chồng, cho ăn đồ hoa quả, mặc áo xiêm lịch sự, đặt lên ngồi trên ngai, giết trâu bò tế bái để cho thần phụ vào người con gái ấy, rồi rình khi cất nhac chân tay, thốt nhiên chém đi, Thường hay-dùng thuật ấy để trấn áp bách thần. Khi Biền dùng mẹo ấy cúng thần Tản-viên, thì thần cưỡi ngựa trắng ngồi trên đám mây nhỏ vào cỗ tế mà đi.

Cao-Biền than rằng!

— Linh khí nước Nam còn thịnh vượng lắm, không tài nào mà trừ được!

Thần có phép lạ, biến hóa không biết đâu mà lường. Quan Hàn-lâm là Nguyên-sĩ-Cố về thời nhà Trần phải đi dẹp giặc, đi qua đền ngài, đem lễ vào khấn, rồi đề một bài thơ rằng:

Non ngất, thần-thiêng, lẫm liệt thay!
Động lòng đã thấu tới cao dày,
Mị-nương cũng hiển oai linh lắm,
Xin giúp thư-sinh một chuyến này.

   




Chú thích

  1. Tục truyền đồ lễ: Voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao, và một chĩnh vàng cốm.