Nam Hải dị nhân liệt truyện/Tựa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Tựa


Hào-kiệt anh-tài là khí tinh-anh của một nước; cho nên nước nào cũng có, mà thời nào cũng có. Nhớn thì gây dựng nên thời thế, tô điểm cho non sông; nhỏ thì lập nên công nghiệp, để danh tiếng về sau; cũng là làm gương cho người đời cả.

Nước Nam ta từ xưa đến nay, trải hơn 4.000 năm, chẳng thiếu gì người tài đức, người danh tiếng; nhưng bởi vì sự tích xa xôi mà không rõ, hoặc vì sử sách biên sót mà không tường. Chỉ còn người nào ghi vào sử, hoặc chép vào ký-tái của các tư gia, thì còn có thể lưu truyền lại được.

Nhưng lại ngặt vì sách thì ít, cho nên lưu truyền ra không được rộng. Người ta nói truyện cổ-tích chẳng qua chỉ một vài người được trông vào sách, rồi thì truyền khẩu cho nhau, lõm bõm người nhớ khúc này, kẻ nhớ khúc kia, mỗi người truyền đi lại sai một tí, té ra nhầm lẫn sai cả sự thực của người xưa. Vả chăng mình là người nước Nam, mà sự tích các bậc danh gia trong nước Nam mình không biết, chẳng hóa ra kiến thức của mình kém lắm dư?

Vì vậy chúng tôi kê cứu trong chính-sử và các tạp-ký tìm những truyện các người có danh vọng, có sự tích lạ lùng, chia ra từng món từng mục, cứ theo thể thức trước sau mà đặt, gọi là « Nam-hải dị-nhân liệt truyện », trước là để lưu cái sự tích của người trước, sau là để các văn-nhân tài-tử xem cho biết anh tài nước mình, thì chẳng những là giúp được khi vui cười, mà cũng có thể tư ích trí khôn cho người ta nữa.

Còn như những sự quái lạ, là lời tục truyền để lại, thì chúng tôi cũng theo mà chép vào đây, hoặc có, hoặc không, tùy người xem nên lấy lý mà đoán, chớ cũng không dám chắc là có những việc ấy cả.

Ngày 27 tháng sáu năm Nhâm-tí, niên-hiệu Duy-tân thứ sáu (le 9 Avril 1912).

PHAN-KẾ-BÍNH cẩn tựa
LÊ-VĂN-PHÚC hiệu chính.

LỜI NGƯỜI HIỆU CHÍNH

Sách này có dự vào chương-trình học thi tú-tài, lần này là lần in thứ tư, có hiệu chính lại, và có kê cứu chép thêm vào để ghi cho đủ các bậc anh-hùng hào-kiệt nước Nam ta, như là sự tích Đức Gia-long cùng các bậc danh-thần, danh-tướng.

Xem sách này có thể biết được đại-lược lịch-sử nước nhà, chẳng khác gì đối với các bậc cổ-nhân tự bốn nghìn năm về trước, mà ngắm làm gương chung về sau; không những là giúp về việc vấn-đề thi-cử, mà về phần trí-dục, đức-dục cũng có tư-ích được ít nhiều.

Nay kính dẫn,
Kim-giang LÊ-VĂN-PHÚC hiệu-chính


Décembre 1916



N.B. — Những bài mới thêm có để dấu (*)