Nam quốc dân tu tri/IV
CHƯƠNG THỨ IV
N• 7.— Lòng người
Tính vẫn không hình, vì tâm mới có. Có tâm làm chủ, gọi là lòng người. Thống suất muôn loài, như quân có tướng. Tướng mà hùng tráng, quân mới phục tòng. Tướng phải ra công, cầm quân cản giặc. Nào là loài giặc, phải biết đích danh, Những món tư tình, những loài tham dục, Nào ăn nào mặc, đua đuổi bề ngoài. Tham sắc tham tài, tự tư tự lợi. Xác thịt làm hại. mất hết tính giời, Giặc đó thiệt rồi, tướng tâm phải biết. Muốn làm thánh triết, cốt phải chính tâm. Đánh được giặc tâm, mới là danh tướng.
CHÍNH TÂM: giữ lòng cho tốt.
N• 8.— Lòng nhân-ái
Loài người sanh dục, gốc vì ái tình. Ái là mậm tình, tình là hạt ái. Bởi hay biết ái, mới gọi rằng nhân. Ta với song thân, với huynh với đệ. Với già với trẻ, đều phải thương yêu. Nòi giống thương nhau, lại là mật thiết. Cũng khí cũng huyết, cũng thịt cũng da. Ta biết thương ta, phải thương người với. Xưa lời Phật nói, lợi kỷ lợi tha. Ái tự một nhà, suy ra một nước. Kìa loài tàn ngược, là giống beo hùm. Người quí tấm lòng, nhất là nhân ái.
ÁI TÌNH: tình thương yêu. SONG THÂN: cha mẹ.
LỢI KỶ: lợi cho mình. LỢI THA: lợi cho người.
N• 9.— Lòng tu ố
Cũng tai cũng mắt, cũng chân cũng tay. Ta so với người, vẫn không gì khác. Cớ sao người được, mà ta lại thua? Chỉ vì ta ngu, mà người thì trí. Người sao mạnh mẽ, mà ta hư hèn? Người sao thánh hiền, mà ta dung tục? Ơn giời nung đúc, ta vẫn con giai. Mang cặp râu mày, lẽ nào trơ trẽn. Ta nên biết thẹn, mới gọi rằng khôn. Xem đứa trẻ con, khi hai ba tuổi. Ai lêu ai chửi, nó đã khóc ngay. Ấy là lương tri, là lòng tu ố.
DUNG TỤC: người tầm thường. TU Ố: biết xấu hổ. LƯƠNG TRI: tự nhiên không ai dạy mà biết.
N• 10.— Lòng từ-nhượng
Gà chung một lồng, cá chung một vũng. Giành ăn đua uống, lúc nhúc lao nhao. Há có lẽ nào, người cùng như nó Đạo giời rành rõ, có trẻ có già. Già là ông cha, trẻ là con cháu. Ông cha ta mộ, con cháu ta yêu. Nhịn ít nhường nhiều, mới là phải lẽ. Tham tài bỏ nghĩa, là giống sói beo. Nạnh ít tranh nhiều, là tuồng chợ búa. Người đời phải có, trật tự thiên nhiên. Yêu dưới kính trên, ấy lòng tự nhượng.
TỪ NHƯỢNG: nhường nhịn. TRẬT TỰ: thứ lớp trên dưới. THIÊN NHIÊN: tự nhiên.
N• 11.— Lòng thị phi
Trắng đen mờ mịt, là mắt người mù. Chèo bội mô hồ, là tai người điếc. Người đời muôn việc, có phải có chăng. Lấy phải làm chăng, lấy chăng làm phải. Lẽ giời đã trái, lòng người còn đâu. Nào vàng nào thau, nào ngọc nào đá. Nào chân nào giả, đạo lý rành rành. Phải xét cho tinh, mới không lầm lỗi. Thánh phàm rẽ lối, cốt ở phải chăng. Một tấm gương trăng, soi cho thấu lẽ. Xin người ghi để, hai chữ thị phi.
THỊ PHI: biết phải chăng. THÁNH: bậc người tốt nhất. PHÀM: bậc người tầm thường.