Bước tới nội dung

Ngô Tử binh pháp/IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

IV

Luận tướng

Ngô-Tử nói: Này tóm cả văn võ, ấy là tướng-quân, gồm cả cương nhu, ấy là binh sự. Phàm người luận tướng, thường xem ở mạnh. Nhưng cái mạnh ở viên tướng, chỉ là một ở trong mấy phần. Này người mạnh dạn tất coi khinh sự hợp sức. Khinh sự hợp sức mà không biết cái lợi của nó thì không thể được. Cho nên làm tướng phải cần có năm điều: một là lý (trị) hai là bị (phòng bị) ba là quả (quả quyết) bốn là giới (giới thiệu) năm làm ước (giản ước). Lý là trị số đông cũng như số vắng, bị là ra đến cửa như thấy quân địch, quả là khi làm địch không nghĩ gì đến sự sống, giới là khi đã đánh được cũng vẫn như là lúc mới đánh, ước là pháp lệnh đơn sơ mà không phiền nhũng. Chịu mệnh mà không từ, phá được quân địch rồi mới nói sự về, ấy là cái lễ của viên tướng. Cho nên ngày ra quân, chỉ có chết vinh quang chứ không có sống nhục.

Ngô-Tử nói: Phàm binh có bốn cơ: một là khí cơ, hai là địa cơ, ba là sự cơ, bốn là lực cơ. Quân đông trăm vạn, sự cất đặt nặng nhẹ ở tay một người, ấy gọi là khí cơ, đường hẹp núi hiểm, núi lớn ải to, mười người trấn giữ, nghìn người khôn vượt, ấy gọi là địa cơ, khéo dùng gián điệp, sai quân khinh binh đi lại, chia tan thế quân của bên địch, khiến cho vua tôi họ oán nhau, trên dưới họ ghét nhau, ấy gọi là sự cơ; xe bền trục bánh, thuyền tốt lái chèo, lính thạo chiến trường, ngựa quen giong ruổi, ấy gọi là lực cơ. Biết bốn điều ấy, thì có thể làm tướng. Nhưng uy, đức, nhân, dũng, tất phải đủ để làm nêu cho người dưới, quân yên giặc sợ, quyết đều ngờ, ra mệnh lệnh, mà kẻ dưới không dám phạm tới, đóng ở đâu thì kẻ địch không dám tới gần, có mình thì nước mạnh, vắng mình thì nước mất, ấy gọi là lương tướng.

Ngô-Tử nói: Này trống chiêng là để làm uy cái tai, cờ phướn là để làm uy cái mắt, cấm lệnh, hình phạt, là để làm uy cái lòng. Tai nghe tiếng uy, không nên không sõi, mắt nhìn sắc uy, không nên không sáng, lòng sợ lệnh uy, không nên không nghiêm. Ba điều ấy không dựng lên được, thì tuy có nước, tất cũng phải bại với bên địch. Cho nên nói rằng: « Tướng phất ngọn cờ quân theo một vệt, tướng chỉ đầu roi quân xông liều chết.

Ngô-Tử nói: Phàm cái cốt yếu của chiến-trận tất trận phải xem viên tướng mà xét cái tài, nhân hình để dụng quyền thì không khó nhọc mà nên công. Viên tướng ngu mà tin người, nên lấy trá mà lừa, tham mà quên danh, nên lấy của mà đút, coi thường sự biến mà không có mưu, nên lấy sự vất vả mà làm khốn, trên giầu mà kiêu, dưới nghèo mà oán, nên dùng cách phản gián để chia lìa ra; tiến thoái đa nghi, quân sĩ không thể nương tựa được, nên rậm rộ để cho phải chạy, quân khinh thường tướng mà có bụng muốn về, nên chẹn chỗ dễ, mở chỗ hiểm, đón mà bắt lấy; đường tiến dễ, đường lui khó, nên săn phía trước; đường tiến hiểm, đường lui dễ, nên xông mà đánh; quân đóng chỗ thấp, nước không đường thông, trời hay mưa dầm, nên tháo nước để cho chìm ngập; quân đóng đầm hoang, có lá nhớp bẩn, gió thổi lồng lộng, nên phóng lửa để mà đốt phá, đóng mãi một nơi, tướng sĩ trễ nải, quân không phòng bị, nên cất lẻn đến mà đánh úp.

Vũ-hầu hỏi rằng: Hai quân đóng đối nhau, không biết rõ viên tướng, ta muốn dò xem nên dùng cách gì? Khởi thưa rằng: Sai người thấp hèn mà bạo dạn đem quân tinh nhuệ đến khiêu chiến, nhưng cốt thua chứ không cốt được, sẽ xem quân địch họ đuổi đến, một ngồi một đứng, có thể biết được họ hay dở thế nào. Họ đuổi theo mà vờ như không kịp, thấy lợi mà tảng như không biết, viên tướng như thế gọi là trí tướng, đừng đánh nhau với họ làm gì. Nếu mà quân sĩ huyên hoa, cờ phướn rối loạn, quân tự đi đứng, lính hoặc dọc hoặc ngang, đuổi theo thì chỉ sợ không được, đó là ngu-tướng, tuy đông cũng có thể bắt được.