Người Nam nên học chữ Pháp
Tiểu dẫn: Trong số báo Tiếng Dân ra ngày 24 tháng 3 năm 1936, đúng kỷ niệm 10 năm cụ Tây Hồ qua đời, cụ Huỳnh Thúc Kháng trong bài viết mang tựa đề "Cụ Tây Hồ với việc Tây học - Chuyện dật sử trong khoảng Đông học", trong đó có nhắc lại nguyên văn lời cụ Tây Hồ như sau:
... Sau khi đi gặp cụ Sào Nam (1906) về, Cụ nói:
Anh em chưa nên nghe việc ngoài (việc Đông Du) vội, trước hết phải học tiếng nước ngoài đã. Tôi sang Nhật Bản, đi đâu nhờ có cụ Sào Nam bập bẹ đôi tiếng, gặp người Nhật biết chữ Hán, còn mượn cây bút nói được đôi chuyện, không thì tôi ngồi đối diện với họ như là người câm. Nếu như họ pha trà trước mặt mình mà họ chửi hay mắng mình, mình cũng cầm chén uống ngay, mà lại cảm ơn họ nữa. Cái khổ không biết tiếng nói ra thế nào, anh em tưởng tượng cũng biết được...
Cụ lại nói:
Lúc cụ Sào Nam và mấy người thiếu niên sang Nhật nói chuyện cầu học, Khuyến Dưỡng Nghị[1] hỏi:
- Các ông có biết tiếng Pháp không ?
- Thưa chưa.
- Các ông ở chung với người Pháp đã nửa thế kỷ, nước Pháp là một nước văn minh có tiếng trên thế giới, sao lại không học chữ họ ? Đó là một khuyết điểm lớn. Người Nhật chúng tôi hễ người Anh tới, chúng tôi học tiếng Anh, người Nga, người Pháp, người Đức đến, chúng tôi học tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức. Chúng tôi lại cho bọn thiếu niên trong nước sang tận xứ họ mà học nữa. Vì mình có biết tiếng họ, chữ họ, đọc được sách vở của họ, mới biết tình hình, chính thể cùng công việc của họ mà bắt chước theo điều hay của họ chứ. Ông đã lớn tuổi không học được, chớ lớp thiếu niên này sao lại không học được tiếng Pháp ?
Đại Ôi[2] (Thủ tướng Nhật) nói tiếp:
- Việt Nam thuộc dưới quyền bảo hộ nước Pháp mấy mươi năm nay, mà chúng tôi gặp ông là một người Việt Nam đầu tiên mới tới nước tôi, đủ thấy dân tộc các ông ít đi ra ngoài. Đã không ra ngoài, đã trong nước lại không học tiếng Pháp, thì dầu ở bên cạnh mà đối mặt nhau như cách xa ngàn dặm. Các ông mắc phải bệnh "ngột". Học tiếng Pháp, chữ Pháp, chính là phương thuốc chữa bệnh "ngột" đầu tiên của các ông vậy ...