Bước tới nội dung

Người con gái ở lầu hoa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Người con gái ở lầu hoa  (1942) 
của Nguyễn Bính

In trong tập thơ Người con gái lầu hoa do nhà xuất bản Hương Sơn ấn hành. Cô gái được nhắc đến là Tú Uyên, cũng được đề cập trực tiếp trong bài thơ "Nàng Tú Uyên" in trong tập thơ này.

Nhà nàng ở gốc cây mai trắng,
Trên xóm mai vàng dưới đế kinh.[1]
Có một buổi chiều qua lối ấy,
Tôi về dệt mãi mộng ba sinh.

Tôi rót hồn tôi xuống mắt nàng.
Hồn tôi là cả một lời van.
Tôi van nàng đấy! Van nàng đấy!
Ai có yêu đương chả vội vàng?

Tôi rót hồn tôi xuống đã nhiều,
Hồn tôi còn có được bao nhiêu?
Tôi đi sợ cả lời tôi nói,
Sợ cả gần nàng, sợ cả yêu.

Nàng có bao giờ nghĩ đến không?
Không, nàng đan áo suốt mùa đông,
Mùa xuân qua cửa, tôi qua cửa,
Nàng chả nhìn cho, đến não nùng!

Tôi mỉa mai tôi, oán trách tôi
Làm sao tôi lại cứ câm lời?
Thì trăm con gái, nghìn con gái
Nàng cũng là người con gái thôi.

Có một nghìn đêm tôi chiêm bao,
Ba đêm nay khóc với mưa rào,
Đêm nay mắt đỏ rồi, mưa tạnh,
Tôi khóc âm thầm dưới bóng sao.

Nàng ở lầu hoa ở đệm bông,
Có đêm nào nghĩ đến tôi không?
Không không, chả có đêm nào cả,
Chả có đêm nào hé cánh song...

   




Chú thích

  1. Theo nhà văn Hoàng Tấn,[a] các địa danh ngụ ý trong hai câu thơ này lần lượt là Bạch Mai, Hoàng Mai và Phố Huế ở Hà Nội.

^a  Hà Đình Nguyên (17 tháng 3 năm 2010). "Những bóng hồng trong đời thơ Nguyễn Bính". Báo Thanh Niên (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).

Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)


Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)