Bước tới nội dung

Người thất chí/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Trời gần tối Trinh mặc một bộ ka-ki vàng, quần may cụt ống, áo sơ-mi xanh, đầu đội kết[1] nỉ đen, chưn vấn ghết[2] vải xám, ở trong nhà bước ra tới cửa, rồi day lại nói với Phụng đi theo sau: "Ở đời chẳng nên thối chí. Làm trai mình phải có can-đảm, phải có nghị-lực cho đầy-đủ mà xông-lướt phong-trào nguy-khổn, chớ sao lại cứ thở-than rầu-rĩ hoài như đàn-bà vậy, Mỏa biểu toa đừng thèm buồn việc gì nữa hết. Toa cứ đi chơi cho thong-thả trí, đặng phấn-chấn mà tranh-cạnh với thiên-hạ. Thôi toa ở nhà, để mỏa về rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp“.

Trinh bắt tay từ-giã Phụng rồi bước ra đại-lộ Galliéni[3], thủng-thẳng đi ra hướng chợ Bến-thành.

Ngoài đường đèn khí bựt cháy lên, nam-thanh nữ-tú qua lại dập-dều, xe kéo xe hơi nối nhau tốp chạy ra, tốp chạy vô coi không dứt.

Phụng ngó mông một hồi rồi xây lưng trở vô nhà. Chàng vặn đèn phía trước sáng lòa rồi lại bàn viết mà ngồi, chống tay trái mà đỡ cái trán, đầu nghiêng một bên, mắt ngó sững vô vách tường coi bộ bàng-hoàng tư-lự lung lắm.

Trong căn nhà của Phụng ở, bàn ghế dọn sơ-sàì, chớ không hực-hỡ như các căn khác trong dãy phố đó. Phía trước có một bộ ván gỗ nhỏ, với một cái ghế bố để nằm chơi, Chính giữa có một cái bàn vuông với một cái ghế để tiếp khách, một bên có một cái bàn viết chứa sách đầy chồng, sách Tây sách quốc-âm xốc lộn-xộn, không có thứ-tự. Còn phía trong thì chỉ có một cái giường để ngủ, với hai cái rương lớn để áo quần mà thôi; bàn rửa mặt thì để dưới nhà bếp, mà chẳng có nồi ơ, chén bát chi hết.

Trong nhà vắng hoe, khác với cảnh rần-rộ ngoài đường. Phụng cứ ngồi im-lìm cho đến chừng cái đồng-hồ nhỏ ở trên bàn viết chỉ 7 giờ, chàng mới đứng dậy, tắt đèn bước ra ngoài khóa cửa lại, rồi cầm chìa khóa đi lại nhà ông Phán Thành, ở cách đó năm căn mà ăn cơm tối.

Ông Phán Thành hồi trước giúp việc tại sở Thương chánh kể đến 33 năm, ông mới được hưởng hưu-trí hồi năm ngoái. Vợ chồng ông không có con nhưng mà ông có một người con nuôi tên Tồn, đương làm việc trong một hãng buôn tại Sai-gòn. Vì vợ chồng không có vườn ruộng ở xứ nào hết, nên được hưu trí rồi ông cũng ở luôn tại Sài-gòn với con nuôi đặng hủ-hỉ cho vui. Bà Phán tuy đã trên 50 tuổi rồi, song bà còn mạnh khỏe bởi vậy mấy thầy chưa vợ ai muốn ăn cơm tháng thì bà sẵn lòng nấu giùm.

Phụng ở đậu tại nhà Trinh đặng kiếm việc mà làm; vì Trinh làm kiểm soát cho sở hỏa-xa, phải đi theo xe lửa đường Sài-gòn Nha trang, không thể ăn cơm nhà được, bởi vậy đã gần ba tháng nay Phụng phải ăn cơm tháng tại nhà ông Phán Thành.

Phụng bước vô đã thấy Tồn là con nuôi của ông Phán với thầy Giao, là người ăn cơm tháng, ngồi sẵn mà chờ đó rồi, bởi vậy vợ chồng ông Phán liền mời luôn lại bàn ăn.

Ông Phán hỏi Phụng:

- Bữa nay tôi thấy có ông Trinh ở nhà phải hôn?

- Thưa, phải. Hôm qua tới bữa nhằm phiên ảnh nghỉ, ảnh mới đi làm hồi tối đây.

- Ông làm kiểm-soát sở hỏa-xa, ăn lương thì lớn mà coi thế cực khổ tốn hao lung lắm. Đi xe hoài, ngủ không được, Có lẽ lâu ngày mệt chớ. Đã vậy mà ăn uống không chừng, khi ăn Sài-gòn, khi ăn Nha-trang, tự nhiên phải tốn tiền nhiều.

- Còn trẻ tuổi, dầu làm việc cực khổ chút đỉnh có hại gì. Cực mà được lương lớn thì cũng cầu mà chịu cực. Phận cháu đây, cháu muốn cực hết sức mà cực không được, cháu mới đáng buồn chớ.

- Cậu bền chí mà kiếm việc làm, tự nhiên cũng sẽ có chớ.

- Cháu kiếm hết sức mà chưa được chỗ nào hết.

- Đời nầy thiệt khổ. Câu có đi học bên Tây mà kiếm việc làm không được, thế thì mấy cậu nhỏ học bên này làm sao có chỗ mà làm.

- Cháu không kén chọn chi hết, dầu làm ăn lương bốn năm chục một tháng cháu cũng làm nữa, miễn có cơm ăn thì thôi; ngặt gần hai tháng nay, cháu kiếm không được một chỗ nào hết, nên không biết làm sao. Cháu muốn trở về Cần-thơ đặng mướn ruộng mà làm, mà anh Trinh cứ theo cản hoài, biểu ở trên nầy rồi thủng thẳng sẽ có công việc làm, thủng thẳng đến chừng nào không biết!

- Từ nhỏ chí lớn cháu đi học thì phải ở tại tỉnh thành mà làm việc, chớ không thạo cách làm ruộng, nếu trở về vườn cậu làm ruộng sao được.

- Nghề nào cũng vậy, thủng thẳng mình tập, lần lần rồi sẽ quen, có khó gì.

Thầy Giao có tánh ít nói chuyện, nên nãy giờ thầy cứ ngồi ăn, không nói một tiếng nào hết. Bây giờ thầy mới xen vô mà nói: "Người ta hay nói: Hoàng thiên hữu nhãn. Theo tôi thì ông Trời không có con mắt. Nếu ổng có con mắt, sao M. Phụng đây muốn làm ăn hết sức, dầu cực khổ không nệ, mà ổng lại không cho có sở làm ăn. Còn có nhiều nhười khác họ biếng nhác, làm việc chi họ cũng làm cho có chừng, không biết lo-lắng, mà sao họ lại có công việc làm luôn luôn. Nghĩ thử coi có phải ông trời không có con mắt hay không?“.

Bà Phán cười và nói: "Mỗi người đều có mạng số riêng. Cực hay sướng đều tại mạng của mình, chớ nào có phải tại ông trời mà thầy trách ông. Ông trời công-bình lắm.“

Ông Phán chận mà hỏi bà:

- Bà có nói chuyện với ông trời hồi nào hay sao mà bà biết ổng công-bình?

- Ông hỏi kỳ cục quá! Ông dám nghi ông trời không công-bình hay sao?

- Tôi nghi lắm.

- Già rồi, đừng có nói như vậy không nên. Nếu trời không công-bình, mà sao người làm lành lại được phước, còn kẻ làm dữ, lại bị tội.

- Ai nói với bà làm lành thì được phước, còn làm dữ thì bị tội? Thuở nay tôi thấy nhiều người làm lành mà có được phước gì đâu, còn có nhiều kẻ ở ác hết sức mà họ không có bị tội hồi nào hết. Đừng có chỉ ở đâu xa làm chi, kìa bà Lợi ở căn phố bìa kìa, bà cho vay bà cắt cổ thiên-hạ ngất ngư hết, cho l đồng bạc mỗi ngày ăn 1 cắc lời, cho 10 đồng 1 tháng ăn 4 đồng lời. Vì nghèo túng rồi nên phải tới bà. Bà thừa dịp người ta cần dùng tiền, bà cắt họng người ta như vậy đó, bà ở ác quá, mà bà làm giàu, chớ có bị tội gì đâu.

- Thuở nay bà Lợi cho vay như vậy, tại mình đến năn-nỉ mà vay thì mình chịu. Bà có ép buộc ai phảỉ vay của bà đâu mà nói bà cắt hầu cắt họng.

- Phải. Bà không ép buộc ai. Nhưng mà bà là người cho vay, hễ mình túng tiền xài thì tới bà, chớ biết đi đâu mà hỏi. Bà thừa cơ hội khốn đốn của mình mà buộc mình phải chịu tiền lời nặng, ác là tại chỗ đó.

- Cho vay ăn lời nặng, tôi tưởng chưa ác lắm. Lúc mình hụt tiền mua gạo, hoặc uống thuốc bà giúp cho mình, ấy là bà làm ơn. Cái ơn giúp đỡ lúc túng ngặt đó có lẽ cũng trừ với cái ác ăn lời nặng kia được. Có người không giúp đỡ cho ai hết mà lại còn bươi móc kiếm chuyện đặng lấy tiền lấy bạc của người ta, mấy người đó mới thiệt là ác.

- Thừa dịp người ta nguy khốn hay là kiếm cớ làm khó cho người ta đặng lấy tiền, đều có tội ác hết thảy. Theo ý tôi, như ông Trời của bà nói hồi nãy đó mà thiệt công-bình, thì ông quét cho sạch những hạng người ấy, rồi dân nghèo mới hết hoạn-nạn.

- Nói như ông vậy, thì trên mặt đất nầy còn người ta nữa ở đâu!

- Sao lại không còn? Còn người tử-tế biết nhơn nghĩa, họ ở.

- Được bao nhiêu người như vậy!

- Bao nhiêu cũng được, đông làm gì. Đông mà lộn những hạng người không biết thương yêu ai hết, cứ lo cắt họng lật lưng người ta, thì càng khốn-nạn, chớ ích lợi gì, Thà là có ít, mà toàn là người tử-tế, thì mặt đất nầy trở ra thiên đàng, không khoái lạc hay sao?

- Những kẻ hung dữ, trộm cướp chém giết người ta, nếu ông muốn trời hại họ chết hết đi, thì cũng cho là phải được; chớ mấy người cho vay ăn lời nặng với mấy người kiếm chuyện đặng lấy tiền của người ta, mà ông cũng muốn cho họ chết nữa, thì ông gắt quá!

- Kẻ hung bạo, trộm cướp hoặc chém giết người ta, thì tòa chiếu luật mà bỏ tù hoặc đày họ. Họ khuấy rối xã-hội, thì sẵn có luật buộc họ phải đền tội. Ấy vậy hạng người đó ít hiểm cho bằng hạng người làm mặt quân-tử rồi cắt họng lật lưng người ta, mà không có luật, hoặc có luật mà không có đủ bằng cớ cho tòa trừng-trị họ. Tôi cho hai hạng người đó tội ác như nhau, thì tôi có nhơn nhiều lắm rồi; nếu lấy tâm-lý mà xét thì hạng người sau phải chịu hình phạt nặng hơn hạng người trước kia mới đáng.

Bà Phán hết lời mà cãi nữa.

Thầy Giao hỏi ông Phán:

- Người ta nói bà Lợi nhiều tiền lắm, phải như vậy hay không ông Phán?

- Phải chớ. Tôi ở dãy phố nầy đã gần 20 năm nay, bả cũng ở đó, tôi thấy bả cho vay luôn luôn. Bả ăn lời cắt cổ, 20 năm nay làm sao mà không nhiều tiền được.

- Theo ý ông thì bây giờ trong nhà bả có chừng bao nhiêu tiền?

- Tôi tưởng bả có hai ba ngàn đồng là số ít.

- Nhiều tiền quá! Bả không có con cháu chi hết, mà bả cắt họng người ta rồi để tiền cho ai ăn không biết.

- Người tham tiền thì họ cứ lo tính làm cho ra tiền nhiều mà thôi, họ có nghĩ tới sự dùng tiền ấy bao giờ đâu. Làm ra rồi để đó, không dùng về chỗ nào hết, chừng chết tiền ấy không đem theo được, thì cào cấu giành-giựt đặng có tiền cho nhiều làm chi không biết.

- Đời nầy có chi quí bằng đồng tiền. Nếu mình có nhiều thì mình được cao sang, được thiên-hạ kính-trọng, mà mình lại có thể làm ơn làm nghĩa được nữa. Còn nếu mình không có, thì thân mình phải cực-khổ hèn-hạ, đã không làm việc gì được, mà có khi còn phải chịu đói rách. Ấy vậy có tiền nhiều thì sướng lắm, có quấy chi đâu, nhưng mà phải dụng tâm dụng lực cho hiệp nghĩa hiệp nhơn mà làm ra tiền mới tốt, chớ cướp giựt cào cấu cho có tiền thì quấy lắm.

Phụng lắc đầu cười và nói: "Làm nhơn-nghĩa thì làm sao có tiền nhiều cho được!“

Ăn cơm rồi, thầy Giao đi về liền, còn thầy Tồn thì xin phép ông Phán mà đi coi hát bóng.

Phụng cũng từ-giã vợ chồng ông Phán mà về. Bà Phán nói: "Xin cậu ở lại cho tôi nói chuyện riêng một chút“.

Phụng kéo ghế mà ngồi. Ông Phán đi vô trong. Bà Phán bước lại gần mà nói nhỏ với Phụng: "Hôm tháng trước trong nhà hụt tiền xài, tôi có hỏi bà Lợi hết 10 đồng bạc tháng. Bữa nay tới tháng, bà đòi dữ quá. Nếu cậu có tiền xin cậu làm ơn cho giùm tiền cơm đặng tôi trả cho bà Lợi“.

Phụng biến sắc, ngồi trân-trân một hồi rồi thở ra mà đáp:

- Cháu ăn cơm đã gần hai tháng mà cháu chưa trả được cho bà đồng nào hết, thiệt cháu ái-ngại lung quá. Hôm qua cháu đã có viết thơ về xin tiền đặng trả cho bà. Vậy xin bà đợi vài bữa cháu được tiền cháu sẽ trả.

- Cậu chưa có việc làm mà tôi đòi tiền cơm, thiệt tôi cũng ái-ngại hết sức. Ngặt tôi vướng hết mười đồng bạc tháng của bà Lợi, nên cực chẳng đã tôi phải hỏi. Nếu không có như vậy, thì chừng nào cậu có sở làm rồi cậu trả cũng được. Tôi biết cậu là người tử-tế, mất mát gì đó mà sợ.

- Thiệt bây giờ cháu không có đồng nào hết. Xin bà chịu phiền đợi ít bữa, hễ bà già cháu gởi bạc lên thì cháu sẽ đưa cho bà liền.

- Thôi, tưởng cậu có sẵn nên tôi mới hỏi. Nếu cậu không có thì thôi, để ít bữa nữa cũng được. Để tôi năn nỉ với bà Lợi ráng để cho tôi một tháng nữa. Cha chả, mà phải chịu cho bà tới 3 đồng bạc lời.

- Dữ hôn!

- Vậy chớ sao. Tôi quen với bà nhiều lắm, nên bà cho ba đồng lời đó đa, chớ bà cho người khác bả ăn tới 4 đồng.

- Mắc quá! Thôi, tiền lời ấy để cháu chịu cho bà.

- Để cho cậu chịu sao phải? Nếu cậu không có tiền, vậy chớ mấy tháng nay cậu làm sao mà ăn xài.

- Cháu không có xài việc chi hết. Mấy tháng nay anh Trinh thường đưa tiền cho cháu, khi 10 đồng, khi 20, biểu cháu lấy mà xài. Lần nào cháu cũng từ chối, cháu nói cháu có tiền, cháu không chịu lấy.

- Ông Trinh ăn lương lớn, mà ông không có vợ con, ông xài tiền không hết, ông chia bớt cho cậu xài, có hại gì mà cậu ngại.

- Tuy cháu với anh Trinh làm anh em từ hồi còn nhỏ, qua bên Tây cũng gần-gũi nhau nữa, song cháu được ở đậu nơi nhà ảnh nghĩ cũng đã quá rồi, nếu cháu còn lấy tiền của ảnh mà xài thì cháu không an bụng. Vậy xin bà đừng nói cho ảnh biết sự cháu không có tiền. Nếu ảnh hay cháu không có tiền mà trả tiền cơm thì chắc ảnh trả liền. Mà hễ để cho ảnh làm như vậy thì cháu hổ quá, chắc cháu phải đi về xứ, không dám ở trên nầy nữa. Xin bà giấu dùm cho cháu.

- Ai nói làm chi. Cậu nghèo mà cậu giữ liêm sỉ lung quá!

- Phải biết liêm sỉ mới đáng làm người chớ.

- Tội nghiệp quá! Người như cậu vậy mà ông Trời lại không cho giàu có chớ: hèn chi ông Phán tôi ổng nghi ông Trời không công bình.

- Cháu khổ riết rồi cháu cũng nghi như ông Phán vậy đó bà.

- Đừng có nói như vậy không nên. Cậu còn nhỏ, cậu phải tin tưởng Trời, Phật, cậu mới đi ngay đường được.

Ông Phán ở trong bước ra và cười và nói: “Bà cứ giảng dạy luân-lý hoài! Nghe buồn quá!”

Phụng đứng dậy từ vợ chồng ông Phán mà về. Bà Phán ngó theo và nói với chồng: “Người trẻ tuổi mà biết đều quá. Thế mà phải chịu mghèo, thiệt tội nghiệp hết sức.”

   




Chú thích

  1. (Tiếng Pháp: Caskette) = nón lưỡi trai, nón có rìa che nắng
  2. (Tiếng Pháp: guêtre) = dây da hoặc vải đan chéo dùng bọc ống chân (bắp chuối) từ đầu gối đến ống giày, từ ngữ này đã được Việt hóa
  3. Nay là đại lộ Trần Hưng Đạo