Ngọc lê hồn (Ngô Văn Triện dịch)/1

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Ngọc lê hồn của Từ Chẩm Á, do Ngô Văn Triện dịch
CHƯƠNG THỨ NHẤT. Chôn hoa

NGỌC LÊ HỒN
Tiểu-Thuyết TỪ-TRẨM-Á


CHƯƠNG THỨ NHẤT
Chôn hoa

Sương sớm lờ-mờ, vầng đông le-lói, tia sáng chiếu thẳng vào cửa kính, đỏ hồng như sắc hoa yên-chi. Ngoài song một gốc hoa lê, trăng tàn lồng vẻ, gió sớm đưa hương, trông tha-thướt như một người tiên áo trắng, đêm xuân vừa chợt tỉnh giấc nồng; mà dì gió phũ-phàng, đã đưa đến một cánh bùa đòi mạng: Hoa rụng tơi-bời, hương bay tan-tác, đầy đất phủ lên một lượt áo tuyết trắng xóa, tình-cảnh lúc ấy, mơ-màng như ở đâu trên chốn núi Ngọc cung Hàn. Phía tả song thơ, bên hòn núi giả, lại có một cây tân-di, bông hoa mới nở, choi-chói màu hồng, sương sớm chưa tan, long-lanh cành biếc, sắc đẹp màu tươi, rực-rỡ ở dưới bóng mặt trời mới mọc, trông chẳng khác như một bức chướng gấm, khiến người ta trông vào mà phải mắt quáng thần mê. Hai cây hoa song-song đối nhau, mà một bên như sùi sụt khóc, một bên như nhởn-nhơ cười, mỗi bên đều như mở riêng ra một cái trời đất khác. Cùng ở trong một cảnh mà bên nở bên tàn, bên tươi bên héo; gốc hoa lê tiều tụy nọ, thật đã chẳng khác như số phận của các chị em bạc-mệnh trong thiên-hạ, đứng đối với cây tân-di đương độ khoe thắm, phô tươi, màu xuân hớn-hở, há chẳng cũng đau lòng mà thương cho thân-phận lắm sao! Hoa lê tan-tác rụng đầy thềm, hồn hoa đã chết, người gọi ấy là ai? người lay ấy là ai? lại người thương tiếc ấy là ai? Có chăng ba bốn cái oanh già, bay đậu đầu cành, ríu-rít nỉ-non, tựa như còn biết vì hoa thăm viếng: ngoài ra thì sân không quạnh-quẽ, chỉ có làn gió hây hây thổi, làm cho những cánh hoa rơi xuống lại tơi bời bay múa, khởi lên một trường bạch-chiến ở trên không mà thôi. Một lát bỗng thấy của song sịch mở, có một chàng thiếu niên ngó cổ ra ngoài. Thiếu niên mặt mũi sáng-sủa mà phong-thần ủ-ê, trông tựa như chàng đã vì hoa mà lo lắng xuốt đêm không ngủ. Bấy giờ chàng đứng tựa bên song, con mắt nhìn đăm-đăm vào cây hoa lê đã nửa tàn, giật mình mà rằng: « Một đêm sương gió mà đã tan tác thế này ư? Hoa lê yêu quý của ta ơi, sao mà bạc mệnh đến như thế! » Giọng nói có ý ngậm-ngùi lắm. Chỗ chàng đứng, cách với cây tân-di không mấy, bóng dương chiếu dọi, hoa chúm-chím cười, màu đỏ ánh vào, như nhuộm đầy sắc áo. Vậy mà chàng không nhìn ngó đến, tựa như không để ý đến cây hoa này. Lạ thay! Chàng là người thế nào? Đối với cây hoa lê đã tàn thì quyến-luyến dường kia, đối với cây tân-di vừa nở thì hững-hờ như thế, người bỏ ta yêu, người yêu ta bỏ, há chẳng phải là chàng có riêng một cái tâm ý mà là một người lạ ở trong tình-trường đó sao! Chàng là ai? là Mộng-Hà ở Tô-đài đấy.

Giấc xuân không biết sáng, xao-xác tiếng chim kêu, ấy chỉ là lời nói không của nhà làm thơ đó; tiếc hoa sáng dậy sớm, yêu trăng đêm ngồi khuya, ấy mới là lời tả thực của nhà làm thơ đó. Có cái người nào, đêm xuân dễ mấy, vội cài song chẳng để trăng vào, canh dài chưa khuya, không đốt sáp mà xem hoa nở, người mà như thế, thực là phường tục-tử vô tình. Chứ những người đa-tình trong thế-gian, ai là không chung tình với trăng cùng hoa, đã chung tình, ai là không lấy sự yêu thương để biểu lộ tấm tình. Trăng tròn hoa đẹp, một năm dễ được mấy lần, há lẽ cái người đã tự phụ đa tình mà lại nỡ ham say giấc ngủ, hoài bỏ trăng hoa, và luống phụ cái quang âm quý giá ấy du! Mộng-Hà chơ-vơ quán khách, lận-đận quê người, nỗi nọ đường kia, biết cùng ai tỏ; bạn tốt trong cảnh thê-lương, duyên vui trong cơn tịch-mịch, vẫn chỉ nhờ được có hai cây hoa ở trước sân đó mà thôi. Hai cây hoa này Mộng-Hà vẫn coi là cái sinh mệnh thứ hai của mình, yêu thương hết lòng, giữ gìn hết sức, đêm nằm thì thấy hoa trong giấc mộng, ngày ăn thì thấy hoa trong bát canh, sắc với hương của hoa, hồn với bóng của hoa, thường thường lẩn-quẩn ở trong lòng chàng, loanh-quanh ở trong óc chàng. Bấy giờ nhân nghe tiếng chim kêu mà chàng ở trên giường, vội vùng trở dậy.... Hãy nên nói lại trước khi chàng chưa dậy và trước khi chàng chưa ngủ. Số là đêm qua gặp buổi trăng trong leo-lẻo, hoa nở đầy cành, cảnh vừa đẹp, khách đương buồn, Mộng-Hà không nỡ hoài bỏ cái giá-trị một khắc nghìn vàng, thơ-thẩn ở dưới hoa không biết là bao nhiêu bận; lúc thì vì hoa khấn vái, lúc lại cùng hoa chuyện-trò, hoặc nhìn bóng mà than dài, hoặc vin cành mà hát múa. Mãi đến lúc canh tàn khắc vợi, sương lạnh đèn mờ, chàng mới biệt hoa mà đi nằm. Song yêu hoa mắt nhắm khôn đành, hồn hoa phảng phất bên mình đâu đây, chàng nằm từ đấy mãi đến lúc mặt trời đã mọc ngàn đông, mà vẫn không ngủ được một phút nào cả.

Tuy nhiên, Mộng-Hà đã là người đa-tình, đã yêu hoa như tính mệnh mình, thì tưởng nên mang một cái chủ-nghĩa bác-ái mới phải, cớ sao lại chỉ đậm tình với hoa lê mà nhạt tình với hoa tân-di? Không phải là Mộng-Hà có thiên gì đâu, chẳng qua là tình kia nó đã chung đúc vào rồi, chưa dễ mà sẻ-san ra được. Mộng-Hà đến ngụ ở đó, mới được vài tuần. Khi chàng mới đến thì đã vào cuối mùa hoa lê, cành cành xờ-xạc, đóa đóa tơi-bời, mưa gió đã đòi phen vùi-giập. Hoa như có tình, thấy Mộng-Hà đến chợt thu vẻ khóc, mỉm miệng cười, để đón rước ông chủ đa tình mới đến. Mộng-Hà sau khi lận-đận đường xa tới đó, chiếc thân hưu-quạnh, quán khách lạnh-lùng, tình cờ cùng với gốc hoa lê bạc mệnh kia gặp gỡ nhau, vì thế mà tấm tình âu yếm yêu thương tự nhiên phát ra một cách không định thế mà thế. Đến như cây tân-di kia thì bấy giờ phấn son vừa nhuộm, ong bướm chưa hay, mơn-mởn mầu tươi, hạnh nhường đào thẹn, Mộng-hà thấy thế, vẫn ra ý hững-hờ. Bởi vì so sánh hai hoa thì tân-di tuy đáng yêu nhưng lê hoa lại đáng thương. Mộng-Hà tâm tình tẻ ngắt, ý hứng buồn-tênh thường hay đặt mình vào những cảnh tịch-mịch tiêu-điều mà không ưa những thứ phiền-hoa nhiệt-náo, vì thế mà tấm lòng yêu hoa cũng không khỏi có riêng. Bấy giờ Mộng-Hà đẩy song trông ra, bỗng thấy hoa rụng tơi bời, đầy sân trắng sóa, trong lòng đau đớn vô cùng. Chàng vì yêu hoa mà dậy sớm, hoa vội bỏ chàng mà đi đâu. Đứng nhìn ngẩn mặt hồi lâu, thờ-thẫn lui vào, rồi do cửa tả mà đi ra, quanh dẫy hè, bước xuống sân, trông ra tuyết rơi ngọc vụn, trắng muốt một màu, liền đến ôm lấy thân cây mà khóc. Khóc rằng: « Hỡi hoa lê yêu quý của ta? Hồn hoa đâu tá? Mộng-Hà đến đây! Bạc mệnh thay hỡi hoa! sinh ra ở chỗ vắng vẻ không người, cổng ngăn mấy đợt, khóa kín đông phong, chẳng cần ai yêu, không cần ai biết; tình cờ lại cùng ta là một kẻ phiêu-linh, kết mối duyên ngắn-ngủi, hoa nở ta không hay, hoa rụng ta vừa đến, tìm hương có ý, tiếc đã muộn-màng, mệnh hoa thiệt mỏng-manh, mà mệnh ta há chẳng cũng mỏng-manh ư? Ta nếu đến trước ít ngày thì vừa gặp tuần hoa nở, cành châu đóa ngọc ta còn được những lúc trăng khuya gió sớm, nương hiên mà cười cợt cùng hoa; hoặc ta đến muộn ít ngày, thì hoa đã mưa vùi gió giập, tan-tác hết rồi, tuy nhìn cảnh trơ-trọi, không khỏi trạnh thương, nhưng cũng thuộc về một sự đã qua không đến nỗi như nhỡn tiền trông thấy. Cớ chi không trước không sau, chẳng mau chẳng muộn, trong khi gặp gỡ lại chính là cái lúc lìa tan, trẻ tạo chêu ngươi, tựa như cố ý đặt bày ra thế. Than ôi, cái bàn tay chuyên chế của chúa xuân thật là độc địa, đã đem sức gió mà làm cho đời hoa tan-tác, lại mượn cái hồn hoa sắp chết mà đưa ta vào cảnh thương tâm. Ta muốn bắc thang lên gõ cửa nhà trời hỏi trời xanh sao khéo vô tình, nỡ dong túng cho cái giống Hương-quốc ma-vương được giở ra những thủ đoạn hung tàn mà phá hại cái thế-giới oanh hoa như thế? »

Than ôi! Mộng-Hà thật là quá si! Hoa có hiểu được lời nói đâu mà chàng cứ kể-lể giằng giai mãi thế? Hoa đã rụng rồi, không còn mong lại chắp cánh liền cành được nữa; mà gió đông tai ác, lại nhân lúc Mộng-Hà đau-đớn mà cố làm cho thêm đau đớn ê-chề, một trận phũ-phàng, loạn đập vào cành cây, khiến cho mấy đóa hoa còn sót trên cành, tan-tác tung bay, lại trút xuống mà bám đầy vạt áo. Mộng-Hà trên ngắm cành không, dưới nhìn cánh rã, bất giác lòng đau chín khúc, lệ túa muôn hàng, kêu to lên mấy tiếng rằng: « Biết làm thế nào? Biết làm thế nào? » Hồn hoa quả có linh thiêng, nghe Mộng-Hà kêu, bàng-hoàng chợt tỉnh, gượng dậy mà múa may quay cuồng ở trước mặt chàng; dường như đã cảm một tấm tình si, và lại mong chàng quá thương lấy chút phận hẩm-hiu sau khi đã thác. Mộng-Hà tự nghĩ: « Ta đã là chủ-nhân của hoa thì nên hết cái chức-trách che chở cho hoa, ngày nay trông thấy cái thảm-trạng tan-tác tơi-bời, thương hoa đã không có cách gì bênh vực được hoa, thì còn cái trách-nhiệm đắp-điếm cho những cánh hoa tàn, ngoài ta ra phỏng còn đợi ai vào đấy? ta há lại nỡ để cho bùn pha cát giập, trôi giạt đọa-đầy nữa hay sao? » Rồi đó chàng sẽ phủi những cánh hoa bám ở trên mình, trở vào trong nhà lấy một cái chổi và cái bao đem ra, cầm chổi quét dồn những cánh hoa lại, bỏ vào trong bao, vừa cúi vừa quét, vừa quét vừa khóc, hỳ-hục mất mấy tiếng đồng-hồ mới thu nhặt được hết. Mộng-Hà tay sách bao hoa, nghĩ đem để lên trên án chăng? hay đem cất vào trong tủ chăng? làm thế e rằng xác hoa hãy còn ở nhân-gian, bây giờ tuy tạm khỏi bùn nhơ, ngày khác biết đâu không vất-vả; hay đem thả xuống ao nước chăng? nhưng đây không phải là chỗ viên lâm, tìm đâu ra một vũng nước trong mà thả? Mộng-Hà muốn nghĩ lấy một cách xử trí cho được thỏa đáng, mà nghĩ ba bốn bận vẫn chưa tìm được cách gì. Chợt sực nghĩ ra mà rằng: « Ngày xưa Lâm-tần-Khanh chôn hoa mà thành một câu chuyện hay đến giờ, việc trước là thầy của việc sau, góp thêm một nấm ở bên mồ Mai-Hương ấy là việc của ta ngày nay, kẻ đa tình phải nên như thế. Ta sao nỡ quản cái công phu khó nhọc một chốc, không làm cho hết trách-nhiệm mà để Lâm-tần-Khanh cười cho? Nói xong lại hý-hửng mà rằng: « Ta đã có cách để yên ủy cho tri-kỷ ta rồi đó. » Bèn thu nước mắt, xách bao hoa, phấn chấn tinh thần, mà dời gót đến bên hòn núi giả.

Than ôi! Gió đông rã cánh hoa tàn, ong hờn bướm giận muôn vàn thương tâm. Mộng-Hà đã đến bên hòn núi giả, đặt bao hoa xuống, lấy một con dao cùn, tìm một chỗ đất sạch, đào thành một hố, bỏ bao hoa xuống, rồi lấy đất nhỏ phủ lên trên, lại đắp cao lên thành một cái nấm để dễ ghi nhớ. Đắp điếm xong rồi, chàng vào trong nhà lấy một cái chén pha lê vẫn uống rượu, nghiêng bình rượu rót độ lưng chén, đem ra chỗ chôn hoa mà rẩy khắp bốn chung quanh. Bấy giờ trên mặt Mộng-Hà chợt hiện ra một cái vẻ não nùng sầu thảm, bởi vì chàng sịch cảm đến cái thân thế mây trôi bèo giạt của chàng. Mệnh chàng bạc nào có khác gì hoa này đâu! Bông hoa bạc mệnh, còn gặp được chàng là khách si tình, thương vì sắc, tiếc vì hương, nhặt nắm xương tàn mà vì hoa đắp-điếm; một nấm vùi nông, hồn hoa đã có nơi nương tựa, đời hoa như thế ai bảo là không may! Còn như thân ta thì nửa đời lận-đận, nghìn dậm chơ vơ, sống gửi tay người, chết nằm quán khách, đời mà đến thế, đời tài hoa cũng là đời bỏ đi, lối trước mờ mịt, đường sau tối tăm, ta sinh lỗi thời, mệnh cùng như vậy, tưởng đến nỗi đường xa mưa gió, đời ta sau đó sẽ làm sao? Nghĩ thế rồi chàng liền ngâm câu thơ của Tần-Khanh: « Chôn hoa người bảo em si, chôn em nào biết chắc về tay ai? », bất giác lại như gợi nguồn sầu, dường khêu mạch cảm; hoa tươi dễ héo, trời thẳm vô tình; thiều-quang vùn-vụt đợi gì ai, tri-kỷ xa-xăm mong chẳng thấy; đường dài man-mác, trăm mối ngổn-ngang; giọt lệ ngắn dài, chẳng biết đã từ đâu rơi xuống! Tần-Khanh đứng ở trước mồ Mai-Hương, còn được có Bảo-Ngọc làm người đồng điệu; nay Mộng-Hà một mình đứng đấy, lại làm cái việc của Tần-Khanh, vậy Tần-Khanh nào đâu? cái người cười Mộng-Hà là si ấy là ai? lại cái người chung lòng góp lệ với Mộng-Hà ấy là ai? Tri-kỷ của Mộng-Hà chỉ có nắm hoa tàn trong mả đó mà thôi ư? Mộng-Hà lại sụt-sùi khóc lóc chiêu hồn cho hoa mà rằng: « Hoa ơi hoa! ba sinh giấc mộng, hoa tỉnh ra chưa? Đời hoa sao ngắn? sầu ta còn dài! Một nắm đất sạch, đã vùi xương hoa, một cụm cỏ thơm, đã gửi hồn hoa, một chén rượu nồng, đã cúng cho hoa, một tiếng chim hôm, đã viếng cùng hoa, hoa đã biết hay còn chửa biết? Than ôi, phong quang buổi trước, tan tác ngày nay, đình Mẫu-đơn bao lại thấy hồn về, lầu Yến-tử chẳng qua còn tiếng để. Tuy nhiên tiếng kèn gọi nguyệt, Văn-Cơ về đất Hán có ngày, vết nhẫn in tay, Ngọc-Tiên hẹn chàng Vi tự thủa. Hoa như biết cảm, thì sang năm xuân về, đầu cành nên sớm trổ bông tươi cánh đẹp, để yên ủy lòng ta tháng đợi năm chờ. »

Mộng-Hà đến bấy giờ đã khóc không thành tiếng nữa. Cặm-cụi nửa ngày, tâm thần mỏi mệt; gia-dĩ đêm hôm qua thâu canh chẳng ngủ, hôm nay lại cảm chịu một sự thương đau quá độ, vì thế mà mình yếu lả đi, bèn phải dời gót vào trong nhà. Ngoài sân bấy giờ lại vắng ngắt không ai, chỉ có một nấm mồ hương, chung quanh tưới đầy những nước mắt của chàng thôi vậy.